Ý nghĩa nhan đề của các tác phẩm lớp 9 học kì 2

Tham khảo: Trọn bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10 (có đáp án).

Nhan đề có thể nói lên được phần nào nội dung chính cũng như chủ đề của tác phẩm. Các dạng câu hỏi có thể liên quan đến nhan đề thường nằm trong phần I. Đọc hiểu hoặc các bạn có thể sử dụng những kiến thức về nhan đề để liên hệ trong quá trình mình phân tích tác phẩm.

Dưới đây là bài viết tổng hợp các “Ý nghĩa nhan đề của các tác phẩm lớp 9 học kì 2”. Chúc các bạn học tốt!

 

1. Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải

– Mùa xuân trong “Mùa xuân nho nhỏ” là mùa xuân của một con người nơi ngưỡng cửa cuối cùng của cuộc đời, mùa xuân của sự giao thoa và tiếc nuối. Hình ảnh “Mùa xuân nho nhỏ” là biểu tượng cho những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất của sự sống và cuộc đời mỗi con người. Bởi lẽ, mùa xuân mà tác giả mang đến trong thơ, không chỉ là mùa xuân của đất trời, mà còn là tuổi xuân, sức xuân của đời người.

– Nhan đề còn là sự gửi gắm quan điểm về sự thống nhất giữa cái riêng với cái chung, giữa cá nhân và cộng đồng. 

– “Mùa xuân nho nhỏ” còn thể hiện ước nguyện, sự khiêm nhường của nhà thơ khi muốn làm một mùa xuân góp vào mùa xuân lớn của thiên nhiên, đất nước.

 

2. Viếng lăng Bác – Viễn Phương

 Cụm từ “Viếng lăng Bác” không chỉ là một đơn thuần thông báo hành trình, mà còn chứa đựng sự quyết tâm, lòng thành kính và sự gắn bó không ngừng của tác giả và cả cộng đồng dân tộc Việt Nam đối với Bác.

– Ngoài ra, nhan đề còn là một cánh cửa mở cho việc triển khai cảm xúc và tư tưởng trong bài thơ. Việc viếng thăm lăng Bác không chỉ là một hành động vật chất mà còn là một hành trình tinh thần, nơi tác giả có cơ hội thể hiện những suy tư, cảm xúc, và tâm huyết của mình.

(Nguồn: Bùi Tuấn An)

 

3. Sang thu – Hữu Thỉnh

– “Sang thu” là cụm động từ chỉ sự vận động không ngừng nghỉ của thời gian trong bước chuyển mình từ hạ sang thu. Hữu Thỉnh không viết về mùa hạ, không viết về mùa thu mà viết về thời khắc giao mùa từ hạ sang thu của đất trời. Đó là nét tinh tế, là dòng cảm xúc rất riêng của một hồn thơ suy tư, chiêm nghiệm, rộng mở với thiên nhiên, đất trời.

– Sang thu ở đây không chỉ là sự giao mùa của thiên nhiên, đất trời mà còn là sự giao mùa của đời người. Sang thu còn gợi cảm giác mùa hạ đang chủ động nhường chỗ cho mùa thu khoe sắc. 

 

4. Nói với con – Y Phương

– Nhan đề bài thơ khái quát được ý nghĩa của toàn bài thơ, là lời của người cha nhắn nhủ đến người con về cội nguồn, truyền thống quê hương và lẽ sống. Bài thơ đi từ tình cảm gia đình rồi mở ra tình cảm quê hương, từ những kỷ niệm gần gũi, thiết tha để nâng lên lẽ sống chân thành nhưng tình nghĩa sâu sắc.

– Nhan đề toát lên sắc thái bình dị, gần gũi đời thường.

 

5. Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê

– Những ngôi sao xa xôi là những ngôi sao có thật trên bầu trời, được nhắc đến ở cuối truyện, trong suy tư của Phương Định.

– Nhan đề còn gợi đến những cô gái trẻ không ngại bỏ lại tuổi thanh xuân, không ngại gian khổ, nguy hiểm, dũng cảm ra chiến trường theo tiếng gọi của Tổ quốc thân yêu.

– Nhan đề ấy còn gợi mở đôi mắt của Phương Định có vẻ đẹp xa xăm hệt như những vì sao sáng lấp trên bầu trời đêm đen của bom đạn. Những ngôi sao ấy mang theo khát khao và hy vọng lập nên chiến công, dâng hiến tuổi trẻ vì sự nghiệp vĩ đại của dân tộc. Đó còn là ngôi sao trên đầu mũ của những anh bộ đội – những con người đẹp nhất, đáng ngưỡng mộ nhất trong cái nhìn của Phương Định.

Xem thêm:

  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học