Đề bài: Nêu cảm nhận về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân
Bài làm
Giữa phiên chợ văn chương ồn ào, náo nhiệt ta vô tình bắt gặp một ngòi bút tài hoa và độc đáo. Mỗi tác phẩm của ông như đoá hoa thơm nở ra giữa sa mạc cuộc đời. Tất cả hiện thực được thâu tóm vào từng câu chữ, khơi dậy trong lòng đọc giả những cảm xúc mênh mang. Đó là nhà văn Kim Lân với truyện ngắn “Làng”. Tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc khi ca ngợi lòng yêu làng, yêu nước và tinh thần kháng chiến của những người nông dân thời đầu cuộc kháng chiến chống Pháp mà cụ thể ở đây là nhân vật ông Hai.
Kim Lân được biết đến với phong cách viết giản dị, gần gũi, chân phương. Tiêu biểu cho phong cách viết của ông là truyện ngắn “Làng” ra đời năm 1948 trong thời kì đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Vừa trải qua nạn đói đất nước còn bao trùm bởi nghèo nàn, khổ cực nhưng đâu đó trên mảnh đất hình chữ S vẫn còn những tia sáng lấp ló của tinh thần lạc quan, yêu làng, yêu nước và tinh thần đáng quý, đáng trân trọng đó được thể hiện rõ qua nhân vật ông Hai.
Trong truyện ngắn, nhà văn Kim Lân đã tài tình khắc hoạ nhân vật ông Hai với nét phẩm chất đẹp. Đặc biệt là tình yêu làng, yêu nước sâu đậm, thắm thiết và cao cả của ông. Ông Hai yêu làng vì vậy ông đi khoe về cái Làng của mình một cách vô cùng hồn nhiên khi ở nơi tản cư: ông tự hào nào là làng ông giàu tinh thần kháng chiến, mấy người già cũng tham gia huấn luyện làm anh lính phải thêm chữ “ạ” sau mỗi câu lệnh, làng ông có con đường đá được lát đẹp, bằng phẳng, làng ông có cái loa thông báo to đọc lên cả làng nghe thấy… Ông cũng hồn nhiên khoe về cái dinh cơ của cụ Thượng làng ông: “ Tôi chưa thấy cái dinh cơ nào mà lại được như cái dinh cơ của cụ thượng làng tôi.” Có lẽ vì nâng nâng tự hào nên ông Hai mới xưng “cụ Thượng làng tôi” cách xưng hô cứ như họ hàng ruột thịt, thân thiết lắm mặc dầu ông chả mấy quen biết tên quan tổng đốc ấy. Điều này vừa cho thấy sự chất phác, thật thà của ông Hai vừa là cơ sở cho sự thức tỉnh dân trí sau này của cả một lớp người nông dân sau khi được ánh sáng cách mạng soi tỏ. Ông Hai cũng là một con người yêu lao động và sống giản dị, mộc mạc. Khi đi tản cư phải đối diện với hoàn cảnh sống xa lạ, phải ở nhờ nhà của người ông chưa từng quen biết nhưng ông Hai chưa một lần sống buông thả, chán nản. Ông làm quen với cuộc sống mới, quen cả việc mụ chủ nhà chửi con hàng ngày. Đồng thời dù ở nơi tản cư ông Hai vẫn chăm chỉ lao động vỡ đất, làm ruộng để lo cho miếng ăn của gia đình còn vợ ông thì gánh hàng đi bán. Gia đình ông vẫn sống bằng chính khả năng của mình. Quả thực ông hai là một người sống giản dị, chất phác, thật thà và yêu lao động
