KIẾN THỨC LÝ LUẬN VĂN HỌC VỀ THƠ

Lý luận văn học về thơ

Nguồn gốc của thơ

– Thơ được sinh ra từ trong hiện thực cuộc đời, cái đẹp trong thơ phải mang dấu ấn của cái đẹp trong sự thật đời sống. Cuộc sống là điểm xuất phát (là đề tài vô tận, gợi nhiều cảm xúc phong phú …), là đối tượng khám phá chủ yếu và cũng là cái đích cuối cùng của thơ ca nghệ thuật.

– Thơ ca nghệ thuật luôn vận động và phát triển trong sự ràng buộc tự nhiên với đời sống xã hội. Những giá trị nghệ thuật chân chính xưa nay đều là những sáng tác bắt rễ sâu xa trong mảnh đất thực tế của thời đại mình. Thơ ca chỉ có ý nghĩa thẩm mĩ, chỉ chinh phục trái tim người đọc khi thể hiện những vấn đề,những cảm xúc mà con người hằng quan tâm, trăn trở.

– Nếu thơ ca không bắt nguồn từ hiện thực, xa rời cuộc đời, thoát ly thực tại, thơ ca sẽ không thể đến với người đọc, không thể tồn tại trong cuộc đời, khi ấy thơ ca đã tự đánh mất chức năng cao quý nghệ thuật vị nhân sinh của mình.

 

Đối tượng của thơ

– Đối tượng của thơ là thế giới tâm hồn, tình cảm của con người. Những cảm xúc, rung động, những suy tư, trăn trở… đều có thể trở thành đối tượng khám phá và thể hiện của thơ.

– Vẻ đẹp của thơ ca trước hết thể hiện ở những tư tưởng, tình cảm mà tác phẩm hàm chứa. Không có chất liệu đời sống thì không làm nên nội dung và giá trị của tác phẩm.

– Những sự việc đời sống mà không âm vang vào tâm hồn, không lay động sâu xa cảm xúc của người nghệ sĩ thì không thể hóa thân thành cái đẹp của nghệ thuật. Chính vì vậy, cần thấy rằng thơ ca là cuộc đời nhưng đó không phải là sự sao chép máy móc mà phải được cảm nhận và thanh lọc qua tâm hồn, trí tuệ của thi nhân để thành thơ. Thơ ca là hình ảnh của đời sống tươi nguyên được tái hiện qua lăng kính tình cảm của người nghệ sĩ.

– Nếu thơ không có tư tưởng, tình cảm thì đó chỉ là những lời sáo rỗng, nhạt nhẽo, vô vị, tầm thường, chỉ là trò làm xiếc ngôn từ vụng về chẳng thể đánh lừa được người đọc.

 

Đặc trưng của thơ

– Thơ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc, nếu không có cảm xúc thì người nghệ  sĩ không thể sáng tạo nên những vần thơ hay, ngôn từ sẽ chỉ là những xác chữ vô hồn nằm thẳng đơ trên trang giấy, nói như Ngô Thì Nhậm, thi sĩ phải “xúc đô  ̣ng hồn thơ cho ngọn bút có thần” còn Xuân Diệu khẳng định: “Thơ hay, lời thơ chín đỏ trong cảm xúc”.

– Văn học phản ánh đời sống con người, với thơ ca cuộc sống không chỉ là hiê  ̣n thực xã hội bên ngoài mà còn là đời sống tâm hồn, tình cảm phong phú của chính nhà thơ: “Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim” (Đuybralay)

– Với người làm thơ, bài thơ là phương tiện biểu đạt tình cảm, tư tưởng. Chỉ có cảm xúc chân thành, mãnh liệt mới là cơ sở cho sự ra đời một tác phẩm nghệ thuật chân chính. Cảm xúc càng mãnh liệt, càng thăng hoa thì thơ càng có nhiều khả năng chinh phục, ám ảnh trái tim người đọc.

Xem thêm:

Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học