cach dua llvh vao bai viet p1

ÁP DỤNG LÝ LUẬN VĂN HỌC VÀO KẾT BÀI (phần 1)

1, Vận dụng kiến thức lý luận về phong cách nghệ thuật.

Phong cách nghệ thuật là biểu hiện tài nghệ của người nghệ sĩ ngôn từ trong việc đem đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ chưa từng có về cuộc sống, con người, thông qua những hình tượng nghệ thuật độc đáo và những phương thức, phương tiện thể hiện đặc thù, in đậm dấu ấn cá nhân của chủ thể sáng tạo.

Mỗi nghệ sĩ xuất hiện trên văn đàn đều muốn xây dựng cho mình một phong cách riêng, độc đáo để tên tuổi không bị nhầm lẫn với bất kì tên tuổi nào. Bởi vậy, để kết bài gây được ấn tượng đến người đọc chúng ta có thể vận dụng kiến thức lý luận về phong cách nghệ thuật. Với cách này, chúng ta cần chỉ ra một vài nét sáng tạo, độc đáo trong phong cách của nhà văn/ nhà thơ để khẳng định những đóng góp của họ thông qua tác phẩm đang được đề cập trong bài viết.

Ví dụ: Trong bài điếu văn đọc tại lễ truy điệu của Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi đã nhận định: “Nguyễn Tuân là người suốt đời đi tìm cái đẹp”. Vì thế mà qua “Người lái đò Sông Đà” có thể nhìn thấy hình ảnh con người với vẻ đẹp trí tài, trí dũng, với tay lái ra hoa trên dòng Đà giang “hung bạo, trữ tình”. Dường như, vẻ đẹp ấy kết tinh đậm nét phong cách tài hoa, uyên bác, con mắt quan sát tinh tế, trái tim đầy nhiệt huyết với nghệ thuật và tài năng văn học thiên phú của Nguyễn Tuân. Ông xứng đáng được tôn vinh là “người săn tìm và sáng tạo cái đẹp”, góp phần làm cho nền văn học dân tộc thêm giàu đẹp!

2, Vận dụng kiến thức lý luận về tiếp nhận văn học.

Theo sách giao khoa Ngữ văn 12, tập 2: “Tiếp nhận văn học là quá trình người đọc hoà mình vào tác phẩm, rung động với nó, đắm chìm trong thế giới nghệ thuật được dựng lên bằng ngôn ngữ, lắng nghe tiếng nói của tác giả, thưởng thức cái hay, cái đẹp, cái tài nghệ của nghệ sĩ sáng tạo. Bằng trí tưởng tượng, kinh nghiệm sống, vốn văn hoá và bằng cả tâm hồn mình, người đọc khám phá ý nghĩa của từng câu chữ, cảm nhận sức sống của từng hình ảnh, hình tượng, nhân vật, dõi theo diễn biến câu chuyện, làm cho tác phẩm từ văn bản khô khan biến thành một thế giới sống động, đầy cuốn hút. Như vậy, tiếp nhận văn học là hoạt động tích cực của cảm giác, tâm trí người đọc nhằm biến văn bản thành thế giới nghệ thuật theo tâm trí mình”.

Mỗi độc giả tuỳ theo vốn hiểu biết, trình độ văn học, đặc điểm về giới tính,…mà có thể đến với tác phẩm bằng con đường riêng. Mỗi độc giả có muôn vàn cách khác nhau để mở ra thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Bởi vậy mà độc giả đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành sức sống, giá trị của một tác phẩm văn chương nghệ thuật chân chính.

Khi vận dụng kiến thức lý luận về tiếp nhận văn học vào trong kết bài của mình, chúng ta cần đưa ra những cảm nhận riêng của bản thân về tác phẩm. Điều đó giúp cho bài làm của các bạn mang màu sắc, xúc cảm của cá nhân, dễ dàng thu hút, lôi cuốn bạn đọc.

Ví dụ: Gấp lại trang sách, hình ảnh của cô Mị cùng khát vọng sống mãnh liệt vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Chưa bao giờ tôi thấy chân dung và tâm hồn của những người lao động vùng cao trong văn học được yêu mến và trân trọng nhiều như trên trang văn của Tô Hoài. Tác giả đã đặt tất cả niềm tin yêu, hi vọng vào “những con người mặc bộ đồ tôi tớ nhưng tâm hồn không tôi tớ”. Để rồi mỗi lần đọc “Vợ chồng A Phủ” là một lần hiểu thêm về những người lao động nghèo với khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc mãnh liệt, là một lần nhớ tới nhà văn luôn dành tình yêu thương, nặng lòng với mảnh đất Tây Bắc. Xin mượn mấy ý thơ của Trần Đông Phong để bày tỏ lòng biết ơn, trân quý đến Tô Hoài – một trong những nhà văn làm nên mùa gặt ngoạn mục của nền văn học thế kỉ XX:

“Sông Tô một thoáng mây mờ
Phủ Hoài lặng tiếng vẫn chờ đợi ai
“Truyện Tây Bắc” mãi nguôi ngoai
“Vợ Chồng A Phủ” nhớ ai bên trời”

3, Vận dụng kiến thức lý luận về chức năng của văn học.

