phân tích bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" để làm sáng tỏ nhân định của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Phân tích bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” để làm sáng tỏ nhân định của Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Đề bài:

“Ngòi bút là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả thật là sinh động và não nùng, cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân, vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành người anh hừng cứu nước…”

Hãy phân tích bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” để làm sáng tỏ nhân định của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

BÀI LÀM

Ngày nay, đọc thơ văn Đồ Chiểu không chỉ thấy tâm huyết và tài nghệ của nhà thơ mà còn thấy cả một thời đại lịch sử, thấy lại cả dân tộc ta trong một thời kỳ đau thương nhưng vĩ đại. Văn thơ của Đồ Chiểu mãi mãi vẫn là món ăn tinh thần cua người Việt Nam. Vì vậy Thủ tướng Phạm Vốn Đồng đã nhận định: “Ngòi bút là tâm hồn trung nghĩa của Nguyên Đình Chiểu đã diễn tả thật là sinh động và não nùng, cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân … người anh hùng cứu nước”.

Bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” đó đã chứng minh được điều u nêu cao một tấm lòng yêu nước, quan tâm tha thiết đến vận mệnh của dân tộc và cũng là lời thở than chua xót.
Ngay sau khi được phổ biến, bài văn có tiếng vang rất lớn, nhất là trong nhân dân. Nó có giá trị mở đầu cho dòng văn học yêu nước chống Pháp nửa sau thế kỷ XIX. Bài văn được xây dựng trên cơ sở người thật, việc thật, cho nên ý nghĩa của nó càng trở nên sâu sắc …
“Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” đã làm xúc động lòng người bởi tiếng nói đầy “thương cảm”, bởi cái hay của văn chương bình dị, lời văn man mác, lắng đọng một nỗi đau vì dân vì nước. Mở đầu bài tế là lời than nghe thật chua xót:
“Hỡi ơi! Súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ”.

Chỉ một câu ngắn thôi, ta cũng thấy được cả một xã hội, thấy được hoàn cảnh ly loạn lúc bấy giờ. Kia là cuộc xâm lăng ào ạt, bạo tàn của kẻ thù và kia là bổn phận, ý chí chống quân bạo tàn đó của người nông dân. Nhân dân đau xót trước bao tang thương, áp bức nhưng ai có thể hiểu được ‘lòng dân” chứ. Họ chỉ tin có “trời”: “Lòng dân trời tỏ” vì chỉ có trời mới thấu hiểu được lòng dạ họ, chứ cái bọn vua tôi hèn hạ kia nào biết gì, họ chỉ biết tự xưng danh mà thôi.
Cuộc đời người nông dân đang bình lặng trôi qua theo bao. Tháng ngày lam lũ, họ có ngờ đâu những tai biến sẽ xảy ra.
“Mười năm công vỡ ruộng, chưa ắt còn danh nổi như phao
Một trận nghĩa đánh Tây tuy là mất tiếng vang như mõ
Chưa quen cung ngựa đâu tới trường nhung, chỉ biết ruộng trâu ở theo làng bộ …”

Cuộc sống rất ư là giản dị trong thôn xóm, lam lũ nghèo khó. Họ chỉ biết cui cút làm ăn và chỉ cần có miếng cơm manh áo. Họ chỉ biết có thế, việc gươm đao cung kiếm họ chưa từng biết. Thế mà họ vẫn giàu lòng yêu nước vá căm thù giặc, họ căm thù đến mức cao độ “muốn tới ăn gan, muốn ra cắn cổ”. Điều này thể hiện rất rõ cá tính của người nông dân.
Những người nghĩa sĩ ấy chẳng phải là quân lính mà là dân cày nghèo khổ. Việc đánh giặc không phải là việc của họ, mà vì lòng yêu nước căm thù giặc, chờ đợi quân quan mãi nhưng nào thấy, đành làm những việc lớn, phải “chém rắn”, “đuổi hươu”… Thực tế cho ta thấy được thái độ ươn hèn của triều đình nhà Nguyễn và càng đề cao hơn vai trò của người nông dân trước “vũ đài lịch sử”.

Họ – “Những người nghĩa sĩ ấy” không làm sao chịu được cảnh quân giặc giày xéo lên mồ mả tổ tiên … và họ quyết định phải đứng lên đánh chúng, đánh bằng được bọn tàn ác đó:
Mười tám ban võ nghệ nào đợi tập rèn
Chín chục vạn binh thư chưa chờ bày bố
Ngoài cật một manh áo vải,
Nào đợi mang bao tấu bầu ngòi,
Trong tay cầm một ngọn tầm vông,
Chi nài sắm dao tu, nón gõ.

