Văn chương - một thứ khí giới thanh cao và đắc lực

NLVH nâng cao: Văn chương – một thứ khí giới thanh cao và đắc lực…

Tham khảo: Trọn bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10 (có đáp án).

Đề bài: “Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn”.

Bằng trải nghiệm văn học, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.

Bài làm

Tự lực văn đoàn là một tổ chức văn học nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam những năm 1932-1945. Trong đó, bên cạnh Xuân Diệu, có lẽ Thạch Lam là người được biết đến rộng rãi nhất cho đến ngày nay. Sự tồn tại lâu dài trong lòng người đọc ấy của ngòi bút Thạch Lam phải chăng đến từ chính quan niệm: “Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn”.

 

Nhận định của Thạch Lam đã định nghĩa văn chương bằng chính chức năng của nó. Trước hết, ông phủ định: “Văn chương không phải một cách đem đến cho người đọc một cách thoát li hay sự quên”. Đặt trong bối cảnh văn học Việt Nam lúc bấy giờ mới hiểu hết được ý đồ bên trong lời phủ định ấy. Khi đó, đã có những nhà thơ, nhà văn cầm bút với quan điểm xem văn chương là nơi “thoát lên tiên”, là không gian của “sầu và mộng”, là nơi để con người trốn tránh hiện thực bằng cách chìm vào quá khứ, bằng rượu, thuốc phiện và truỵ lạc. Thạch Lam lên tiếng phủ định tất cả những điều ấy và khẳng định “văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để để tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn”. Thạch Lam đã nhấn mạnh văn học giống như một thứ vũ khí đặc biệt, nó hướng tới tấn công những thứ “giả dối và tàn ác” trong xã hội, đồng thời bảo vệ và bồi đắp tâm hồn con người trở nên “trong sạch và phong phú hơn”. Đó là thứ vũ khí không thể gây ra thương tích về thể chất nhưng lại có thể vạch trần biết bao cái xấu xa, nhơ nhuốc của cuộc đời, là thanh gươm vô hình có khả năng mổ xẻ những mặt trái của xã hội, đồng thời lại là con dao trên tay người bác sĩ để chữa lành biết bao căn bệnh tâm hồn. Nhận định của Thạch Lam đã khẳng định chức năng của văn học chính là vạch trần cái xấu xa của xã hội, nhưng không cốt ở vạch trần cái xấu, mà chính là ở chỗ từ đó cảnh báo và thức tỉnh lương tâm con người, đồng thời bồi đắp tâm hồn con người trở nên phong phú hơn. 

 

