Không gian và thời gian nghệ thuật trong Tràng giang

Bạn thân mến! 

Bài thơ Tràng giang (Huy Cận) không chỉ là tác phẩm hay, nổi bật của phong trào thơ Mới, mà còn được lựa chọn đặt vào bộ sách giáo khoa trong nhiều năm qua. 

Ở bộ SGK mới, định hướng tiếp cận bài thơ này có đôi chút thay đổi. Tìm hiểu thi phẩm, chúng ta không chỉ cần cảm nhận nét “ảo não”, nỗi “sầu thiên cổ” đặc trưng trong thơ Huy Cận, cảm hứng về con người với vũ trụ bao la mà ông thường mang đến, mà còn cần đi sâu khai thác cả những đặc sắc về nghệ thuật. Ví dụ, yếu tố thời gian – không gian nghệ thuật trước đây, hầu như chỉ được hỏi trong đề HSG, thì hiện tại đã được “xuất hiện chính thức” trong bài học, câu hỏi đọc hiểu văn bản của SGK.

Tuy nhiên, dù thay đổi thế nào, thì việc hiểu sâu – hiểu rộng về tác phẩm nói riêng và phong trào thơ Mới nói chung, vẫn luôn là điều cần thiết.

Thích Văn học gửi đến bạn bài viết KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN NGHỆ THUẬT trong tác phẩm TRÀNG GIANG. Hy vọng, đây sẽ là một gợi ý tiếp cận tác phẩm hữu ích cho các bạn! 

___

 

Đề bài: Phân tích không gian và thời gian nghệ thuật trong bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận

Bài làm:

Trong giai đoạn 1932-1945, văn học Việt Nam đứng giữa dòng chảy của nhiều luồng văn học lớn. Nếu như Nguyễn Bính đại diện cho mạch nguồn văn học truyền thống dân tộc, Xuân Diệu là nhà thơ tiêu biểu chịu ảnh hưởng văn học phương Tây thì Huy Cận, với điệu hồn sầu não của mình, lại đi một lối riêng để rồi tìm đến với thơ Đường vốn đã tồn tại ở Việt Nam cả ngàn năm. Bài thơ “Tràng giang” trích từ tập “Lửa thiêng” được viết năm 1939 khi luồng không khí “cải cách”, “Âu hóa” tràn ngập trong không gian văn hoá xã hội nhưng lại mang cái thần, cái hồn cổ kính đến lạ. Cái thần, cái hồn sầu buồn mênh mang ấy đã được nhà thơ thể hiện thành công bằng sự hòa điệu giữa không gian và thời gian nghệ thuật. 

 

Trong tác phẩm văn học, không gian và thời gian nghệ thuật là hai trục chính tạo nên cấu trúc thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Đó không đơn giản là sự tái hiện không-thời gian vật lí thông thường để trong đó nhân vật trữ tình tồn tại, mà còn là không-thời gian thể hiện quan niệm, cái nhìn của con người về thế giới. Đó là một không-thời gian đã được khúc xạ qua tâm hồn của tác giả, không còn là không-thời gian hiện thực mà là không-thời gian thấm đẫm tâm trạng, tình cảm của con người. Huy Cận đã đặc biệt thành công trong việc tạo lập một không-thời gian ảo não, cô đơn trong bài thơ “Tràng giang” của mình. 

 