Bây giờ họ không cần gì hết, cũng không đợi tập rèn, trong tay có gì đánh nấy. Từ những công cụ thô sơ cũng trở nên quan trọng, quý hiếm và có tác dụng đối với họ:
Súng hỏa mai đánh bằng rơm con cúi,
Cũng đốt xong nhà dạy đạo kia.
Gươm đeo bằng lưỡi dao phay
Cũng chém rơi đầu quan hai nọ.

Nguyễn Đình Chiểu nói lên điều này để làm gì? Phải chăng, chính ông đang nhận thấy rõ bọn cần quyền có đầy đủ công cụ nhưng không hề lay chuyển mà người dân thì … Thái độ nhà thơ căm tức, oán trách bọn vô trách nhiệm và mến thương những người dân nghèo nhưng có lòng trung nghĩa, yêu nước. Phải chăng, ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả thật sinh động hình ảnh người nông dân? Đúng thế. Và chỉ vài câu văn cũng bật rõ phần nào lòng trung nghĩa của nhà thơ Đồ Chiểu.

Rồi cứ thế, người nghĩa quân nông dân tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu với khí thế mãnh liệt như vũ bão:
“Kẻ đâm ngang, người chém ngược
Làm cho mã tà, ma ni hồn kinh” …
Họ chiến đấu anh dũng với sức mạnh, ý chí và lòng căm thù. Họ liều mạng chăng? Không! Bởi vì họ yêu nước. Đọc bài tế ở đoạn này nào là:
“Chi nhọc quan quản gióng trống kỳ trống giục.
Đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không,
Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to
Liều mình như chẳng có”
Nào là:
“Kẻ đâm ngang, người chém ngược …”

Ta cứ tưởng như ngòi bút tác giả cũng đang tung hoành ngang dọc cùng với nghĩa quân trên chiến trường. Giọng văn hào hùng sảng khoái, nhịp điệu dồn dập, sôi nổi thể hiện rõ khí thế của trận công đồn. Nào là tiếng hò, ó; tiếng đạn nổ, cùng với ngọn lửa đốt đồn giặc bốc cao, cháy sáng rực cả dòng sông Cần Giuộc… Những yếu tố này đã xây dựng thành công hình tượng của người nông dân cứu nước giết giặc. Đây là một hình tượng độc đáo trong văn học cổ điển Việt Nam. Và kìa! Bên cạnh những hình ảnh đó là cảnh quan quân nhà Nguyễn nhỏ bé, thấp kém. Bây giờ họ không còn ra gì nữa. Thật: “Ngòi bút Nguyễn Đình Chiểu là tâm hồn của ông đã diễn tả thật là sinh động và não nùng cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân. Ở đây, Nguyễn Đình Chiểu đã đại diện, đã thay mặt cho dân tộc, cho tình cảm dân tộc để viết ca ngợi về người chiến sĩ ấy. Nhưng mặt khác, nếu như Cụ Đồ không có lòng “trung nghĩa” thì việc thay mặt cũng quả là khó. Thơ văn ông thường là hồn, là tâm của ông. Vì vậy, khi đối diện với những người nghĩa sĩ, đối diện với tang thương thì làm sao nhà thơ không tuôn dòng lệ:
“Đoái sông Cần Giuộc cỏ cây mấy dặm sầu giăng,
Nhìn chợ Trường Bình già trẻ hai hàng lụy nhỏ
Những làm lòng nghĩa lâu dùng, đâu biết xác phàm vội bỏ”

Đang diễn ra khí thế tưng bừng của chiến trận, thế mà bỗng nhiên như có gì hụt hẫng, khựng lại. Người nghĩa quân đang hăng say chiến đấu trên chiến trường không hề sợ cái chết những tưởng tấm lòng mến nghĩa sẽ lâu dài … thế nhưng làm sao tránh khỏi cảnh hi sinh …

Tấm lòng xót thương của tác giả càng ngày càng thương tiếc cho những người dân ấp dân lân chỉ biết côi cút làm ăn, những khi giặc đến thì mặc dầu, chỉ có những công cụ thô sơ mà dám liều mạng giết giặc. Nay họ đã ngã xuống trên chiến trường, thì tác giả lại càng tiếc thương gấp bội. Và dường như cả cỏ cây, trời đất cũng buồn bã, ảm đạm:
“Đoái sống Cần Giuộc cỏ cây mấy dặm sầu giăng
Nhìn chợ Trường Bình già trẻ hai hàng lụy nhỏ”

Dọc hai bờ sông cần Giuộc cỏ cây ủ rũ một màu tang, chợ Trường Bình thì già trẻ tuôn hai hàng lụy nhỏ. Tất cả mọi người đầu đã khóc thương những nghĩa quân đã bỏ mình vì nước. Không làm sao ngăn được dòng nước mắt khi đi đến đâu cũng lưu giữ hình bóng họ:
“Chùa Tông Thạnh, năm canh ưng đóng lạnh
Tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm …”

Nhìn lại cảnh vật ngày xưa thì lòng tác giả dâng lên một niềm thương tiếc, căm giận. Căm giận bọn bất lương, loài ác quỷ bất nhân; thương tủi cho số phận ngắn ngủi, nhỏ nhoi của những nghĩa quân, của những người đứng lên vì đạo nghĩa. Họ đã mất đi là mất hết tất cả: mất gia đình, người thương. Và gia đình họ mất đi một chỗ tựa nương.
Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ
Ngọn đèn khuya leo lét cháy trong lều
Não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng
Cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.

