NHỮNG MẢNG KIẾN THỨC LÝ LUẬN VĂN HỌC DỄ XUẤT HIỆN TRONG ĐỀ HỌC SINH GIỎI (PHẦN 2)

Kiến thức LLVH cho học sinh giỏi

PHẦN 2: VỀ NGƯỜI NGHỆ SĨ SÁNG TÁC

(Phong cách sáng tác, cá tính sáng tạo và tư chất của người nghệ sĩ)

 

Vấn đề về phong cách sáng tác của người nghệ sĩ, là một trong số những phần dễ được hỏi nhất trong đề thi HSG. 

Nhà văn Pháp Buy phông nói: “Phong cách ấy là con người”. Nó hình thành từ thế giới quan, nhân sinh quan, chiều sâu và sự phong phú của tâm hồn, của vốn sống, sở thích, cá tính cũng như biệt tài trong sử dụng cách hình thức, phương tiện nghệ thuật của nhà văn.

Vì các kiến thức LLVH liên quan đến phong cách khá quan trọng, nên cô đặt link để các bạn theo dõi được cụ thể hơn: https://bit.ly/3fOiXXx

Tương tự với các nội dung nâng cao khác, đề bài cũng có thể đưa ra một nhận định về phong cách sáng tác của người nghệ sĩ, sau đó yêu cầu người viết chứng minh/làm sáng tỏ từ tác phẩm hoặc trải nghiệm văn học. 

Điều đáng lưu ý nhất mà cô Na muốn nhấn mạnh với các bạn với mảng kiến thức này, mong các bạn đừng nhầm lẫn hay đánh đồng PHONG CÁCH SÁNG TÁC/NGHỆ THUẬT với CÁ TÍNH SÁNG TẠO hay TƯ CHẤT CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ. 

1. Theo từ điển Wiki, khái niệm cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ có 3 điểm nổi bật sau:

  • Cá tính sáng tạo là biểu hiện rực rỡ của các phạm trù cái chủ quan, cái cá biệt, cái đặc thù, cái không lặp lại trong tài năng của nghệ sĩ. Nó được biểu hiện tập trung ở cái nhìn nghệ thuật độc đáo, ở cách cảm nghĩ của nhà văn có khả năng đề xuất những nguyên tắc, biện pháp nghệ thuật mới mẻ, tạo thành một ngôn ngữ nghệ thuật mới trong việc biểu hiện những nội dung mới của đời sống và tư tưởng. 

Chẳng hạn Nguyễn Du có con mắt tinh đời trong việc biểu hiện các ngõ ngách phức tạp của cuộc sống con người, lại có biệt tài nắm bắt và miêu tả chính xác một cách thần tình các tâm trạng, thần thái nhân vật chỉ qua vài nét, ông là người có khả năng sử dụng tiếng Việt một cách uyển chuyển, mềm mại, tạo thành điểm phạm của ngôn từ nghệ thuật. 

  • Không nên đồng nhất cá tính sáng tạo trong nghệ thuật với cá tính sáng tạo trong đời sống
  • Cá tính sáng tạo là cơ sở của phong cách nghệ thuật.

2. Tư chất của người nghệ sĩ là một khái niệm mà học sinh thường sử dụng mà đôi khi không hiểu hết/hiểu rõ về nghĩa của nó. 

Hoài Thanh từng phân chia người viết văn ra thành hai kiểu: “nhà văn hoàn toàn” (những người bẩm sinh chỉ biết làm văn, không thể làm được việc gì khác) và kiểu nhà văn không chỉ biết làm văn mà còn có thể làm những việc khác nữa. 

Và tư chất dường như sẽ được hội tụ đầy đủ ở “nhà văn hoàn toàn”. Những tư chất cần có của người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật là: 

  • Người nghệ sĩ cần có sự mẫn cảm đặc biệt.
  • Người nghệ sĩ cần có óc quan sát tinh tế.
  • Người nghệ sĩ cần có trí tưởng tượng phong phú.
  • Người nghệ sĩ cần có cảm hứng sáng tạo mãnh liệt.
  • Người nghệ sĩ cần có trí tuệ sắc sảo.
  • Người nghệ sĩ cần có một trí nhớ tốt.
  • Người nghệ sĩ cần có cá tính độc đáo, khác biệt.

Như thế, CÁ TÍNH SÁNG TẠO là một TƯ CHẤT cần có của người nghệ sĩ, đồng thời là cơ sở của PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT. 3 khái niệm này rất rất cần được phân biệt nha!

 

Nhận định về nhà văn, nghề văn, quá trình và phong cách sáng tạo

  1. “Nước mắt là những từ cần được viết ra”

(Paulo Coelho)

  1. Người nghệ sĩ phải tạo ra một tia lửa trước khi có thể nhóm lên ngọn lửa và trước khi nghệ thuật sinh ra, người nghệ sĩ phải sẵn sàng để ngọn lửa sáng tạo của chính mình nuốt trọn.

(Auguste Rodin)

  1. “Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức.”

(Thạch Lam)

  1. “Thiên chức của nhà văn cũng như những chức vụ cao quý khác là phải nâng đỡ những cái tốt để trong đời có nhiều công bằng, thương yêu hơn.”

(Thạch Lam)

  1. ”Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình…Nó làm cho người gần người hơn.”

(Nam Cao)

  1. Không có nỗi đau nào lớn hơn việc mang một câu chuyện chưa được kể trong bạn.

(Maya Angelou)

  1. Không có thi nhân, không có nghệ sĩ, con người sẽ sớm chán ngấy sự đơn điệu của tự nhiên.

(Guillaume Apollinaire)

  1. “Nghệ thuật là lĩnh vực của sự độc đáo vì vậy nó đòi hỏi người viết sự sáng tạo phong cách mới lạ, thu hút người đọc.”

(Phương Lựu)

  1. Tôi có thể rũ bỏ mọi thứ khi viết: Nỗi buồn của tôi biến mất, lòng can đảm của tôi được tái sinh”

(Anne Frank)

  1. “Con người ai cũng sống trong hai miền đất: bên trong và bên ngoài. Bên trong là miền đất của tinh thần, được thể hiện qua nghệ thuật, văn học, đạo đức và tôn giáo. Bên ngoài là phức hợp của thiết bị, kỹ thuật, thể chế, và công cụ mà ta dùng để sống”

(Martin Luther King)

| Nguồn tham khảo: theki.vn

Xem thêm:

Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học