Đề bài: Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.
Bài làm
“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”
(Khúc bảy – Thanh Thảo)
Chiến tranh – hai từ mà khi nhắc đến con người ta sẽ chỉ nghĩ đến bom đạn, đến đau thương, mất mát. Nhưng trong chiến tranh, ta còn ấn tượng sâu sắc với vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam – những con người không quản ngại gian khổ, không tiếc đời mình để hi sinh cho Tổ quốc. Đó không chỉ là những người lính trực tiếp xông pha nơi chiến trận mà còn là những con người nơi hậu phương vững chắc không ngừng cống hiến cho quê hương, đất nước. Những con người ấy đã được Nguyễn Thành Long khắc họa sâu sắc trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”. Cụ thể là qua nhân vật anh thanh niên – nhân vật chính mang vẻ đẹp của con người lao động mới trong thời kì đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Nếu ví văn chương là một vườn hoa ngát hương thì Nguyễn Thành Long chính là vị khách đặc biệt đặt chân lên vườn hoa ấy. Nhắc đến ông, Châu Hồng Thủy đã nhận xét rằng: “Văn Nguyễn Thành Long như một bài thơ buồn dịu êm, một bông hoa cúc nhỏ run rẩy nở trong sương sớm. Ta ngơ ngẩn trước vẻ đẹp của bông hoa mà quên mất bông hoa ấy đã được bàn tay của người làm vườn chăm tưới. Nhiều khi, hồn văn của Nguyễn Thành Long làm dịu mát lòng ta như mạch nguồn trong trẻo dịu dàng”. Điển hình cho hồn văn của ông phải kể đến truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, sáng tác năm 1970, là kết quả của chuyến đi thực tế ở Lào Cai. Đây là thời kỳ miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ. Truyện đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc không chỉ bởi vẻ đẹp của cảnh sắc Sa Pa – “nơi gặp gỡ đất trời” mà còn là vẻ đẹp của con người xứ sở sương mù và nổi bật là nhân vật “anh thanh niên” đẹp từ lối sống đến cách nghĩ, cách làm.
Trước hết, qua lời giới thiệu chân thực, giản dị của bác lái xe, ta có thể thấy anh thanh niên là chàng trai 27 tuổi với thân hình nhỏ nhắn và nét mặt tươi cười rạng rỡ. Anh sống và làm việc một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét, quanh năm suốt tháng chỉ làm bạn với mây mù và cây cỏ. Ở nơi ấy, anh làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu với nhiệm vụ cụ thể là “đo mưa, đo gió, đo nắng, tính máy, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Đây là một công việc vất vả từ hoàn cảnh sinh hoạt đến điều kiện làm việc nhưng cũng là chiếc đòn bẩy để làm nổi bật vẻ đẹp của một con người khát khao cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc thân yêu.
Tô Hoài đã từng nhận định rằng: “Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết trong một sáng tác”. Đến với sáng tác của Nguyễn Thành Long, bạn đọc thấy cái “hết thảy” của vẻ đẹp anh thanh niên mà đầu tiên chính là những suy nghĩ đẹp về công việc của mình. Dù phải sống, phải làm việc ở độ cao 2600 mét không có bóng người, chịu cảnh “cô độc nhất thế gian” nhưng anh vẫn tình nguyện, chấp nhận làm công việc ấy. Chính sự say mê, tình yêu công việc đã giúp anh chống chọi và chiến thắng với sự khắc nghiệt của thời tiết. Ở nơi địa đầu của Tổ quốc, càng lên cao, thời tiết càng khắc nghiệt “gió như bị chặt ra từng khúc mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung”. Quả