Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong truyện ngắn Làng – Kim Lân

Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong Làng - Kim Lân

Đối với truyện ngắn Làng của Kim Lân, các dạng đề cần lưu ý đến “Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật” thường là:

– Phân tích/cảm nhận tâm trạng của ông Hai khi nghe tin dữ hoặc tin làng cải chính.

– Phân tích nhân vật ông Hai nói chung hoặc qua các đoạn trích. Nâng cao hơn nữa là nhận xét nghệ thuật miêu tả tâm lí sau khi phân tích nhân vật.

Dù với dạng đề nào thì quá trình viết bài, “nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật” luôn được lồng ghép, phân tích. Vì lẽ này, Trạm văn đưa đến cho các bạn những gợi ý về cách triển khai khi gặp vấn đề nghị luận liên quan đến nghệ thuật miêu tả tâm lí trong truyện ngắn Làng của Kim Lân qua một ví dụ cụ thể.

 

1. Đề bài

Cho đoạn trích sau:

“Ông lại nghĩ về cái làng của ông, lại nghĩ đến những ngày cùng làm với anh em. Ồ, sao mà độ ấy vui thế. Ông thấy mình như trẻ ra. Cũng hát hỏng, bông phèng, cũng đào, cũng cuốc mê man suốt ngày. Trong lòng ông lão lại thấy náo nức hẳn lên. Ông lại muốn về làng, lại muốn được cùng anh em đào đường đắp ụ, xẻ hào, khuân đá… Không biết cái chòi gác ở đầu làng đã dựng xong chưa? Những đường hầm bí mật chắc là còn khướt lắm. Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá.”

(Trích Làng – Kim Lân, Ngữ văn 9, tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam 2019)

Em hãy nêu cảm nhận về tâm trạng của ông Hai được thể hiện trong đoạn trích trên và nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của nhà văn Kim Lân.

 

2. Một số ý chính khi cảm nhận tâm trạng nhân vật ông Hai

– Sơ lược hoàn cảnh: gia đình ông theo lệnh kháng chiến nên đi tản cư. Ông Hai hăng hái lao động cùng anh em giữ làng, miễn cưỡng đi cùng vợ.

– Tâm trạng của ông Hai

+ Vui mừng, hạnh phúc, sung sướng khi kể về làng quê của mình

+ Mong muốn được sống trong cuộc sống náo nức ở làng Chợ Dầu

+ Nhớ làng da diết, luôn đi khoe làng

=> Thể hiện tình yêu làng của ông Hai

Ví dụ: 

Ấn tượng đầu tiên mà ông Hai để lại cho người đọc chính là cái tính khoe làng của ông. Dường như hình ảnh ngôi làng luôn thường trực trong tâm trí của lão nông ấy để khi nói về nơi nuôi dưỡng mình, chốn quê thân thuộc “hai con mắt ông sáng hẳn lên, cái mặt biến chuyển, hoạt động”. Đặc biệt, ông Hai khoe làng một cách nhiệt thành. Ông không cần người khác phải chú ý lắng nghe, cũng không quan tâm họ có nghe hay không, ông chỉ nói để thỏa niềm tự hào, nỗi nhớ da diết của mình đối với làng. Rồi qua từng thời kỳ khác nhau, lời kể, lời khoe của ông cũng thay đổi. Duy chỉ có tình yêu làng của ông vẫn thế, cứ mãi vẹn nguyên, vẹn toàn, không hề đổi thay và cũng chẳng hề lay chuyển. 