Không gian của “Tràng giang” là một không gian vừa rộng lớn mênh mông, lại vừa cô đơn trống trải:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Nói về hình ảnh dòng sông, Huy Cận đã sử dụng từ “tràng giang” một cách đầy chủ đích. Nếu như “trường giang” chỉ nhấn mạnh đến chiều dài của con sông, thì “tràng giang” lại gợi được cả sự rộng lớn, mênh mông ở chiều rộng. Điệp vần “ang” như mở rộng không gian của dòng sông đến vô tận. Nhưng không gian rộng lớn ấy không làm người đọc cảm nhận được sự kỳ vĩ, tráng lệ. Trái lại, cảnh vật trong bức tranh thiên nhiên gợi ra sự vắng lặng đến cô liêu. Ở đây mặc dù vẫn xuất hiện hình ảnh sóng, nhưng chỉ là những con sóng “gợn” nhẹ nhàng, vẫn xuất hiện thuyền, nhưng chỉ là con thuyền đã “xuôi mái”, đã gác lại mái chèo để xuôi theo dòng nước, nên không hề gợi ra âm thanh mái chèo khua nước hay tiếng sóng vỗ mạn thuyền. Trong sự vắng lặng ấy, tất cả cảnh vật đều hiện lên với trạng thái sầu muộn, chia lìa. Trong câu thơ đầu tiên đã xuất hiện đến hai con sóng: sóng nước (“sóng gợn tràng giang”) và sóng lòng (“buồn điệp điệp”). “Điệp điệp” là một từ láy vừa gợi hình lại vừa gợi cảm. Trước hết, “điệp điệp” gợi ra những làn sóng nhấp nhô cứ nối tiếp nhau trên dòng sông rộng lớn. Nhưng đặc biệt hơn, qua từ láy này, người đọc còn cảm nhận được nỗi buồn của nhân vật trữ tình dường như hoà tan vào sóng nước, cùng với sóng nước lan tỏa trong dòng chảy. Chính Huy Cận từng tâm sự: “Nhìn dòng sông lớn gợn những lớp sóng, tôi cảm thấy nỗi buồn của mình cũng đang trải ra như lớp sóng.” Nỗi buồn mênh mang của nhân vật trữ tình cũng từ từ láy trong câu thơ đầu tiên này mà lan tỏa suốt dọc bài thơ. Nỗi buồn ấy còn được gợi ra thêm phần rõ nét từ sự chia lìa của cảnh vật. Nếu như trong bài thơ “Thơ duyên” của Xuân Diệu, vạn vật hiện ra đều thành từng cặp, từng đôi thì ở đây, dừng như chính những cảnh vật vốn phải “có đôi có cặp” lại phải chia lìa. Con thuyền lặng lờ trôi theo dòng nước để lại phía sau là hai con sóng chạy “song song” không bao giờ gặp gỡ, “thuyền” và “nước” vốn luôn gắn bó khăng khít nay lại vận động trái chiều. Khổ thơ kết thúc bằng một hình ảnh thơ đặc sắc:

Củi một cành khô lạc mấy dòng

“Một câu thơ bảy chữ đã vỡ ra thành sáu mảnh cô đơn” (Lã Nhâm Thìn). Tương quan giữa các từ ngữ trong câu thơ làm cho sự nhỏ bé, khô héo, bơ vơ của sự vật như tăng lên theo cấp số nhân. Bản thân hình ảnh “củi” đã gợi ra cảm giác khô gầy (“gầy như que củi”), vậy mà chỉ có “một” (chứ không phải “vài”) “cành” (chứ không phải “thân”) “khô” (chứ không phải “tươi”), lại đặt trong mối tương quan với “lạc” (không phương hướng) giữa “mấy dòng” nước, thì quả thực là nhỏ bé và bơ vơ đến tột cùng. Có thể nói, những chữ được Huy Cận sử dụng trong câu thơ cuối cùng này đã được ông gạn lọc từ cả “ngàn cân quặng chữ” chỉ để lấy được “một chữ” mà thôi. Mỗi một chữ phát ra đều chan chứa sức biểu đạt khó lòng thay thế. Câu thơ cuối không miêu tả không gian thiên nhiên nhưng chính sự nhỏ bé, lạc lõng của hình ảnh “cành củi khô” lại làm bật lên cái mênh mông vô cùng tận của cảnh vật. Và ở chiều ngược lại, không gian dòng sông rợn ngợp, rộng lớn vô phương hướng lại làm những tồn tại nhỏ bé bên trong dường như lại càng nhỏ bé, đơn côi.