Viết văn làm thơ là để phản ánh, nghiền ngẫm về cuộc sống muôn màu, dựng lên “hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan”. Đồng thời, nhà văn cũng bộc lộ tư tưởng, tình cảm, thái độ, quan niệm, hiểu biết về cuộc đời, mong muốn ký thác, tự bộc bạch, tự đối thoại, tự trình bày cái tôi của mình. Tác giả thông qua tác phẩm của mình cũng khao khát bồi đắp tâm hồn, giáo dục tư tưởng cho người đọc, thông tin, dự báo, dự cảm về cuộc sống.

Văn học mang nhiều chức năng. Chức năng văn học thường vận động biến đổi theo sự thay đổi của đời sống xã hội. Các chức năng cơ bản của văn học: nhận thức (tự nhận thức), giáo dục (tự giáo dục), thẩm mĩ, giao tiếp, giải trí, dự báo.

Với cách này, mọi người đưa ra chức năng của tác phẩm đang bàn luận để khẳng định thêm về sức sống của một tác phẩm nghệ thuật chân chính.

Ví dụ: Nhà thơ Lưu Trọng Lư từng viết trong lời gửi gắm cùng “thư cho em gái” rằng: “Thơ không phải chỉ là thơ mà thôi. Thơ còn là “người” nữa. Anh gửi một tâm hồn. Anh gửi em một người. Một người đã sống. Một người biết sống”. Văn chương nghệ thuật muôn đời đều là câu chuyện đẹp về những con người “đã sống” và ” biết sống” như thế. Với ” Sóng” nhà thơ Xuân Quỳnh đã cho ta thấy khát vọng sống và yêu mãnh liệt của một tâm hồn ” biết sống” là như thế nào. Và tôi tin với nguyện ước thành thực và cảm xúc chân thành đó sẽ giúp ” Sóng”: ” vượt qua quy định của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết.”

4, Vận dụng kiến thức lý luận về quá trình sáng tạo của nhà văn

Như một quy luật bất biến, văn học luôn bám rễ vào cuộc đời, hút nguồn sống dạt dào ngầm chảy trong lòng cuộc sống. Nghệ sĩ như những chú ong cần cù kiếm tìm những mảng đề tài, cảm hứng, vốn sống, chắt lọc hiện thực phản ánh vào tác phẩm…. Chả thế mà Chế Lan Viên từng viết:

“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành mật ngọt
Một giọt mật thành đòi vạn chuyến ong bay”

Để sáng tạo một tác phẩm văn chương chân chính có sức sống mãnh liệt trong lòng bạn đọc không phải là điều dễ dàng mà kết tinh biết bao tài năng, tâm huyết, công sức của “người thợ ngôn từ”

Dựa trên đó, chúng ta có thể vận dụng kiến thức lý luận này vào phần kết bài. Chúng ta cần chỉ ra quá trình “lặn ngụp” sâu vào cuộc đời của tác giả để cho ra “đứa con tinh thần” thấm đẫm tư tưởng nhân văn, nhân đạo.

Ví dụ: Có ai đó đã từng nói: “Một nhà văn chân chính phải sống bằng trái tim và viết bằng lí trí, không thể đi ngược lại tiếng nói của trái tim và hiện thực cuộc sống”. “Vợ nhặt” chính là thiên truyện được cộng hưởng nhịp nhàng giữa trái tim nghệ sĩ ngập tràn tình yêu thương, trân trọng vẻ đẹp tiềm tàng của những người lao động nghèo với hiện thực khắc nghiệt, đen tối của nạn đói năm 1945. Được viết lên từ gió bụi của cuộc đời và chưng cất bằng tấm lòng nhân đạo, tài hoa vô ngần của người nghệ sĩ chân chính bởi vậy truyện ngắn “Vợ nhặt” đã làm lay động biết bao tâm hồn yêu văn chương, nghệ thuật. Câu chuyện đầy cảm động nhưng ánh lên những tia sáng tươi đẹp của tình yêu đặc biệt là khát vọng sống mãnh liệt, niềm tin vào một tương lai tươi sáng.


Hình ảnh: Nhất Linh
Bài viết do team nội dung của Thích Văn học thực hiện, vui lòng không reup dưới mọi hình thức.

Xem thêm:

ÁP DỤNG LÝ LUẬN VĂN HỌC VÀO KẾT BÀI (phần 2)

Tham khảo các tài liệu về Lí luận văn học tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/tai-lieu/ly-luan-van-hoc/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học