bài khuyến khích thi viết số 3

Bài đạt 8.5 điểm – Giải khuyến khích cuộc thi viết Nghị luận văn học lần 1

Đề bài:

Phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng.

Bài làm

Tố Hữu đã từng quan niệm: “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học”. Cuộc đời luôn là mảnh đất màu mỡ để người nghệ sĩ gieo mầm nên những luống văn chương. Ở nơi đó, anh ta có thể hạnh phúc, miệt mài và thậm chí nhói đau để thai nghén nên “những đứa con tinh thần” in dấu ấn thời đại. Và cũng bởi đau đớn, đồng cảm trước hiện thực về một tình phụ tử bị chiến tranh cắt đoạn, người nghệ sĩ Nguyễn Quang sáng đã hun đúc lên những trang văn dạt dào cảm xúc với tựa đề “Chiếc lược ngà”. Câu chuyện đưa ta chạm đến tình phụ tử liêng và bất diệt của ông Sáu. Và hình tượng ông Sáu đã neo đậu nơi trái tim của bao độc giả một tình cảm thắm thiết của người cha bao dung, yêu thương con hết mực, một người chiến sĩ cách mạng giàu lòng yêu nước.

Nguyễn Quang Sáng là người con gốc An Giang. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp và Mỹ ở Nam Bộ. Cũng từ những thấu hiểu nơi chiến trường khắc nghiệt đã trở thành nguồn tư liệu sáng tác cho ông. Văn chương của Nguyễn Quang sáng có nhiều thể loại như: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim, … Và hầu như hiện thực trong các tác phẩm của ông là về cuộc sống và con người Nam Bộ lúc chiến tranh cũng như hoà bình. Giọng văn của ông giản dị, mộc mạc nhưng lại rất sâu sắc. Và truyện ngắn “Chiếc lược ngà” là một tác phẩm thành công được ra đời vào năm 1966 – khi tác giả đang kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Nam Bộ. Truyện ngắn là một câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ của cha con ông Sáu và bé Thu sau tám năm xa cách. Nhưng thật trớ trêu thay khi bé Thu lại không nhận ông Sáu là ba. Đến lúc em nhận ra ba của mình thì ông Sáu đã trở về đơn vị. Trước khi đi, ông Sáu có hứa với Thu sẽ làm cho em chiếc lược. Trở về căn cứ, người ba ấy đã dùng hết tình yêu thương vào làm một chiếc lược ngà. Chưa kịp trao tay con thì ông Sáu đã hi sinh trong một trận càn quét của giặc. Câu chuyện ánh lên vẻ đẹp tình phụ tử của nhân vật ông Sáu. Từ đó khẳng định tình cảm cha con luôn bất tử trong cái chất cay xè mùi thuốc súng.

