Giải thích nhận định LLVH về đặc trưng thơ

Giải thích nhận định về đặc trưng của thơ

Thơ là một thể loại văn học đặc biệt quan trọng, bởi vậy, các vấn đề lí luận về thơ thường xuất hiện khá phổ biến trong các đề thi HSG. Chính những nhà thơ cũng thường có những phát biểu, nhận định về bản chất và đặc trưng của thơ một cách đầy hình ảnh.

Hãy cùng Thích văn học giải thích một số nhận định hay về thơ để chuẩn bị kiến thức lí luận cho các bài viết trong tương lai nhé!

 

Nhận định 1

“Thi ca có một đặc tính kỳ lạ. Nó trả lại chữ cái tươi mát trinh bạch ban đầu. Những từ mờ nhạt nhất, bạc màu nhất mà chúng ta đã nói cạn, nói đến cùng, đã mất sạch tính hình tượng đối với ta, còn lại chẳng khác gì một cái vỏ từ, những từ ấy trong thi ca lại sáng lấp lánh, lại kêu giòn và tỏa hương” (Pauxtopxki)

Giải thích nhận định

Nhận định đã nói đến một “đặc tính kỳ lạ”, hay chính là một đặc trưng của thơ về mặt ngôn từ. Ngôn từ thơ không hẳn là những gì mới mẻ chưa từng xuất hiện, mà trước hết chính là ngôn ngữ chúng ta “đã nói”, ngôn ngữ của cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, ngôn ngữ trong cuộc sống hàng ngày lại là những từ “mờ nhạt nhất, bạc màu nhất”, “chẳng khác gì một cái vỏ từ”. Liên tục lặp sử dụng những từ như “nói cạn”, “đến cùng”, “mờ nhạt”, “bạc màu” và đặc sắc nhất là hình ảnh “vỏ từ”, Pauxtopxki muốn nói đến đặc điểm của ngôn ngữ trong cuộc sống như một phương tiện giao tiếp đơn thuần. Nếu như ngôn ngữ có hai mặt biểu hiện và được biểu hiện, thì với tư cách của một phương tiện giao tiếp, ngôn ngữ chỉ còn lại ý nghĩa về mặt được biểu hiện, tất cả giá trị của ngôn từ-phương tiện ấy nằm ở cái nội dung trong nó chứ không phải hình thức bên ngoài. Những từ ngữ do được sử dụng nhiều lần mà dần trở nên cũ mòn, sáo rỗng, đến nỗi khi sử dụng và tiếp nhận nó, con người chỉ còn quan tâm đến cái nội dung bên trong mà từ ngữ biểu hiện chứ không quan tâm đến chính bản nó. Ta thấy rằng trong giao tiếp hàng ngày, điều quan trọng là có thể tiếp thu được nội dung truyền tải, chứ không phải ghi nhớ từng câu từng chữ mà người khác nói. Nhưng ngôn từ trong thơ không phải ngôn từ-phương tiện mà là ngôn từ-nghệ thuật. Trong cấu trúc đặc biệt của một bài thơ, những từ ngữ tưởng như quen thuộc ấy đã quay lại với cái “tươi mát trinh bạch ban đầu”, “lại sáng lấp lánh, lại kêu giòn và tỏa hương”. Mỗi chữ trong thơ đều có một tầm quan trọng riêng, một giá trị riêng ở cả hai mặt biểu hiện và được biểu hiện. Chữ trong thơ không phải thứ phương tiện vô hồn chỉ để truyền tải một nội dung ngoài nó mà bản thân những chữ đó cũng có những giá trị tự thân. Đôi khi, giá trị của bài thơ nằm ở chính bản thân những chữ được dùng đắt giá đó, ở tính nhạc, ở vẻ đẹp của ngôn từ hơn là nội dung ý nghĩa phía sau. Nhận định về thơ của Pauxtopxki đã khẳng định khả năng của thơ trong việc tái sinh những con chữ cũ mòn trong đời sống trở nên những ngôn từ nghệ thuật đầy sức gợi và giàu tính hình tượng.

