“Nghệ thuật không đứng ngoài trỏ vẽ cho đường chúng ta đi, nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng chúng ta, khiến chúng ta phải tự bước lên đường ấy.” – Nguyễn Đình Thi.
Nghệ thuật là sự sáng tạo trong mọi hoạt động để tạo ra các sản phẩm chứa đựng giá trị lớn về tư tưởng, tinh thần, có tính nhân văn và thẩm mĩ, mang tới giá trị văn hóa chạm sâu tới cảm xúc của con người, khán giả thưởng thức nghệ thuật. Nghệ thuật không đứng ngoài trỏ vẽ cho đường chúng ta đi, không phải là thứ lý thuyết khô khan hay là những bài giảng đạo lý giáo điều.
Nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng chúng ta, tác động vào nhận thức, vào tâm tư, tình cảm vào người đọc, khiến người đọc hiểu thêm về cuộc sống, về xã hội. Nhưng đó không phải là một cuộc sống trần trụi, mà là một xã hội được tái tạo qua lăng kính của tác giả, qua cả một đời sống và chiêm nghiệm của người nghệ sĩ.
Và từ đó, nghệ thuật “khiến chúng ta phải tự bước đi trên đường ấy”. Sau quá trình tiếp nhận, độc giả sẽ nhận thức rõ cái đẹp, cái đúng sai, cái thực ảo, từ đó hoàn thiện thêm bản thân và trái tim họ cũng nảy nở những tình cảm thẩm mỹ cao đẹp.
=> Như vậy, nghệ thuật nói chung hay văn chương nói riêng không gửi gắm những tư tưởng, triết lý một cách khô khan, giáo điều mà tư tưởng trong văn học là tư tưởng náu mình. Tư tưởng náu mình ấy nở hoa từ cả một đời sống và làm nghệ thuật của người nghệ sĩ, tác động tới nhận thức con người, khiến chúng ta phải tự bước đi trên con đường của chính mình. Qua câu nhận định trên, Nguyễn Đình Thi một lần nữa muốn nhấn mạnh chức năng và giá trị của văn học với đời sống nhân loại.
“Gốc sáng tạo được quyết định bởi độ trong trẻo của tâm”. – Lê Vũ Trường Giang
Sáng tạo là một phẩm chất quan trọng của người nghệ sĩ. Văn chương nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo, sự không trùng lặp trong sáng tác giữa người nghệ sĩ này với người nghệ sĩ khác. Nguồn gốc của sự sáng tạo có thể là do thiên bẩm, do quá trình tích lũy kinh nghiệm sáng tác và yêu cầu nghiêm ngặt của nghề văn. Nhưng dù xuất phát từ đâu thì “gốc sáng tạo” quan trọng nhất vẫn là ở tâm hồn nghệ sĩ.
– “trong trẻo” là sự trong sáng, thanh tao, là những nốt vang bay bổng của giai điệu tâm hồn. “Độ trong trẻo của tâm” là sự đánh giá mức độ trong trẻo của tâm hồn người nghệ sĩ, là chiều sâu của tâm hồn. Tâm hồn càng sáng, càng đẹp, tác phẩm sáng tác càng hay, đạt được độ chín.
=> Ý kiến của nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang là sự nhận xét, đánh giá khi bàn về vai trò cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ, đặc biệt đề cao vai trò của tâm hồn.
“Mỗi công dân đều có một dạng vân tay.
Mỗi nhà thơ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ
Không trộn lẫn” – Lê Đạt
Trước hết, cần hiểu “vân tay” tức là nét văn hoa trên ngón tay mỗi con người. Mỗi một người được sinh ra đều có dấu vân tay khác nhau. Đây chính là dấu hiệu để nhận dạng ra con người. Ở đây, từ hình ảnh “vân tây” nhà thơ Lê Đạt liên tưởng đến hình ảnh đậm chất văn chương nghệ thuật – “vân chữ”. Đây là cách dùng từ rất mới lạ và độc đáo. “Vân chữ” chính là dạng riêng trong cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh của mỗi người cầm bút đặc biệt là với nhà thơ. Tạo nên được ‘vân chữ” cho mình là nhà thơ đã tạo nên dấu ấn độc đáo trong sáng tạo mà không ai có.
Để làm “một người thợ khéo tay” chỉ cần sự điêu luyện, thành thục là có thể làm ra hàng loạt sản phẩm giống nhau và đẹp mắt. Nhưng để trở thành một nhà thơ “thứ thiệt” phải đòi hỏi những phẩm chất khác thường mà nổi bật trong đó là sự sáng tạo không ngừng để có thể làm nên cái “tạng” riêng của mình.
=> Như thế, ý thơ của Lê Đạt muốn khẳng định điều sống còn với một nhà nghệ thuật chính là sự độc đáo có dấu ấn riêng trong phong cách nghệ thuật của chính mình.
Xem thêm:
- Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
- Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
- Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
- Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học