Tình yêu thương con của ông Sáu được khắc họa đậm nét qua nỗi mong chờ, nôn nao khi trên đường về nhà sau tám năm xa cách. Theo tiếng gọi của Tổ quốc nơi tiền phương, ông Sáu đã gác lại hạnh phúc riêng tư để dứt áo ra đi. Khi ấy, đứa con gái đầu lòng của ông – bé Thu “chưa đầy một tuổi”. Trong suốt khoảng thời gian ở chiến trường, ông “chỉ thấy con qua tấm ảnh nhỏ”. Có đôi ba lần chị Sáu đi thăm chồng, ông lại bảo: “Sao không cho con bé lên cùng?”. Nhưng vì “cái cảnh đi thăm chồng ở chiến trường miền Đông không đơn giản. Chị không dám đưa con qua rừng” nên ông Sáu không trách được. Trong những năm kháng chiến, ông luôn nhớ đến con, lẽ vậy mà khi được nghỉ phép, trên đường trở về nhà, ông Sáu mong ngóng, chờ đợi để được gặp con của mình: “cái tình người cha cứ nôn nao trong người”. “Xuồng vào bến, thấy một đứa bé độ tám tuổi…đang chơi nhà chòi dưới bóng cây xoài trước sân nhà”, ông Sáu liền “đoán biết là con”. Thấy con, lòng ông như rạo rực bao niềm hạnh phúc. “Không thể chờ xuồng cặp lại bến”, ông “nhún nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạc ra” và “bước vội vàng với những bước dài” rồi kêu một tiếng rõ to: “Thu! Con”. Tiếng kêu như thỏa mãn sự khát khao được gọi con trong tám năm qua của ông và dấy lên trong lòng ông bao niềm vui trong thời khắc thiêng liêng ấy. Nó hiện hữu trên gương mặt, “vết thẹo dài hai bên má lại đỏ ửng lên, giần giật, trông rất dễ sợ”. Tiếng kêu vang vọng đến đứa bé, “nghe gọi, con bé giật mình tròn mắt nhìn”. Với lòng ông, ông “nghĩ rằng con sẽ chạy xô vào lòng, sẽ ôm chặt lấy cổ”. Trong niềm hạnh phúc dâng trào, ông Sáu “vừa bước đi, vừa khom người đưa tay đón chờ con” và nói với “giọng lắp bắp run run: Ba đây con! – Ba đây con!”. Nhưng cứ tưởng mọi chuyện sẽ diễn ra như suy nghĩ của ông Sáu, tuy nhiên bé Thu “mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu hét lên: “Má! Má!” Có lẽ ở cái độ tuổi lên tám, lên chín của em cảm thấy ba mình như người xa lạ nên mới sợ hãi và bỏ chạy như thế. Bao nhiêu sự nôn nao, nóng lòng để được về gặp con của ông Sáu nhưng lại oan trái thay khi chính điều ấy lại khiến đứa con yêu thương của mình hoảng sợ. Ông Sáu như chết lặng, “đứng sững sờ lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt như sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy”. Đó chính là sự tuyệt vọng của một trái tim da diết tình yêu thương con.

Tình yêu thương con còn thể hiện ở những ngày nghỉ phép của ông Sáu khi ở nhà. Mặc dù bị con bỏ chạy khi vừa thấy mình, nhưng trong ba ngày nghỉ phép, ông Sáu vẫn bao dung và yêu con hết mực. Để bù đắp sự thiếu thốn tình cha trong tám năm qua, “suốt ngày ông chẳng đi đâu xa, lúc nào cũng vỗ về con”. Nhưng thật cay đắng và xót xa thay khi “càng vỗ về con bé càng đẩy ra” và chẳng bao giờ chịu gọi một tiếng “ba”. Có gì đau đớn hơn khi bị chính người thân mình cự tuyệt sau bao tháng ngày mong chờ để gặp lại? Khi mẹ bảo bé Thu gọi ba vào ăn cơm thì em lại nói trống không:  “Vô ăn cơm!”. Ông Sáu cố tình “giả vờ không nghe chờ nó gọi “Ba vô ăn cơm”. Nhưng điều đó em càng bướng bỉnh hơn. Bất lực, ông Sáu “quay lại nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười. “Vì nỗi khổ tâm đến không khóc được, nên anh phải đành cười vậy thôi”. Bởi lẽ đôi khi “nước mắt chảy ra từ con mắt là thường thôi, có thứ nước mắt không chảy ra kiểu như vậy” (Nguyễn Ngọc Tư). Hay một lần khác, mẹ dặn bé Thu ở nhà nấu cơm. Đến lúc cơm sôi cần chắt nước nhưng vì nồi quá to nên em không thể tự mình làm được. Em nhờ ông Sáu nhưng lại tiếp tục nói trống không: “Cơm sôi rồi, chắt nước dùm cái!”. Bác Ba có mở đường cho em: “Ba chắc nước dùm con”. Nhưng em lại không thèm để ý cho đến mãi khi không thể nhờ giúp đỡ, em đành tự lấy vá múc nước ra. Có lẽ, bao nhiêu sự nỗ lực để bé Thu gọi một tiếng “ba” giờ trở nên quá xa xỉ. Nỗi đau đớn khi bị con cự tuyệt đã cứa xé vào tim của ông Sáu mấy ngày qua và lên đỉnh điểm vào bữa cơm hôm ấy. Với tình yêu thương và muốn bù đắp cho con, ông Sáu đã dành lấy “một cái trứng cá to vàng để vào chén” Thu. Nhưng em lại tỏ thái độ không muốn, “liền lấy đũa xôi vào chén, để đó rồi bất thần hấp cái trứng ra”. Trước hành động của em, anh Sáu như đau đớn, “giận quá và không kịp suy nghĩ, anh vung tay đánh vào mông nó và hét lên: – Sao mày cứng đầu quá vậy, hả?”. Có phải ông Sáu đã không còn thương con mình rồi chăng? Không, cái đánh ấy là minh chứng của sự bao dung quá giới hạn và một tình yêu thương bị từ chối của ông. Nó xuất phát từ sự tuyệt vọng, đau khổ khi bị chính đứa con gái mà mình yêu thương, nhung nhớ hết lần này đến lần khác chối bỏ và cự tuyệt. Sự chịu đựng những điều ấy trong ông quá lớn đến lúc không thể kìm nén nên đã dâng trào, không kịp nghĩ mà đánh con. Niềm mong mỏi, mong chờ sau bao năm để được ôm ấp, yêu thương con này bỗng trở thành niềm đau đớn. Khi bị đánh, bé Thu chỉ lẳng lặng bỏ đi qua ngoại. Chắc trong thâm tâm người cha ấy cũng không hạnh phúc hay nhẹ lòng khi đánh con như vậy và thậm chí sau quay trở lại chiến trường, ông Sáu vẫn day dứt khôn nguôi khi đã lỡ tay đánh con.