Tình yêu làng, yêu nước còn thể hiện qua việc diễn biến tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng theo Tây. Đầu tiên tình yêu làng thắm thiết, da diết của người nông dân chất phác được cảm nhận qua nỗi nhớ làng. Ông luôn nhớ về cái làng, tình cảm ấy nồng nàn đến nỗi nhiều khi ông bất giác bộc phát ra ngoài mà cảm thán “Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá!”. Những kỉ niệm đẹp về cái làng của ông lại ùa ạt dội về trong tâm trí. Không chỉ có tình yêu làng trong ông còn có lòng yêu nước thiêng liêng, cao đẹp. Điều ấy được thể hiện chắc nịch, rõ ràng qua việc ông Hai sẵn sàng rời cái làng, nơi là quê cha đất tổ, nơi mà ông yêu sâu sắc để lên nơi tản cư để ủng hộ kháng chiến, cách mạng đúng như lời dặn của chủ tịch Hồ Chí Minh “Tản cư cũng là yêu nước.” Có lẽ tình yêu nước của ông Hai phải nồng nàn, tha thiết đến nhường nào thì ông mới sẵn sàng làm điều ấy vì quê hương, đất nước. Mặt khác qua từng thói quen, cử chỉ thường nhật của ông Hai thôi cũng đủ thể hiện lòng yêu nước, yêu cách mạng và yêu kháng chiến của ông. Hàng ngày niềm yêu thích của nhân vật ông Hai là đi nghe tin kháng chiến tại phòng thông tin. Khi đi ông vội ra ngoài đến nỗi chưa kịp nghe con trả lời, “bước vội ra ngoài”, “Ông Hai đi nghênh ngang trên đường vắng, cái đầu cung húc lao về phía trước. Hai tay vung vẩy nhấp nhổm.” Từng hành động cử chỉ của ông Hai trông cứ như ông là người nhiều việc lắm. Qua đó cho thấy sự quan tâm, luôn dõi theo tình hình cuộc kháng chiến của ông Hai. Đây là biểu hiện sâu sắc của lòng yêu đất nước và tinh thần ủng hộ cách mạng. Niềm vui của ông cũng được tỏa rạng khi nghe được tin tốt từ phòng thông tin. Ông gặp ai cũng níu lại cười nói. Khi nghe tin mình thắng giặc ruột gan ông như múa cả lên, rồi rời khỏi phòng thông tin với nhiều suy nghĩ tích cực, tia hy vọng len lỏi sẽ được trở về làng lại chen chúc trong đầu ông. Từ ấy là mà ta mới thấu hiểu đạo lý nhân dân mới là chủ nhân của đất nước, kháng chiến là sự nghiệp chung của toàn dân tộc nhưng nó cũng là trách nhiệm bổn phận riêng của mỗi người dân.
Bên cạnh đó tình yêu làng, yêu nước của nhân vật ông Hai cũng được khắc họa ở diễn biến tâm trạng của ông sau khi nghe tin dữ. Ngay lúc đang tràn ngập trong niềm vui khi nghe được nhiều tin chiến thắng của quân ta thì bỗng ông nghe được tin dữ qua lời một người đàn bà tản cư đang cho con bú về làng Chợ Dầu của ông: “Cả làng chúng nó Việt gian theo tây còn giết gì nữa!”. Nghe được tin ấy “Cổ ông lão như nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân, ông lão lặng đi tưởng như không thở được. Một lúc sau ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ.” Nhiều tính từ chỉ trạng thái được sử dụng như “nghẹn ắng, tê rân rân, lặng đi tưởng như không thở được”, kết hợp từ trượng hình “rặn è è” nuốt cái gì vướng ở cổ đã diễn tả chân thật, độc đáo sự ngỡ ngàng, bàng hoàng, chưa thể chấp nhận được của ông Hai sau khi nghe tin dữ. Cái làng là thần tượng trong lòng ông, là niềm tự hào duy nhất của ông và cũng là niềm hy vọng, động lực thúc đẩy ông Hai vượt qua chiến tranh để được trở về làng. Nhưng nay mọi điều tốt đẹp đang ươm mầm trong lòng người nông dân chất phác lại hoàn toàn tan biến khi ông Hai biết tin làng ông theo tây. Sự việc đến quá đột ngột khiến ông chưa thể nào tin nổi mà ông cất tiếng hỏi lại, giọng lạc hẳn đi: “Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ lại…” Nhưng những lời nói rành rọt tiếp theo của người đàn bà tản cư lại khiến ông không thể không tin vào tin dữ ấy. Từng cái tên chi tiết được đề cập