Từ lâu, các biện pháp tu từ đã nắm giữ vai trò quan trọng đặc biệt trong việc làm tăng sức sinh động, hấp dẫn cho các tác phẩm văn học hay các bài phân tích, cảm thụ. Mỗi biện pháp tu từ khác nhau sẽ mang đến những tác dụng khác nhau khi tác giả sử dụng. Trong bài viết hôm nay, Thích Văn Học sẽ tổng hợp những biện pháp tu từ thường gặp, cùng những hiệu quả nghệ thuật mà những biện pháp này đem lại. Còn chần chừ gì mà không nhanh tay lưu lại để sử dụng khi cần bạn nhé!
1. So sánh
So sánh là biện pháp đối chiếu sự vật, hiện tượng này với sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. Giúp cho câu văn, hình ảnh được miêu tả trở nên sinh động hơn, giúp người đọc dễ dàng hiểu, tưởng tượng và hình dung rõ nét hơn về hình ảnh đang nói đến.
Ví dụ:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Biện pháp so sánh trên gợi hình ảnh công lao của người cha to lớn giống như núi Thái Sơn, tình mẹ thương con vô hạn như nước trong nguồn, họ luôn dành cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất.
2. Nhân hóa
Là cách gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật, hiện tượng thiên nhiên bằng những từ vốn dùng để gọi hoặc tả con người. Làm cho câu văn, bài văn thêm cụ thể, sinh động, gợi cảm, làm cho thế giới đồ vật, cây cối, con vật trở nên gần gũi với con người hơn.
Ví dụ: Chị gió ơi! Chị gió ơi!
Trong ví dụ này, cơn gió được gọi “chị ơi” như đang trò chuyện, xưng hô với một người bình thường.
3. Ẩn dụ
Ẩn dụ là gọi tên sự vật, sự việc này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. Ẩn dụ làm cho câu văn giàu hình ảnh và mang tính hàm súc, gợi những liên tưởng ý vị sâu xa.
Có 04 loại ẩn dụ:
- Ẩn dụ hình thức
- Ẩn dụ cách thức
- Ẩn dụ phẩm chất
- Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác
Ví dụ:
Cha lại dắt con đi trên cát mịn
Ánh nắng chảy đầy vai.
Biện pháp ẩn dụ thông qua hình ảnh “ánh nắng chảy” sự chuyển đổi này giúp gợi tả sinh động hình ảnh của nắng, nắng không còn đơn thuần là “ánh sáng” mà còn hiện ra như là một “thực thể” có thể cầm nắm, sờ thấy.
4. Hoán dụ
Hoán dụ là gọi tên sự vật hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác có mối quan hệ gần gũi với nó nhằm làm tăng sức gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt, gợi nhiều liên tưởng.
Có 04 hình thức hoán dụ, đó là:
- Lấy bộ phận chỉ cái toàn thể
- Lấy sự vật chứa đựng gọi sự vật bị chứa đựng
- Lấy dấu hiệu, đặc điểm của sự vật chỉ các sự vật
- Lấy cái cụ thể chỉ cái trừu tượng, vô hình.
Ví dụ:
Áo nâu liền với áo xanh
Nông thôn cùng với thị thành đứng lên
Trong hai câu thơ trên, biện pháp ẩn dụ được tác giả sử dụng thông qua hình ảnh “áo nâu” để chỉ người nông dân và hình ảnh “áo xanh” để chỉ người “công nhân”, đề cao sức mạnh đoàn kết của hai giai cấp. Đồng thời, hình ảnh “nông thôn” nhằm chỉ những người ở vùng nông thôn còn hình ảnh “thị thành” dùng để chỉ những người sống ở thị thành.
5. Điệp ngữ
Là sự lặp đi lặp lại một từ, một cụm từ hoặc toàn bộ câu với một dụng ý cụ thể nhằm nhấn mạnh, khẳng định hoặc liệt kê các sự vật, hiện tượng mà tác giả muốn nói đến. Làm nhấn mạnh, nổi bật ý, tạo cho câu văn, câu thơ giàu âm điệu, tính nhạc.
Ví dụ: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”
Tác giả đã sử dụng biện pháp điệp ngữ thông qua việc lặp lại từ “dốc” đã gợi lên hình ảnh đồi núi trập trùng và rất hiểm trở.
6. Nói giảm nói tránh
Là diễn đạt một cách tế nhị, nhẹ nhàng, tránh đi cảm giác ghê sợ, đau buồn, nặng nề trong lời nói hoặc trong câu văn. Nhằm giảm cảm giác đau thương, ghê sợ, tránh thô tục, thiếu lịch sự.
Ví dụ:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Tác giả sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên” nhằm giảm nỗi đau buồn, xót xa đồng thời thể hiện sự kính trọng đối với Bác.
7. Nói quá
Là cách nói phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của một sự vật, sự việc hay hiện tượng có thật trong thực tế. Góp phần tạo ấn tượng, tăng sức biểu cảm cho lời nói, câu văn, gây ấn tượng cho người nghe, người đọc.
