cach dua li luan van hoc vao bai viet

ÁP DỤNG LÝ LUẬN VĂN HỌC VÀO KẾT BÀI (phần 2)

5, Vận dụng kiến thức lý luận về đặc trưng thể loại.

Mỗi thể loại văn học đều mang những đặc trưng riêng. Với cách này, chúng ta cần vận dụng linh hoạt kiến thức về đặc trưng thể loại văn học: thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch… để nhấn mạnh giá trị của tác phẩm. Đối với truyện ngắn, chúng ta có thể vận dụng những đặc trưng về cốt truyện, tình huống truyện, chi tiết, hình tượng nhân vật,…Đối với thơ, chúng ta có thể vận dụng những đặc trưng về ngôn ngữ, giọng điệu, hình ảnh, tư tưởng, tình cảm…

Ví dụ 1: M. Gorki từng nói: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”.

Kim Lân quả xứng đáng là một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam, khi chỉ từ những chi tiết nhỏ bé mà sâu sắc, ông đã đặt cả một tài năng và tấm lòng nhân đạo của mình vào đó. Cùng với đó, thành công của truyện ngắn “Vợ nhặt” còn phải kể đến việc Kim Lân đã gây ấn tượng mạnh với độc giả bằng lối kể chuyện lôi cuốn, ngôn từ giản dị, phù hợp với mọi lứa tuổi. Có lẽ vì thế cho đến nay, “Vợ nhặt” vẫn để lại dư âm khó phai mờ trong lòng người đọc của nhiều thế hệ.

Ví dụ 2: Tố Hữu từng quan niệm: “Một bài thơ hay là bài thơ đọc lên không còn thấy câu thơ mà chỉ còn thấy tình người và tôi muốn thơ phải thật là gan ruột”, điều đó được chứng minh qua “Việt Bắc”. Ở đó, Tố Hữu không viết thơ mà ông đang dùng “gan ruột” của mình để “kí thác” một chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc. Khép lại chặng đường dài gian khổ ấy là kỉ niệm, là tình nghĩa, là sự kết tinh “hạt mầm cho đời sau hái trái”. Qua đây, chúng ta thêm tự hào về thế hệ cha anh, về tinh thần chiến đấu hào hùng, về những chiến công “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam.

Ví dụ 3: “Thơ là chữ nghĩa cũng không phải là chữ nghĩa, là ý thức mà không phải ý thức, là vô thức mà không hẳn vô thức. Thơ đúng nghĩa là sự bộc lộ tận cùng của nhà thơ”. Và “sự bộc lộ” ấy, qua Quang Dũng, hình thành nên “Tây Tiến”. Qua tác phẩm, nhà thơ “xứ Đoài mây trắng” đã cho ta cảm nhận được về tinh thần dũng cảm và tư thế hiên ngang của những người lính Tây Tiến trong những năm tháng “cả nước lên đường”, trong những năm tháng gian khổ đau thương nhưng cũng vĩ đại oai hùng. Đồng thời bài thơ gợi lên trong lòng bạn đọc niềm tự hào về thế hệ cha anh về những năm tháng chiến đấu tuy gian khổ mà hào hùng của dân tộc, về tinh thần chiến đấu kiên cường để là nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.

6. Vận dụng kiến thức lý luận về giá trị của văn học

Giá trị văn học là sản phẩm kết tinh từ quá trình văn học, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của cuộc sống con người, tác động sâu sắc tới con người và cuộc sống. Văn học có những giá trị cơ bản sau: giá trị nhận thức, giá trị giáo dục, giá trị thẩm mĩ.Với cách này, chúng ta cần chỉ ra giá trị mà tác phẩm văn học mang đến cho người đọc, giá trị đó đóng góp cho cuộc sống như thế nào?

Ví dụ 1: Bêlinxki quan niệm: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó”. Mỗi tác phẩm như một nấc thang nâng đỡ bước chân người đọc đi đến phần người, đi đến những giá trị chân – thiện – mĩ của cuộc sống. Cuộc đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích như một làn gió mang tới cho tâm hồn con người thứ mát lành của triết lí sống đáng quý. Gấp lại trang sách mà ngọn gió ấy vẫn không ngừng thổi muôn đời.

Ví dụ 2: Tố Hữu từng nói: “Một bài thơ hay là bài thơ đọc lên không còn thấy câu thơ mà chỉ còn thấy tình người và tôi muốn thơ phải thật gan ruột”, điều đó được chứng minh qua “Nói với con”, khi Y Phương không viết thơ, mà đó chính là những lời thủ thỉ, tâm tình đầy yêu thương, đầy xúc động của một người cha với đứa con thơ của mình khi nói về vẻ đẹp của những con người trên quê hương mình. Chính bởi lẽ đó đã khiến hình ảnh của quê hương, của người đồng mình hiện lên thật chân thực, cụ thể với bao phẩm chất tốt đẹp. Đó là mạch suối ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn ý chí cho con. Đọc bài thơ, hiểu về vẻ đẹp của những con người quê hương, ta thêm yêu, thêm trân trọng hơn những con người làm giàu đẹp quê hương, đất nước.