như “Thằng Chánh Bệu, thằng chủ tịch” đã khiến cho ông Hai dù không muốn nhưng cũng phải tin. Sau cảm xúc bàng hoàng ông Hai chuyển trạng thái từ bất ngờ sang tủi nhục, hổ thẹn. Trên đường ông Hai vẫn cố dỏng tai lại để nghe tiếng bàn tán xôn xao của nhóm người mới tản cư lên. Nghe người đàn bà chửi đổng: “Mẹ cha tiên sư chúng nó! Đói khổ ăn cắp, ăn trộm bắt được người ta còn thương. Chứ cái giống Việt gian bán nước thì cứ cho mỗi đứa một nhát!” Tuy biết người đàn bà ấy không biết ông Hai là người làng chợ Dầu nhưng sự nhục nhã, tủi thẹn vẫn bị dồn nén khiến ông lão phải “cúi gằm mặt xuống mà đi”. Hành động thể hiện sự tủi nhục, hổ thẹn đến vô cùng của một người nông dân yêu làng, thần tượng cái làng nhưng nay chính tình cảm ấy lại phản bội ông, phản bội Tổ quốc. Trong sự tủi nhục ấy, ông Hai chợt nghĩ đến “mụ chủ nhà”. Ông vừa nghĩ đau đớn lại vừa cảm thấy lo sợ cho tương lai phía trước của gia đình mình. Về đến nhà, ông lão “nằm vật ra giường” hành động thể hiện tâm trạng chán nản, tuyệt vọng của người nông dân lúc trước còn vui vẻ, hồ hởi đi nghe tin kháng chiến. Mấy đứa con của ông hôm nay thấy cha có vẻ lạ nên đã len lén dắt nhau ra đầu nhà chơi sậm chơi sụi với nhau. Nhìn lũ con ngoan ngoãn như vậy mà ông Hai lại tủi thân “nước mắt ông cứ giàn ra”. Ông lão tự hỏi “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư?” Ông không chỉ cảm thấy tủi hổ riêng cho thân phận mình mà ông còn thấy thương cho cả các con của mình ngoan ngoãn như vậy đấy mà cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi, trách móc vì là người làng Việt gian. Ông Hai cũng thương cho cả người làng mình mỗi người tan tác một nơi, không biết giờ họ đã biết tin ấy chưa. Quả thật ông Hai là một người sống nhân ái, biết đồng cảm cho người khác và yêu làng. Nhưng ông Hai cũng yêu nước ông căm thù việt gian, ông nắm chặt tay mà rít nên: “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để giờ nhục nhã thế này.” Câu nói vừa bao chứa sự căm thù, vừa là sự bất lực của ông lão khi nghe tin làng mình theo tây mà chẳng biết làm gì hơn. Nhưng rồi ông cũng ngờ ngợ lại lời mình nói như không đúng lắm, ông kiểm điểm lại từng người ở trong óc, vẫn chưa thật sự tin được vào tin ấy. Nhưng ông cũng hiểu không có lửa thì làm sao có khói, vả lại thằng Chánh Bệu lại đích thị là người làng ông. Bấy giờ không chỉ nhục nhã nữa mà ông còn lo lắng cho tương lai của cả gia đình mình “Rồi đây biết làm ăn buôn bán ra sao? Ai người ta chứa, ai người ta buôn bán mấy?” Quả thực tin dữ đột ngột này đã đẩy gia đình ông Hai vào hoàn cảnh bế tắc tột cùng. Không chỉ ông Hai mà vợ ông cũng biết và lo sợ cho tin dữ ấy, bà xếp hàng xong thì chỉ ngồi ôm má nghĩ ngợi một mình. Định nói với chồng nhưng sự lo sợ khiến ông Hai trốn tránh mà gạt phăng đi. Trong nhà không khí trở nên nặng trĩu, ngột ngạt lạ thường. Trẻ con không dám vòi quà, cũng không ai dám cất tiếng nói cả đến nhìn nhau họ cũng không dám nhìn nữa là. Nhưng lúc ấy vẫn chưa phải tồi tệ nhất, những ngày sau đó mới trở thành cực hình với ông Hai. Đã ba bốn ngày ông Hai không dám bước chân ra khỏi nhà, nghe ngóng bên ngoài với tâm trạng căng