thực, với thời tiết như vậy, ắt hẳn mỗi chúng ta sẽ vô cùng ái ngại nhưng chàng trai nhỏ bé ấy đã vượt qua tất cả để tiếp tục công việc của mình. Dẫu vậy, anh luôn coi công việc của mình là nhỏ bé, không đáng được nhắc đến và anh luôn khát khao được như anh bạn đồng nghiệp làm việc trên đỉnh Phan-xi-păng ở độ cao 3142 mét. Người con trai ấy cho rằng “Làm khí tượng ở độ cao thế mới là lý tưởng chứ”. Phải chăng, bởi quá yêu nghề nên anh thanh niên đã có những suy nghĩ, sự chiêm nghiệm và những quan niệm đúng đắn về công việc anh đang làm? Anh quan niệm rằng: “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?”. Đối với anh, công việc là một phần của cuộc sống, là người bạn tri âm, tri kỉ cùng đồng hành suốt bao tháng năm, bao thăng trầm của cuộc sống, là ý nghĩa, mục đích để tiếp tục sống và cống hiến. Anh không coi công việc là nhiệm vụ nhàm chán, nhạt nhẽo mà đó là niềm vui tồn tại bên anh trong những ngày làm việc ở đỉnh Yên Sơn “chứ cất nó đi cháu buồn chết mất”. Không những vậy, anh thanh niên còn tìm thấy ý nghĩa trong công việc của mình “Huống chi công việc của cháu còn gắn liền với bao anh em đồng chí dưới kia”. Anh đã đặt mình vào mối quan hệ với những người xung quanh để thấy rằng anh có tinh thần tập thể, anh không cô đơn mà luôn có mọi người xung quanh. Người con trai ấy không coi công việc của mình là “một mình” mà đó là một mắt xích quan trọng không thể thiếu trong sự nghiệp “phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Anh còn tâm sự rằng: “Nỗi nhớ xe, nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng”. Với những người như anh thanh niên, sau khi ra trường, có thể chọn làm những công việc dễ dàng nơi “phồn hoa đô hội” nhưng anh lại có khát vọng lớn lao hơn, đó là được đặt chân đến nơi địa đầu Tổ quốc, nơi chưa từng có dấu chân người để sinh sống, làm việc và cống hiến cho đất nước. Ôi, thật khâm phục, ngưỡng mộ, biết bao trước những con người như anh thanh niên! Không dừng lại ở đó, anh còn tìm thấy cho mình ý nghĩa của sự hạnh phúc. Khi biết mình đã góp phần “phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy, tháng ấy không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mỹ trên cầu Hàm Rồng”. Nếu như người bố của anh nơi chiến trường lập công thì anh nơi hậu phương vững chắc cũng lập công lớn. Đối với người con trai ấy, hạnh phúc đâu cần là có được những của cải vật chất cao sang mà nó chỉ đơn giản là được góp một phần công sức bẻ nhỏ của mình vào công cuộc đánh Mỹ, công cuộc giữ gìn và phát triển quê hương. Đọc xong những lời tâm sự của anh thanh niên, chính độc giả cũng như được tiếp thêm ngọn lửa của những khát khao cống hiến cháy bỏng cho quê hương, đất nước. Dù sống và làm việc một mình, không ai nhắc nhở, đôn đốc hay giám sát nhưng anh vẫn luôn tự giác làm nhiệm vụ. Trong suốt bốn năm, hàng ngày cứ bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, một giờ sáng anh lại đi “ốp” và chưa từng sai một giờ “ốp” nào. Điều này cũng giúp anh làm việc có hiệu quả hơn, tác phong làm việc cũng khoa học, nghiêm túc hơn và luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Ta tự hỏi rằng, nếu thiếu những con người yêu công việc, có tinh thần trách nhiệm cao như anh thanh niên thì có làm nên được xã hội chủ nghĩa miền Bắc như ngày nay được hay không?
