Đoạn văn khái quát tác giả, tác phẩm thơ hiện đại lớp 9

Tổng hợp các đoạn văn khái quát tác giả, tác phẩm của thơ ca hiện đại lớp 9

Tham khảo: Trọn bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10 (có đáp án).

Về nội dung khái quát tác giả, tác phẩm (KQTG, TP), Thích Văn học đã có rất nhiều bài viết chia sẻ kĩ năng làm bài cũng như là các nội dung về phong cách sáng tác, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm.

Trên cơ sở những kiến thức nền đã cung cấp, Thích Văn học tiếp tục gửi tặng bài viết tổng hợp các đoạn văn KQTG,TP của thơ ca hiện đại lớp 9 để các bạn tham khảo hoặc có thể vận dụng trực tiếp vào bài viết.

 

1. Đồng chí – Chính Hữu

Chính Hữu – một nhà thơ quân đội trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, đã góp vào dòng chảy của thi ca dân tộc những vần thơ tuyệt diệu về người lính. Thơ của ông tuy không nhiều nhưng có những tác phẩm đặc sắc, cảm xúc dồn nén, ngôn từ hàm súc, giản dị. Bài thơ “Đồng chí” là một trong những tác phẩm xuất sắc và tiêu biểu của nhà thơ được viết vào năm 1948, sau những trải nghiệm sâu sắc của Chính Hữu cùng đồng đội trong Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947 đánh bại cuộc tấn công quy mô lớn của Pháp. Bằng thể thơ tự do quen thuộc, giọng thơ sâu lắng, xúc động như những lời thủ thỉ tâm tình, thi phẩm đã đem đến cho bạn đọc hình ảnh người chiến sĩ thời kì đầu chống Pháp và tình đồng chí thắm thiết sâu nặng giữa những người lính cách mạng. [Vị trí đoạn thơ và dẫn dắt vấn đề nghị luận].

 

2. Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Nhắc đến nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận xét: “Thơ ông mang hơi thở của một thời đại nhưng bằng một khí phách ngang tàn, chất bụi bặm và kiêu bạc của thời chống Mĩ”. Đón nhận tất cả những gì hào hùng, can trường nhất của “đường Trường Sơn huyền thoại”, những bài thơ của ông bao giờ cũng đậm chất hiện thực khói lửa nhưng cũng không thể thiếu đi cái lãng mạn, hào hoa của một nhà thơ quân đội gai góc. Những điều ấy đã hòa quyện, kết hợp với nhau, tạo nên giọng văn rất riêng, rất cá biệt của một ngòi bút “có sức mạnh của cả một binh đoàn trùng trùng ra trận”, chính “dạng vân chữ riêng” ấy đã giúp nhà thơ ghi dấu ấn trên thi đàn đất Việt qua tác phẩm xuất sắc của mình vào năm 1969. Đó là “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” ra đời trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mĩ diễn ra ác liệt. Bài thơ mang trọn âm điệu sôi động, hào hùng, khoẻ khoắn, mang vẻ đẹp và sức sống của tuổi trẻ thời chống Mĩ. [Vị trí đoạn thơ và dẫn dắt vấn đề nghị luận].

 

3. Đoàn thuyền đánh cá

“Đoàn thuyền đánh cá” – bài thơ được đánh giá là “một trong những sáng tác hay nhất” của Huy Cận ra đời vào tháng 10 năm 1958, đương lúc miền Bắc từ trong máu lửa, “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Đất nước – Nguyễn Đình Thi). Sự thay da đổi thịt ấy chính là sức sống mới mở ra những sáng tác mang khuynh hướng vui tươi của Huy Cận. Nhà thơ đã chuyển mình mạnh mẽ để đón nhận làn gió mới, hương sắc mới mang đến cho bạn đọc một khám phá mới. [Vị trí đoạn thơ và dẫn dắt vấn đề nghị luận].

 

4. Bếp lửa

Là một nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ, nhưng dường như Bằng Việt đã chọn một lối đi riêng không góc cạnh, không ác liệt như những gì người ta vẫn thường định nghĩa về chiến tranh. Thơ ông nhẹ nhàng, hồn nhiên, sâu lắng với xúc cảm tinh tế và giọng điệu thủ thỉ tâm tình, trầm ấm nhưng cũng giàu triết lí. Giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt, tiếng thơ của người thổi hồn cho “Cát sáng” vẫn giữ trọn nét tự nhiên, trẻ trung, để tìm về những kỉ niệm thời thơ ấu. Tiêu biểu cho dòng kí ức tuyệt đẹp và trong sáng ấy chính là thi phẩm “Bếp lửa” – một phần tuổi thơ đáng nhớ đã “nâng bước” tác giả “trong suốt hành trình dài rộng của cuộc đời”. Bài thơ được sáng tác vào năm 1963, khi Bằng Việt đang là du học sinh ngành Luật ở Liên Xô. Trong khoảng thời gian xa nhà đó, không ít lần chàng sinh viên trẻ nhớ lại những dòng kỉ niệm đẹp đẽ như một thước phim quay chậm về quá khứ hồn nhiên, tươi đẹp. Cuộn phim chiếu lại những ngày tháng sống bên bà, về lẽ sống giản dị mà bà ấp ủ suốt cuộc đời. [Vị trí đoạn thơ và dẫn dắt vấn đề nghị luận].

