Lí giải những nhận định được rút ra từ “Tiếng nói của văn nghệ”

“Tiếng nói của văn nghệ” – một sáng tác của Nguyễn Đình Thi được đưa vào chương trình Ngữ văn 9, tập 2 đã mang đến cho bạn đọc những chiêm nghiệm lý luận về văn nghệ nói chung. 

Dưới đây là một số nhận định mà Trạm văn trích dẫn từ “Tiếng nói của văn nghệ” và giải thích. Các bạn có thể tham khảo để vận dụng vào bài viết của mình.

 

“Cái tư tưởng trong nghệ thuật là một tư tưởng náu mình, yên lặng.”

Lí giải: 

Văn chương nếu như không có tư tưởng nghệ thuật sẽ chỉ là những câu chữ nằm cứng đơ trên trang giấy. “Tư tưởng trong nghệ thuật” ở đây chính là hình thái của nhận thức, là kết quả của hoạt động tư duy, là tâm ý mà những người sáng tác gửi gắm với ý đồ nghệ thuật dưới lớp bọc hình tượng, gắn liền với chủ đề, đề tài,… Hay nói cách khác, tư tưởng được xem là linh hồn của tác phẩm, là quá trình ký mã của tác giả dưới hoạt động sáng tạo nghệ thuật và bạn đọc là người giải mã. Một tư tư tưởng náu mình, yên lặng nghĩa là ẩn mình, không bộc lộ rõ ràng. Như vậy, vấn đề mà Nguyễn Đình Thi muốn gửi gắm ở đây chính là tư tưởng với nguyên lý tảng băng trôi, “bảy phần chìm ba phần nổi”. Điều làm nên một tư tưởng có giá trị là ở những chiều sâu không nói hết.

(Sưu tầm và chỉnh sửa từ nguồn Internet)

 

“Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng.”

Lí giải:

– “Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác”: Nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm của chính tác giả, là kết tinh sự quan sát và trải nghiệm trong cuộc sống. Tác phẩm nghệ thuật là nơi ký thác, gửi gắm tình cảm, tâm tư, chiêm nghiệm của người nghệ sĩ. 

– Tác phẩm… vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng: Tác phẩm nghệ thuật có thể làm lay động cảm xúc và đi vào nhận thức, tâm hồn con người. Người đọc như được sống cùng cuộc sống mà nhà văn miêu tả trong tác phẩm với những yêu ghét, buồn vui. 

=> Nhận định nêu lên giá trị, chức năng của tác phẩm văn học. Văn học là sự phản ánh hiện thực cuộc sống thông qua lăng kính tâm hồn của người nghệ sĩ. Đó phải là những rung động tinh tế, chân thực và đẹp đẽ mà người nghệ sĩ đã nảy sinh trước cuộc đời, kết tinh nó trong tác phẩm. Tác phẩm nghệ thuật phải có sức mạnh làm lay động và truyền được sự sống ấy đến với người đọc.

(Nguồn: Theki.vn)

 

“Những nghệ sĩ lớn đem tới được cho cả thời đại họ một cách sống của tâm hồn.”

Mỗi tác phẩm văn học là sự phản ánh hiện thực khách quan thông qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Tác phẩm ấy là kết tinh tâm hồn của người nghệ sĩ. Thông qua tác phẩm, những người nghệ sĩ và đặc biệt là người nghệ sĩ lớn mang đến cho người đọc ở thời đại họ cách tư duy, cách sống của những tâm hồn lớn. Vì thế, trong văn bản “Tiếng nói của văn nghệ”, Nguyễn Đình Thi đã khẳng định: “Những nghệ sĩ lớn đem tới được cho cả thời  đại họ một cách sống của tâm hồn”.

(Nguồn: Đáp án đề thi HSG Ngọc Lặc – Thanh Hoá)

Xem thêm:

Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học