Đọc Tràng giang từ … Huy Cận

Phân tích Tràng Giang

Tôi đọc Tràng giang nhiều lần. Có lần đọc theo một lí thuyết nào đó. Có lần chỉ thuần theo cảm thụ tự nhiên. Tôi cũng viết về nó đôi lần. Lần thì tâm đắc điều này, lần thì điều kia. Nhưng, có lẽ với tôi, trường hợp đến với Tràng giang là trải nghiệm đáng nhớ đối với một cách thức không hẳn mới: đọc tác phẩm từ tác giả. Đành rằng, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng, một mảng màu riêng hợp nên bức chân dung tác giả. Tức hiểu kĩ từng tác phẩm mới là căn cứ để hình dung về tác giả. Nhưng hầu như mọi trường hợp văn chương hiện đại, nếu chưa nắm kĩ tác giả, thì việc hiểu từng tác phẩm sẽ rất chông chênh. Hiểu tác giả mới giúp soi sáng tác phẩm. Viết chương “Huy Cận” cho giáo trình xong, nhất là khi ngẫm sâu về tư tưởng của thi sĩ này, tôi hiểu Tràng giang hơn.

Tôi thuộc xu hướng xem tư tưởng là cái lõi của một nghệ sĩ. Tầm cỡ nghệ sĩ thế nào là phụ thuộc vào cái lõi ấy. Mà tư tưởng nghệ sĩ xét đến cùng là một dạng quan niệm. Quan niệm trong nghệ thuật và bằng nghệ thuật. Có hai quan niệm chuyển hóa vào nhau tạo nên cái lõi này: quan niệm nhân sinh và quan niệm thẩm mĩ. Nếu quan niệm nhân sinh trả lời câu hỏi về hạnh phúc – “Thế nào là hạnh phúc?” (không chỉ hạn hẹp trong hạnh phúc lứa đôi, mà còn là hạnh phúc của sự tồn sinh, là ý nghĩa của tồn tại), thì quan niệm thẩm mĩ trả lời câu hỏi về cái đẹp – “ Thế nào là cái đẹp?” Cả hai hòa vào nhau trong một câu hỏi chung về giá trị khi nghệ sĩ đối diện với từng người, từng việc cụ thể của đời sống. Mỗi một nghệ sĩ chân chính xuất hiện là một sự trả lời cho những câu hỏi đó. Nếu chưa có câu trả lời của riêng mình, thì có nghĩa anh đang là cái bóng, là bản sao của ai đó chứ chưa thực là chính mình. Thì Huy Cận cũng thế. Từ góc nhìn của mình, tôi thấy tư tưởng của Huy Cận xoay quanh hai chữ “hòa điệu”. Thực chất là trạng thái hòa hợp và đồng điệu. Sự hòa điệu này được cảm nhận trên ba mối quan hệ cơ bản: con người với con người. Hòa điệu là nhu cầu không của riêng ai. Nhưng không phải với ai nó cũng thành mối ưu tư cốt lõi, chi phối cách cảm nhận về hạnh phúc và cái đẹp, mà tựu chung là về giá trị, trong cuộc đời. Với Huy Cận, hòa điệu là trạng thái hạnh phúc mà cũng là trạng thái hài hòa. Có hòa điệu thì hân hoan. Thiếu hòa điệu thì sầu muộn. Điều này chi phối toàn bộ cách cảm thụ đời sống của hồn thơ ông. Thơ Huy Cận trước Cách mạng, căn bản là tiếng nói sầu muộn của cái tôi phi hòa điệu. Trái lại, sau cách mạng, là tiếng nói của một cái tôi hân hoan luôn thấy được hòa điệu với cuộc đời lớn. Nếu ở chặng sau, tập tiêu biểu là Trời mỗi ngày lại sáng, bài điển hình là Đoàn thuyền đánh cá, thì ở chặng trước, tập nổi bật là Lửa thiêng, bài kết tinh, đương nhiên là Tràng giang. Vì thế, ở một phía khác, ta hoàn toàn có thể nhìn Tràng giang từ…Đoàn thuyền đánh cá.