 

5. Ánh trăng

Thơ ca từ lâu là nơi để gửi gắm biết bao niềm suy tư của người nghệ sĩ. Về vấn đề này, Hoài Thanh cũng đã từng quan niệm rằng: “Từ bao giờ cho đến bây giờ, từ Hômerơ đến kinh thi, đến ca dao Việt Nam, thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế”. Với “Ánh trăng” của Nguyễn Duy – một bài thơ được sáng tác năm 1978, sau ba năm kể từ khi đất nước “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” chính là một áng thơ được thai nghén từ những buồn vui, trăn trở của thi sĩ. Tuy nhiên, đối với những người phu chữ, thơ dẫu rằng là sự “đồng cảm mãnh liệt và quảng đại” nhưng cần phải xuất phát từ cái riêng không trộn lẫn. Nguyễn Duy cũng không ngoại lệ. Nhà thơ được biết đến với một phong cách sáng tác trầm tĩnh, giàu triết lý cùng những rung động tinh tế nhưng âu cũng pha chút ngang tàng. Đặc biệt, ở hai khổ thơ cuối của thi phẩm “Ánh trăng” như một lời chiêm nghiệm đầy triết lý về người lính thời hậu chiến cùng bao nỗi niềm trăn trở. [Vị trí đoạn thơ và dẫn dắt vấn đề nghị luận].

 

6. Mùa xuân nho nhỏ

Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được Thanh Hải viết vào tháng 11 năm 1980, ngay trên giường bệnh và chỉ ít lâu sau tháng 12 năm 1980, nhà thơ mãi mãi ra đi. Ở giữa màu đông giá rét của xứ Huế, đối mặt với biên giới giữa sự sống và cái chết nhưng không làm trái tim nhà thơ nguội lạnh. Ngược lại, tâm hồn thi nhân càng nảy nở, bừng sức sống để cảm nhận sâu sắc về một mùa xuân nồng ấm tình người, khiến ngòi bút nở hoa để một “Mùa xuân nho nhỏ” ấm áp tâm tình của thi nhân trước thiên nhiên, con người, cuộc sống. [Vị trí đoạn thơ và dẫn dắt vấn đề nghị luận].

 

7. Viếng lăng Bác

Mang trong lòng những cảm xúc thiêng liêng, thành kính, nhà thơ ở miền Nam xa xôi ra thăm lăng Bác vào tháng 4 năm 1976. Sau chuyến đi đó, tác phẩm “Viếng lăng Bác” ra đời, thể hiện tấm lòng thành kính và niềm xúc động khôn nguôi của nhà thơ khi được thăm viếng Bác Hồ. Neo đọng lại nơi lòng bạn đọc là những tiếng lòng thương nhớ Bác như tràn ra bề mặt câu chữ của tác giả. [Vị trí đoạn thơ và dẫn dắt vấn đề nghị luận].

 

8. Sang thu

“Thơ là viên kim cương lấp lánh dưới ánh mặt trời’ (Sóng Hồng). Viên kim cương ấy sẽ lấp lánh một màu sắc riêng biệt của cuộc đời, như cách mà Hữu Thỉnh đã chạm khắc tiếng thơ của mình vào thế giới thi ca bốn mùa nhiều dư vị. Năm 1977, người thi sĩ ấy khi đứng trước điểm cuối cùng của tuổi trẻ đã không ngần ngại thổ lộ hết những tâm tư của lòng mình bằng những tiếng thơ khắc khoải. Và “Sang thu” chính là như thế, với giọng thơ sâu lắng và đầy chất trữ tình, thi phẩm dường như đã vỗ vào xúc cảm của xúc cảm của độc giả thật nhẹ nhàng. Có chăng, đó chính là những tâm sự, hoài niệm của Hữu Thỉnh khi đứng giữa khúc ca giao mùa đầy rung động của đất trời…[Vị trí đoạn thơ và dẫn dắt vấn đề nghị luận].

 

9. Nói với con

Có lẽ từ lâu hai tiếng “ gia đình” đã đi sâu vào trong tiềm thức của mỗi con người. Là nơi chứa đầy tình yêu thương và sự ngọt ngào của mẹ, là những lời tâm tình trầm ấm của cha. Là bến đỗ bình yên nhất mà ta luôn muốn chạy đến. Là nơi trái tim con người ta phải rung lên một khoảnh khắc khi chạm nhắc … Không chỉ hiện mình trong đời sống thường nhật mà hình ảnh gia đình, tình yêu thương của cha mẹ cũng xếp danh trong nền văn học Việt Nam .Và trong số đó ta không thể không nhắc đến gia vị ngọt ngào của gia đình , của tình yêu thương vô vàn của người cha trong bài thơ “Nói với con” – Y Phương. Bài thơ được sáng tác năm 1980 (khi đất nước mới hoà bình thống nhất nhưng gặp rất nhiều khó khăn thiếu thốn), in trong tập Thơ Việt Nam (1945 – 1985), ý thơ xuất phát từ tấm lòng của người cha đầy yêu thương và ấm áp nhắn nhủ người con thân yêu của mình về truyền thống tình nghĩa, sức sống mạnh mẽ của người dân tộc miền núi. [Vị trí đoạn thơ và dẫn dắt vấn đề nghị luận].

Xem thêm:

  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học