Người đọc có thể hỏi những gì khi tìm đến với “Viếng lăng Bác”

Tham khảo: Trọn bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10 (có đáp án).

Đề bài: Nhà thơ Chế Lan Viên cho rằng: “Người đọc tìm đến nhà thơ không phải chỉ hỏi lí tưởng mà hỏi cách cảm xúc, cách thương, cách nhớ, cách giận, cách ghét..” Theo anh/chị, người đọc có thể hỏi những gì khi tìm đến với “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương.

 

Bài làm

Tố Hữu đã từng quan niệm: “Thơ là chuyện đồng điệu. Nó là tiếng nói của người nào đó đến với những người nào đó có sự cảm thông chung dựa trên cơ sở đồng ý, đồng tình”. Theo đó, nhà thơ là người thai nghén nên tác phẩm nhưng người đọc mới là móc xích quan trọng quyết định đến sự sống của đứa con tinh thần ấy. Khi một tác phẩm cất tiếng khóc chào đời cũng đồng nghĩa với việc mở đầu cho sự đối thoại giữa người viết và người tiếp nhận. Bàn về vấn đề này, nhà thơ Chế Lan Viên cho rằng: “Người đọc tìm đến nhà thơ không phải chỉ hỏi lí tưởng mà hỏi cách cảm xúc, cách thương, cách nhớ, cách giận, cách ghét…”. Đây cũng chính là những điều mà người đọc có thể hỏi khi tìm đến với thi phẩm “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương. 

Thơ ca vốn là tiếng đàn muôn điệu của cuộc sống, là người thư kí trung thành của trái tim. Đến với thơ, ta đến với những giọt mật của đời được người nghệ sĩ chắt chiu, góp nhặt. Đó là cái góp nhặt tạo nên “lí tưởng” trong thơ. “Lí tưởng” ở đây có thể hiểu là những điều tốt đẹp, hoàn mĩ, trọn vẹn mà người nghệ sĩ gửi gắm trong tác phẩm. Tuy nhiên, người đọc không chỉ tìm đến cái “lí tưởng” mà còn là “hỏi cách cảm xúc, cách thương, cách nhớ, cách giận, cách ghét” hay nói cách khác là hỏi cách rung động trước cuộc đời, cách tri âm với người sáng tác. Suy cho cùng, quan niệm của nhà thơ Chế Lan Viên là hướng đến mối quan hệ giữa người đọc và nhà thơ. Đó là mối quan hệ tri âm, đồng điệu, sống cùng những trăn trở và bao luống trạng cảm xúc của người cầm bút.

Thạch Lam đã từng đối thoại rằng: “Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”. Văn chương nói chung, thơ ca nói riêng đều hướng đến cái lí tưởng, tốt đẹp, chân – thiện – mĩ cho mỗi con người. Người đọc đến với tác phẩm là tìm cái lí tưởng để suy tư, sống cùng tác giả và đến với thi phẩm “Viếng lăng Bác” là đến với cái lí tưởng của một tình yêu thương da diết dành cho vị cha già của dân tộc.

Cũng cần phải nhìn nhận rằng: thơ ca là tiếng nói trực tiếp của cảm xúc, đến với thơ là ta đến với muôn vàn tâm trạng của những trái tim đa sầu, đa cảm. Lẽ vậy mà khi bước vào thế giới của thơ ca, người đọc không chỉ tìm đến cái lí tưởng như ánh sáng soi đường của người nghệ sĩ mà đến với thơ để hoà vào những cảm xúc, học cách yêu, cách ghét, cách giận. Mỗi bài thơ đều là sự thổ lộ tiếng lòng, sự thổn thức của trái tim. Bước vào thế giới của thơ, bạn đọc sẽ biết cách khởi phát những cảm xúc của người nghệ sĩ và bạn cũng khởi phát cảm xúc từ những rung động đối với vần thơ. Ví như mở đầu bài thơ “Viếng lăng Bác”, Viễn Phương viết:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”.