Đến nay, không ít người vẫn coi Đoàn thuyền đánh cá là bài ca lao động, bài ca cuộc sống mới, chế độ mới. Điều này, nếu có, thì chỉ là một cảm hứng thứ yếu, thuộc ý thức chính trị xã hội của một công dân chứ không hẳn là cảm quan nghệ thuật của nghệ sĩ. Trong chiều sâu của nó, Đoàn thuyền đánh cá là bài ca hòa điệu. Lao động biển khơi chỉ là một tình huống thẩm mĩ để thi sĩ cảm nhận và thể hiện sự hòa điệu này. Tràn ngập cả bài thơ là niềm hân hoan vô bờ bến vì con người được hòa mình với nhau trong một nhịp điệu khẩn trương, sôi động, gắn kết, họ vừa dàn trận vừa ca hát: “Dàn đan thế trận lưới vây giăng”; “Ta hát bài ca gọi cá vào”; “Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng”; “Hát rằng…; Hát rằng…”. Con người được đồng hành, hòa điệu với tạo vật thiên nhiên; tạo vật thiên nhiên náo nức hào hứng vào cuộc cùng con người:

Câu hát căng buồm với gió khơi; Thuyền ta lái gió với buồm trăng Lướt giữa mây cao với biển bằng, Ra đậu dặm xa dò bụng biển;

“Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao”…

Tạo vật thiên nhiên dù trong thăm thẳm vũ trụ hay tận đáy đại dương, dù kì vĩ, xa xăm hay nhỏ nhoi, gần gặn, dù hữu hình, hữu thể hay vô thể, vô hình, tất cả đều nô nức hăng hái về bên nhau, quấn quýt hòa điệu với nhau:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa Sóng đã cài then, đêm sập cửa…; Cá song lấp lánh đuốc đen hồng, Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé, Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long; Mặt trời đội biển nhô màu mới

“Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”…
Tất cả cộng hưởng với nhau khiến thế giới nghệ thuật của Đoàn thuyền đánh cá là một cuộc hòa điệu kì vĩ: con người hòa điệu với con ngườp, con người hòa điệu với tạo vật thiên nhiên và tạo vật thiên nhiên cũng hòa điệu với nhau đầy hào hứng, sôi động, đam mê. Thi phẩm như một bản giao hưởng chan chứa biển trời.

Nếu Đòan thuyền đánh cá như một dương bản thì Tràng giang có thể xem như một âm bản. Tràng giang là một thế giới phi hòa điệu. Trước tiên là không có sự hòa điệu giữa con người với con người. Cái “tôi” thi sĩ hiện ra trong chân dung một kẻ lữ thứ lạc chân vào cõi này. Nó không chỉ lạc lõng đất khách quê người như một kẻ lạc quê, mà còn bơ vơ trong vũ trụ như một kẻ lạc loài. Trong toàn bài, kẻ thất lạc đồng loại ấy đang gắng gỏi kiếm tìm mọi dấu hiệu về sự hiện diện của đồng loại trong chốn tràng giang kia. Nhưng, càng cố kiếm tìm, càng vắng bóng. Càng nuôi hi vọng, càng biệt tăm. Đúng ra, ban đầu con người có hiện diện. Hình ảnh con thuyền ở cặp câu đầu có gợi ra hình bóng con người:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song”.

Nhưng chỉ là gián tiếp và cũng chỉ là thoáng hiện trong khoảnh khắc. Ngay câu tiếp theo, con thuyền kia đã khuất bóng rồi: Thuyền về nước lại sầu trăm ngả. Chữ “về” trong câu có thể gợi cả hai ý niệm: vừa cụ thể theo hướng mô tả là “về” lại bến cũ, vừa siêu hình mang ý vị triết học là “về” hư vô(ví dụ: “Tôi nay ở trọ trần gian/ Mai kia về chốn xa xăm cuối trời” – Trịnh Công Sơn). Dù theo nghĩa nào cũng đều biểu đạt ý niệm con thuyền đã mang con người mất hút vào không gian, trả mặt sông lại cho sự hoang vắng. từ đó đến cuối bài, cái “tôi” càng tìm kiếm, đồng loại càng biệt vô âm tín. Mọi âm thanh, mọi hình ảnh của cuộc sống con người trong không gian Tràng giang đều vắng bặt: không tiếng chợ xa, không cầu, không đò và cuối cùng, không khói. Không đơn thuần chỉ là tín hiệu của cô liêu, sự vắng bóng của con đò “Mênh mông không một chuyến đò ngang” và chiếc cầu “Không cầu gợi chút niềm thân mật” còn phủ định sự giao lưu. Những tín hiệu ấy muốn nói rằng ở chốn kia không hề có con người, hoặc nếu có, thì con người chốn ấy cũng chẳng giao lưu với nhau. Không chỉ cái tôi không được hòa điệu với đồng loại, mà trong thế giới ấy con người cũng đâu có hòa điệu với nhau.Thêm nữa, vào thời điểm ấy, nếu nơi đây có đồng loại thì một hình ảnh đáng ra đã phải xuất hiện rồi, đó là ngọn khói bắt đầu vươn lên từ những nếp nhà. Nhưng, cũng không có. Sự cô quạnh tuyệt đối ấy khiến bất cứ kẻ lữ thứ nào cũng phải lạnh lòng.

