Giải thích nhận định về đặc trưng truyện ngắn

Giải thích một số nhận định về đặc trưng truyện ngắn

Nhận định 1

“Tôi thường hình dung thể loại truyện ngắn như mặt cắt giữa một thân cây cổ thụ: Chỉ liếc qua những đường vân trên cái khoanh gỗ tròn tròn kia, dù sau trăm năm vẫn thấy cả cuộc đời của thảo mộc” – Nguyễn Minh Châu

Khi cắt ngang một thân cây cổ thụ, số vòng tròn trên mặt cắt sẽ thể hiện cho số tuổi của cây, bởi vậy nên chỉ “liếc qua những đường vân” là có thể “thấy cả cuộc đời của thảo mộc”. Trong nhận định của mình, Nguyễn Minh Châu đã sử dụng hiện tượng này để tạo lập phép so sánh truyện ngắn – “mặt cắt giữa một thân cây cổ thụ”, dùng cách nói hình ảnh để chỉ ra phương thức phản ánh hiện thực đời sống đặc trưng của thể loại này. Nếu như thể loại tiểu thuyết có dung lượng rất dài, có thể miêu tả hệ thống nhân vật đồ sộ với nhiều tuyến truyện phức tạp đan xen diễn ra trong một khoảng thời gian dài (có thể là nhiều thế hệ), thì truyện ngắn lại có dung lượng rất ngắn, nội dung thường chỉ xoay quanh một tình huống nhất định, ít nhân vật, ít sự kiện và hạn chế trong một không-thời gian hẹp. Đây là đặc trưng hình thức rất riêng biệt của truyện ngắn so với các thể loại văn học khác. Tuy nhiên, cái “ngắn” ở đây chỉ là ngắn về khía cạnh dung lượng, trên thực tế, đôi khi một truyện ngắn xuất sắc có thể có sức khái quát và phản ánh hiện thực lớn hơn một bộ tiểu thuyết đồ sộ. Có thể nói rằng, truyện ngắn chỉ là một khoảnh khắc của hiện thực, nhưng lại là cái khoảnh khắc mà trong đó cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất. Trong một dung lượng ngắn ngủi, người nghệ sĩ không chỉ phản ánh hiện thực thời đại lúc bấy giờ, mà còn khái quát cả những quy luật thuộc về bản chất của đời sống và hơn hết là khám phá hiện thực bề sâu của tâm hồn con người. Nhận định của Nguyễn Minh Châu đã dùng mối quan hệ giữa mặt cắt của một thân cây cổ thụ với cả “cuộc đời thảo mộc” để nói lên mối quan hệ giữa “truyện ngắn” và “hiện thực đời sống”, khẳng định một đặc trưng của thể loại này: chỉ tái hiện một “khoảnh khắc” của hiện thực nhưng lại có sức khái quát, phản ánh trọn vẹn cả hiện thực lớn lao.

 

Nhận định 2

“Tình huống chính là thứ nước rửa ảnh làm nổi hình nổi sắc nhân vật, làm rõ tư tưởng nhà văn, là khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người” – Nguyễn Minh Châu