7. Vận dụng kiến thức lý luận về tư chất của người nghệ sĩ.

Là người sáng tạo ra cái đẹp nghệ thuật cho cuộc đời và con người, nghệ sĩ không thể thiếu một trái tim nhạy cảm, đa cảm, mãnh liệt, giàu lòng nhân ái và khao khát hướng tới những giá trị chân – thiện – mĩ. Trái tim ấy có những nhạy cảm hơn đời, có những cung bậc khác đời, dồi dào, giàu có hơn những người bình thường, tâm hồn họ như “một cây đàn muôn điệu” với những sợi tơ lòng dễ rung ngân trước mọi “vang động của đời”.Dựa trên kiến thức đó, chúng ta có thể vận dụng để tạo ra một kết bài thật hấp dẫn bằng cách chỉ ra những tâm tư, tình cảm của tác giả kí thác trong tác phẩm của mình.

Ví dụ: Tác phẩm văn học chỉ có giá trị khi đó là tiếng lòng của người nghệ sĩ, là nơi kí thác những nỗi niềm tâm sự, sự trăn trở, suy tư, những nỗi đau, bi kịch của nhân sinh, từ đó nhân danh con người mà đấu tranh với những thế lực xấu xa, đen tối để bảo vệ quyền sống của con người. Thử hỏi nếu không có sự gắn bó tình cảm đặc biệt đối với những người nông dân nghèo, liệu Kim Lân có thể viết nên thiên truyện “Vợ nhặt” lấp lánh tình người như vậy? Nhà văn đã viết về họ bằng tất cả tài năng, tâm huyết, niềm tin mãnh liệt vào phẩm chất tốt đẹp tiềm tàng trong người lao động nghèo cùng với đó là cả một thái độ căm phẫn trước tội ác mà thực dân Pháp và phát – xít Nhật đã gây ra cho dân tộc ta.

8. Vận dụng kiến thức lý luận về mối quan hệ giữa văn học và đời sống.

Hiện thực đời sống bao giờ cũng là nguồn cảm hứng mênh mông, bất tận của tâm hồn nghệ sĩ. Bất kì một sáng tác nghệ thuật nào nếu không bén rễ vào cuộc đời, không hút nguồn sống dạt dào chảy trong lòng cuộc sống thì nó sẽ không thể tồn tại trong thế giới khắc nghiệt của văn chương nghệ thuật. Là nhà văn chân chính, ngòi bút của anh phải chấm vào nghiên mực cuộc đời thì tác phẩm của anh mới neo chặt trong tâm hồn của người thưởng thức.Với cách này, chúng ta cần chỉ ra chất liệu hiện thực đóng góp như thế nào đối với tác phẩm văn học ta đang phân tích.

Ví dụ 1: “Văn học là cuộc đời. Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học”. Mỗi nghệ sĩ lớn đều ý thức sâu sắc về mối quan hệ giữa hiện thực và cuộc sống. Hiện thực bao giờ cũng là nguồn cảm hứng bất tận của tâm hồn nghệ sĩ. Và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” cũng không phải một ngoại lệ. Mượn từ hiện thực cuộc sống hình ảnh những chiếc xe không kính thô sơ, Phạm Tiến Duật thổi vào trang thơ của mình một luồng gió mới, khác hoàn toàn so với các bài thơ viết về đề tài người lính và chiến tranh trước đó. Qua bài thơ, chúng ta càng thêm yêu và tự hào về thế hệ cha anh,về những năm tháng chiến đấu hào hùng của dân tộc. Dù lớp bụi thời gian có phủ đầy những trang sách và những đổi mới của cuộc sống làm biến chuyển đi tất cả nhưng với giá trị hiện thực, nhân đạo sâu sắc bài thơ vẫn có sức truyền cảm mạnh mẽ đối với.

Ví dụ 2: Mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời đã từng khiến rất nhiều nhà văn trăn trở. Nam Cao từng thốt lên rằng “Chao ôi, nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than…”, còn Nguyễn Huy Tưởng viết trong Vũ Như Tô rằng: “Nghệ thuật mà không gắn liền với đời sống thì đó nó chỉ là những bông hoa ác mà thôi”. Nguyễn Minh Châu cũng đồng quan điểm với những tư tưởng ấy, ông sâu sắc nhận ra rằng “Ngọc lành có vết, việc đời đa đoan”, làm chi đâu có cảnh toàn bích, toàn mỹ, chẳng qua ấy chỉ là bề nổi, ẩn sâu sau đó là những hiện thực phũ phàng. Mà từ đó người nghệ sĩ phải dùng một đôi mắt đa diện, thấu hiểu để nhìn nhận những vẻ đẹp đạo đức và nhân văn, chớ nên chạy theo những vẻ đẹp dẫu hào nhoáng mà trống rỗng, vô hồn. Qua “Chiếc thuyền ngoài xa”, tư tưởng sâu sắc đó đã được Nguyễn Minh Châu thể hiện thật thấm thía, để lại cho mỗi người đọc chúng ta biết bao nhiêu suy tư. Truyện ngắn đã thể hiện “nỗi quan hoài thường trực” của nhà văn về hiện thực cuộc sống đói nghèo, tăm tối. Cần có những biện pháp thiết thực để xoá đói giảm nghèo, đưa con người thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ.


Hình ảnh: Nhất Linh

Bài viết do team nội dung của Thích Văn học thực hiện, vui lòng không reup dưới mọi hình thức.

Xem thêm:

ÁP DỤNG LÝ LUẬN VĂN HỌC VÀO KẾT BÀI (phần 1)

Tham khảo các tài liệu về Lí luận văn học tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/tai-lieu/ly-luan-van-hoc/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học