NAM CAO VÀ VẤN ĐỀ ĐÔI MẮT NHÀ VĂN

nam cao va van de doi mat nha van

Nói đến Nam Cao là nói đến một tượng đài văn học sừng sững, GS Phong Lê nói về Nam Cao bằng một giọng điệu nghiền ngẫm như sau: “Năm năm cho một sự nghiệp không lẫn với ai, năm năm trung thành với hướng đi không nghiêng ngả… năm năm cày xới để tự biếm họa, tự khẳng định, để có Nam Cao như hiện nay ta có”. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ta biết đến chân dung sừng sững của Nam Cao trên văn đàn với các “Lão Hạc”, “Chí Phèo”,… sau Cách mạng, Nam Cao cũng hăng hái cống hiến cho nền văn học dân tộc những tác phẩm giá trị, trong đó không thể không nói đến truyện ngắn “Đôi mắt”. “Đôi mắt” chính là tư tưởng, quan niệm nghệ thuật của Nam Cao. “Đôi mắt” kể về câu chuyện của nhà văn Hoàng và nhà văn Độ, rộng hơn đó cũng chính là câu chuyện của ít nhiều văn nghệ sĩ thời điểm bấy giờ.

Nam Cao chọn điểm xuất phát cho câu chuyện về nhân vật Hoàng bằng hình ảnh con chó Tây hung tợn mở đầu tác phẩm đến mức nhân vật Độ cũng phải sợ hãi. Đây cũng chính là dụng ý nghệ thuật của Nam Cao, hình ảnh con chó to béo cho thấy sự phú quý và cả dữ dằn, nhớ đến hình bóng của ông chủ nó – anh Hoàng. Và quả thực, Hoàng hiện lên như một bức biếm họa. Anh ta là một kẻ đố kị, lật lọng, giả dối, có cái tật kì lạ là “đá bạn” một cách đột ngột, là nhà văn nhưng cũng đồng thời là con buôn, cái tính cách con buôn chợ đen lấn lướt phẩm chất của nhà văn. Và nói về “Đôi mắt” trước hết là vấn đề thuộc về cái nhìn. Với tính cách của Hoàng, anh ta có một thái độ, một quan điểm sống rất không hợp thời, thêm một cách nhìn đời, nhìn người một phía, mù mờ về bản chất tốt đẹp bên trong của người nông dân, anh ta thỏa sức khinh bỉ, dè bỉu với những con người chân lấm tay bùn, bi quan trước cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Với tất cả những sự lệch lạc ấy, Hoàng đã hoàn toàn tách mình ra khỏi thực tế cuộc đấu tranh kiên cường của dân tộc, sống một cuộc đời vô trách nhiệm, ích kỉ giữa thời buổi cả nước sục sôi tinh thần chiến đấu. Đối lập với Hoàng, đối lập cái đôi mắt ráo hoảnh ấy là Độ, một nhà văn cũ nhưng có cái nhìn mới, sống gắn bó với kháng chiến. Anh không phải không thấy hay không nghi ngờ cái sức mạnh quần chúng nhưng sau đó Độ đã nhận ra vẻ đẹp tiềm tàng của những con người bé nhỏ, cái đám “răng đen, mắt toét” đó, Độ nhận thấy ở người dân quê mà Hoàng mặc nhiên miệt thị ấy “có nhiều cái kì lạ,… còn là một cái bí mật đối với chúng ta”. Với Độ, một nhà văn giàu tình thương, anh thông cảm, sống gần với nhân dân, hòa mình vào kháng chiến, nâng niu vẻ đẹp bên trong của những con người chân lấm tay bùn. Có thể thấy, truyện ngắn “Đôi mắt” là một đóng góp đáng kể của Nam Cao với nền văn học nước nhà, là một bước tiến mới rất tiến bộ trong tư tưởng nghệ thuật của nam Cao khi ông nhập thân vào kháng chiến, vào cách mạng. Nhà văn Tô Hoài khi đánh giá về tác phẩm đã viết: “Đôi mắt là một thứ tuyên ngôn nghệ thuật chung của lớp nghệ sĩ thủa ấy”. “Đôi mắt” đặt ra vấn đề về cái nhìn, về trách nhiệm cầm bút của người nghệ sĩ trong thời đại biến chuyển: “Hãy biết tin vào sức mạnh của nhân dân, hãy biết đứng vào hàng ngũ của họ, đem tài năng dâng hiến cho sự nghiệp cách mạng”. Và có lẽ rằng, vấn đề “Đôi mắt” không chỉ có ý nghĩa với người cầm bút mà còn có giá trị với muôn người, bất kể ai đi nữa, phải chăng luôn cần có một “đôi mắt” biết nhìn ra đâu là chân lý!

Nam Cao là một tác giả để lại trong chúng ta rất nhiều ấn tượng. Với những tác phẩm được học trong chương trình, chắc hẳn các bạn đã phần nào hiểu rõ về phong cách và quan điểm sáng tác của tác giả này.Không chỉ riêng học sinh lớp 8, lớp 11, mà tất cả chúng ta sẽ đều yêu mến Nam Cao, phải không nhỉ?


Xem thêm:

Xem thêm các bài viết được chia sẻ bởi độc giả của Thích Văn Học tại chuyên mục:https://thichvanhoc.com.vn/tai-lieu/tac-gia/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học