Đề bài: Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ Hữu Thỉnh qua bài thơ “Sang Thu”.
Bài làm
Tự bao giờ, đất trời có mùa thu và cũng chẳng biết tự bao đời hương sắc mùa thu lại khiến các thi nhân phải ngây ngất đến lạ. Đó là cái ngây ngất trước bầu trời trong vắt, ánh nắng vàng hoe, những chiếc lá lặng lẽ ngả mình chuyển màu vàng. Cụ thể đến với trang thơ của Xuân Diệu, thu là “Những luồng run rẩy rung rinh lá/ Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh” (Đây mùa thu tới). Ghé qua trang viết dưới ngòi bút của Lưu Trọng Lư, thu đầy mơ mộng với “Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô” (Tiếng thu). Song, khi đọc thơ Hữu Thỉnh, độc giả mới thực sự cảm nhận thấy được sự rung động mới mẻ trước mùa thu trong khúc ca “Sang Thu” của ông. Bài thơ được viết vào năm 1977, sau khi đất nước đã hòa bình và hoàn toàn thống nhất. Bài thơ đã ghi lại những cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời trong khoảnh khắc giao mùa từ cuối hạ sang đầu thu. Và cũng qua đó đã làm nổi bật nên vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ.
Bêlinxki cũng đã từng quan niệm rằng: “Nhà thơ, ngay cả các nhà thơ vĩ đại nhất cũng phải đồng thời là những nhà tư tưởng”. Đến với những vần thơ của Hữu Thỉnh, bạn đọc có thể cảm nhận được những giá trị tư tưởng sâu sắc ẩn chứa phía sau lớp ngôn ngữ, gần gũi, giản dị. Lê Thành Nghị nhận xét về thơ Hữu Thỉnh như sau: “Thơ Hữu Thỉnh vốn thăng trầm, càng về sau lại càng thăng trầm triết lí”. Đó là cái triết lí thấm đẫm tư tưởng nhân văn nhưng cũng không kém phần hồn hậu, mộc mạc, tinh tế. Và phong cách viết chính là một phương diện thể hiện tâm hồn người nghệ sĩ nên qua những sáng tác của ông, bạn đọc có thể khám phá được những nét đẹp tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, yêu tha thiết vẻ đẹp thiên nhiên.
Trước hết, khoảnh khắc giao mùa được xem là trác tuyệt của tự nhiên, là món quà của tạo hóa gieo vào lòng người bao sợi thương, sợi nhớ. Khai mở cho toàn bộ thi phẩm là dòng cảm xúc đầu tiên của Hữu Thỉnh về những tín hiệu báo thu về trong không gian:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Mùa thu đến không báo trước, đột ngột và bất ngờ vì nhà thơ “bỗng” nhận ra mùi hương ổi. Hữu Thỉnh đã rất khéo léo đảo từ “bỗng” lên đầu câu thơ tạo cảm giác bất ngờ. Đó là cái giật mình khe khẽ, đánh thức con người ta bừng tỉnh, thoát ra khỏi những bộn bề của cuộc sống để rồi lại hòa nhập với thiên nhiên, với những vẻ đẹp giản dị và bình yên. Ta dễ dàng nhận thấy rằng tín hiệu báo thu sang trong thơ ca thường là sen tàn, cúc nở, lá ngô đồng rụng, là vàng rơi hay rừng phong lá đỏ. Nguyễn Du đã từng viết trong Truyện Kiều rằng:
“Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân.”
