Nét độc đáo về tư tưởng – nghệ thuật của Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

nét độc đáo về tư tưởng - nghệ thuật

ĐỀ BÀI

Những nét độc đáo về nội dung tư tưởng – nghệ thuật mà em cho là đặc sắc nhất ở “Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu.

BÀI LÀM

Nguyễn Đình Chiểu viết “Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc” trong khoảng thời gian ông tản cư về quê vợ ở Thanh Ba – cần Giuộc. Ngay sau khi được phổ biến, bài văn đã có tiếng vang rất lớn, nhất là trong lòng quân chúng nhân dân. Bởi ngoài việc được xây dựng hoàn toàn trên cơ sở người thật, việc thật của trận tập kích đồn giặc ở cần Giuộc đêm rằm 16-17/1861, bài văn tế còn bộc lộ rõ những nét độc đáo về mặt nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Chính vì vậy, nó có giá trị mở đầu cho dòng văn học yêu nước chống Pháp nửa sau thế kỷ XIX và là chứng nhân cho cả một giai đoạn lịch sử đau thương, khổ nhục nhưng vĩ đại” của dân tộc.

Cốt lõi của một bài văn là nội dung của nó. Điều đó đương nhiên ta không cần bàn cãi. Nhưng thiết nghĩ đôi lúc ta cũng nên dừng lại ở tựa đề một khi nó được ra đời tuyệt đối không do sự ngẫu nhiên trong cách lựa chọn của tác giả (có giả thiết cho rằng đây là nhan đề do nhân dân lưu truyền mãi mà thành). Cũng như ở bài văn này, tại sao Nguyễn Đình Chiểu lại gọi nó là “Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc” mà không là “Văn tế vong hồn dân mộ nghĩa” hay “Văn tế nghĩa dân tử trận Cần Giuộc” như xưa nay vẫn lưu truyền? Có điều gì khác biệt giữa “dân mộ nghĩa”, “nghĩa dân” và “nghĩa sĩ”? Rõ ràng, từ “nông dân” mà trở thành “dân mộ nghĩa” đã là mọt sự thay đổi song từ “dân mộ nghĩa” trở thành “nghĩa dẫn” rồi từ “nghĩa dân” hóa thân thành “nghĩa sĩ” thì đúng là cả một quá trình người nông dân “lột xác” thực sự. Đằng này, tác giả lại không ngần ngại đưa họ từ vị trí thấp nhất là “nông dân” lên vị trí cao nhất: “nghĩa sĩ”. Nếu đứng trên quan điểm của thế kỷ XX để nhìn nhận thì sự thay đổi này tạm thời ta có thể chấp nhận. Nhưng đây quả là vấn đề không thể chấp nhận ở thế kỷ XIX, nhất là ở một nhà Nho như Nguyễn Đình Chiểu (khác nhà thơ Nguyên Đình Chiểu). Chưa bao giờ và có lẽ trước thời cụ Đồ, trong ý thức hệ của các nhà Nho phong kiến, người nông dân có cái vinh dự được gọi là “nghĩa sĩ”. Sinh ra và lớn lên từ trong lòng của chế độ phong kiến, đã từng qua cửa Khổng – sân Trình thì chắc chắn Nguyễn Đình Chiểu đã thuộc nằm lòng từ thủa còn ê a “Ngũ kinh”, “Tứ thư”, một nguyên lí gần như là cơ bản của Khổng