Xa rời quê hương, sống nhờ nơi đất khách quê người, lòng ông đau đáu nhớ quê, nhớ làng. Ông hoài niệm về những năm tháng được cùng anh em đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá… Ông Hai cảm thấy lúc ấy mình trẻ trung hẳn ra, “cũng hát hỏng, bông phèng.” Càng nghĩ tưởng, nỗi nhớ cứ như những đợt sóng lòng dồn dập, vỗ nhẹ vào trái tim ông phát ra những thanh âm chan chứa bao nỗi triền miên về những ngày quá khứ : “Chao ôi, ông lão nhớ làng. Nhớ cái làng quá!”. Đằng sau nỗi nhớ ấy là khao khát được trở về, là tình yêu xóm làng chân thành, bất diệt. Tình cảm ấy bao giờ cũng thiêng liêng, cũng dạt dào và tha thiết. Vì nhớ, vì yêu nên ông Hai vẫn thường xuyên vào phòng thông tin nghe tình hình, tin tức kháng chiến. Dọc đường đi, gặp ai quen ông lão cũng níu lại, cười cười, ông vui cả với cái nắng chang chang bởi Tây nó ngồi trong vị trí giờ bằng ngồi tù. Ông phấn khởi trước những thắng lợi của kháng chiến. Ruột gan ông lão như múa cả lên vì nghe được bao nhiêu tin hay, đáng mừng và đáng khâm phục về những chiến công của làng. Quả đúng như Raxun Gamzatov từng nói: “Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương, chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người”.

 

3. Tổng kết nghệ thuật nổi bật

Hướng dẫn: Với tổng kết nghệ thuật, nên tập trung nhấn mạnh những yếu tố góp phần thể hiện tâm trạng của nhân vật, trong đó có nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật.

Ví dụ: Nếu như thơ thể hiện trực tiếp những tâm trạng, cảm xúc, tư tưởng qua ngôn ngữ thì đến với truyện ngắn, giá trị của tác phẩm luôn nằm sâu trong những sự kiện, nhân vật, chi tiết,.. Đó là những chi tiết thể hiện dòng ký ức vẹn tròn về làng của nhân vật ông Hai. Là những ngôn từ gần gũi, giản dị góp phần làm nổi bật sự vẻ đẹp chất phác của con người thôn quê. Suy cho cùng, chi tiết hay là ngôn ngữ cũng chính là những phương diện thể hiện sự thành công trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của nhà văn Kim Lân.

 

4. Ý hỏi phụ/Đánh giá, nâng cao vấn đề

Hướng dẫn: Với đề bài này, có 2 yêu cầu rõ ràng: cảm nhận tâm trạngtừ đó rút ra nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật (ý hỏi phụ). Trong một số đề sẽ không có ý hỏi phụ nhưng muốn bài viết được sâu sắc, sáng tạo thì các bạn nên có đoạn đánh giá, nâng cao vấn đề. Cụ thể, các ý cần phải có như sau:

– Đánh giá, nhận xét khái quát tài năng của tác giả trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật.

– Chỉ ra các phương diện thể hiện thành công nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của tác giả.

– Chỉ ra các các vai trò, giá trị tư tưởng của tác phẩm được thể hiện thành công qua nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật.

– Khẳng định một lần nữa tài năng của tác giả.

Ví dụ: Có người quan niệm rằng: “Nghệ thuật miêu tả tâm lí con người là thước đo tài năng người nghệ sĩ”.  Và với truyện ngắn Làng, Kim Lân cũng rất tài năng khi miêu tả thành công tâm trạng hạnh phúc của nhân vật ông Hai khi nhớ về làng. Tâm lý hay là đời sống tâm hồn vốn là thế giới mong manh, mơ hồ và phức tạp. Nhưng với nghệ thuật miêu tả tâm lí thông qua các cử chỉ, hành động, nét mặt nội tâm nhân vật được truyền tải trọn vẹn, tự nhiên. Hơn nữa, không những tâm trạng mà phẩm chất của nhân vật cũng được hướng đến khắc họa qua những chi tiết đặc tả tính người. Đó là những chi tiết miêu tả về những dòng hồi tưởng và niềm vui của ông Hai độ còn gắn bó với làng. Tất cả đều hướng đến khắc họa tính cách, tình yêu làng tha thiết của một con người chân chất, mộc mạc. Quả thật, với tài năng trong nghệ thuật miêu tả tâm lí, Kim Lân đã giúp bạn đọc sống trọn trong thế giới nội tâm của nhân vật

| Nội dung do Thích Văn học thực hiện, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.

Xem thêm:

Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học