Tình huống là một khái niệm đặc biệt quan trọng đối với thể loại truyện ngắn. Nếu như các thể loại khác như truyện vừa và tiểu thuyết có thể kể những câu chuyện rất dài xoay quanh nhiều nhân vật trong những không thời gian khác nhau, thì nội dung của truyện ngắn thường chỉ xoay quanh một tình huống. Có thể coi tình huống như hạt nhân trung tâm của mọi tác phẩm thuộc thể loại này. Tình huống là một tình thế đặc biệt của đời sống, là một sự kiện chứa đựng những mâu thuẫn, bất thường thậm chí là nghịch lý trong cuộc sống của nhân vật. Nhận định của Nguyễn Minh Châu đã bàn về vai trò của tình huống đối với thể loại truyện ngắn. Trong thể loại đặc biệt này, nhà văn không có nhiều không gian để khắc hoạ trọn vẹn nhân vật, không có nhiều bút mực để biện luận cho tư tưởng và cũng không có nhiều dung lượng để kể lại cả một đời người. Vậy làm thế nào để mặt cắt kia có thể khái quát “cả một đời thảo mộc”? Khả năng kỳ diệu ấy của truyện ngắn nằm ở tình huống truyện. Một tình huống được xây dựng thành công sẽ tạo nên một hoàn cảnh, một tình thế đặc biệt mà trong đó các nhân vật rơi vào tình huống phải “vỡ lẽ” về một quy luật của cuộc sống (tình huống nhận thức), phải thực hiện một hành động lựa chọn (tình huống hành động) hay nảy sinh một tình cảm, cảm xúc đặc biệt (tình huống tâm lý). Chính cách nhân vật phản ứng trước tình huống sẽ “làm nổi hình nổi sắc nhân vật”, làm nổi bật các đặc điểm tâm lý, tính cách, bản chất,… của anh ta. Bên cạnh đó, cách tác giả đặt ra tình huống cũng cho thấy chiều sâu tư tưởng của anh ta. Những mâu thuẫn của tình huống có phản ánh đúng mâu thuẫn của hiện thực đời sống hay không, đó là mâu thuẫn ở bề nổi hay mâu thuẫn thuộc về bản chất, mâu thuẫn đó được giải quyết như thế nào,… Đặt ra những câu hỏi ấy, ta sẽ thấy được tầm vóc tư tưởng của nhà văn. Cuối cùng, theo Nguyễn Minh Châu, tình huống còn là “khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người”. Tình huống của truyện ngắn thường chỉ tái hiện một khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời của con người, nhưng đó không phải một khoảnh khắc ngẫu nhiên, bất kỳ mà là một khoảnh khắc được nhà văn kỳ công sáng tạo. Trong khoảnh khắc đó, con người hiện lên với những nét bản chất nhất, khái quát nhất để rồi bộc lộ “cả một đời người” là như vậy. Nhận định của Nguyễn Minh Châu đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của tình huống đối với thể loại truyện ngắn.

 

Nhận định 3

“Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm” – Paustovsky

Trong tiểu thuyết “Bông hồng vàng và Bình minh mưa”, nhà văn Paustovsky từng kể câu chuyện về một người thợ quét rác thành Paris kiên trì thu gom những hạt bụi vàng để làm nên bông hồng vàng tuyệt đẹp. Chính ông đã sử dụng câu chuyện này để nói về giá trị của những chi tiết nhỏ bé đối với một tác phẩm văn học. “Bụi” là những gì nhỏ bé, mờ nhạt, vô giá trị và dễ bị bỏ qua. Nhưng bụi vàng thì không như vậy. Bụi vàng là hình ảnh biểu tượng của những thứ nhỏ bé, kín đáo tưởng như vô hình nhưng lại có giá trị lớn lao, lấp lánh trong mắt những người hiểu được giá trị của nó. Nếu như tác phẩm văn học là một bông hồng vàng, thì chi tiết chính là những hạt bụi đã tạo nên bông hồng đó vậy. Chi tiết là những tiểu tiết trong tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Không nổi bật như tình huống truyện, chi tiết là những nét chấm phá nhỏ bé, kín đáo ẩn mình xuyên suốt cả tác phẩm. Nhỏ bé nhưng không vô nghĩa, chi tiết là những kí hiệu mà tác giả kỳ công gửi gắm, là tín hiệu chỉ lối cho người đọc trên con đường đi vào tác phẩm. Đặc biệt, đối với thể loại truyện ngắn vốn có dung lượng không dài, tác giả không có nhiều không gian để miêu tả tỉ mỉ, chi tiết về nhân vật và sự kiện, thì những chi tiết nhỏ với sức chứa lớn lại càng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong việc tạo nên tính hàm súc, cô đọng cho tác phẩm. Với cách nói hình ảnh về “bụi vàng của tác phẩm”, Paustovsky đã khẳng định giá trị vô cùng quan trọng của những chi tiết nhỏ bé đối với tác phẩm văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng.

Xem thêm:

  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học