giáo: tiểu nhân (người dân, nô lệ …) không thể lẫn lộn với quân tử (những người có địa vị, học rộng, biết nhiều). Nói cách khác, muốn là người “nghĩa” người “sĩ” thì nhất thiết anh phải thuộc tầng lớp quân tử. Còn nhớ “Hịch tướng sĩ” áng văn có sức mạnh làm lay động lòng người, song suốt từ đầu đến cuối, giữa niềm căm phẫn ứ đầy, trong vị mặn của dòng nước mắt của một vị chủ soái ta vẫn nghe cách xưng hô của Trần Quốc Tuấn “ta” và “các người” phân biệt rạch ròi hai giai tầng trong một xã hội. Thế thì cái gì, cái gì đã buộc Nguyễn Đình Chiểu xoay chiều đổi hướng về mặt tư tưởng, cái tư tưởng ngỡ như không phương tháo gỡ khi mà nó đã trở thành nhận thức của một nhà nho? Đó chính là thời cuộc: là thực tế đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ xung quanh ông; là mắt thấy, tai nghe. Nguyễn Đình Chiểu đã đặt niềm tin cho triều đình quá nhiều và ông cũng đã thất vọng quá nhiều. Những kẻ mà ông đã hơn một lần lầm tưởng là những “trang dẹp loạn” (“Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng? — Chạy Tây), là “chúa xuân” (“Chúa xuân đâu hỡi có hay không?” – Xúc cảnh) mỉa mai thay, thực ra chỉ toàn là lũ người chỉ sống cho cá nhân mình; một lũ người xiểm nịnh, giành giật chức tước và đục khoét dân nghèo. Năm 1862, Tự Đức đầu hàng, nỡ cắt ba tỉnh miền đồng cho giặc, Nguyễn Đình Chiểu đã tỏ; năm 1867, cắt luôn ba tỉnh miền tây, ông cũng đã tường. Và, một thực tế nhãn tiền cũng là một thực tế mà cụ Đồ không thể ngờ tới: những người nông dân lại chính là những chủ nhân ông của đất nước. Họ sẵn sàng hi sinh hạnh phúc cá nhân, sẵn sàng đổ máu cho non sông, họ chẳng đáng là người “nghĩa” hay sao? Họ không cần có tri thức, không cần học rộng biết nhiều kinh sách thánh hiền nhưng họ đã hiểu đước vận mệnh sống còn của đất nước và hiểu được trách nhiệm của mình thì họ đúng là người “sĩ” quá đi chứ! Đã từng lặn lội với nhân dân, gắn. bó với nông dân như máu mủ nhưng mãi đến hôm nay Nguyễn Đĩnh Chiểu mới phát hiện được sức mạnh tiềm tàng ở họ và vẫn không tránh khỏi bàng hoàng. Có ai tin được những kẻ đầu tắt mặt tối, cả một đời chưa rời khỏi lũy tre làng “cui cút làm ăn, riêng lo nghèo khó” ấy thế mà khi cần, mới sáng mai đây, chân còn đạp bùn, tay còn thơm mùi mạ mới hiên ngang đi vào trận đánh, chiến đấu như một đội quân nhà trời và một tinh thần vô tư chưa từng có: “Chi nhọc quan quản gióng trổng kì, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không;
Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xồ cửa xông vào, liều mình như chẳng có”.