Hay bức họa mùa thu trong thơ mới của Bích Khuê:
“Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông”
Nguyễn Đình Thi lại cảm nhận thu sang bằng “gió thổi mùa thu hương cốm mới”. Không đi theo những lối mòn đó, Hữu Thỉnh lại có một “lối đi rất riêng” trong việc cảm nhận thu sang. Tín hiệu báo thu về đầu tiên trong đôi mắt của Hữu Thỉnh là hương ổi quen thuộc nơi góc vườn của mẹ. Đó là mùi hương quen thuộc, rất riêng của mùa thu làng quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Mùi hương ấy không “bay”, không “hòa”, không “quyện” mà “phả” vào trong gió se – thứ gió nhẹ, se lạnh, còn được gọi với tên khác là gió heo may; gợi trong lòng người cảm giác mơn man da thịt, xao xuyến tâm hồn mỗi dịp đầu thu. Chỉ một chữ “phả” thôi cũng đủ gợi hương thơm như sánh lại, nồng nàn, quyến rũ, lan tỏa vào không gian se lạnh của mùa thu. Hương ổi, cơn gió se lạnh ấy chính là sứ giả của mùa thu; cũng như những đàn chim én là sứ giả của mùa xuân, nó đến rất khẽ khàng, “khẽ” đến mức chỉ một chút vô tình thôi là không một ai hay biết. Không gian mùa thu trong trang thơ của Hữu Thỉnh được mở rộng thêm trong hai câu thơ tiếp theo. Nhà thơ đã bắt gặp một màn sương huyền ảo đang vây kín trước ngõ, vây quanh những lũy tre. Dường như có chút gì đó lưu luyến. Điều đó càng được thể hiện rõ hơn qua từ láy “chùng chình” gợi ra sự chậm rãi, ngập ngừng, níu kéo, chưa muốn tan vào không gian; hơn thế nữa đó còn là một sáng tạo nghệ thuật vì từ láy “chùng chình” còn được nhà thơ gửi gắm thêm phép tu từ nhân hóa. Nhờ đó mà làn sương cũng trở nên có hồn hơn, sống động như con người. Nó như lưu luyến, ngập ngừng, muốn chậm lại để ngắm nhìn khoảnh khắc giao thoa của đất trời; bịn rịn, chưa muốn chia tay hạ để bước sang thu. Không gian “ngõ” ở đây vừa là ngõ thực của làng quê, nhưng cũng có thể là con ngõ của thời gian giữa hai mùa hạ và thu chăng? Tâm trạng sang thu hay tâm trạng của con người đang lưu luyến đợi chờ, tiếc nuối một điều gì đó trước ngưỡng cửa thời gian của đời người? Những tín hiệu thu đến đều rất mỏng manh nên có lẽ nhà thơ vẫn chưa dám tin, chưa chắc chắn. Thành phần tình thái “hình như” đã thể hiện sự mơ hồ, nửa tin nửa thực; diễn tả một cảm giác không rõ thực hư “thu đã về chưa?”, vì sao mà nó đến nhẹ nhàng quá, sao mà nó đến kín đáo? Và có lẽ “thu đã về” thật rồi … Chỉ vài nét mơ hồ nhưng đầy duyên dáng, Hữu Thỉnh đã tạo ra một khúc dạo đầu cho bản hòa ca tràn ngập cảm xúc! Một khúc dạo đầu mà qua đó độc giả có thể thấy được một tâm hồn tinh tế, cảm nhận được hết thảy những gì mong manh, mơ hồ của cảnh vật. Phải yêu lắm, phải gắn bó lắm vẻ đẹp của miền quê Bắc Bộ thì Hữu Thỉnh mới có thể thai nghén nên những vần thơ làm lay động lòng người đến như vậy.
Nếu ở khổ thơ thứ nhất, trạng thái cảm xúc của tác giả nằm trong chữ “bỗng”, “hình như” thì sang khổ thơ thứ hai, những sắc thái đổi thay của tạo vật đã rõ ràng hơn trong tầm không gian cao và rộng. Từ ngõ nhỏ, thi nhân mở rộng ra sông nước, trời mây. Ống kính của nhà thơ chuyển từ thấp lên cao dần:
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Chỉ với hai nét chấm phá, Hữu Thỉnh đã gợi ra một bức tranh thiên nhiên thoáng đãng, cân đối và hài hòa. Dưới mặt đất là dòng sông thơ mộng, hiền hòa đang lững lờ trôi. Bằng phép nhân hóa đặc sắc qua từ láy “dềnh dàng”, nhà thơ đã rất tài hoa ghi lại linh hồn của cảnh vật, của dòng sông quê hương nơi vùng đồng bằng Bắc Bộ ăm ắp nước phù sa, vươn mình giữa ruộng đồng vào những ngày giao mùa. Dòng sông thướt tha, mềm mại trôi một cách nhàn hạ, thanh thản; vừa trôi về biển vừa ngắn vẻ đẹp đôi bờ. Dòng sông đó không còn chảy xiết như sau những cơn mưa mùa lũ, mùa hạ đi qua. Dòng sông ấy khác hẳn so với dòng sông trong thơ Bà Huyện Thanh Quan: “Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ”. Cái dềnh dàng của dòng sông phải chăng còn mang tâm trạng của con người như chậm