Các câu chứa những phủ định mười mươi trên đây đều được hiểu dễ dàng, ít gây tranh luận. Riêng câu “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều” vẫn gây đầy những phân vân. Thủ phạm là tính nước đôi của chữ “đâu”. Hiểu là từ chỉ nơi chốn, thì “đâu” là khẳng định: đâu đây có tiếng làng xa vãn chợ chiều. Hiểu là từ phủ định, thì nó là: không có / chả có/ đâu có tiếng làng xa vãn chợ chiều. Vậy, ý thơ theo nghĩa nào đây? Dù chính tác giả đã có lần lên tiếng, nhưng người đọc cũng không dễ dàng bị thuyết phục. Bởi câu chữ một khi đã sống trong chỉnh thể văn bản, thì nó đã trở thành một thực thể khách quan, có sinh mệnh riêng, nằm ngoài cả ý đồ chủ quan của tác giả rồi. Bản thân tôi, trong những lần viết trước, cũng chọn một giải pháp nước đôi. Ỷ vào tính mơ hồ đa nghĩa của thơ, tôi đã tin rằng: dù theo nghĩa nào thì đằng nào trong văn cảnh ấy, ý thơ cũng chỉ nói về sự vắng bóng của âm thanh cuộc sống người mà thôi: phủ định thì đã vắng bóng, khẳng định thì đang vắng bóng. Và tôi ngỡ thế là ổn. Nhưng, đọc lại cái lõi hòa điệu – phi hòa điệu này, thì thấy nước đôi là không ổn. Phải hiểu là phủ định mới hợp chỉnh thể. Chợ là hình ảnh xôm tụ của đời sống người. Nó đã đi vào tâm thức văn hóa như một biểu tượng về đời sống. Chợ đông là hình ảnh một cuộc sống sầm uất (gợi cuộc sống thái bình dưới triều Lê, Nguyễn Trãi chỉ cần phác một nét chợ đông: “Lao xao chợ cá làng ngư phủ”). Trái lại, chợ tàn là hình ảnh một sự sống tan rã (gợi một phố huyện èo uột, Thạch Lam chỉ cần phẩy đôi ba nét chợ phiên vào lúc tàn). Ở đây, cái tôi cố tìm kiếm sự hiện diện của đồng loại. Nó chả dám mong gặp âm thanh sầm uất nhộn nhịp buổi chợ đông. Nó chỉ mong nghe thấy những âm thanh xoàng xĩnh thôi, xa mờ thôi, “ tiếng làng xa vãn chợ chiều” thôi. Được thế, nó cũng đã cảm thấy được an ủi, nương tựa rồi. Ấy thế mà cũng không có. Một mong cầu tối thiểu mà cũng có được đâu. Hiểu thế, mạch thơ nhất quán với không khí chung của toàn bài hơn. Vậy là đồng loại hoàn toàn vắng bóng, con người không có được sự hòa điệu với con người.

Ở phần viết trên, chưa thực sự nhìn Tràng giang từ Huy Cận, trước bức tranh tạo vật tràng giang, tôi mới chỉ cảm nhận được hai sắc thái quan trọng nữa, mà đến lần này tôi mới cảm thấy. Đó là sự dửng dưng lạnh lùng của tạo vật với con người. Hình tượng cái “tôi” trữ tình trong bài thơ như một kẻ chơi vơi không một chỗ đứng xác định nào trong không gian tràng giang. Nó là kẻ lạc bước, lạc chân, không được tạo vật chào đón, đoái hoài. Diễn tả sự hòa điệu con người với thên nhiên tạo vật, nghệ thuật thường tạo dựng một bầu quan hệ thân thiện giữa người và vật. Trong đó, thiên nhiên thường mở lòng, thậm chí quây quần, quấn quýt quanh con người. Một thiên nhiên hữu tình. Thơ Tố Hữu chẳng hạn. Dựng không khí Việt Bắc thì “Mình về rừng núi nhớ ai/ Trám bùi để rụng măng mai để già”. Dựng hình ảnh mẹ Tơm thì “Bãi cát vàng thau in bóng mẹ/ Chiều về hòn Nẹ biển reo quanh”, mẹ Suốt thì “ Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung/ Gió lay như sóng biển tung trắng bờ”… Còn ở Tràng giang, mọi tạo vật thiên nhiên đều không biết đến sự hiện diện của chàng lữ khách. Tạo vật nào cũng mải miết với nhịp sống vốn dĩ của nó, không một chút bận tâm. Nước trời, thuyền sóng, cồn bến, bãi bờ, gió nắng, bèo củi, mây chim… đều đang ở trong những động thái, động hướng riêng. Nhưng mọi động thái, động hướng ấy đều thuộc một mẫu số chung: li tâm với con người, quay lưng và mỗi lúc một rời xa con người. Một thiên nhiên vô tình.