thẳng, lo sợ tột độ, chột dạ, nơm nớp tưởng tượng, lủi vào một góc nhà ngồi nín thít… Khi nhắc đến chuyện làng ông theo tây, ông không dám gọi thẳng làng Việt gian ra mà gọi là “chuyện ấy” điều ấy chứng tỏ nỗi sợ hãi, đau đớn, trốn tránh sự thật của ông Hai một người từng muốn cho tất cả mọi người biết mình là người làng Chợ Dầu. Mặc dù trong chuyện này ông Hai là người vô tội nhưng ông lại phải trốn chui, trốn lủi y như một kẻ tội phạm đang trốn tránh sự truy đuổi của pháp luật, của cộng đồng. Qua đó ta ngẫm thấy sự gắn bó sâu đậm, thiết tha của mỗi người dân với làng mình. Mọi sự vinh nhục của người dân đều gắn với sự vinh nhục của làng, số phận của mỗi các nhân gắn bó sâu sắc với số phận của một cộng đồng. Nhưng sự sợ hãi, trốn tránh vẫn chưa phải là kết thúc cho chuỗi ngày giằng xé tâm can của ông Hai. Sự bế tắc, mâu thuẫn, giằng xé trong ông được đẩy lên đến đỉnh điểm khi bị mụ chủ nhà đuổi đi. Mụ nói ngọt xớt, tưởng như thân tình lắm nhưng thực ra lại mang ý đồ thâm sâu, dè bỉu, ý muốn đuổi gia đình ông đi khiến ông Hai nghe như quặn thắt ở trong lòng. “Ông ngồi lặng ở một góc giường. Bao ý nghĩ đen tối, ghê rợn nối tiếp bời bời trong đầu óc ông lão.” Ông Hai tự hỏi giờ chẳng biết đi đâu, ai mà người ta chứa bố con ông? Ở đâu người ta cũng đuổi làng Chợ Dầu, làng Việt gian. Mà dù cho chính sách của cụ Hồ không đuổi nhưng ông lão vẫn còn có lòng tự trọng không dám đi đến đâu. Tâm can ông bắt đầu giằng xé, rối bời giữa hai sự lựa chọn. Ông cũng đã nghĩ đến việc về làng “Hay là về làng?” nhưng lúc ấy trong đầu ông lão lại hiện ra hai hình ảnh trong hai bối cảnh khác nhau. Trong quá khứ làng dưới sự áp bức, thống trị của bọn cường bạo khiến ông Hai trở thành một kẻ khố rách áo ôm. Bây giờ về làng có nghĩa là ông về lại thời phong kiến với những bất công, ngang trái, đánh mất đi mọi thành quả của cách mạng của kháng chiến. Nhưng trong hiện tại làng ông cũng đã theo Tây. Bây giờ mà về làng là ông Hai đang theo giặc, bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ. Bởi vậy mà lý trí của ông lão đã chiến thắng sự mơ hồ trong tình cảm với cái làng. Ông dứt khoát “về cái làng ấy làm gì nữa, không thể về cái làng ấy được nữa.” Cách gọi tên làng “cái làng ấy” cho thấy sự xa lạ, đay nghiến, hờn trách, thù ghét của ông với cái làng hiện tại. Cuối cùng sau bao nhiêu giằng xé, đắn đo, mâu thuẫn trong sâu tâm can ông lão ông quyết định “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.” Quyết định dứt khoát của ông lão cho thấy sự đúng đắn trong nhận thức và tình cảm của những người nông dân thời ấy. Đây là sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người nông dân sau khi được ánh sáng cách mạng soi tỏ. Có lẽ vì ông Hai cũng hiểu rằng tình yêu làng phải đi cùng với tình yêu nước thì mới là tình cảm chân chính, thiêng liêng thực sự. Như vậy không chỉ yêu làng, luôn nhớ về cái làng của mình và chịu chung vinh nhục với làng ông Hai cũng là một con người yêu nước, yêu cách mạng sẵn sàng hy sinh vì kháng chiến. Hai thứ tình cảm đẹp đẽ ấy được hòa vào nhau qua ngòi bút tài năng của người nghệ sĩ trở thành một lý tưởng tốt đẹp, tươi sáng.
