Những chữ được dùng đắt giá trong thơ

Những chữ đắt giá được dùng trong thơ

Những đề nghị luận văn học về đặc trưng ngôn từ thơ không chỉ làm khó các bạn học sinh ở phần lí luận, mà còn gây “bối rối” ở bước tìm dẫn chứng. Chọn từ cho hay, cho sắc là điều không dễ dàng. Với bài viết về những từ được dùng “đắt giá” trong thơ, Thích Văn Học mong rằng có thể giúp đỡ các bạn một phần nào đó.

1. Thánh thót

“Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”

Là sáng tác của tầng lớp nhân dân lao động, nhưng ngôn ngữ của những câu ca dao xưa bao giờ cũng dễ làm ta rung động bởi sự duyên dáng, khéo léo của những từ ngữ được dùng đắt giá. “Thánh thót” là một từ được dùng thật đặc biệt. Trong tổng thể cấu trúc của câu ca dao, chỉ có ba tiếng “buổi – thánh – thót” là thanh trắc, còn lại 11/14 tiếng là thanh bằng. Nhưng “buổi” lại là thanh trắc ở âm vực thấp, bởi vậy, thực tế, hai tiếng “thánh thót” là hai tiếng có thanh trắc ở âm vực cao nổi bật lên trong cấu trúc tổng thể cả câu. Hình thức đặc biệt ấy chắc hẳn không thể là một sự tình cờ, mà là tính toán, là dụng ý của người đã viết ra câu ca dao. “Thánh thót” trước hết mà là một từ tượng thanh. Đó là âm thanh tinh tế của những nốt nhạc cao, ngân vang, trong trẻo, lúc to lúc nhỏ, nghe êm ái. “Thánh thót” đôi khi cũng được dùng như một từ tượng hình với nét nghĩa nước rỏ từng giọt thong thả, khoan thai. Trong lịch sử văn học không hiếm những lần “thánh thót” được dùng với nét nghĩa này (“Giọt ba tiêu thánh thót cầm canh”). Tuy vậy, đặt trong mối quan hệ đối sánh với “mưa”, người đọc lại hình dung ra những giọt mồ hôi ấy không hề thong thả, khoan thai mà ngược lại, có phần nặng hạt. Khi tiếp nhận câu thơ, tất cả các nét nghĩa đồng hiện, một từ thôi mà vừa khắc hoạ cái vất vả của công việc cày đồng, lại vừa gợi ra cái quý giá, đẹp đẽ của tinh thần cần cù, chăm chỉ; làm cho người đọc vừa cảm thương trước nỗi vất vả, nhọc nhằn của người nông dân, lại vừa trân trọng sự cao quý của lao động.

 

2. Trơ

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non”

Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nữ nổi bật với cá tính mạnh mẽ khác thường và tài năng khác thường. Phép đảo ngữ đẩy từ “trơ” lên đầu câu là một dụng ý chủ tâm của nữ sĩ. Bản thân từ “trơ” có khá nhiều nét nghĩa. Trong mối quan hệ với không gian “nước non”, “trơ” vừa mang nét nghĩa một sự vật được phơi bày, lộ trần ra, vừa gợi ra tính chất lẻ loi, cô độc. “Cái hồng nhan” – nhân vật trữ tình của bài thơ – đang ở trong một hoàn cảnh thật khác thường. Trong văn hoá lễ nghi phong kiến, người nữ bao giờ cũng tồn tại trong một không gian kín đáo (“trướng rủ màn che”). Vậy mà cái hồng nhan ở đây lại trần trụi giữa trời đất. Một hoàn cảnh éo le và khó xử. Giữa không gian thiên nhiên mênh mông, trống trải, người đọc hình dung ra hình ảnh một người phụ nữ lẻ loi, đơn độc. Đơn độc về thể xác và đơn độc về tinh thần. Tuy đơn độc, nhưng không đáng thương. “Trơ” là một âm mở tương đối mạnh, trong một số trường hợp lại có nghĩa là không phản ứng trước ngoại cảnh (trơ như đá). Vậy “trơ” còn gợi ra cái khí phách, cái gan góc mạnh mẽ của “cái hồng nhan”. Hoàn cảnh có thể éo le, nhưng con người “không thèm”, “không cần” phản ứng trước hoàn cảnh ấy. Chỉ một từ “trơ” mà vừa gợi ra hoàn cảnh của cái hồng nhan, lại vừa gợi ra phản ứng của cái hồng nhan trước hoàn cảnh. Vậy mới thấy được tính cô đọng, hàm súc, “lời ít ý nhiều” của ngôn ngữ thơ cổ.

 

3. Mỏng mảnh

“Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

Ai biết lòng anh có đổi thay”

Xuân Quỳnh là một nhà thơ nữ độc đáo với hồn thơ nhạy cảm. Trong tình yêu, người con gái bao giờ cũng có nhiều lo âu, trăn trở nhưng không phải bất kỳ ai cũng có thể diễn tả tâm trạng ấy tinh tế như Xuân Quỳnh. Câu thơ trong bài “Hoa cỏ may” của bà có nhiều nơi viết nhầm là “mỏng manh”. Nhưng sử “mỏng manh” trong câu thơ này vừa không phù hợp về mặt âm thanh, lại quá… bình thường về ý nghĩa. “Mỏng manh” là một từ đã được dùng quen thuộc đến có phần mòn nghĩa trong đời sống, còn “mỏng mảnh” là một sáng tạo độc đáo của Xuân Quỳnh. “Mỏng manh” là một từ láy, nhưng “mỏng mảnh” dường như đã chuyển mình thành một từ ghép. “Mỏng manh” là một từ tượng hình, nhưng “mỏng mảnh” lại phần nhiều gợi ra cảm giác. Cả “mỏng” và “mảnh” đứng riêng đều có nghĩa gợi ra dáng thanh, thon nhỏ và đặc biệt là cảm giác yếu ớt, dễ đứt đoạn. Dùng “mỏng mảnh” đều miêu tả “lời yêu” là vô cùng tinh tế. Lời yêu, dù có cảm động, tình tứ đến đâu, lại cũng chỉ là “lời”. Mà lời nói gió bay, tương lai bất định. Người con gái cảm nhận tình yêu của người yêu luôn có cảm giác bất an, lo lắng, không thể xác định được. Bởi vậy, sáng tạo từ “mỏng mảnh” để diễn tả “lời yêu” là vô cùng tinh tế.

Xem thêm:

  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học