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song,

Củi một cành khô lạc mấy dòng,

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu,

“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”…

Không một tạo vật nào hướng về phía con người, nói gì đến giao hòa quấn quýt với người. Người thì đoái trông, vật thì lãnh đạm. Không được hòa điệu cùng con người, nhưng nếu thấy mình được hòa điệu với tạo vật, cái tôi kia cũng được an ủi phần nào. Nó sẽ có chút ấm lòng, bớt chút bơ vơ. Còn trước một tạo vật dửng dưng lạnh lùng đến thế, cái tôi chỉ còn như kẻ bị bỏ rơi.

Nhưng nếu kẻ thứ lữ ấy được chứng kiến một sự hòa điệu của tạo vật thiên nhiên thì ít nhiều nó cũng được vui, dù chỉ là vui lây với ngoại vật, vui ghé, vui nhờ vào cái không khí vui không phải dành cho mình. Thế mà, tạo vật thiên nhiên trong chốn tràng giang này cũng không hề hòa điệu với nhau. Đây là nét mà chỉ đến lần này tôi mới thực sự thấm thía. Các tạo vật vốn tồn tại bên nhau, thậm chí tồn tại trong nhau, tưởng chừng chúng phải bạn bầu cật ruột, phải tương hỗ giao lưu. Hóa ra không. Kề cận nhau mà không hề có sự cảm thông, tồn tại trong nhau mà không có sự giao kết. Mỗi tạo vật một phận riêng. Chúng khép kín trước nhau, mỗi đằng theo đuổi một mạch riêng, một hướng riêng.

Sóng mải mê với bề rộng, thuyền buông xuôi với chiều dài; sông cuốn củi khô mà củi lạc mình trước muôn ngả nước; nắng cứ xuống, chiều cứ lên;sông cứ dài, trời cứ rộng; đằng còn mải chót vót về bờ sâu, đằng còn bận tít tắp về bề xa; bèo cứ hàng nối hàng mà trôi, bờ cứ tiếp bãi nối nhau mà rong ruổi, hành trình bên nhau mà lạnh lẽo với nhau;mây mải chất ngất lên cao như lưu nắng lại, chim sa lặng lẽ sa mình xuống thấp như cõng chiều về…Trống cứ việc đánh xuôi, kèn cứ việc thổi ngược. Chẳng tạo vật nào đồng lòng, đồng hướng, chẳng tạo vật nào đồng cảm sẻ chia cùng vật nào. Rồi có những chữ, cũng phải đến lần đọc này thì lớp nghĩa bề sâu của nó mới thực sáng lên. Trước đây, đọc cặp câu “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song”, cảm nhận của tôi đã trượt qua chữ “song song”, xem nó cũng tựa như “Đinh ninh hai mặt một lời song song” thôi. Nhưng đến lần đọc này, tôi biết mình đã nhầm. Chữ “song song” này không mang nghĩa truyền thống, chỉ sự đồng tâm nhất trí như trong câu Kiều kia của Nguyễn Du. Trái lại, nó mang một nghĩa hoàn toàn trái với truyền thống, một nghĩa mà chỉ đến thời này, khi toán học hiện đại được dạy trong nhà trường cho lớp trí thức Tây học như Huy Cận, mới xuất hiện. Đó là “song song” với ý nghĩa là những đường song hành không bao giờ gặp nhau. Nó gợi ra hình ảnh nước trôi và thuyền xuôi, chúng song hành. Thuyền và nước cùng vẽ ra trong không gian những hành trình trôi xuôi của riêng chúng, nhưng là những đường song song không bao giờ gặp nhau. Đồng hành mà không hề đồng điệu. Kề cận mà không có cảm thông. Chúng bên nhau, trong nhau mà dửng dưng lạnh nhạt với nhau. Bởi thế mà sông nước càng lạnh lẽo, cô liêu, càng chia dời nhạt nhẽo. Tràng giang là bức tranh một tạo vật thiên nhiên hoàn toàn phi hòa điệu.

