Giải thích các nhận định về truyện ngắn

Giải thích các nhận định về truyện ngắn

Tham khảo: Trọn bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10 (có đáp án).

Về nội dung lí luận văn học của truyện ngắn Thích Văn học cũng đã chia sẻ với các bạn những vấn đề liên quan đến đặc trưng của thể loại này. Còn với bài viết dưới đây thì Thích Văn học lại tiếp tục giới thiệu đến cho các bạn những nhận định truyện ngắn tiêu biểu có thể dễ dàng liên hệ, mở rộng trong bài viết của mình và những lí giải cụ thể cho những nhận định ấy. 

 

Nhận định 1

“Điều quan trọng đối với truyện ngắn là phải lựa chọn được cái tình thế tự nó bộc lộ ra nét chủ yếu của tính cách và số phận, tự nó đặc trưng cho một hiện tượng xã hội”. (Theo Trần Đăng Suyền, Phương pháp nghiên cứu và phân tích)

Gợi ý giải thích

– Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ mà nội dung thường chỉ xoay quanh một tình huống truyện chủ chốt nào đó.

– Đối với truyện ngắn, tình huống là hạt nhân trong cấu trúc của tác phẩm. Nó chính là cái hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt khiến cho tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất.

– Truyện ngắn cũng có tính cách và số phận như truyện dài. Nhưng vì khuôn khổ của truyện ngắn bị hạn chế nên không thể nói nhiều, nói đầy đủ như truyện dài. Do đó, “ điều quan trọng đối với truyện ngắn là phải lựa chọn cho được cái tình thế tự nó bộc lộ ra nét chủ yếu của tính cách và số phận, tự nó đặc trưng cho một hiện tượng xã hội”.

=> Như vậy, nhận định của Nguyễn Kiên đã khẳng định tầm quan trọng và vai trò của tình huống truyện trong việc làm nổi bật một bản chất tính cách, số phận  nhân vật, bộc lộ một tâm trạng và phản ánh hiện tượng xã hội trong tác phẩm truyện ngắn.

 

Nhận định 2

“Rất nhiều tác giả của những truyện ngắn hay là những người cầm bút có cái biệt tài có thể chọn trong cái dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất (…), thậm chí có khi đó là cái khoảnh khắc chứa cả một đời người, một đời nhân loại”. (Nguyễn Minh Châu)

Gợi ý giải thích

Truyện ngắn là một loại của tự sự, có dung lượng nhỏ. Vì thế, tác giả truyện ngắn không thể quan sát, miêu tả tỉ mỉ cuộc sống, mà phải biết chọn một khoảnh khắc, tức một khoảng ngắn của thời gian, từ đó, bằng tài năng của mình làm cho cuộc sống hiện lên đầy đủ nhất và chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất, có thể chứa cả một đời người, một đời nhân loại. Nghĩa là, với khoảng ngắn thời gian được lựa chọn, nhà văn có thể khắc họa được đầy đủ tính cách, số phận của nhân vật; khái quát được những nét bản chất nhất của đời sống cũng như thể hiện được ý đồ sáng tạo nghệ thuật của mình.

=> Ý kiến khẳng định: để có truyện ngắn thực sự giá trị, người cầm bút tài năng phải biết nắm lấy một khoảnh khắc đời sống để xây dựng nên tác phẩm của mình. Khoảnh khắc chính là hạt nhân tạo nên truyện ngắn.

 

Nhận định 3

“Truyện ngắn là giống như nước hoa quả cô đặc” (Nhà văn Trung Quốc: Trương Hiền Lương)

Gợi ý giải thích

 Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ mà nội dung thường chỉ xoay quanh một tình huống truyện chủ chốt nào đó.

– Truyện ngắn cần sự “cô đặc”: Tức là bàn sự ngắn gọn, súc tích, cô đúc của truyện ngắn trên mọi phương diện đặc trưng như đề tài, tình huống, lối hành văn, chi tiết, cốt truyện,….

– “Nước hoa quả cô đặc”: Nghĩa là ngắn gọn nhưng mà phải tinh tuý như nước nước hoa quả cô đặc.

=> Nhận định của Trương Hiền Lương đã đề cập đến đặc trưng của thể loại truyện ngắn: Truyện ngắn tập trung vào khoảnh khắc mà ý nghĩa cuộc sống đậm đặc nhất, ngắn gọn, hàm súc, có khả năng khái quát cao về hiện thực. 

 

Nhận định 4

“Theo tôi, viết truyện ngắn, cốt nhất phải tô đậm cái mở đầu và cái kết luận.” (Sêkhốp)

Gợi ý giải thích

– Phần mở đầu là phần giới thiệu hoàn cảnh nảy sinh, là cái nền để nhân vật bước vào hành động và tạo nên các xung đột của tác phẩm.

– Cái kết luận là phần kết có tác dụng tạo cho văn bản tính chất kết thúc ,tính chất đóng về cả phương diện nội dung lẫn phương diện hình thức. Là phần khép lại văn bản, làm cho văn bản có tính hoàn chỉnh. (Nơi tác phẩm kết thúc là nơi cuộc sống bắt đầu)

– “Cốt nhất phải tô đậm cái mở đầu và cái kết luận”: Nhà văn phải dụng công để tạo nên một cách mở đầu và kết thúc tác phẩm thật độc đáo, ấn tượng, gây chú ý cho người đọc.

– Phải tô đậm cái mở đầu và kết luận vì: Đối với tác phẩm văn học nói chung và nhất là truyện ngắn, mở đầu và kết thúc bao giờ cũng có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao giá trị tác phẩm.

=> Ý kiến của Sê khốp nhấn mạnh vai trò quan trọng của phần mở đầu và kết luận trong một truyện ngắn, mang đậm dấu ấn sáng tạo của nhà văn, đóng vai trò trong sự thành bại của một truyện ngắn. (Bên cạnh cốt truyện, nhân vật, tình huống truyện, sự việc, chi tiết…)

Xem thêm:

  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học