Ta còn cảm nhận sâu sắc tinh thần kháng chiến ở nhân vật ông Hai qua cuộc nói chuyện giữa ông với thằng con út. Có lẽ trong mấy ngày phải chịu sự vò xé tâm can khiến ông Hai chồng chất nỗi buồn lo, tủi khổ. Không biết tâm sự với ai thì ông chỉ đành tâm sự với thằng con út, đứa con hồn nhiên chưa biết gì để vơi bớt đi nỗi lòng mình. Trước tiên ông Hai hỏi con về nguồn gốc của nó “|Con là con ai?” rồi ông lại hỏi đến cái làng mình “Thế nhà con ở đâu?” Hai câu hỏi của ông Hai không chỉ là nói với con mà ông còn đang nói với chính cái lòng của mình. Quả thực ông chưa từng quên đi cái làng đã gắn bó với ông suốt nửa đời người, bởi cái làng là thần tượng của ông là niềm hy vọng duy nhất giúp ông vượt qua chiến tranh để lại được trở về làng trong hòa bình. Bởi vậy nên khi con trả lời khe khẽ “có” ông mới ôm khít thằng con vào lòng. Con như đang nói đúng lòng ông, ông chưa từng buông tình cảm với làng ông nhưng bỗng ông Hai lại hỏi con “thế con ủng hộ ai?” thì thằng bé lập tức trả lời “Ủng hộ cụ Hồ Chí Minh muôn năm.” Đúng vậy ông Hai tuy yêu làng, sống gắn bó với cái làng mình nhưng lý trí của ông chưa một lần bỏ quên đi đất nước. Tinh thần kháng chiến của ông chưa một lần vơi cạn đi. Điều đó thể hiện qua lời thề khẳng định của ông khi nói chuyện với con “Anh em đồng chí biết cho bố con ông.Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông. Cái lòng của bố con ông như thế có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai.” Tinh thần kháng chiến của ông Hai được thể hiện bình dị mà sâu sắc nhưng cũng dứt khoát, mạnh mẽ vô cùng. Ta xúc động trước hình ảnh người nông dân sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập tự do của đất nước, sẵn sàng từ bỏ tình cảm gắn bó với cái làng để ủng hộ cách mạng, ủng hộ kháng chiến. Quả thật ông Hai là người nông dân có tinh thần kháng chiến mạnh mẽ, vững vàng.