Khổ thơ thứ hai đã xuất hiện tín hiệu đầu tiên của những tồn tại khác trên dòng tràng giang rộng lớn:

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

Bức tranh thiên nhiên đến đây đã được “thêm” đến hai sự vật trong cùng một câu thơ: “cồn” và “gió”. Tưởng như sự xuất hiện những hình ảnh đó sẽ làm cho dòng sông bớt đi cái trống trải, cô liêu nhưng trái lại, dường như chính hình ảnh “cồn” và “gió” trong câu thơ này đã làm tăng thêm cái hoang hoải của không gian. Bởi “cồn” ở đây cũng đâu phải cồn đất, cồn cát thông thường mà là cồn nhỏ, lại không hề có nhiều mà chỉ “lơ thơ”. Tương tự như vậy, “gió” cũng đâu phải những cơn gió mát lành, mà chỉ là gió “đìu hiu”. “Đìu hiu” vốn không phải là từ láy để miêu tả gió, mà là từ láy để gợi một không gian vắng vẻ và buồn bã. Dùng liên tiếp hai từ láy “lơ thơ” và “đìu hiu” trong một câu thơ, kết hợp với tính từ “nhỏ” (để miêu tả những cồn cát), Huy Cận đã tạo ra một quan hệ đặc biệt giữa cái “không” và cái “có”. Đến đây, người đọc đã nhận ra, dường như trong không gian nghệ thuật của bài thơ thì càng “có” lại càng “không”. Càng nhiều sự vật xuất hiện bao nhiêu thì không gian lại càng trống trải, vắng vẻ bấy nhiêu. Sự xuất hiện nhỏ bé, lưa thưa, buồn bã của sự vật không thể làm cho bức tranh thiên nhiên trở nên sinh động mà trái lại chỉ càng làm tăng thêm, tôn lên sự trống trải, mênh mông vô cùng. Một lần nữa, Huy Cận lại khắc hoạ sự im lặng của không gian:

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Vậy là đã có âm thanh, thậm chí còn là âm thanh của làng, của chợ. Đặc biệt là âm thanh của “chợ”. Bởi với tầm đón thông thường, thì “làng” và “chợ” phải là những không gian công cộng hết sức đông đúc, nhộn nhịp, tập trung nhiều người. Vậy thì “tiếng” phát ra từ đây hẳn không thể là tiếng buồn, lại càng không thể là sự im lặng. Vậy mà những tính từ được Huy Cận sử dụng “đắc địa” phía sau đã làm tầm đón của người đọc phải bất ngờ. Bởi tuy có làng, nhưng lại là “làng xa” – tức là một cái làng không thể xác định được vị trí, không thể tiếp cận được. Và tuy có chợ, nhưng lại là “chợ chiều” khi đã “vãn”. Một không gian đông đúc nhộn nhịp khi vãn người, tàn cuộc có lẽ còn mang lại cảm giác sầu buồn hơn cả một không gian vốn vẫn cô liêu. Nhưng hơn cả chính là một từ “Đâu” đắt giá. Dù hiểu theo cách nào, từ “Đâu” vẫn là cho tất cả những thông tin đứng sau nó trở nên không xác định hoặc không tồn tại. Quả thực là có hình có tiếng, nhưng không gian nghệ thuật là càng thêm vắng lặng. Hai câu thơ cuối của khổ thứ hai đã vẽ nên bức tranh thên nhiên thật rộng lớn:

Nắng xuống trời lên sâu chót vót

Sông dài trời rộng bến cô liêu

Không gian đến đây đã mở ra về mọi hướng, không chỉ dài-rộng mà còn sâu. Giữa một không gian thiên nhiên rợn ngợp, “bến” là biểu tượng cho sự tồn tại của con người lại kết hợp với hai tiếng “cô liêu”. Không có người, không thuyền bè qua lại, bến trơ trọi lẻ loi đến mức trở thành “bến cô liêu”.