Năm 1976, khi lần đầu tiên được ra thăm lăng Bác, tác giả đã không thể kìm nén nỗi lòng mà gửi gắm tiếng thương, tiếng nhớ vào những vần điệu, lời ca. Ngôn từ con cất lên thân thương và gần gũi đến nhường nào. Đối với thi sĩ, Bác Hồ – Người vẫn còn sống mãi trong lòng của dân tộc nên từ “thăm” ở đây đã nhẹ hoá đi biết bao mất mát, đau thương. Đó chính là cách thương, cách cảm xúc mà tác giả mang đến cho bạn đọc. Với Viễn Phương, khung cảnh nơi lăng Bác cũng khiến nhà thơ phải thốt lên thán từ “Ôi!”. Cùng với đó là từ láy “bát ngát”, “xanh xanh” đã mở ra trước mắt bạn đọc sự gần gũi, quen thuộc của cây tre Việt Nam. Hình ảnh cây tre đã đi vào văn chương rất tự nhiên với sự ngợi ca khi trở thành vũ khí đánh giặc của Thánh Gióng, đại diện cho sự kiên cường, bất khuất như phẩm chất con người Việt Nam mà Thép Mới từng ghi bút. Tác giả đã trực tiếp thổ lộ sự nghẹn ngào khi đặt chân đến lăng Bác và dường như chính chúng ta cũng đang sống trong dòng cảm xúc bồi hồi, xúc động cùng ông. Đó là cái bồi hồi trước một mong ước đã thành hiện thực – thăm Bác.

Hơn nữa, đọc thơ không chỉ bằng đôi mắt mà đọc bằng chính tâm hồn. Rẽ thơ để đi vào những chiều sâu không nói hết mà người nghệ sĩ gửi gắm trong thơ chính là đương lúc bạn đọc đang hòa vào tác phẩm và sống cùng những cảm xúc ấy. Con đường đến với trái tim của độc giả chính là cảm xúc. Cái “hỏi” mà nhà thơ Chế Lan Viên đặt ra ở đây chính là sự đối thoại của những kẻ tri âm, của những tâm hồn đồng điệu đang tìm đến nhau. Và với Viễn Phương, tác giả đã cùng bạn đọc hoà vào dòng người kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”.

Mặt trời vốn thuộc về tự nhiên và mang ánh sáng, sự sống cho muôn loài. Và Bác Hồ, Người được ví như ánh mặt trời khi mang ánh sáng tự do đến cho dân tộc Việt Nam. Màu đỏ ấy phải chăng là trái tim yêu nước, yêu dân đến vô hạn của Người. Qua điệp từ “ngày ngày” và hình ảnh ẩn dụ “tràng hoa” chính là cách thể hiện sự thương nhớ vô hạn đối với Người. Những dòng người ngày ngày đến thăm lăng Bác được tác giả liên tưởng như kết thành một tràng hoa dâng lên “bảy mươi chín mùa xuân”. Không những vậy, nhà thơ còn khiến bạn đọc thổn thức trước cái “nhói trong tim” khi nhìn hiện thực mất mát.

“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nói ở trong tim”

“Trời xanh” chính là hình ảnh ẩn dụ cho Bác Hồ kính yêu. Trời xanh vốn trường tồn mãi với thời gian. Ví Bác Hồ như trời xanh, tác giả đã thay cho hàng triệu tấm lòng người dân Việt Nam nói lên sự bất tử của Người. Cái nhói tim ấy còn chạm đến tâm hồn của độc giả bao thế hệ bởi sự chân thành, tha thiết.

Sở dĩ bạn đọc tìm đến thơ để hỏi cách cảm xúc, cách nhớ, cách thương chính là xuất phát từ cách mà người nghệ sĩ làm giàu đời sống tâm hồn và chọn lọc gửi vào thơ ca. M. Gorki đã từng nói rằng:  “Nhà văn là người sáng tạo ra tác phẩm nhưng chính người đọc tạo nên số phận cho nó”. Một tác phẩm chân chính phải là một tác phẩm khơi những nguồn chưa ai khơi và khiến người đọc phải suy tư, trăn trở, đối thoại không ngừng. Văn chương mà không mang tính đối thoại thì chỉ là ngôn ngữ chết trên trang giấy và sẽ bị lãng quên theo năm tháng. Nhưng với sự luyến tiếc khi phải rời xa lăng Bác, Viễn Phương khiến bạn đọc phải suy tư về sự “thương trào nước mắt” và mong ước được ở bên Bác Hồ:

