Cách vận dụng nhận định về chức năng văn học vào bài

Nhận định về chức năng của văn học và cách vận dụng vào bài viết

Nhận định 1

“Văn chương cho con người sống nhiều cuộc đời khác, sống về phía khác của cuộc đời mình”

Giải thích: Tác phẩm văn học bao giờ cũng được viết ra từ một điểm nhìn cụ thể của nhà văn và miêu tả những số phận khác nhau trong cuộc sống. Đọc một tác phẩm văn học, ta không chỉ được nhìn nhận cuộc sống từ một điểm nhìn khác (điểm nhìn của nhà văn) mà còn trải nghiệm biết bao số phận, cuộc đời (của các nhân vật). Nếu như dòng chảy lịch sử rộng lớn quan tâm đến những tập thể, những lực lượng thì văn học lại quan tâm đặc biệt đến những nếm trải cá nhân, những thiểu số khuất lấp. Tác phẩm văn học cho con người khả năng sống “một cuộc đời khác”, trải nghiệm những trải nghiệm tinh thần mà ta không thể có được trong cuộc sống hiện thực. Đọc một tác phẩm thực sự có giá trị, ta không chỉ nhìn thấy cuộc sống bề ngoài hay số phận của nhân vật mà còn sống cùng với những tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ của nội tâm nhân vật trước hiện thực ấy. Thậm chí, có thể nói, văn học còn là môi trường để chúng ta có thể tiếp xúc với những kẻ không giống ai, gàn dở như Đôn-ki-hô-tê, Huấn Cao, Từ Hải,… và đó chính là những kẻ hoàn toàn khác ta về thân phận, trải nghiệm hay quan niệm sống. Chính điều đó cho ta khả năng “sống về phía khác của cuộc đời mình”, trải nghiệm và thực sự hiểu được nếm trải tinh thần của phần còn lại của cuộc sống, từ đó khai mở tâm hồn và học cách đồng cảm, tôn trọng, thấu hiểu những điều khác biệt. 

=>  Những vấn đề liên hệ vận dụng: Chức năng giao tiếp của văn học, Chức năng hòa giải của văn học, Giá trị của văn học trong cuộc sống hiện đại (một xã hội phi trung tâm, nhiều hệ giá trị cùng lên tiếng, những giá trị ngoại biên ngày càng được khẳng định, toàn cầu hoá làm cho chúng ta sống cùng với những người khác mình,…),...

 

Nhận định 2

“Văn học không quan tâm đến câu trả lời do nhà văn đem lại, mà quan tâm đến những câu hỏi do nhà văn đặt ra và những câu hỏi này luôn rộng hơn bất kì câu trả lời cặn kẽ nào.”

Giải thích:
Văn học phản ánh hiện thực đời sống và hiện thực ấy luôn ẩn chứa những vấn đề, mâu thuẫn, nghịch lý,… Đó là những chuyện còn ngổn ngang trong cuộc sống, có thể là hiện thực bất công, là mặt trái của xã hội hay góc khuất của nội tâm con người,… “Những câu trả lời” chính là những lời giải, biện pháp giải quyết cụ thể cho những vấn đề ấy. Tuy nhiên, văn học không phải chính trị hay xã hội học, bởi vậy, thực tế, văn học “không quan tâm” đến những câu trả lời. Giá trị cốt lõi của một tác phẩm không bao giờ nằm ở chỗ nó có thể đưa ra giải pháp gì cho những vấn đề đang tồn tại trong xã hội. Văn học “quan tâm đến những câu hỏi do nhà văn đặt ra”, tức là quan tâm đến  những vấn đề mà nhà văn có khả năng thâu tóm vào tác phẩm. Giá trị của tác phẩm thể hiện ở tầm vóc của những vấn đề mà nó đặt ra, ở chỗ đó chỉ là vấn đề của một địa phương, trong một giai đoạn lịch sử hay là vấn đề muôn thuở của cả loài người; đó chỉ là những mâu thuẫn bề mặt hay những mâu thuẫn bề sâu thuộc về bản chất;… Nhận định đã khẳng định “Câu hỏi này luôn rộng hơn bất kỳ câu trả lời cặn kẽ nào”. Bởi “câu trả lời” luôn là một thứ đã hoàn chỉnh, đóng khép, trong khi những câu hỏi lại rộng mở và đặt ra nhiều khả năng. Một tác phẩm có giá trị luôn gợi ra trong lòng người đọc sự băn khoăn, trăn trở để rồi với mỗi người đọc, cùng với một tầm đón riêng, sẽ đưa ra những câu trả lời riêng biệt. Nhận định đã nhấn mạnh giá trị của tác phẩm văn học không phải ở khả năng đưa ra những giải pháp cho những vấn đề cuộc sống, mà là ở khả năng làm cho người đọc phải nhận ra, suy tư và thức tỉnh về những vấn đề đó.

=> Những vấn đề liên hệ vận dụng: Chức năng nhận thức của văn học, Cái nhìn của nhà văn về hiện thực đời sống, Tiếp nhận văn học,…

Nhận định 3

– “Ngồi trong xó nhà mà lịch lãm suốt hết các nơi danh lam thắng cảnh của thiên hạ, xem trên mảnh giấy mà tinh tường được hết các việc hay, việc dở của thế gian; sinh ở sau mấy nghìn năm mà tự hồ như được đối diện và được nghe tiếng bàn bạc của người sinh về trước mấy nghìn năm, cũng là nhờ có văn chương cả.”

Giải thích: Nhận định đã bàn về chức năng nhận thức của văn học. Văn học bao giờ cũng phản ánh hiện thực cuộc sống, trước hết là ngay trong thời đại mà nó ra đời. Hiện thực mà tác phẩm nhận thức và phản ánh trong tác phẩm có thể là phong cảnh thiên nhiên (“danh lam thắng cảnh trong thiên hạ”), những sự kiện, hiện thực xã hội (“việc hay việc dở của thế gian”) và thậm chí là những suy tư, tình cảm của nội tâm con người (“tiếng bàn bạc”). Những hiện thực ấy không chỉ giới hạn trong không-thời gian mà con người đang sống mà còn mở rộng đến vô cùng (“suốt hết”, “hết thảy”, “về trước mấy nghìn năm”). Có thể nói, nhận định đã khẳng định khả năng nhận thức hiện thực của văn học ở cả chiều rộng của cuộc sống và chiều dài của thời gian. 

=> Những vấn đề liên hệ vận dụng: Chức năng nhận thức của văn học, Giá trị của văn học, Chức năng giao tiếp của văn học,…

Xem thêm:

  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học