Nhận định của Thạch Lam có lẽ trước hết xuất phát từ chức năng nhận thức của văn học. Văn học có chức năng phản ánh hiện thực xã hội rộng lớn thông qua cái nhìn chủ quan của tác giả. Nhưng hiện thực xã hội không bao giờ có thể chỉ toàn những điều tốt đẹp. Bên cạnh những mặt tích cực, trong xã hội bao giờ cũng tồn tại những mặt trái, những sự xấu xa ẩn chìm dưới bề mặt tưởng chừng như yên ả. Sứ mệnh của văn học là bằng sự nhạy cảm, tinh tế của tâm hồn nhà văn mà đi vào bề sâu của cuộc sống để kịp thời phát hiện và phản ánh những cái xấu xa ấy. Nhìn vào dòng chảy lịch sử văn học, có thể dễ dàng nhận thấy những tác phẩm được coi là tuyệt tác, sống mãi trong lòng người đọc đến ngày nay đều là những tác phẩm có giá trị hiện thực sâu sắc. Đó là “Truyện Kiều” vạch trần một xã hội “đồng tiền” nhơ nhuốc chà đạp lên sự sống và hạnh phúc của con người, là “Tấn trò đời” mổ xẻ một xã hội tôn thờ làm giàu, tôn thờ “con bê vàng” mà đánh mất hết tình cảm đạo đức,… Đó cũng là những sáng tác của nhà văn Nam Cao khi đã nhìn thấy sự tha hoá, biến chất về mặt đạo đức ở những người nông dân tưởng chừng lương thiện nhất, là tác phẩm của Vũ Trọng Phụng khi phơi bày một xã hội “chó đểu” nơi một tên lưu manh, cơ hội cũng có thể leo lên đỉnh cao của giới thượng lưu. Nếu như văn học chỉ nói về toàn những điều tốt đẹp, về “mặt sáng” của cuộc sống thì nó rất dễ trở thành một liều thuốc ru ngủ con người, làm cho con người chìm trong ảo tưởng mà không nhận thức được hiện thực cuộc sống của bản thân mình. Văn chương nói về cái xấu, cái ác không phải để hướng con người đến cái xấu, cái ác, ngược lại, là để hướng con người đến những gì “trong sạch” hơn. Không chỉ có văn học, pháp luật và triết học, thậm chí là tôn giáo cũng đều có “tham vọng” hướng con người đến những điều tốt đẹp. Nhưng xuất phát từ đặc trưng của mình, văn học đã đi một con đường riêng để đến được cái đích chung ấy. Nếu như những ngành khác tác động đến con người ở phương diện lí trí, thì văn học lại tác động đến con người ở khía cạnh tình cảm. Bởi như Thạch Lam đã khẳng định, đây là một thứ khí giới “thanh cao”. Thanh cao bởi nó được làm từ cái đẹp. Văn học là những tình cảm, rung động của tấm lòng nhà văn thể hiện trên trang giấy bằng ngôn từ nghệ thuật. Chính vẻ đẹp của tâm hồn nhà văn và ngôn từ nghệ thuật ấy sẽ là cây cầu chạm tới tâm hồn của độc giả, để độc giả “tự bước lên đường ấy”, tự làm trong sạch và phong phú hơn tâm hồn mình. 

 

Ở Việt Nam, sức mạnh ấy của văn học có lẽ ta bắt gặp rõ nhất trong những sáng tác của Nam Cao. Khả năng phản ánh hiện thực, “tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác” của văn học đã được Nam Cao đẩy đến tận cùng. Trong những trang viết của mình, Nam Cao đã khắc hoạ thật sinh động hình ảnh làng quê Việt Nam trong cái cảnh một cổ hai tròng khắc nghiệt của xã hội thực dân nửa phong kiến. Những người nông dân bị bóc lột đến xơ xác, tiêu điều, bị đẩy đến tận cùng của khốn cảnh. Trong tác phẩm “Chí Phèo”, Nam Cao đã vạch trần bộ mặt giả dối của bọn cường hào ác bá phong kiến mà tiêu biểu là Bá Kiến. Nam Cao vạch ra cái bịp bợm, gian manh đến độc ác của Bá Kiến khi sẵn sàng đẩy Chí Phèo – một người nông dân lương thiện vào tù chỉ vì cơn ghen không chứng cớ, rồi lại quay mặt ngọt nhạt để biến Chí Phèo trở thành tay sai của mình, phá hoại những “đối thủ” của hắn trong làng. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc phản ánh và vạch trần cái xấu xa bên ngoài, xấu xa của xã hội thì Nam Cao đã không thể tự tách mình khỏi những nhà văn hiện thực phê phán khác. Trong những tác phẩm của Nam Cao, cái thế giới “giả dối và tàn ác” không chỉ nằm ở bên ngoài mà còn chính là thế giới bên trong, thế giới nội tâm của con người. Bằng mắt quan sát sắc sảo và tâm hồn tinh tế của một nhà văn, Nam Cao đã nhận ra sự tha hoá, xấu xa của chính nội tâm con người trước sự tác động của xã hội. Nam Cao khắc hoạ trong sáng tác của mình những con người sẵn sàng bỏ hết lòng tự trọng chỉ vì miếng ăn (“Tư cách mõ”), rồi cũng từ chính miếng ăn ấy mà phải chịu cái chết đau đớn (“Một bữa no”). Ám ảnh hơn cả, đó thậm chí còn là những con người đặt miếng ăn lên cao hơn cả tình thân. Đó chính là nhân vật người bố trong truyện ngắn “Trẻ em không được ăn thịt chó” – một người sẵn sàng lừa cả con cái của mình chỉ vì miếng ăn. Câu chuyện làm cho người đọc dở khóc dở cười rồi lại ngậm ngùi, thương xót trước cảnh những đứa con ngây thơ chờ đợi trong xó bếp, mà cuối cùng phải băn khoăn, trăn trở trước nhân cách của con người. Trước hiện thực nông thôn Việt Nam trước cách mạng, nếu những nhà văn khác chỉ thấy được cái đói, cái nghèo thì Nam Cao – vượt lên bằng tấm lòng nhân đạo cao cả – đã nhìn thấy cả những cái chết của tâm hồn, đẩy sức tố cáo của tác phẩm đối với một xã hội giả dối và tàn ác lên một tầm mức khác hẳn.