Ngày hôm sau cũng là ngày chia tay trước khi ông Sáu trở về căn cứ. Họ hàng, “bà con con bên nội, bên ngoại đến rất đông”, cả Thu cũng theo ngoại nó về. Ông Sáu phải lo tiếp khách, ông như không chú ý đến con nữa. Đến lúc ra đi ông “mang ba lô lên vai, sau khi bắt tay hết mọi người, ông Sáu mới đưa mắt nhìn con. Có lẽ ông “cũng muốn ôm con hôn con nhưng cũng lại sợ nó giãy lên lại bỏ chạy”. Niềm mong mỏi được con gọi tiếng “ba”, được ôm con như bao người cha khác nay trở thành một thứ vô cùng đau đớn đối với ông Sáu. Bất lực, tuyệt vọng vì không thể làm gì hơn, ông Sáu chỉ có thể nói: “Thôi! Ba đi nghe con!” để tạm biệt con gái mình. Cứ tưởng “con bé sẽ đứng yên đó” nhưng ngược lại, em thốt lên một tiếng đau đến xé lòng: “Ba…a…a…ba!”. Tiếng kêu ấy là tiếng lòng mà em cố đè nén trong tám năm “như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người”. Khi hỏi lý do em không nhận ba trong mấy hôm nay lẽ vì ba trong hình không có vết thẹo trên mặt như bây giờ. Đêm qua “bà cho nó biết, ba nó đi đánh Tây bị Tây bắn bị thương”. Có lẽ vì chính lý do ấy đã gỡ rối được những hiểu lầm trong em và thúc đẩy em gọi tiếng “ba”. Cũng nhờ tiếng gọi ấy lại khiến ông Sáu vui sướng biết bao. Niềm đau đớn và sự tuyệt vọng của ông trong ba ngày nay dần được xoa dịu. Nó làm cho người cha ấy “không ghìm được xúc động… ông Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con”. Đôi khi “khóc cũng là một kiểu cười” (Nguyễn Nhật Ánh) và những giọt nước mắt ấy là minh chứng của một trái tim đang hạnh phúc. Thu chạy đến “dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó” như thế không muốn cho ba đi và nói: “Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!”. Ông ân cần bảo con: “Ba đi rồi ba về với con”. Chắc hẳn, ông Sáu xót xa vô cùng khi thấy con gái nhỏ của mình trước cái cảnh chia lìa bất đắc dĩ ấy. Chính cái sự cay nghiệt của chiến tranh đã chia cắt sự đoàn tựu của một gia đình và nó khiến những người trong cuộc phải gánh chịu biết bao đau đớn. Cũng như Nguyễn Ngọc Tư từng nhận định một cách xót xa về thời kì bom đạn: “Chiến tranh, theo tôi biết, có nhiều người nhói đau khi nhắc về nó. Những huân chương, huy chương chỉ làm ấm ngực, niềm đau khuất ở một góc lòng, có kẻ nhìn thấy, có người không”. Nỗi buồn của Thu khi sắp xa ba dần được mọi người an ủi. Trước khi ông Sáu ra đi, em ôm chầm ba và nói trong tiếng nấc: “Ba về! Ba mua cho con một cây lược nghe ba!”. Ông Sáu với tình yêu thương con đã đồng ý và tiếp tục lên đường quay trở lại chiến trường.

