Khát vọng cống hiến qua các tác phẩm Ngữ Văn lớp 9

Khát vọng cống hiến qua các tác phẩm Ngữ văn 9

Nếu các bạn cảm thấy khó khăn khi phải ghi nhớ thêm những tác phẩm bên ngoài chương trình SGK để viết liên hệ, mở rộng thì có thể tham khảo bài viết dưới đây của Thích Văn học nhé. 

Ngoài việc lấy lí luận văn học, nhận định, các tác phẩm ngoài chương trình SGK thì các bạn có thể liên hệ, mở rộng bài viết của mình với những tác phẩm trong chương trình SGK có chung đề tài, chủ đề nữa nè. Cùng xem với nội “khát vọng cống hiến” thì những tác phẩm nào có thể liên hệ với nhau nha! 

 

1. Khát vọng cống hiến trong các bài thơ về người lính nói chung

Bàn về khát vọng cống hiến thì hình tượng những người lính thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chính là những tấm gương tiêu biểu. Cụ thể là với tác phẩm “Đồng chí” của Chính Hữu, nhà thơ đã vẽ nên hình ảnh những trái tim quả cảm nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc mà tạm gác ruộng nương, quê nhà lên đường nhập ngũ hay là Phạm Tiến Duật với “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” đã mang đến lí tưởng của những con người lạc quan, vượt qua nguy hiểm để hướng tới trời xanh. Ở họ, cống hiến là lí tưởng sống, vượt qua khó khăn là trách nhiệm và khát khao hướng đến độc lập chính là mục tiêu.

 

2. Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận

Nếu nói văn chương phản ánh hiện thực thì trước bối cảnh miền Bắc rộn ràng trong không khí đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Huy Cận đã không để ngòi bút của mình nằm yên. Thi sĩ đã gửi gắm vào tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá” một khát khao xây dựng đất nước, một khát khao “đón nắng hồng” qua hình tượng con người lao động mới. Họ hăng say, họ nhiệt huyết, họ lạc quan, dũng cảm không ngại hiểm nguy nơi vùng biển xa xôi để đánh bắt cá, để góp phần xây dựng, đổi mới quê hương.

 

3. Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long

Với truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, Nguyễn Thành Long đã khắc hoạ hình tượng con người lao động mới với vẻ đẹp âm thầm cống hiến và xem đó là niềm vui, ý thức trách nhiệm của bản thân. Cụ thể là qua nhân vật anh thanh niên với công việc làm lý tượng kiêm vật lý địa cầu. Anh là một người rất yêu nghề và nhận thức đúng đắn về ý nghĩa công việc của mình. Ngoài ra còn những con người thầm lặng, hi sinh cái riêng tư cá nhân của mình cho sự phát triển của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội qua lời kể của nhân vật anh thanh niên. Họ đều là những người không tên đại diện cho hình ảnh cho những con người âm thầm ngày đêm cống hiến, hi sinh cho tổ quốc.

 

4. Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải

Bàn về cái lặng lẽ, bạn đọc cũng đã khâm phục vô cùng cái lặng lẽ của nhân vật anh thanh niên nơi đỉnh núi Yên Sơn hoang vu, hẻo lánh. Với Thanh Hải, nhà thơ đã lặng lẽ dâng cho đời “mùa xuân nho nhỏ”. Ngôn từ “dâng” ở đây đã chuyên chở biết bao tinh thần tự nguyện của một tâm hồn vẫn mãi hướng trọn về đất nước. Trong sức sống sục sôi của “lộc” người cầm súng, “lộc” người ra đồng, con người ấy khiêm nhường với hai từ “nho nhỏ”. Đặc biệt với điệp từ “dù là” kết với hai hình ảnh hoán dụ “tuổi hai mươi”, “khi tóc bạc”, thi sĩ đã nhấn mạnh hơn nữa đến khát vọng cống hiến dù là tuổi trẻ hay về già. Ở con người ấy, dẫu rằng đang nằm trên giường bệnh nhưng đến những phút giây cuối cùng vẫn mong sống một cuộc đời có nghĩa, vẫn mang đến cho đời một triết lí trọn vẹn.

Xem thêm:

  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học