Không dừng lại ở những suy nghĩ đẹp về công việc, về tình yêu nghề, vẻ đẹp của anh thanh niên còn được thể hiện cả trong phong cách sống đẹp. Anh luôn biết tự tạo cho mình nếp sống khoa học, ngăn nắp, gọn gàng, đầy đủ về vật chất lẫn tinh thần. Dù được ví là “người cô độc nhất thế gian”, suốt bao năm tháng chỉ có một mình trên đỉnh núi cao và rất ít người tới thăm nhà nhưng anh vẫn luôn tự chủ động sắp xếp cuộc sống ngăn nắp “một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ thống kê, máy bộ đàm”, cuộc sống riêng của anh “còn thu gọn trong một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách”. Ở anh thanh niên đã toát lên lối sống giản dị, nền nếp. Anh còn tự tạo ra những âm hưởng vang vọng trong bản hòa tấu cuộc đời chính mình. Tưởng chừng ở nơi địa đầu Tổ quốc chỉ bao trùm một màu xám xịt, lạnh lẽo của mây mù và màn sương dày đặc nhưng anh thanh niên đã tô điểm vào đó bao màu sắc rạng rỡ của những bông hoa “hoa dơn, hoa thược dược vàng, tím, đỏ, hồng phấn”. Chàng trai ấy trồng hoa không những để làm đẹp cho đời mà còn để làm đẹp cho chính tâm hồn mình, khiến tâm hồn trở nên lãng mạn, yêu đời, lạc quan hơn. Anh còn nuôi gà, nuôi ong để vừa tạo nguồn lương thực, vừa tạo không khí gia đình ấm cúng, quây quần và cũng là để làm những món quà đi đường nhỏ xinh dành tặng cho những vị khách vô tình ghé qua nơi đây. Mặc dù ở một mình nhưng anh không cô đơn bởi luôn có sách làm bạn. Anh coi sách là người bạn để trò chuyện, thư giãn, thanh lọc tâm hồn và cũng là nhịp cầu để kết nối với thế giới nhộn nhịp, rộn ràng dưới xuôi. Dẫu trên đỉnh núi cao chót vót nhưng anh thanh niên vẫn sống, làm việc và thư giãn như ở giữa lòng thủ đô xa hoa. Chính những tia nắng ấm áp của tinh thần lạc quan đã sưởi ấm anh trong thời tiết giá rét khắc nghiệt. Chính tình yêu tha thiết với cuộc đời là điểm tựa vững chắc để anh bước tiếp về phía trước, vượt qua bao gian truân vất vả, tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời từ những điều nhỏ bé nhất.
Anh thanh niên còn là một chàng trai có đức tính đẹp khi cởi mở, chân thành, hiếu khách và khiêm tốn. Tưởng chừng sống trong hoàn cảnh một mình khó khăn như vậy, con người ta sẽ sống khép kín, thu mình lại nhưng anh thanh niên lại hoàn toàn khác. Khi biết vợ bác lái xe bị ốm, anh đã đi tìm củ tam thất dành tặng bác gái để bác ngâm rượu uống. Khi có khách đến thăm nhà, anh “mừng quýnh”, đón tiếp khách nồng nhiệt. Anh con trai ấy đã tặng cho cô kỹ sư bó hoa rực rỡ “anh con trai, rất tự nhiên như một người bạn đã quen thân, trao bó hoa đã cắt cho người con gái, và cũng rất tự nhiên, cô đỡ lấy” và pha nước chè cho ông họa sĩ. Dù chỉ là những người xa lạ lần đầu gặp mặt nhưng dường như với họ không có bức tường xa lạ nào ngăn cách. Anh thanh niên mới quen biết ông họa sĩ và cô kỹ sư nhưng đã tâm sự, trò chuyện, bộc bạch tất cả những gì mà anh ấp ủ “những điều đáng lẽ người ta chỉ nghĩ. Cũng là những điều ta ít nghĩ”. Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của mình, anh luôn trân trọng từng giây, từng phút quý báu “Bác lái xe chỉ cho ba mươi phút thôi. Hết năm phút rồi. Cháu nói qua công việc của cháu, năm phút. Còn hai mươi phút, mời bác và cô vào nhà uống nước chè, cho cháu nghe chuyện”. Đến lúc phải ra về, anh vô cùng lưu luyến, xúc động đến mức phải “quay mặt đi”, không dám tiễn khách ra xe mặc dù chưa đến giờ “ốp”. Và ngay trong giây phút ấy, anh đã ấn vào tay ông họa sĩ già cái làn trứng nhỏ làm quà đi đường. Món quà ấy tuy nhỏ nhưng chứa chan biết bao tình cảm của người con trai ấy. Bên cạnh đó, anh còn là người vô cùng khiêm tốn, thật thà. Anh luôn coi công việc của mình là nhỏ bé, chưa xứng đáng, còn thua xa bố vì chưa được trực tiếp đi bộ đội, trực tiếp ra chiến trường. Biết người họa sĩ muốn vẽ chân dung của mình, anh