Cuối cùng tình yêu làng, yêu nước của nhân vật ông Hai để lại nhiều dấu ấn qua không khí vui mừng, sung sướng khi nghe tin cải chính. Sau khi được ông chủ tịch làng lên đưa tin cải chính. Cái mặt buồn thỉu của ông Hai mọi ngày bỗng vui tươi, rạng rỡ hẳn lên. “Mồm bỏm bẻm nhai trầu cặp mắt hung hung đỏ, hấp hắt” Nhiều từ láy tượng hình đã diễn tả chân thật sự vui sướng, hớn hở của ông Hai “bỏm bẻm, hung hung đỏ, hấp hắt”. Khoảnh khắc ấy như bao nhiêu nỗi đau xé, lo sợ trong lòng ông Hai mấy ngày qua đều tan biến hết. Ông vui vẻ chia sẻ cả niềm vui cải chính với các con qua chiếc bánh rán. Rồi lại vội vàng chạy qua nhà bác Thứ hớt hải khoe “Tây nó đốt nhà tôi rồi, đốt nhẵn.” Đáng lẽ ra việc bị đốt nhà và mất hết tài sản với người nông dân phải là một việc buồn nhưng ở đây trong trường hợp của ông Hai lại hoàn toàn ngược lại. Việc bị Tây đốt nhà là một minh chứng cho sự trong sạch của ông Hai, là niềm hy vọng tươi sáng để ông tiếp tục phấn đấu, tin tưởng vào ngày giải phóng để ông được quay trở về làng, là sự giải thoát cho chuỗi ngày đau khổ, giằng xé trong lo sợ của ông Hai mấy ngày qua. Tin cải chính đến khiến cả lòng yêu làng và lòng yêu nước của ông đều được nở rộ. Niềm vui còn được truyền cả đến mụ chủ nhà người mà chưa bao giờ ông nghĩ sẽ thấy vui khi nghe tin cải chính. Như vậy tình yêu làng, yêu nước của ông Hai được khép lại viên mãn sau khi ông Hai nghe tin cải chính.
Không chỉ là một người nông dân chất phác, yêu làng, yêu nước mà ông Hai cũng là một người sống thấu hiểu đạo lý. Vốn là một người nông dân không có tri thức nhưng nghe theo lời kêu gọi của cụ Hồ Chí Minh “diệt giặc dốt.” Nên ông Hai cũng tích cực tham gia một khóa bình dân học vụ ở làng cũng đã biết đọc, biết viết. Quả thực dù trong nghèo khổ nhưng người nông dân vẫn sống tích cực, lạc quan và không ngại tham gia hoạt động phong trào nhằm giúp thúc đẩy đất nước. Đó là sự thấu hiểu đạo lý đáng ngưỡng mộ của lớp người nông dân thời kháng chiến. Sự thấu hiểu đạo lý của ông Hai cũng được thể hiện qua sự chuyển biến trong tư tưởng của người nông dân chất phác sau khi được ánh sáng cách mạng soi tỏ. Trước đây khi chưa có phong trào cách mạng ông Hai luôn tự hào về cái dinh của cụ Thượng làng ông là to là đẹp, ông còn hồn nhiên đi khoe cái dinh ấy với mọi người ở nơi tản cư mà không hề hay biết ấy là đại diện cho sự bóc lột của bọn thực dân, địa chủ với người làng ông. Chính vì cái dinh ấy mà nhiều khiến nhiều người làng ông bị thương, có người thì lại bị quỵt tiền công không trả. Ông Hai cũng vì cái dinh ấy mà bị tật ở một bên chân. Nhưng sau khi được ánh sáng cách mạng soi tỏ, chỉ đường ông Hai không bao giờ nhắc đến cái dinh ấy nữa, thậm chí là đâm ra ghét cay ghét đắng và thù cái dinh ấy. Như vậy sự đúng đắn, chính trực trong tư tưởng đạo lý của người nông dân một phần là được cách mạng chiếu sáng, phần khác là do sự thấu hiểu từ chính trong con người họ. Ông Hai cũng thấu hiểu đạo lý vì ông biết và hiểu được tầm quan trọng của sự hòa hợp giữa tình yêu làng và tình yêu nước. Ông hiểu yêu làng nhưng rộng và xa hơn thì là yêu nước, yêu cách mạng. Hai thứ ấy phải được hòa hợp lại với nhau thì mới thực sự có ý nghĩa. Chính nhờ đó mà ông Hai đã đưa ra quyết định đúng đắn trong lúc giằng xé tâm can, phân vân giữa làng và nước. Tư tưởng của ông Hai hoàn toàn khác so với tư tưởng chung của người nông dân thời ấy. Quả thực ông Hai là một người nông dân biết thấu hiểu đạo lý và có tư tưởng sống tốt đẹp.
