Hình tượng con người lao động mới qua hai tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá” và “Lặng lẽ Sa Pa”

Trong chương trình Ngữ văn 9, tập 1 có hai tác phẩm là bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” và truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” cùng nói về “hình tượng con người lao động mới”. Đây là một điểm tựa để bạn đọc khám phá hình ảnh con người trong từng giai đoạn khác nhau.

Và với bài viết dưới đây, các bạn có thể tham khảo về cách diễn đạt cũng như những nội dung cơ bản của hai tác phẩm. Đặc biệt là sự liên hệ, mở rộng hoặc là các ý sâu sắc cho câu hỏi phụ như nhận xét về hình tượng con người mới hay phân tích hình tượng con người mới qua một trong hai tác phẩm.

Bài làm

Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng quan niệm rằng: “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người.” Từ lâu, con người đã trở thành một đối tượng trung tâm mà văn học hướng tới để phản ảnh. Đến với hai tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá” và “Lặng lẽ Sa Pa”, ta đến với hình tượng con người lao động mới – một đối tượng trung tâm mà Huy Cận và Nguyễn Thành Long hướng đến khắc hoạ và là một điểm tựa để nhìn ra bối cảnh đất nước thời kì xây dựng, phát triển nói chung.

Theo M.Gorki “Văn học là nhân học”, là khoa học nói về con người. Với Huy Cận, một nhà thơ gắn liền những nỗi sầu ảo não, nhưng sau cách mạng tháng Tám, thơ ông hướng đến nguồn sinh khí mới qua hình tượng con người hăng say lao động. Cụ thể là bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” – một thi phẩm được sáng tác năm 1958. Cùng với đó là truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” được sáng tác năm 1970 bởi Nguyễn Thành Long. Ông là một người có chất văn nhẹ nhàng, dịu dàng và đã mang đến cho bạn đọc hình tượng con người bình thường nhưng dám sống một cuộc đời phi thường.

Nói đến văn học là nói đến lĩnh vực của sự sáng tạo ngôn từ, là sự khám phá của những đôi mắt mới chứ không phải một vùng đất mới. Tuy nhiên, trên hành trình sáng tác nên những tác phẩm thanh lọc tâm hồn con người thì giữa những người nghệ sĩ có sự gặp gỡ không chung nguồn cội. Nếu như Chí Phèo của Nam Cao có sự gặp gỡ về hình tượng người nông dân là A Quy của Lỗ Tấn thì với bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” và “Lặng lẽ Sa Pa” cũng có sự gặp gỡ về hình tượng phản ánh. Đó là con người lao động mới. 

Trước hết là Huy Cận và Nguyễn Thành Long đều hướng đến gửi gắm trong tác phẩm của mình hình tượng những con người vô danh, đủ mọi thành phần lứa tuổi. Nếu thi phẩm “Đoàn thuyền đánh cá” là những con người lao động vùng biển khơi nói chung thì “Lặng lẽ Sa Pa” cũng là những nhân vật mang nét chung không có một cái tên cụ thể. 

Bên cạnh là những con người vô danh thì ở họ còn có sự gặp gỡ về phương diện điều kiện làm việc khó khăn, gian khổ nhưng đầy nhiệt huyết, đầy hứng khởi say mê. Ấy là cái say mê, nhiệt tình kéo lưới, là sự ý thức, trách nhiệm vượt qua cái rét mướt một giờ sáng để làm việc, là sự kiên trì thay ong thụ phấn cho hoa su hào, là sự trực chờ những tia sét để nghiên cứu. Quả thật là những điển hình cho con người lao động mới, trưởng thành trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Mặc dù thuộc về hai thể loại khác nhưng giữa hai tác phẩm vẫn có sự gặp gỡ về các yếu tố nghệ thuật. Đó là sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình. Đến với những vần thơ của bài “Đoàn thuyền đánh cá”, bạn đọc say trong cái nhiệt tình lao động được gợi tả theo trình tự thời gian từ khi mặt trời lặn đến lúc bình minh đón nắng hồng. Cùng với đó là những từ ngữ hình ảnh, lãng mạn như trăng, gió, sao, mây,…. Với “Lặng lẽ Sa Pa” vốn là một thể loại truyện ngắn nên yếu tố tự sự là một phương diện không thể thiếu. Đặc biệt, với phong cách viết nhẹ nhàng, áng văn của Nguyễn Thành Long còn chuyên chở cái tình, cái lãng mạn, thơ mộng của thiên nhiên và con người nơi đỉnh núi Yên Sơn xa xôi.