 

Nhận định 2

“Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm.” (Vôn-te)

Giải thích nhận định

Trong ý kiến của mình, Vôn-te đã đặt ra một định nghĩa về thơ. Ông coi thơ là “âm nhạc của tâm hồn”, nhấn mạnh vào đặc điểm về nội dung và hình thức của thể loại đặc biệt này. Thơ trước hết là tiếng nói của “tâm hồn”,  là sự phát ngôn của tình cảm, cảm xúc. Nhưng đó không phải là tình cảm được thể hiện một cách thông thường. Một người nói rằng anh ta đang vui hay đang buồn cũng chưa hẳn đã là thơ. Thơ phải là một tình cảm được thể hiện bằng “âm nhạc”. “Âm nhạc” là một cách nói đầy hình ảnh của Vôn-te về tính nhạc, về âm điệu hay tổ chức ngôn ngữ đặc biệt của thơ. Đó là sự hòa quyện giữa cảm xúc của con người và nhạc tính của ngôn từ, là sự hòa quyện chứ không phải ghép nối thông thường. Mối quan hệ giữa tính nhạc và cảm xúc trong thơ không phải mối quan hệ giữa chiếc ly và rượu, mà là mối quan hệ giữa hai mặt của một tờ giấy, không thể tách rời. Ở vế sau của nhận định, Vôn-te còn nhấn mạnh thêm: “nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”. Tình cảm trong văn học nói chung và thơ ca nói riêng không bao giờ là những tình cảm tầm thường, đơn lẻ mà luôn là những gì cao cả, nhạy cảm khác thường. Sự tiếc nuối, buồn giận khi mất chiếc ô không phải là tình cảm của thơ, mà chỉ có nỗi băn khoăn đầy lãng mạn “Lấy gì đi sớm về trưa với tình” (Nguyễn Bính) mới trở thành thơ là vậy. 

 

Nhận định 3

“Thơ là điệu hồn đi tìm tâm hồn đồng điệu” (Tố Hữu)

Giải thích nhận định

“Điệu hồn” là một kết hợp từ độc đáo của Tố Hữu. Chúng ta thường quen với những cách nói như “điệu nhạc” hay “tâm hồn”, vậy “điệu hồn” là gì, và liệu có thể hiểu điệu hồn như cách nói về tình cảm, cảm xúc đơn giản hay không? Nhận định của Tố Hữu trước hết là sự khẳng định về nội dung của thơ. Thơ là tiếng lòng, là tình cảm, cảm xúc, là những rung động chân thành của tâm hồn thi sĩ trước hiện thực cuộc sống. Nhưng đó không phải những tình cảm riêng lẻ, tình cờ mà là một “điệu hồn”, là tình cảm đặc trưng của một cá tính riêng biệt. Điệu tâm hồn là cách cảm riêng, là lối rung động riêng của một cá thể riêng trước cuộc đời. Những rung động tinh tế ấy, mặc dù mang tính cá nhân sâu sắc, lại được gửi gắm vào bài thơ với mục đích “đi tìm tâm hồn đồng điệu”. Những tâm hồn đồng điệu là những tâm hồn có chung cách cảm, chung nhịp rung động với điệu hồn của nhà thơ. Thơ kết nối nhà thơ và độc giả bằng sợi dây tình cảm. Mỗi bài thơ được sáng tác giống như một lần nhà thơ phát ra tần số tình cảm tâm hồn mình để tìm kiếm những tâm hồn có cùng tần số, là con đường để kiếm tìm những tri kỷ, tri âm. Qua nhận định, Tố Hữu đã khẳng định nguồn cội của thơ ca là những tình cảm cá nhân, riêng biệt nhất, nhưng chính thơ cũng đồng thời lại là sợi dây kết nối hồn người.

Xem thêm:

  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học