Ví dụ: “Cánh đồng lúa chín vàng óng ả trải dài tít tắp đến tận chân trời.”
Trong câu văn trên tác giả đã phóng đại quy mô của cánh đồng “trải dài típ tắt đến tận chân trời” khiến cho cánh đồng hiện lên rộng lớn, gây ấn tượng với người đọc, người nghe.
8. Liệt kê
Là việc sắp xếp nối tiếp hàng loạt từ hay cụm từ cùng loại để diễn tả được đầy đủ hơn thông tin với những khía cạnh khác nhau mà tác giả muốn truyền đạt. Làm tăng sức gợi hình gợi cảm, nhấn mạnh ý thơ, văn, giúp người đọc có hình dung cụ thể, rõ nét.
Ví dụ: Nhà em có rất nhiều người: bố em, mẹ em, anh em, chị em và em.
Biện pháp liệt kê được sử dụng trong câu văn trên nhằm cung cấp thông tin về những thành viên có trong gia đình, giúp người đọc có cái nhìn cụ thể, chi tiết.
9. Chơi chữ
Là việc lợi dụng những đặc điểm về âm, về nghĩa của từ ngữ để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước và cả châm biếm để làm cho câu văn trở nên hấp dẫn và thú vị hơn. Giúp câu thơ, câu văn thêm phần dí dỏm, trào phúng và có tính giáo dục cao.
Ví dụ: Ruồi đậu (1) mâm xôi đậu (2).
Trong câu trên có sử dụng biện pháp chơi chữ thông qua từ “đậu”.
- đậu (1): bu, bay từ chỗ khác đến
- đậu (2): một loại ngũ cốc như đậu xanh, đậu đen.
10. Đảo ngữ
Là việc thay đổi trật tự thông thường của một từ, cụm từ trong câu nhưng không làm mất đi quan hệ cú pháp vốn có. Nhằm nhấn mạnh ý, giúp câu văn thêm sinh động, gợi cảm, hài hòa về âm thanh.
Ví dụ:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Trong hai câu thơ trên tác giả Thanh Hải đảo động từ “mọc” lên đầu câu thơ nhằm nhấn mạnh sức sống vươn lên mạnh mẽ, tràn đầy sức sống của thiên nhiên.
11. Điệp cấu trúc
Là biện pháp tu từ tạo ra những câu văn đi liền nhau trong văn bản với cùng một kết cấu. Nhằm nhấn mạnh ý, tạo sự nhịp nhàng, cân đối.
Ví dụ:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Trong hai câu thơ trên tác giả Nguyễn Đình Thi đã sử dụng biện pháp lặp cấu trúc “… đây là của chúng ta” tác dụng nhấn mạnh, khẳng định niềm tự hào, kiêu hãnh và niềm hạnh phúc lớn lao của con người khi được làm chủ quê hương, đất nước.
12. Chêm xen
Là biện pháp chêm vào câu một cụm từ không trực tiếp có quan hệ đến quan hệ ngữ pháp trong câu. Giúp bổ sung thông tin cần thiết hay bộc lộ cảm xúc.
Dấu hiệu nhận biết: thường sẽ đứng sau dấu gạch nối hoặc trong ngoặc đơn
VD: Thạch Lam (1910 – 1942), được mệnh danh là một con người thấu hiểu, bao dung, bình dị, sâu sắc trên từng trang viết.
Biện pháp chêm xen được sử dụng trong câu văn trên (1910-1942) nhằm bổ sung thông tin về năm sinh, năm mất của nhà văn Thạch Lam.
13. Câu hỏi tu từ
Là câu hỏi được đặt ra nhưng không nhằm mục đích tìm kiếm câu trả lời hoặc câu trả lời nằm ngay trong câu hỏi. Đồng thời giúp bộc lộ cảm xúc
VD: Thời oanh liệt nay còn đâu?
Câu hỏi tu từ được tác giả Thế Lữ sử dụng trong câu thơ trên giúp cho câu thơ thêm phần sinh động đồng thời bộc lộ được cảm xúc trông mong, nhớ về thời oanh liệt, thể hiện sự thất vọng tột cùng.
14. Phép đối
Là cách sắp xếp đặt từ ngữ, cụm từ và câu ở vị trí cân xứng nhau để tạo hiệu quả giống nhau hoặc trái ngược nhau. Nhằm nhấn mạnh, gợi liên tưởng, hình ảnh sinh động, tạo nhịp điệu.
VD: Đói cho sạch, rách cho thơm
Trong câu tục ngữ trên có sử dụng phép đối, các tiếng ở mỗi vế cân xứng với nhau (3-3), đồng thời có sự cân đối hài hòa về âm thanh (sạch/thơm- trắc/bằng) và phong phú về nghĩa (đói, sạch, rách, thơm) từ đó nhằm nhấn mạnh mỗi người dù trong hoàn cảnh nào cũng phải biết giữ gìn nhân cách, nhân phẩm tốt đẹp.
Tham khảo những bài viết liên quan:
Ăn trọn điểm câu hỏi chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ
Xem thêm:
- Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
- Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
- Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
- Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học