Tuy nhiên, nếu lặp lại người khác và lặp lại chính bản thân mình thì đó là một sự thất bại trong văn chương. Có thể giữa mỗi tác phẩm có sự gặp gỡ nhưng cái chất riêng cốt lõi làm nên giá trị tư tưởng vẫn là một yếu tố luôn được trân trọng. Văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả. Cái riêng của hai tác phẩm mà bạn đọc có thể khám phá đó là môi trường sống, môi trường làm việc khác nhau. Đầu tiên với bài thơ “Đoàn thơ đoàn thuyền đánh”, bức tranh hiện thực mà tác giả mang đến là nơi vùng biển ngoài “dặm xa”. Ấy là cái mênh mông, rộng lớn cùng trời đất, biển khơi, trăng sao, tôm cá. Đến với tác phẩm truyện là những nhân vật thầm lặng cống hiến nơi vùng rừng núi xa xôi. Cụ thể là anh thanh niên trên đỉnh núi Yên Sơn, anh bạn đồng chí trên đỉnh núi Phan -xi  – păng,… Dẫu rằng phản ánh con người với hai môi trường sống khác biệt nhưng ở họ đều là con người Việt Nam cùng chung niềm tin đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày càng giàu mạnh.

Cái hay, cái đẹp cho tác phẩm còn được thể hiện cụ thể qua cách xây dựng hình tượng con người mới của mỗi người nghệ sĩ . Với “Đoàn thuyền đánh cá” là con người hăng say lao động trên nền thiên nhiên kỳ vĩ, rộng lớn và đầy thi vị, tác giả viết: 

“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

Câu hát căng buồm cùng gió khơi…”

Ngôn từ “lại” góp phần nhấn mạnh tinh thần sẵn sàng làm việc của những con người mới – con người lao động trong thời kỳ đi lên xã hội chủ nghĩa. Lời ca hòa vào niềm hứng khởi ra khơi đã làm nổi bật vẻ đẹp nhiệt huyết của những con người mới.

“…Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng,

Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

Dàn đan thế trận lưới vây giăng…”

Thiên nhiên và con người như hòa quyện trong tinh thần phấn khởi, lãng mạn và lạc quan. Con người ở đây hiện lên với tư thế làm chủ thiên nhiên, làm chủ vạn vật. Cụ thể với ngôn từ ‘lái gió với buồm trăng” hay là “lướt giữa mây cao với biển bằng” đều cốt hướng đến sức mạnh làm chủ cái hùng vĩ của biển khơi. Cùng với đó là cách gieo vần “ăng” mở ra một không gian vùng biển rộng lớn, mênh mông và hùng vĩ. Trên nền thiên nhiên ấy tưởng chừng con thuyền sẽ nhỏ bé bơ vơ nơi góc bể chân trời nhưng với ngôn từ “dàn đan thế trận”, họ lại được khắc hoạ với cái nhiệt tình lao động, không sợ nguy hiểm với mong muốn “kéo xoăn tay chùm cá nặng”.

“Sao mờ, kéo lưới, kịp trời sáng

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng”

 Và::

“Câu hát căng buồm với gió khơi,

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”

Mặt trời đội biển nhô màu mới

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”

Những con người ấy vẫn miệt mài lao động từ lúc hoàng hôn buông xuống đến ánh sáng rực rỡ của bình minh dần ló dạng. Dường như ở họ không thấm mệt mà thay vào đó là một tinh thần nhiệt huyết “chạy đua với mặt trời”. Ấy là cái chạy đua với mong muốn có thể góp sức mình cho sự nghiệp phát triển của đất nước nói chung và miền Bắc nói riêng. Màu mới hay cũng chính là sự tươi sáng với khát vọng được cống hiến. Đặc biệt, ngòi bút của Huy Cận luôn mang đến cái lộng lẫy, lãng mạn của các hình ảnh ẩn dụ “mắt cá huy hoàng” và hình ảnh “mặt trời đội biển nhô màu mới”. Có thể nói, đó là huy hoàng của tương tai, của cái nhìn xa với mong muốn phát triển đất nước của con người lao động mới. 