Đọc Tràng giang ít ai không liên hệ với thơ Đường. Điều này phù hợp và cần thiết. Huy Cận là tiếng thơ mà âm hưởng Đường thi rất đậm. Sự liên hệ giúp sáng tạo của thi sĩ này được soi sáng hơn. Trường hợp thường được lấy ra để liên hệ là Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu. Nhưng, xem ra việc liên hệ không hoàn toàn sòng phẳng. Người liên hệ thường bám vào hình ảnh khói sóng, xem nó như một duyên cớ của nỗi nhớ để khẳng định: Thôi Hiệu xưa phải cần có cớ thì mới nhớ nhà, còn Huy Cận nay không cần đến duyên cớ vẫn cứ nhớ nhà. Và đinh ninh rằng thế là người nay hơn người xưa. Thật ngây thơ làm sao! Trong lần viết trước, chính tôi cũng từng dẫm lên vết chân…ngây thơ đó. Lần này, ngẫm ra thấy không hẳn vậy. Trong nghệ thuật, làm sao nói chắc được về cái hơn? Nên chăng là kiếm tìm cái khác. Trước hết “khói” lúc hoàng hôn của hai vị đâu có giống nhau. Đằng là khói sóng – tín hiệu của sự mờ mịt, mông lung, mất phương hướng; đằng là khói bếp – tín hiệu của sự sum vầy, đoàn tụ, đoàn viên. Khói sóng của Thôi Hiệu nghiêng về nỗi niềm kẻ lạc quê:

“Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”.
(Trời tối rồi, quê hương không biết là ở trốn nào/ Khói sóng trên sông càng khiến người buồn)

Bóng tối và khói sóng bao phủ không gian làm mất hoàn toàn phương hướng, không còn rõ quê hương nằm ở phương nào; kẻ tha hương nơi đất khách nhìn khói sóng mà buồn sầu. Còn “khói hoàng hôn” của Huy Cận nghiêng về nỗi niềm của kẻ lạc loài. Lúc này, nhớ quê, nhớ nhà là cảm xúc tự nhiên, tất yếu. Gia đình, tổ ấm là điểm tựa duy nhất trong nỗi hoang vắng của kẻ đang thất lạc đồng loại giữa thế gian. Đó là nơi duy nhất có thể đáp ứng được nhu cầu được hòa điệu của kẻ bơ vơ này:

“Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

Trôi dạt trong gian như thế, cái tôi ấy thấm thía nỗi cô đơn của kẻ lạc mình nơi tràn giới, lạc loài giữa nhân gian. Đó là nỗi cô đơn cố hữu của phận người. Là nỗi cô đơn khi con người không được hòa hợp đồng điệu với thế giới này.

Diễn trình của cái tôi Thơ mới (1932 – 1945) là từ nỗi cô đơn cá thể đến cô đơn toàn thể. Nếu cô đơn cá thể là bị cô đơn (không được chia sẻ), cái tôi không được hòa điệu, thì cô đơn bản thể là tự cô đơn (không chia sẻ được), cái tôi không hòa điệu được. Cô đơn cá thể là sắc thái cô đơn tiêu biểu cho Thơ mới ở nửa đầu, mà Huy Cận là một kết tinh quan trọng. Ở nửa sau, nhất là vào hồi cuối, cùng sự xuất hiện của những Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, đặc biệt là Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê sắc thái cô đơn của cái tôi đã khác nhiều với những băn khoăn hết sức siêu hình về sự tồn tại của cái tôi (Ai nói giùm ta có ta không?, Hồn của ai trú ẩn ở đầu ta?…). Ở đó, cá nhân không bị cô đơn, mà tự cô đơn. Nó ngày một chìm đắm vào nỗi cô đơn bản thể. Tràng giang là thành tựu thuộc chặng đầu.


TS.Chu Văn Sơn

#thichvanhoc trích dẫn

Xem thêm:

Nhận định đặc sắc về Huy Cận và Tràng Giang

Tham khảo các bài văn mẫu nâng cao tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/van-mau/nang-cao/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học