đã ngỏ lời từ chối “không bác đừng mất công vẽ cháu” và anh nhiệt tình giới thiệu những người mà anh cho là đáng để vẽ hơn anh. Đó là bác kỹ sư vườn rau su hào, là anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét và cả anh bạn đồng nghiệp là trên đỉnh Phan-xi-păng mà anh hằng ao ước. Anh thanh niên phải thốt lên rằng: “Cháu thấy cuộc đời đẹp quá”. Anh say sưa kể về những cống hiến của người khác và cũng chính là những cống hiến của bao người trong công cuộc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Như vậy, qua những trang văn của Nguyễn Thành Long, người đọc lại càng thêm yêu quý, trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của anh thanh niên hay chính là vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam âm thầm, lặng lẽ, mang trong mình khát vọng cống hiến để bảo vệ và dựng xây đất nước. Những khát vọng đẹp đẽ này làm ta nhớ đến những vần thơ trong thi phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
Thanh Hải đã gửi gắm vào từng vần thơ của mình những khát khao cháy bỏng được sống và cống hiến hết mình. Dù là Thanh Hải hay anh thanh niên, họ đều mang trong mình lý tưởng cao đẹp, tình yêu đời, khát vọng cống hiến rực cháy. Qua nhân vật anh thanh niên với những suy nghĩ đẹp, lối sống đẹp, đức tính đẹp hiện lên thật giản dị, nhẹ nhàng cũng đã phần nào thể hiện được phong cách đầy chất thơ trong truyện ngắn của Nguyễn Thành Long.
Trong suốt con đường sự nghiệp văn chương của mình, nhà văn Nga Leonit Leonop luôn tâm đắc một quan điểm độc đáo: “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung”. Sự thống nhất hài hòa giữa nội dung và hình thức là một trong những yếu tố quyết định nên giá trị bất hủ của tác phẩm nghệ thuật. Và với “Lặng lẽ Sa Pa”, để làm nên sức hấp dẫn cho tác phẩm, tôn lên vẻ đẹp của anh thanh niên phải kể đến cốt truyện nhẹ nhàng mà cuốn hút, xây dựng tình huống hợp lí, cách kể chuyện độc đáo, tự nhiên. Không dừng lại ở đó, nhân vật cũng được miêu tả đặc sắc qua hành động, lời nói, cử chỉ, suy nghĩ và từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Điểm đặc sắc của Nguyễn Thành Long đó là tất cả các nhân vật đều không có tên riêng mà gọi họ bằng nghề nghiệp, giới tính, tuổi tác. Qua cách đặt tên như vậy, nhà văn không chỉ muốn khắc họa vẻ đẹp của những con người làm việc trên vùng đất Sa Pa mà là vẻ đẹp của tất cả những con người lao động đang âm thầm, lặng lẽ cống hiến cho Tổ quốc. Ngoài ra, làm nên sức hấp dẫn cho truyện phải kể đến chất thơ bàng bạc toát ra từ phong cảnh thiên nhiên lẫn con người Sa Pa cùng với đó là lời văn mượt mà, trau chuốt, đầy chất thơ, giàu chất hội họa, trong trẻo, đan xen nhiều yếu tố biểu cảm, tự sự lẫn nghị luận.
“Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện khi câu chuyện về các nhân vật đã kết thúc.” (Aitmatov). Và “Lặng lẽ SaPa” chính là một tác phẩm như vậy. Đọng lại trên mỗi trang truyện, đằng sau nhân vật anh thanh niên đó là niềm vui đang cựa mình trỗi dậy, là khát vọng được cống hiến tuổi trẻ của mình cho đất nước. Chính anh thanh niên ấy đã gieo vào lòng người đọc thứ ánh sáng cao cả của lý tưởng sống cao đẹp và chính sự lan tỏa quan niệm sống, lý tưởng sống đẹp ấy. Quả thực, Nguyễn Thành Long đã thực hiện trọn vẹn thiên chức cao quý của mình là “dẫn người đọc vào xứ sở của cái đẹp”.
Bài viết của bạn Nguyễn Thị Ngọc Ánh, bài viết đã được Thích Văn học biên tập và chỉnh sửa
Nhận xét
+ Bài viết đầy đủ bố cục các phần, luận điểm rõ ràng, mạch lạc.
+ Bài viết thể hiện được nhận xét, đánh giá, bình giảng khá sâu sắc của người viết.
Xem thêm:
- Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
- Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
- Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
- Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học