Câu hỏi có vẻ thừa ! Nhưng muốn trả lời câu hỏi có vẻ thừa đó, lại phải đặt Thị Nở vào trong tương quan với tất cả những nhân vật quan trọng nhất của làng Vũ Đại. Nghĩa là phải xem xét cấu trúc hình tượng của tác phẩm.
Thực ra vấn đề Chí Phèo là vấn đề nhân tính. Cực điểm của sự tha hoá ở Chí Phèo là đã huỷ hoại cả nhân hình lẫn nhân tính, nghĩa là bán đi cả bộ mặt người lẫn linh hồn người để trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Hình tượng Chí Phèo là biểu hiện cho tính người đã bị huỷ hoại, vùi lấp. Thủ phạm là Bá Kiến. Tham gia cùng quá trình đẩy Chí Phèo đến cùng quẫn, bế tắc tuyệt vọng còn có 1 lực lượng khác, không kém phần tàn bạo: định kiến. Bà cô Thị Nở hiện diện trong tác phẩm như là là cái loa phát ngôn cho định kiến của làng. Còn Thị Nở? Đó là hiện thân của tình người. Chỉ có tình người mới cứu được tính người. Tình người là một sức mạnh. Nhưng tình người cũng thật mong manh. Đối diện với một định kiến hà khắc, tình người rất có thể sẽ tiêu tan. Cái quan hệ Thị Nở – Chí Phèo – bà cô dường như đã nói lên cái tương quan ấy.
Không phải ngẫu nhiên Nam Cao mô tả Chí Phèo có quan hệ với hai người đàn bà. Với bà Ba – hẳn là xinh vào hạng nhất làng Vũ Đại – Chí không được hưởng một chút tình yêu nào. Hành vi của bà Ba gọi Chí lên bóp chân, về thực chất, là hành vi bóc lột – Bóc lột cái phần trai trẻ ở Chí Phèo, mà bấy giờ lão Bá đã cạn. Chí Phèo chỉ được xem như một thứ nô lệ thôi. Còn với thị Nở – người đàn bà xấu nhất làng Vũ Đại, Chí Phèo được hưởng tình người. Tình người mạc, đơn sơ chỉ còn sót lại duy nhất ở Thị Nở?
Nhiều người cứ phê phán Nam Cao là tự nhiên chủ nghĩa, là quá trớn khi mô tả thị Nở xấu đến ma chê quỷ hờn. Nhưng xét ở bình diện nghệ thuật, Thị càng xấu, tác phẩm càng hay. Dĩ nhiên hay không phải vì xấu. Thị Nở xấu đến tột bậc mà vẫn không lấy được, thì bi kịch mới càng sâu sắc. Đâu phải vô cớ mà Nam Cao trút vào Thị Nở tất cả những nét mỉa mai nhất của hoá công dành cho một người đàn bà. Thị xấu, nghèo, lại dở hơi, lại con nhà có mả hủi! Tất cả những thứ ấy đã biến Thị Nở thành một thứ phế thải, vô giá trị. Nhưng ở cái con người vô giá trị ấy lại có một thứ tài sản vô giá: tình người. Đây là một dụng ý của Nam Cao.
Bài viết của thầy Chu Văn Sơn.
Xem thêm:
- Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
- Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
- Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
- Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học
Giá trị nhân đạo trong Chí Phèo – Nam Cao