lại, trễ lại để suy nghĩ về những trải nghiệm của cuộc đời. Hữu Thỉnh cho rằng dòng sông “được lúc” chứng tỏ đây là thời cơ, cơ hội hiếm hoi để nó ngập ngừng níu kéo hơi thở của mùa hạ; lắng lại, chậm chạp, khoan thai ngắm nhìn không gian thơ mộng của mùa thu. Còn trên bầu trời, ta bắt gặp hình ảnh những đàn chim bắt đầu “vội vã” di trú về phương Nam. Hai câu thơ đối nhau rất nhịp nhàng: sông dưới mặt đất – chim trên bầu trời; sông dềnh dàng, chậm rãi – chim vội vã, lo lắng. Đó là sự khác biệt của vạn vật trên cao và dưới thấp trong khoảnh khắc giao mùa. Ý thơ đồng thời còn gợi cho người đọc một liên tưởng khác: Sự chuyển động của dòng sông, của cánh chim phải chăng còn là sự chuyển mình của đất nước. Cả đất nước ta vừa trải qua chiến tranh tàn khốc mới có được độc lập, hòa bình, êm ả. Nhưng rồi mỗi người dân Việt Nam cũng lại bắt đầu hối hả nhịp sống mới để xây dựng đất nước trong niềm vui rộn ràng. Cùng với đó, ở những câu thơ tiếp theo, thu đang ở nơi cửa ngõ, vì thế đám mây mùa hạ mới “vắt nửa mình sang thu”. Đây là một hình ảnh thơ thật tài hoa và độc đáo. Cảnh vật như được nhà thơ ban phép hóa thân thành một sinh thể có hồn chứ không phải vật vô tri, vô giác. Đám mây mùa hạ mang theo tâm trạng và nỗi lòng của nó “vắt” nửa mình sang bên kia của mùa thu. Động từ “vắt” diễn tả sự mềm mại, uyển chuyển, trải dài của đám mây. Đám mây tuy đã sang thu nhưng chỉ sang một nửa mà thôi. Phải chăng đó là sự bịn rịn, tiếc nuối, lưu luyến cơn mưa rào mùa hạ? Hẳn đã một lần ta bắt gặp áng mây thú vị như vậy, điển hình như trong lời thơ Lê Thu An:
Mây trời một dải trắng phau
Vắt ngang sườn núi chiều thu ngập ngừng
Song, cách miêu tả đám mây nửa ở nửa đi như thế đã tạo nên nét độc đáo, riêng biệt của Hữu Thỉnh so với các nhà thơ khác. Đám mây giống như tấm khăn voan của người thiếu nữ duyên dáng tạo hình trong không gian và hữu hình hóa cả sự vận động của thời gian. Mây là thực, ranh giới giữa hai mùa là ảo. Một sản phẩm của trí tưởng tượng độc đáo nơi thi nhân, chứ không chỉ bằng cảm nhận từ thị giác mà có được. Và đến một lúc nào đó đám mây mùa hạ đang “vắt nửa mình” kia sẽ trở thành “trời thu xanh ngắt mấy tầng cao” trong thơ Nguyễn Khuyến. Quả thật, từ những vần điệu lời thơ, bạn đọc có thể cảm nhận được những tinh tế trong tâm hồn của Hữu Thỉnh.
Thời khắc sang thu đong đầy trong lòng vạn vật bao cảm xúc lẫn lộn, có chút chơi vơi, âu lo, vương vấn. Khổ cuối đã khắc họa những chuyển biến âm thầm của tạo vật và những suy ngẫm về cuộc đời, về con người:
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi
Thu đã hiện ra đậm đà hơn, rõ nét hơn. Đó là những chuyển biến của “nắng”, “mưa”, “sấm” trong thời khắc giao mùa hiện ra dưới lăng kính của một con người am hiểu tường tận các hiện tượng của thời tiết. Hai câu thơ đầu có một sự đối lập: nắng “vẫn còn” nhưng mưa đã “vơi dần”. Nắng còn nhưng không nhiều. Khác với cái nắng chói chang, gay gắt của mùa hạ, nắng sang thu là cái nắng còn sáng nhưng dịu êm, nhẹ nhàng. Mưa đã ít đi rõ rệt, không còn sự ồn ã, xối xả của những trận mưa rào và cũng bớt đi những tiếng sấm bất ngờ chỉ có trong mùa hạ. Vẫn có nắng, có mưa, có sấm, có những trạng thái biểu hiện đặc trưng của mùa hạ nhưng những dư âm ấy đã đi vào chừng mực, ổn định hơn, mang nét đặc trưng cho thời khắc giao mùa. Biện pháp đảo ngữ được sử dụng ở hai dòng thơ đầu đã nhấn mạnh và làm nổi bật sự thay đổi theo chiều hướng giảm dần, vơi đi của thiên nhiên mùa hạ. Mùa hạ mặc dù muốn lưu lại chút hương sắc với đất trời, song không thể cưỡng lại sự chảy trôi vô hình bất tận của thời gian, đến cuối cùng hạ vẫn đành chấp nhận rời đi để nhường chỗ cho thu sang. Có thể thấy rằng, nàng hạ không vội vã đi, nàng thu không gấp gáp tới. Tất cả đều nhẹ nhàng, dịu dàng thế chỗ cho nhau theo vòng tuần hoàn của thời gian. Trong khoảnh khắc giao mùa ấy, hồn thi sĩ cảm thấy thanh bình và trong trẻo đến lạ!