Đến với từng câu chữ cuối cùng của đoạn trích, ta vẫn cứ đau đáo thấm đẫm cái tình cha con sâu nặng của ông Sáu khi ông làm lược cho con chiếc lược ngà. Có lẽ chiếc lược ấy không nằm ở chỗ giá trị vật chất mà nó mang một niềm yêu thương vô bờ bến của một người cha. Tác giả đã miêu tả thành công khuôn mặt “hớn hở như một đứa trẻ được quà” của ông khi tìm được khúc ngà từ rừng về? Có lẽ, trong lòng người cha ấy rất vui sướng và hạnh phúc. Để rồi ông dành bao nhiêu tình yêu và nỗi nhớ để vào làm lược cho con. Chiến trường khốc liệt là như thế nhưng khi nào có thời gian rảnh thì ông Sáu lại ngồi làm. Ông “cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ”. Cây lược ấy không được tạo ra bởi bàn tay của người thợ bạc nhưng nó được tạo ra bởi bàn tay đầy vết chai sạn do súng đạn và bằng một tình thương con vô bờ bến. Trên sống lưng cây lược có khắc dòng chữ: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Dòng chữ ấy như chứa đựng bao tâm tình và lòng yêu con của ông Sáu. Tuy “cây lược ấy chưa chải được mái tóc con nhưng nó gỡ rối được phần nào tâm trạng của ông”. Ở nơi chiến trường xa xôi, lòng ông Sáu vẫn còn mang nỗi ân hận vì lỡ đánh con. Mỗi lúc như vậy, ông “lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng” và để con không bị đau tóc khi chải. Cứ ngỡ sẽ được trao tận tay món quà ý nghĩa cho con, nhưng chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của ông Sáu và cắt đi tình cha con mãi mãi. “Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối” nhưng ông Sáu vẫn đốc hết sức lực “đưa tay vào túi, móc cây lược”, đưa cho bác Ba – người đồng đội của mình. Lúc đó, người cha ấy không nói gì nhưng chỉ nhìn một hồi lâu như muốn gửi gắm và nhắn nhủ bác Ba đưa lược về trao tận tay bé Thu. Có lẽ, sự đau đớn và tiếc nuối khi không thể gặp con lần cuối nữa đang dâng trào trong nhân vật. Cây lược như món và cuối cùng của ông Sáu dành cho con gái mình. Nó là một kỉ vật thiêng liêng và là một minh chứng cho tình yêu thương con da diết. Đồng thời nó cũng khẳng định tình phụ tử không thể bị bom đạn giết chết trong chiến tranh.

Thuý Trân từng nhận xét về tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng nói chung như sau: “Tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng chưa từng giới hạn ở bất kì chủ đề nào nhưng ông vẫn tập trung nhiều nhất là chiến tranh và con người”. Với truyện ngắn “Chiếc lược ngà” bạn đọc lật dở từng trang văn và thấm thía vô cùng những nỗi đau do chiến tranh gây nên cho con người. Nhưng cũng chính hiện thực khắc nghiệt ấy đã làm nổi bật hình ảnh ông Sáu – một chiếc sĩ cách mạng “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Ông đã hi sinh đi hạnh phúc riêng tư của mình để đi theo tiếng gọi của cách mạng, để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Và rồi ông cũng đã hi sinh máu thịt, tính mạng cho hai chữ “hoà bình”. Ở con người ấy đáng quý vô cùng một trái tim nồng nàn tình yêu đất nước.

