Giải thích nhận định nghị luận văn học trong đề thi chuyên 2024 - 2025

Giải thích nhận định NLVH trong đề thi chuyên 2024 – 2025

Các bạn hãy cùng Thích Văn học giải thích những nhận định nghị luận Văn học trong đề thi chuyên năm học 2024 – 2025 nhé!

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư quan niệm: “Tôi tin người ta luôn có những câu chuyện giống nhau, cùng sở hữu một vốn từ ngữ gần như nhau, nhưng mỗi người sẽ có một cách kể riêng của mình, từ cách chạm vào đời sống, cách người ta đặt tấm gương đón nhận những hình ảnh phản chiếu của đời sống ấy, tái tạo lại với tài năng thiên bẩm, sự trắc ẩn và tinh tế.”

(Trích bài viết “Thế đứng của người viết” của Nguyễn Ngọc Tư, in trong cuốn “Nhà văn nói về nghề”, Nhiều tác giả, Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn học, 2022, tr.308 – Đề thi chuyên Thừa Thiên Huế)

  • “Tôi tin người ta luôn có những câu chuyện giống nhau, cùng sở hữu một vốn từ ngữ gần như nhau”: tức là nhấn những người nghệ sĩ có chung mảnh đất hiện thực, có chung chất liệu ngôn từ. 
  • “Mỗi người sẽ có một cách kể riêng của mình, từ cách chạm vào đời sống, cách người ta đặt tấm gương đón nhận những hình ảnh phản chiếu của đời sống ấy, tái tạo lại với tài năng thiên bẩm, sự trắc ẩn và tinh tế.”: tức là mỗi người nghệ sĩ bằng tài năng trời sinh, tấm lòng thương cảm, rung động với đời và sự cảm nhận những cái đẹp dù chỉ là nhỏ nhặt của cuộc sống đã tạo nên phong cách riêng, cách nhìn, cách góp nhặt, khai thác hiện thực cuộc sống riêng của mình.

=> Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã mang đến quan niệm đúng đắn về đặc điểm hành trình sáng tạo nghệ thuật của những người sáng tác. Cụ thể là văn chương đều bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, đều lấy ngôn ngữ làm chất liệu nhưng mỗi người nghệ sĩ với những trải nghiệm, góc nhìn, trái tim và tài năng riêng đều có cách khám phá và truyền tải khác nhau, không trộn lẫn. 

“Một tòa nhà tráng lệ được dựng lên từ những viên gạch hồng chắc chắn. Nhưng những viên gạch vốn ban đầu chỉ là khối đất lặng im. Điều đáng chú ý, chúng đã được tạo nên qua bàn tay lựa chọn, nhào nặn, tinh luyện, khéo léo và tâm huyết của người thợ.”

(Đề thi chuyên Khoa học Xã hội & Nhân văn)

  • “Những viên gạch hồng”: là ẩn dụ cho những yếu tố tạo nên một tác phẩm nghệ thuật chân chính mà theo như trong đoạn văn là “một tòa nhà tráng lệ”. Những yếu tố ở đây có thể là, những giá trị tư tưởng, những đặc sắc nghệ thuật,….
  • “khối đất lặng im”: nghĩa là hiện thực cuộc sống trần trụi, những ngôn ngữ chung của nhân loại, tựu trung lại là những chất liệu, phương tiện ban đầu chưa được người nghệ sĩ gạn lọc, sáng tạo.
  • “bàn tay lựa chọn, nhào nặn, tinh luyện, khéo léo và tâm huyết của người thợ”: tức là thông qua lăng kính của người nghệ sĩ, sự chọn lọc những giọt mật cho đời, sống sâu trong hiện thực, sự tinh tế, nhạy cảm và sâu sắc, vị nhân sinh của mỗi người nghệ sĩ thì có thể xây dựng nên tác phẩm nghệ thuật chân chính.

=> Như vậy, câu chuyện đã khẳng định vai trò của người nghệ sĩ trong hành trình sáng tạo nên những kiệt xuất văn chương cũng như đối với một tác phẩm văn chương chân chính thì phải là kết quả của sự lao tâm khổ trí, xây dựng từ những giá trị nội dung và hình thức đặc sắc. 

“Một trong những mục đích của sáng tạo trong văn chương là để người viết được lan toả tình yêu thương cũng như vẻ đẹp tâm hồn mình tới mọi người!”

(Đề thi vào chuyên Phú Yên)

  • “Mục đích của sáng tạo trong văn chương” có nghĩa là đích hướng đến đối với quá trình sáng tác, tạo nên những giá trị mới mẻ của văn chương hay nói cách khác là của hình thái ý thức xã hội, của loại hình sáng tạo nghệ thuật bằng ngôn từ.
  • “Người viết được lan toả tình yêu thương cũng như vẻ đẹp tâm hồn mình tới mọi người”: tức là người viết gửi gắm trong tác phẩm của mình những giá trị tư tưởng, những suy nghĩ, cảm xúc, trăn trở cũng như những vẻ đẹp bên trong, nhân cách con người của mình.

=> Ý kiến đã khẳng định được sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ trong quá trình sáng tác văn chương. Đó là việc lan tỏa, truyền tải đến cho bạn đọc những tình cảm tốt đẹp giữa người với người, tấm lòng nhân đạo và vẻ đẹp bên trong con người mình qua những áng văn chương. Để rồi, từ đó thanh lọc tâm hồn và hướng người đọc đến những giá trị tốt đẹp.

Tham khảo những bài viết liên quan:

Giải thích nhận định trong một số đề thi học sinh giỏi

Giải thích nhận định trong đề nghị luận xã hội 

Cách vận dụng nhận định về chức năng văn học vào bài viết 

Xem thêm:

  • Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học