 

Khổ thơ thứ ba giống như một sự tiếp nối và cụ thể hoá không gian của hai khổ thơ trên:

Bèo dạt về đâu hàng nối hàng

Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng

Nếu như ở khổ thơ đầu tiên có hình ảnh cành củi “lạc”, thì đến đây lại xuất hiện hình ảnh cánh bèo “dạt”. Dòng nước mênh mông đưa đẩy cánh bèo trôi dạt không phương hướng được thể hiện qua câu hỏi tu từ “về đâu”. Đây không chỉ là một không gian cô đơn mênh mông, mà còn là một không gian mất kết nối. Đối với một không gian sông nước, thì “cầu” và “đò” vốn là mối liên hệ duy nhất kết nối đôi bờ. Nhưng sự phủ định liên tiếp “không một chuyến đò” và “không cầu” đã phủ định hoàn toàn những kết nối duy nhất đó. Không có một sự kết nối nào giữa một không gian tràng giang rợn ngợp. Mọi sự vật đều tồn tại một cách riêng lẻ, nhỏ bé, âm thầm. Câu thơ cuối khổ “Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng” một lần nữa tô đậm sự trống rỗng của không gian. Nhân vật trữ tình đứng bên bờ sông mà phóng tầm mắt ra xa, vậy mà trước mắt chỉ có vắng vẻ và im lặng vô tận. Có thể nói, đến khổ thơ thứ ba, Huy Cận đã làm trọn vẹn, đã miêu tả đầy đủ, đã đẩy sự rộng lớn mênh mông và cô đơn khắc khoải của không gian lên đến đỉnh điểm.

 

Đến khổ thơ cuối cùng đã bắt đầu xuất hiện những tín hiệu của thời gian nghệ thuật:

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa

Cả bài thơ đã được đặt thêm vào một hệ quy chiếu nữa, đó là hệ quy chiếu của thời gian. Thời gian nghệ thuật của bài thơ là thời gian hết sức quen thuộc trong thơ ca: hoàng hôn. Trong thơ Đường luật, hoàng hôn là một thời gian nghệ thuật luôn dùng để gợi ra tâm trạng buồn nhớ quê hương. Nhà thơ Thôi Hiệu thời Đường trong bài “Hoàng Hạc lâu” từng viết:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu

(Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai)

Bằng việc mượn ý thơ của Thôi Hiệu, Huy Cận đã gợi nỗi buồn của lòng mình từ những câu thơ của hàng ngàn năm trước. Nếu như không gian nghệ thuật của bài thơ cho người đọc cảm nhận được nỗi cô đơn khắc khoải tột cùng của tâm trạng nhân vật trữ tình, thì thời gian nghệ thuật lại là một tín hiệu để người đọc lần tìm đến nguyên nhân sâu xa của tâm trạng ấy. Ba khổ thơ trên gợi ra tâm trạng bơ vơ, lạc lõng đến tột cùng nhưng không hề đề cập đến cội nguồn của tâm trạng. Người đọc tuy cảm được nỗi sầu như đã lan sang cả lòng mình mà vẫn chưa hiểu được vì sao nhân vật trữ tình lại có tâm trạng ấy. Tất cả đã được Huy Cận hé mở qua thời gian nghệ thuật ở khổ thơ cuối cùng.’

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

Thôi Hiệu xa quê mà nhớ quê, nhưng Huy Cận đã đứng giữa đất nước mình mà vẫn nhớ quê hương. Bởi vậy, mà dường như nhà thơ Việt Nam còn có phần buồn hơn cả nhà thơ Đường thời trước. Đó là nỗi buồn nhớ quê hương, thiếu quê hương của một người trí thức trong cảnh nước mất nhà tan, là tâm trạng chung của biết bao nhà thơ, nhà văn Việt Nam trong những năm tháng ấy. Chính nhà văn Nguyễn Tuân cũng từng đặt nhan đề tác phẩm của mình là “Thiếu quê hương”. 

 

Với hai trục không-thời gian được xây dựng bằng ngôn từ và hình tượng độc đáo, Huy Cận đã đưa người đọc vào một thế giới nghệ thuật mà ở đó, nhân vật trữ tình chẳng hề lên tiếng nhưng người đọc như vẫn cảm được cả một bầu tâm trạng cô đơn, lạc lõng đến tột cùng vì thiếu quê hương. “Tràng giang” đã nói nên tâm trạng chung, tiếng lòng chung của thanh niên Việt Nam xuyên suốt cả một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Hoài Thanh có lẽ đã không hề sai khi dùng hai từ “ảo não” để khái quát cả hồn thơ Huy Cận.

Xem thêm:

  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học