Bài thơ kết lại bằng hai câu thơ thấm đẫm triết lý đáng để ta phải suy ngẫm. Trước tiên nó được hiểu theo nghĩa gốc: Cuối hạ đầu thu, khi đã vơi đi những cơn mưa xối xả thì sấm cũng bớt bất ngờ và dữ dội. Nó không còn đột ngột, đùng đoàng với những tia sáng chớp lóe xé toạc bầu trời giống như những cơn mưa tháng sáu, tháng bảy nữa. “Hàng cây đứng tuổi” phải chăng là hàng cây đã đi qua bao đợt thay lá nên không biết chính xác là bao nhiêu nhưng chắc cũng đủ trải nghiệm để có thể điềm nhiên trước những biến động. Phủi lớp bụi trên bề mặt từ đó, ta còn thấy được một lớp nghĩa khác: “Sấm” ẩn dụ cho những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi” ẩn dụ cho những con người đứng tuổi, đã đi hết nửa cuộc đời, từng trải qua những khó khăn, thử thách, giông tố thì sẽ trở nên vững vàng hơn, không bị lung lay, xao động trước những biến động bất thường của ngoại cảnh. Lắng sâu trong tâm hồn là sự đồng cảm trước những suy nghĩ sâu xa của nhà thơ về vẻ đẹp con người: phải chăng mùa thu đời người là sự khép lại của những ngày tháng sôi nổi với những bất thường của tuổi trẻ và mở ra một mùa thu mới, một không gian mới yên tĩnh, trầm lắng, bình tâm, chín chắn … trước những vãng động của cuộc đời. Chao ôi, vậy là sang thu đâu chỉ là sự chuyển giao của đất trời mà còn là sự chuyển giao của cuộc đời mỗi con người. Hữu Thỉnh đã rất đỗi tinh tế, nhạy bén trong việc cảm nhận và liên tưởng.
Trải qua bao dòng chảy của thời gian, bài thơ vẫn chạm đến trái tim người đọc bởi nội dung và nghệ thuật đặc sắc. Thi phẩm được viết theo thể thơ 5 chữ phù hợp với mạch cảm xúc chủ đạo của toàn bài, đan xen nhiều hình ảnh sinh động, tự nhiên, chân thực. Nhà thơ tỉ mỉ chọn lựa ngôn ngữ thơ trong sáng, giản dị, dân dã gợi nhiều cảm xúc xao xuyến, bâng khuâng cho bạn đọc. Đặc biệt nhà thơ có một tâm hồn lãng mạn giàu chất suy tư chiêm nghiệm về mùa thu đậm chất làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Sang thu là khúc ngân giao mùa đầy cảm xúc, bằng ngòi bút mang hơi thở trữ tình, Hữu Thỉnh đã khắc họa nên bức tranh thu sang mang đặc trưng của quê hương Việt Nam. Từ đó ca ngợi, tôn vinh sự chuyển mình của đất nước ta. Thi phẩm đúng là thứ nghệ thuật của tâm hồn, vĩnh cửu hóa những vẻ đẹp đất trời giao mùa. Vượt qua dòng chảy vô tận của thời gian, song hành cùng những năm tháng lịch sử của dân tộc, “Sang thu” vẫn neo đậu trong trái tim người đọc bao thế hệ; sống mãi với cuộc đời, với giá trị và thông điệp nó mang tặng cho đời. Để rồi những tiếng thơ ấy sẽ mãi ngân nga trong lòng bạn đọc hôm nay và mai sau!
Bài viết của bạn Nguyễn Văn Duy, bài viết đã được Thích Văn học biên tập lại
Nhận xét chung
– Ưu điểm:
+ Về hình thức, bài viết khá chỉn chu.
+ Nội dung cơ bản phân tích khá kĩ, diễn đạt sáng thể hiện được năng lực người viết.
+ Các nội dung liên hệ, mở rộng tốt, sáng tạo, sâu sắc.
+ Bố cục đảm bảo 3 phần rõ ràng.
– Cần chú ý một số vấn đề sau:
+ Sau phần mở bài em nên bổ sung thêm đoạn văn khái quát tác giả vì ở mở bài em đã đề cập thông tin khái quát của tác phẩm rồi.
+ Diễn đạt đôi chỗ còn lủng củng, chưa được trôi chảy.
Xem thêm:
- Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
- Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
- Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
- Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học