Viết về nhân vật ông Sáu nhưng Nguyễn Quang Sáng cũng đã viết về số phận chung của những con người trong hoàn cảnh chiến tranh éo le. Đó là cái éo le khi bị chiến tranh tàn phá làng mạc, chia cách hạnh phúc gia đình và thậm chí là cướp đi sinh mạng của con người. Nhưng cũng chính hoàn cảnh ấy đã làm nổi bật tình cảm, đời sống tinh thần của con người mà cụ thể ở đó chính là tình phụ tử. Từ đó, bạn đọc ở mỗi thế hệ đều ý thức hơn về cuộc sống, về nền hòa bình độc lập ngày hôm nay. Tác phẩm nói chung và nhân vật ông Sáu nói riêng đã thể hiện sâu sắc phong cách sáng tác vừa giản dị, vừa gần gũi thân quen của bậc thầy văn học Nam Bộ.

Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” là một tác phẩm thành công của Nguyễn Quang Sáng. Nhưng để làm được điều ấy thì người nghệ sĩ không chỉ quan trọng đến nội dung mà còn phải chăm chú vào hình thức nghệ thuật. Tác phẩm có bố cục hợp lí, cốt truyện chặt chẽ. Khi dạo bước từ đầu đến cuối, ta như ngất ngây với cái tài xây dựng tình huống truyện. Nguyễn Quang Sáng đã đưa nhân vật ông Sáu từ sự mong chờ để được gặp con nhưng khi gặp được lại bị con chối bỏ và khi Thu nhận ba thì khoảnh khắc đó lại là lúc chia xa. Ở nơi căn cứ, ông Sáu dồn hết tình yêu vào làm lược nhưng thật trớ trêu khi chưa trao tận tay con thì phải hi sinh. Ngoài ra Nguyễn Quang Sáng còn tài tình khi khắc họa nội tâm nhân vật thông qua cử chỉ, hành động. Nhà văn sử dụng ngôi thứ nhất là bác Ba để bày tỏ suy nghĩ, lời bình, đánh giá một cách khách quan. Tóm lại, Nguyễn Quang Sáng đã khéo léo hài hòa giữa nội dung và nghệ thuật.

Nguyễn Minh Châu từng tâm niệm: “Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm và tâm điểm là con người”. Hòa mình vào mảnh hiện thực của chiến tranh, người nghệ sĩ Nguyễn Quang Sáng đã tìm thấy được một tình phụ tử sâu nặng và kí thác qua truyện ngắn “Chiếc lược ngà”. Truyện ngắn đã cho ta cảm nhận được vẻ đẹp của một người cha bộ đội với một lòng yêu thương con thiêng liêng, cao cả trong cái éo le của thời kì loạn lạc và cũng là một người chiến sĩ yêu nước nồng nàn. Với sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và nghệ thuật, hình tượng ông Sáu đã in sâu vào trong tâm trí và lấy đi sự đồng cảm của biết bao bạn đọc. Tác phẩm quả thật đã mang đến “một tình phụ tử muôn đời” (Chu Văn Sơn).

Bài viết của bạn Nguyễn Ngọc Thảo, bài viết đã được Thích Văn học biên tập lại

Nhận xét
– Ưu điểm
+ Mở bài có sáng tạo khi dẫn dắt bằng lí luận văn học.
+ Bài viết đảm bảo bố cục các phần, thể hiện được việc nắm chắc kĩ năng của người viết.
+ Quá trình phân tích bên cạnh những kiến thức cơ bản thì đã lồng được những nhận xét, đánh giá của người viết.
+ Bài viết có sáng tạo khi trích dẫn các nhận định phù hợp.
– Cần lưu ý một số vấn đề sau:
+ Mở bài diễn đạt chưa được trôi chảy, khá cứng.
+ Muốn bài viết sâu sắc hơn thì em có thể viết một đoạn văn nêu ý nghĩa hình tượng nhân vật ông Sáu (đại diện cho lớp người nào? Thể hiện phong cách sáng tác của tác giả như thế nào?).
+ Đối với nhân vật ông Sáu, ngoài tình yêu thương con thì ông còn là một chiến sĩ cách mạng hết lòng yêu nước, hi sinh vì tổ quốc. Em cũng nên chú ý về nội dung này nữa nhé.
+ Chú ý diễn đạt chính xác, trôi chảy ở một số chỗ và còn mắc rất nhiều lỗi chính tả.

Xem thêm:

  • Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học