Ở bài viết trước, Thích Văn học đã đem đến cho các phần 1 của chuỗi bài viết “Các chuyên đề thể loại” với thể loại tiểu thuyết, và để tiếp nối thành công ấy, chúng mình xin được gửi tới các bạn học sinh phần tiếp theo của chuyên đề: Thể loại truyện ngắn. Đây cũng đồng thời là một trong những đơn vị kiến thức quan trọng trong học tập và kiểm tra đánh giá trong chương trình Ngữ Văn THPT.
Chúc các bạn học tập vui vẻ!
1. Tri thức cần đạt
Khái niệm: Là thể loại tự sự cỡ nhỏ, ở đó, sự ngắn gọn được nhìn nhận là một đặc trưng nổi bật, phản ánh nét riêng của tư duy thể loại. Truyện ngắn thường chỉ xoay quanh một, hai tình huống diễn ra trong khoảng thời gian, không gian hạn chế. Do dung lượng bị giới hạn, truyện ngắn đòi hỏi sự chắt lọc, dồn nén của các chi tiết và việc vận dụng bút pháp chấm phá trong trần thuật.
Truyện ngắn hiện đại là khái niệm thường dùng nhằm phân biệt với truyện ngắn trung đại. truyện ngắn hiện đại có một số đặc điểm như sau đáng lưu ý:
- Về đề tài, truyện ngắn hiện đại nghiêng về kể những câu chuyện đương thời, của đời sống thường nhật, không nhất thiết phải hướng tới những nhân vật và sự kiện kì lạ, phi thường.
- Về cấu trúc, truyện ngắn hiện đại thường được tổ chức xoay quanh một lát cắt của đời sống, ít thể hiện tham vọng bao quát toàn bộ sự kiện hay số phận nhân vật.
- Về xây dựng tính cách, truyện ngắn hiện đại quan tâm diễn tả những thay đổi về tâm lí, ứng xử của nhân vật trong quá trình phát triển của câu chuyện.
- Về nghệ thuật trần thuật, truyện thường có sự linh hoạt điểm nhìn và sử dụng ngôn ngữ gần gũi với đời thường, trong đó việc miêu tả nét riêng của ngôn ngữ nhân vật được đặc biệt chú trọng.
2. Các yếu tố cần lưu ý khi tiếp cận tác phẩm
Ở bài viết trước, Thích Văn học đã chỉ ra một số yếu tố cần lưu ý khi tiếp cận thể loại tự sự nói chung, sau đây là một số yếu tố đặc biệt cần xem xét kĩ càng với thể loại truyện ngắn:
Cốt truyện của truyện ngắn hiện đại thường đơn giản, cô đúc; tập chung xoay quanh một tình huống. Trong đó, các sự kiện trong câu chuyện được sắp xếp theo hướng tập chung vào một chuỗi vài biến cố chính, dồn nén mâu thuẫn trong một khoảng thời gian ngắn.
Điểm nhìn ngôi thứ ba (toàn tri, hạn tri) và sự thay đổi điểm nhìn:
- Điểm nhìn ngôi thứ ba toàn tri: Tầm hiểu biết của người kể chuyện bao trùm toàn bộ thế giới nhân vật, không bị giới hạn trong cái nhìn của nhân vật nào, thấu suốt tất cả suy nghĩ và cảm xúc của các nhân vật, tất cả mọi thời điểm, địa điểm và sự kiện.
- Điểm nhìn ngôi thứ ba hạn tri: Tầm hiểu biết của người kể chuyện chỉ giới hạn trong cái nhìn của một nhân vật trung tâm, chỉ thấu suốt suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật đó và các sự kiện mà nhân vật đó biết.
- Thay đổi điểm nhìn: Trong nhiều tác phẩm hiện đại, thường có sự di chuyển điểm nhìn kể chuyện, có thể từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ ba, từ ngôi thứ ba hạn tri sang toàn tri, hoặc giữa nhiều ngôi thứ nhất khác nhau. Thủ pháp này có nhiều tác dụng trong việc thể hiện ý đồ nghệ thuật của tác giả, dẫn dắt độc giả vào thế giới tinh thần của nhân vật, quan sát, thể hiện sự việc, con người nhiều góc nhìn,…
Nhân vật trong truyện: Truyện ngắn hiện đại thường chỉ có 1-2 nhân vật chính – tức nhân vật hiện lên như một chủ thể độc lập, giữ vai trò chủ đạo trong việc thể hiện chủ đề và tư tưởng của tác phẩm – được khắc hoạ qua ngoại hình, hành động, đối thoại, độc thoại nội tâm và qua đánh giá của các nhân vật khác cũng như của người kể chuyện.
3. Nhận định đặc sắc về thể loại truyện ngắn và tác phẩm tự sự
- “Tôi thường hình dung thể loại truyện ngắn như mặt cắt giữa một thân cây cổ thụ: Chỉ liếc qua những đường vân trên cái khoanh gỗ tròn tròn kia, dù trăm năm sau vẫn thấy cả cuộc đời của thảo mộc”. (Nguyễn Minh Châu)
- “Tình huống chính là thứ nước rửa ảnh làm nổi hình nổi sắc nhân vật, làm rõ tư tưởng nhà văn, là khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người”. (Nguyễn Minh Châu)
- “Theo tôi, viết truyện ngắn cốt nhất phải tô đậm cái mở đầu và cái kết luận”. (Chekhov)
- “Truyện ngắn dẫu sau cũng phải ngắn, do đó, thủ thuật chủ yếu của truyện ngắn là thủ thuật điểm huyệt. Trên cơ thể con người cũng như trên cơ thể cuộc đời, có những huyệt điểm nào đó, có thể làm rung động tất cả. Truyện ngắn nhằm vào đó. Truyện ngắn điểm huyệt hiện thực bằng cách nắm bắt trúng những tình huống cho phép phơi bày cái chủ yếu nhưng lại bị che dấu trong muôn mặt cuộc sống hằng ngày”. (Nguyên Ngọc)
- “Truyện ngắn chính là cách cưa lấy một khúc đời sống”. (Tô Hoài)
- “Truyện ngắn là một truyện viết rất ngắn gọn, trong đó cái không bình thường hiện ra như một cái gì đó bình thường, và cái bình thường hiện ra như một cái gì đó không bình thường”. (Paustovsky)
4. Đề xuất một số truyện ngắn nổi bật
Đối với bậc THCS:
Văn học Việt Nam:
- Lão Hạc (Nam Cao)
- Cô hàng xén (Thạch Lam)
- Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam)
- Bầy chim chìa vôi (Nguyễn Quang Thiều)
Văn học nước ngoài:
- Người mẹ điên (Vương Hằng Tích)
- Con kì nhông (Chekhov)
- Chiếc lá cuối cùng (O. Henry)
- Tình yêu cuộc sống (Jack London)
- Lẵng quả thông (Paustovksy)
Đối với bậc THPT:
Văn học Việt Nam:
- Chí Phèo (Nam Cao)
- Bức tranh (Nguyễn Minh Châu)
- Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp)
- Khi người ta trẻ (Phan Thị Vàng Anh)
- Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư
Văn học nước ngoài:
- Người trong bao (Chekhov)
- Viên mỡ bò (Maupassant)
- Thuỷ Nguyệt (Yasunari Kawabata)
- Thuốc (Lỗ Tấn)
- Tuyển tập truyện ngắn Franz Kafka
Tham khảo những bài viết liên quan:
Những lưu ý khi tiếp cận thể loại tiểu thuyết
Lí luận văn học về đặc trưng nội dung của thơ
Xem thêm:
- Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
- Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
- Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
- Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học