Thật là đau khổ biết dường nào khi người con và người chồng đã ra đi để lại sau lưng những tiếng kêu xé lòng thê lương, thảm thiết. Người vợ chạy tìm chồng trong không gian vô tận, trong cái dật dờ của nửa tỉnh nửa mê. Hình dáng mẹ già không còn nước mắt nhưng vẫn khóc, khóc những tiếng khóc đắng cay của cõi lòng.

Cảm xúc chân thành, lớn lao của tác giả đã đem lại cho đoạn văn chất trữ tình đặc biệt, tác động mạnh vào tâm hồn người đọc. Nguyên Đình Chiểu đặc biệt đề cao cái chết vẻ vang của người nghĩa quân. Chính vì vậy mà ông khẳng định quan điểm sống của người nghĩa sĩ “chết vinh còn hơn sống nhục”:
Thà thác mà đặng câu địch khái
Về theo tổ phụ cũng vinh
Hơn còn mà chịu chữ đầu Tây
Ở với man di rất khổ.

Chết như vậy mới thật sự là cái chết của người nghĩa quân, chết để được trả nợ với nước non, để đem lại danh thơm cho muôn thuở. Qua những cái chết đó, tác giả đã phê phán lối sống hèn hạ của bọn “tay sai bán nước hại dân”:
“Vì ai khiến quan quân khó nhọc, ăn tuyết nằm sương
Vì ai xui đồn lũy tan tành xiêu mưa ngã gió
Sống làm chi theo quân tà đạo
Quăng vùa hương xô bàn độc, thấy lại thêm buồn
Sống làm chi ở lính mã tà, chìa rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thèm khổ …”

Điệp từ “vì ai”, “sống làm chi”, như đè nén sự căm tức, như lên án kết tội, như giày vò lũ tay sai bán nước – chính là nguyên nhân của mọi đau thương, tang tóc … Càng phê phán lối sống tôi mọi của bọn thống trị bao nhiêu thì Nguyễn Đình Chiểu càng đề cao cái chết vinh quang của nghĩa quân bấy nhiều. Đó là ý của Nguyễn Đình Chiểu: ông luôn muốn những người nghĩa sĩ đó mãi sống trong lòng dân tộc, đất nước. Nhà thơ Đồ Chiểu một lần nữa khẳng định quan niệm sống cao đẹp của người Việt Nam thông qua những tấm gương hy sinh sáng chói. Vì vậy nên đồng chí Phạm Văn Đồng đã nhận định một cách đúng đắn về cụ Đồ Chiểu: “Ngòi bút … xưa kia chỉ quen cày cuốc bỗng chốc trỗ thành người anh hùng cứu nước” …

Kết thúc bài tế là những câu nghe như lời tâm huyết:
“Sống đánh giặc, chết cũng đánh giặc
Linh hồn theo giúp cơ bịnh, muốn kiếp nguyện trả thù kia ..
Người đã chết đi nhưng lòng vấn còn đó, ý chí vẫn còn đó. Phải chăng trong suy nghĩ của tác giả, linh hồn nghĩa sĩ vẫn níu chặt lấy cuộc sống để theo đuổi sự nghiệp đánh giặc cứu nước đến cùng. Có lẽ Nguyễn Đình Chiểu đã quan niệm rằng “những cái gì chính nghĩa thì không thể nào tiêu diệt được …”

Bài văn tế đã kết thúc nhưng nó vẫn còn phảng phất mãi mùi hương mà chính dân tộc đã dâng lên cho linh hồn những người nghĩa sĩ đó.

Đồng chí Phạm Văn Đồng nhận định: “Ngòi bút Nguyễn Đình Chiểu là tâm hồn của ông, chính ông đã diễn tả sinh động và não nùng, cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân. Vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành người anh hùng cứu nước …” Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc đã hùng hồn chứng minh được điều đó.

Bài Văn tế sẽ mãi mãi là nén hương thơm của dân tộc dâng lên những người còn trung nghĩa, những người nghĩa sĩ của đất nước anh hùng.


THÁI THỦY VÂN❤️

Tham khảo các bài văn mẫu nâng cao tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/van-mau/nang-cao/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học