Với truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, Nguyễn Thành Long đã khắc hoạ hình tượng con người lao động mới với vẻ đẹp âm thầm cống hiến và xem đó là niềm vui, ý thức trách nhiệm của bản thân. Cụ thể là qua nhân vật anh thanh niên với công việc làm lý tượng kiêm vật lý địa cầu. Anh là một người rất yêu nghề và nhận thức đúng đắn về ý nghĩa công việc của mình. Ở mỗi khung giờ nhất định như “bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, một giờ sáng” anh phải lấy những con số để báo về “nhà”. Đây là những con số biết nói, phản ánh sâu sắc tính chất công việc cũng như những vất vả của con người hết mình với nhiệm vụ. Đặc biệt là một giờ sáng – khoảng thời gian vốn dành để nghỉ ngơi nhưng chính trong cái rét của mưa tuyết như trực chờ để ùa vào cứa da cứa thịt thì anh vẫn miệt mài lao động. Anh luôn góp nhặt những niềm vui nho nhỏ bằng việc góp sức mình cho sự nghiệp chung của đất nước. Con người ấy cũng từng xung phong vào hàng ngũ tiền tuyến nhưng vì không được nên tâm hồn nhiệt huyết tiếp tục nung nấu mãnh liệt nơi đỉnh núi Yên Sơn cô đơn, thiếu vắng bóng người. 

Ngoài ra còn những con người thầm lặng, hi sinh cái riêng tư cá nhân của mình cho sự phát triển của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội qua lời kể của nhân vật anh thanh niên. Đó là ông kĩ sư vườn rau – người mà khiến anh thanh niên phải thốt lên rằng “cháu thấy cuộc đời đẹp quá”. Với sự kiên trì, chịu khó và tâm huyết, người kĩ sư này đã giúp nhân dân miền Bắc có những củ su hào to và ngọt hơn để ăn. Cụ thể là ông nỗ lực quan sát cách ong thụ phấn cho hoa su hào rồi chính mình trở thành một con ong chăm chỉ, tỉ mỉ đi từng hàng vạn cây để giúp hoa thụ phấn. Phải say mê và yêu thích công việc này đến nhường nào thì người ấy mới có thể làm nên điều phi thường ấy. Và nếu như anh thanh niên giữa cái rét cắt da, cắt thịt của một giờ sáng vẫn phải làm việc thì đồng chí nghiên cứu khoa học ở cơ quan anh cũng được kể đến với sự bản lĩnh, hi sinh đáng ngợi ca. Anh là một người không ngại nguy hiểm, không ngại khắc nghiệt và không ngại sự cô đơn. Người mà anh thanh niên gọi là “đồng chí” này đã âm thầm hi sinh những riêng tư, cá nhân của mình để cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu “của chìm nông, của chìm sâu trong lòng đất”. Cùng với đó là anh bạn đồng nghiệp làm công tác khí tượng trên đỉnh Phan-xi-păng cũng được nói đến với những vất vả, hy sinh. Họ tuy đến từ những lĩnh vực khác nhau nhưng chung một  một lí tưởng cống hiến cao đẹp.

Về nghệ thuật, bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” thiên về cảm xúc, giọng điệu khỏe khoắn hào hùng kết hợp tài tình các biện pháp tu từ như nhân hóa, ẩn dụ để  làm nổi bật cái hùng vĩ của thiên nhiên và cái hăng say lao động của những con người miền biển. Có thể kể đến như cách xây dựng lời ca hòa với tinh thần của những người đánh cá góp phần sáng tạo nên những vần thơ lãng mạn và nhịp nhàng. Còn truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” thiên về tình huống truyện gặp gỡ giữa ông hoạ sĩ, cô kỹ sư và anh thanh niên kết hợp với cách kể chuyện tự nhiên, ngôn ngữ giàu chất thơ, trong trẻo, nhẹ nhàng. Những lời đối thoại giữa anh thanh niên và ông hoạ sĩ cũng được nhà văn xây dựng như một cuộc trò chuyện tâm tình, gần gũi với bạn đọc. 

Khởi phát cho những khác biệt của hai tác phẩm trước hết có thể lý giải từ phong cách và giai đoạn sáng tác riêng của mỗi tác phẩm. Ngoài ra còn xuất phát từ yêu cầu sáng tạo của văn chương nói chung. Và cùng với đó là đôi mắt mới của những người nghệ sĩ khi cùng khám phá về một hình tượng nhân vật nhưng mỗi người đều đưa đến cái riêng để truyền tải giá trị tư tưởng của mình.

Văn chương luôn dẫn bạn đọc đến với xứ sở của cái đẹp. Và cái đẹp không phải chỉ là những gam màu lộng lẫy mà còn đến từ những điều giản dị, gần gũi thể hiện sự khám phá mới mẻ của người nghệ sĩ. Với thi phẩm “Đoàn thuyền đánh cá” và truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” đều mang đến những cái đẹp về hình ảnh tượng con người lao động mới đầy độc đáo. Những áng thơ, lời văn như một lời gửi gắm, thôi thúc đến bao thế hệ bạn đọc về khát vọng cống hiến của những trái tim nhiệt huyết, hăng say với công việc.

| Nội dung do Thích Văn học thực hiện, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.

Xem thêm:

Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học