 

Đọc văn của Nam Cao đau đớn là vậy, chua xót là vậy, nhưng người đọc lại không hề mất niềm tin vào cuộc sống mà ngược lại, dường như lại được thanh lọc tâm hồn, bồi đắp tâm hồn “trong sạch và phong phú hơn”. Trước hoàn cảnh thực tại khắc nghiệt ấy, Nam Cao vẫn phát hiện và trân trọng, tin tưởng vào điểm sáng trong tâm hồn con người. Tiêu biểu cho tư tưởng ấy của Nam Cao chính là nhân vật lão Hạc. Lão nghèo khổ, già nua nhưng sáng lên ở lão lại là một tình yêu thương con sâu sắc, một nhân cách đáng trọng và lòng tự trọng mà nhiều người tưởng như là gàn dở. Lão tự trách mình và tự trừng phạt mình chỉ vì trót lừa một con chó, và đến chết vẫn không muốn phiền đến hàng xóm xung quanh. Đặt trong một bối cảnh xã hội khắc nghiệt với con người như vậy, lòng  tự trọng của lão Hạc hiện lên như một ngọn nến le lói trong đêm đen, làm cho người đọc thấy được một tia hy vọng vào nhân tính của con người. Đi qua những  nếm trải mấy tháng cuối đời của lão Hạc, ta như nhìn thấy cảnh cùng cực nhất của cuộc đời mà cũng nhìn thấy ánh sáng rực rỡ nhất của hồn người. Hoàn cảnh có thể cùng cực, nhưng nhà văn vẫn đặt một niềm tin chắc chắn vào con người. Và đó chính là thứ sẽ giúp tác phẩm văn học có khả năng “làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn”.

 

Tuy nhiên, để văn học có được sức mạnh kỳ diệu như vậy là một yêu cầu rất lớn đối với người cầm bút. Hiện thực sâu sắc trong tác phẩm đến từ đâu khác ngoài chính con mắt phân tích hiện thực sắc sảo, trái tim nhạy cảm, và khả năng “làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn” đến từ đây ngoài tấm lòng nhân đạo cao cả và một niềm tin chắc chắn và nhân cách của con người của nhà văn? Để tác phẩm có được sức phản ánh hiện thực rộng lớn, sâu sắc và khả năng lay động lòng người, người viết thực sự phải là một nhà văn chân chính, là sự hài hoà giữa một tài năng lớn và một tấm lòng lớn.

 

Bằng trải nghiệm cả một đời cầm bút, tuy không dài, Thạch Lam đã phát biểu thật sâu sắc về chức năng của văn học: “Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn”. Phát biểu của ông không chỉ có giá trị như một lời đối thoại trong thời kỳ ấy, mà còn là một lời nhắc nhở với tất cả những nhà văn hôm nay về sứ mạng cầm bút của mình.

Xem thêm:

  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học