Đây là tư tưởng chủ yếu cũng là tư tưởng tích cực nhất mà Nguyễn Đình Chiểu đã vượt trội so với các nhà nho cùng thời. Chính nó đã tạo nên giá trị to lớn của áng văn tế. Mãi gần một trăm năm sau, Nam Cao tầng lớp tri thức đi theo cách mạng, đã từng sống với những người như Lão Hạc, Chí Phèo mới “ngã ngửa người ra” trước sức mạnh như nước lũ của quần chúng nhân dân (“Đôi mắt” – Nam Cao). Thấy được khoảng cách thời gian ấy, ta mới thấy hết giá trị nội dung tư tưởng của “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Nó mở đường cho hàng loạt những hình tượng anh hùng “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” sau này: như anh hùng Núp (“Đất nước đứng lên” – Nguyên Ngọc), chị út Tịch (“Người mẹ cầm súng” – Nguyễn Thi), anh giải phóng quân:
Hoan hô anh giải phóng quân
Kính chào anh, con người đẹp nhất!
Lịch sử hôn anh, chàng trai chân đất
(Tố Hữu)

Ta còn nhớ, khi còn là một chàng trai ở độ tuổi hai mươi, “tim đang dào dạt máu” say mê với khát vọng và háo hức với lí tưởng cách mạng, Tố Hữu đã nghe trên đường đi đày giữa đèo cao núi thẳm:
Gà đâu gáy động im lìm,
Mơ mơ thấy xóm tranh chìm trong mây
Đến khi được nhào nặn lại qua kháng chiến, khi đi hẳn vào thực tế của quần chúng cách mạng, cùng anh vệ pháo, cũng qua đèo núi anh hát:
“… Ta bế ta bồng
Voi lên tạ vác
Vại ta vai sắt …”

Rõ ràng chẳng cần tính ý lắm ta càng nhận ra giọng thơ giản dị sau của Tố Hữu! Nó gần gũi, gắn bó với ta hơn. Đây có phải là sự biến chuyển phong cách nghệ thuật thông qua sự thay đổi nội dung tư tưởng? Nếu đúng thế thì hình thức nghệ thuật trong bài văn tế của Nguyễn Đình Chiểu, phải chăng cũng đã có sự biến đổi? Phải! Trước kia, tiếp xúc với truyện thơ Lục Vân Tiên, không ít người đã phải thở dài với câu: “Vợ Tiên là Trực chị dâu” thì nay với ‘Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc”, chắc hẳn ta hoàn toàn bị thuyết phục bởi văn phong nghệ thuật của ông. Ở đây, có một điều thực lạ lùng, độc đáo là giữa cái bi ai, trầm buồn của một áng văn tế, trong cái im lặng gần như tuyệt đối của buổi lễ truy điệu, trước hai mươi mốt nấm quan tài của hai mươi mốt người anh hùng chân đất cần Giuộc, giữa không khí nghiêm trang dường như chết lặng ấy, sau tiếng nấc người ta lại nghe trỗi dậy một bản anh hùng ca Iliat hừng hực khí thế của thời đại. Có thể nói, từ trước đến nay chưa có một bài văn tí nào đạt được khả năng kì diệu này. Hãy nghe:
“Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu …”
Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hộ
Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà, ma ni hồn kinh … tàu thiếc, tàu đồng súng nổ…”

Chất giọng, tiết tấu khi đường hoàng, sang sảng lúc dồn dập, thôi thúc, có phải ta đã nghe qua một lần? Đúng, ta đã gặp ở “Bình Ngô đại cáo”, một áng thiên cổ hùng văn năm trăm năm trước. Song, cần nhớ đây lại là một bài văn tế. Một bài văn tế mà mang âm hưởng anh hùng ca chiến thắng, nó làm xao động, làm nức lòng người ta thì quả đúng như đồng chí Phạm Vãn Đồng đã nhận định: Nếu “Bình Ngô đại cáo” là bản anh hùng ca chiến thắng thì “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc ” là bản anh hùng ca về những người anh hừng thất thế nhưng vẫn hiên ngang. Nó là nỗi đau riêng hòa cùng nỗi đau chung (trong số hai mươi mốt nghĩa sĩ đã hi sinh, có em ruột của Nguyễn Đình Chiểu là Nguyễn Đình Tựu), nó là “tiếng khóc vĩ đại” để gần tám mươi năm sau òa vỡ thành nụ cười tươi thắm ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công.