Để khắc họa nhân vật ông Hai với nhiều phẩm chất đẹp đẽ, ấn tượng ngòi bút Kim Lân đã tài tình sử dụng nghệ thuật xây dựng tình huống truyện đặc sắc. Ông đặt nhân vật ông Hai vào tình huống đột ngột khi nghe tin làng theo tây để nhân vật bộc lộ hết những nét phẩm chất thầm kín, tinh tế của mình. Qua đó xây dựng hình tượng người nông dân chất phác với tình yêu làng, yêu nước, thấu hiểu đạo lý và tinh thần kháng chiến mãnh liệt. Ngoài ra cách xây dựng tâm lý nhân vật của nhà văn Kim Lân cũng vô cùng độc đáo. Ông đã đưa bạn đọc từ đi từ sự vui vẻ, hớn hở đến ngỡ ngàng, bàng hoàng rồi xấu hổ, tủi nhục, đau đớn, lo sợ, chột dạ, giằng xé và cuối cùng vẫn được kết thúc bởi niềm vui sướng. Từ đó đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về những nét đẹp phẩm chất của nhân vật ông Hai. Đặc biệt việc sử dụng ngôi kể thứ ba giúp góc nhìn của truyện trở nên bao quát, khách quan và thấu đáo mọi sự hơn. Như vậy những yếu tố nghệ thuật phong phú đã góp phần tạo nên thành công cho truyện ngắn.
Viết về nhân vật ông Hai với nhiều phẩm chất đẹp nhà văn Kim Lân đã gửi gắm vào đó sự trân trọng, yêu kính những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân Việt Nam xưa. Đồng thời ông cũng thấu hiểu, đồng cảm với những khó khăn, bất hạnh và khổ đau mà họ phải chịu đựng trong chiến tranh. Sau những trang văn giàu cảm xúc đã để lại trong lòng bạn đọc biết bao cảm xúc bất tận có lẽ trong đó là sự biết ơn, trân trọng tấm lòng yêu nước của người xưa cũng như tinh thần kháng chiến của họ. Để từ đó thúc đẩy những thế hệ trẻ ngày nay phải tự có trách nghiệm phấn đấu học tập, lao động để tương lai phát triển, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn nữa. Không phụ công cha ông ta từ ngàn đời xưa.
Bằng ngòi bút nghệ thuật tài hoa nhà văn Kim Lân đã thành công khắc họa hình tượng nhân vật ông Hai với nhiều phẩm chất đẹp như chất phác, mộc mạc, yêu làng, yêu nước, thấu hiểu đạo lý và giàu tinh thần kháng chiến. Quả thực nhà văn Kim Lân là một ngòi bút xuất sắc trên văn đàn Việt Nam và truyện ngắn “Làng” của ông là một tác phẩm có giá trị trường tồn mãi với bụi mờ của thời gian. Để từ đây ta càng thêm biết ơn những người văn nghệ sĩ bởi họ chính là những người ươm mầm để cho những tác phẩm nghệ thuật còn đâm chồi mãi trong lòng bạn đọc mọi thời.
Bài viết của bạn Lê Diệu Huyền, bài viết đã được Thích Văn học biên tập lại
Nhận xét
– Ưu điểm
+ Bài viết chia bố cục rõ ràng, đầy đủ các phần, thể hiện được kĩ năng làm bài của người viết.
+ Người viết cũng đã có đoạn văn nêu ý nghĩa hình tượng nhân vật.
+ Phân tích nhân vật ông Hai khá chi tiết, đầy đủ và sâu sắc.
– Một số vấn đề cần lưu ý
+ Phần khái quát tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận cần bổ sung. Ở đây, em chỉ mới đề cập đến tác phẩm, đi vào phân tích vấn đề nghị luận mà một số thông tin về phong cách sáng tác của tác giả chưa được khái quát.
+ Bài viết còn nhiều lỗi chính tả, diễn đạt văn nói.
Xem thêm:
- Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
- Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
- Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
- Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học