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”

“Thương trào nước mắt” chính là sự bộc lộ trực tiếp những cảm xúc từ sâu tâm hồn của người nghệ sĩ. Cái thương trào ấy xuất phát từ một trái tim thương tiếc, da diết đến vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Điệp từ “muốn làm” tạo nhịp điệu dồn dập, tha thiết, diễn tả tình cảm và khát vọng dâng trào mãnh liệt và ước nguyện chân thành của nhà thơ. Nhà thơ muốn hóa thân thành con chim để dâng cho đời tiếng ca vui, thành đóa hoa để dâng hương dâng sắc quanh nơi Bác nghỉ, thành cây tre để canh giấc ngủ bình yên cho Bác. Hình ảnh ẩn dụ “cây tre trung hiểu” thể hiện lòng kính yêu, sự trung thành vô hạn với Bác, nguyện mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà người đã soi đường chỉ lối. Sau bao chờ đợi, tác giả đã có thể đến lăng Bác nhưng khi phải rời xa nơi đây, những cảm xúc lưu luyến, bịn rịn cùng tình cảm thành kính, thiêng liêng của một người con đối với Bác đã được gói trọn trong những mong ước giản dị. Bên cạnh đó, sự lặp lại hình ảnh cây tre tạo cho bài thơ có kết cấu đầu – cuối tương ứng, làm đậm nét về hình ảnh gây ấn tượng sâu sắc và dòng cảm xúc được trọn vẹn.

Nếu như một bài thơ không khiến cho bạn đọc trăn trở, hỏi về cách sống trong những cảm xúc, không tìm được tiếng nói tri âm, đồng điệu thì đó chỉ là một văn bản chết yểu ngay khi mới cất tiếng khóc chào đời. Thời gian có chảy trôi nhưng người đọc vẫn bàn luận, vần tìm đến tác phẩm để đọc, để học và để trăn trở thì đấy mới chính là một tác phẩm chân chính. Lẽ vậy mà suốt bấy nhiêu năm, độc giả vẫn mãi nghẹn ngào trước những vần thơ của tác giả Viễn Phương, nghẹn ngào từ những dòng cảm xúc phát khởi từ trong lòng người ta.

Tuy nhiên, khi đến với thơ, không chỉ dừng lại ở cái lí tưởng và cảm xúc, thương, nhớ, yêu, ghét mà sự tri âm, đồng điệu còn đến từ những đặc sắc nghệ thuật. Muốn chuyên chở trọn vẹn cái cảm xúc của bài thơ thì từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ là một mặt gắn chặt với nội dung như một tờ giấy. “Viếng lăng Bác” chính là một tác phẩm như vậy. Nhà thơ đã sử dụng thành công các hình ảnh ẩn dụ giàu tính liên tưởng để gửi gắm tiếng lòng yêu thương đến Hồ chủ tịch. 

Nhận định của Chế Lan Viên đã mang đến cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ giữa nhà thơ và bạn đọc. Đây chính là hai móc xích quan trọng trong quá trình tiếp nhận văn chương. Nhà thơ chỉ là người sáng tạo nên tác phẩm còn độc giả là người quyết định đến sự sống của nó. Từ đó, đặt ra yêu cầu cho người nghệ sĩ là để sáng tác nên một tác phẩm thơ trước hết phải có cảm xúc, lí tưởng và mang tính đối thoại. Bạn đọc trên cơ sở những cảm xúc ấy mà rẽ văn đi vào khám phá chiều sâu không nói hết trong thơ ca.

“Mọi tác phẩm dù được sáng tạo theo một thi pháp nào cũng mở ra theo các cách đọc. Mỗi cách đọc mang đến cho tác phẩm một đời sống mới”.  Đến với thơ, ta đến với đời sống cảm xúc, đối thoại về những tiếng lòng mà nhà thơ gửi gắm trong từng câu chữ. Suy cho cùng, đọc thơ cũng chính là cách mà con người ta nuôi dưỡng tâm hồn thêm phong phú bởi cách yêu, cách thương, cách hỉ nộ ái ố trong thế giới tinh thần của con người.

Xem thêm:

  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học