Nhưng thành công nghệ thuật trong “Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc” không chỉ dừng lại ở âm hưởng chung mà còn ở cái tài xây dựng hình tượng nhân vật của tác giả. Một tác phẩm văn học muốn trở nên có phong cách thì nhất thiết phải có tính cá thể. Do vậy nhân vật trong tác phẩm phải là nhân vật có cá tính: ghen thì có nhiều cách ghen nhưng ghen mà vẫn “cười nói tỉnh say” thì chỉ mỗi Hoạn Thư (“Kiều” — Nguyễn Du), say thì có nhiều cách nhưng say đến nỗi chửi cả những ai không chửi nhau với mình thì chỉ riêng Chí Phèo (“Chí Phèo” – Nam Cao). Song, đó lại là những vật cá thể còn ở đây nhân vật của Nguyễn Đình Chiểu là nhân vật tập thể: hai mươi mốt nghĩa sĩ đã hi sinh trong trận công kích đồn Cần Giuộc. Với cái khó khăn này, chỉ cần sơ suất một chút thôi, các nhân vật của người cầm bút có lẽ sẽ dễ dàng bị rơi vào dạng trừu tường ngay. Vậy mà, đọc bài văn tế, trước mắt ta lại là một tập thể nhân vật anh hùng cụ thể, thống nhất. Họ cùng là những nông dân chân chất “cun cút làm ăn, riêng lo nghèo khó” cùng một lòng căm thù quân cựớp nước “mắt xanh, mũi lõ” mang tính bản năng ban đầu, đến độ “muốn tới ăn gan”, “muốn ra cắn cổ” và một ý thức thù nhà nợ nước mang nặng cá tính hơn về sau. Nhưng cơ bản và trên hết là họ cùng một lòng dũng cảm, chiến đấu trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, tự giác:
“Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình
… Chi nhọc quan quản gióng trống kì, trống giục, đạp rào lưới tới, coi giặc cũng như không …”

Chính tinh thần chiến đấu, chính lòng dũng cảm tuyệt vời của họ đã tạo nên âm hưởng anh hùng ca cho toàn bài và tạo nên đêm rằm tháng mười một năm Tân Dậu ấy cái bi thương mà oai dũng của trận cần Giuộc. Đây là nét độc đáo, là thành công lớn nhất về phương diện nghệ thuật của Nguyễn Đình Chiểu trong bài văn.

Bên cạnh đó, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” còn nổi rõ hai câu so sánh mang đậm chất Đồ Chiểu. Nó toát lên nét mới lạ, một phong cách nghệ thuật riêng chỉ có ở tác giả, nó không lẫn lộn với bất cữ một ai: thứ nhất: “Trông tin quan như trời hạn trông mưa”: thứ hai: “Ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ”. Hai so sánh, hai cảm nhận gần như chỉ bằng trực giác, nó thuộc về tiềm năng của ý thức. Câu văn viết ra cực kì giản dị, giản dị tới mức không thể nào giản dị hơn. Song, cái điều bình thường ấy, cái trạng thái tâm lí ngỡ như là đương nhiên ấy không phải bất cứ ai cũng nhận thấy và phát hiện được. Mới hay, trước khi cầm bút để trở thành một nhà văn, Nguyễn Đình Chiểu đã là một nông dân tự bao giờ. Đúng! Chỉ có anh nông dân kia, một trưa bước ra khỏi căn nhà tranh, che tay nheo mắt nhìn trời mà nói bâng quơ: ‘”Trời hôm nay lại nắng, lúa thóc lại chết toi chết tiệt cả rồi!” Và chỉ có anh nông dân kia một sớm ra thăm đồng, chặc lưỡi mà rằng: “Quái lạ! Cái giống cỏ này, tốn công mãi mà vẫn không xong”. Phải thâm nhập vào tận cùng gốc rễ tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân thì Nguyễn Đình Chiểu mới có được hai câu so sánh rặt nông dân đến thế.

Chung quy, những nét độc đáo về nội dung tư tưởng và nghệ thuật trong bài văn tế của Nguyễn Đình Chiểu đều xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước. Nó là một thứ đạo mà đối với ông sau khi được mở rộng bình diện qua “Lục Vân Tiên”, và sau này qua “Ngư tiều y thuật vấn đáp”, nó nâng lên thành một tiêu chuẩn mới: ai yêu nước người ấy tất có đạo.

“Vãn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” có thể nói đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong từng chặng đường trong văn nghiệp Nguyễn Đình Chiểu, trở thành “tượng đài nghệ thuật” của nền văn học Việt Nam nhờ vào một bước phát triển mới về nội dung tư tưởng và nghệ thuật của tác giả. Và cuối cùng, ta có thể chốt lại như SGK – Văn 11: “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc xứng đáng được coi là một trong những kiệt tác của văn chương Việt Nam”.


Bài viết của thầy THÁI QUANG VINH❤️

Xem thêm:

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học