Lưu ý khi viết các đoạn văn: khái quát tác giả, tác phẩm; Tổng kết nghệ thuật nổi bật và Mở rộng, liên hệ

Lưu ý khi viết đoạn văn: khái quát tác giả, tác phẩm

– Phần khái quát tác giả: chỉ nêu những thông tin TIÊU BIỂU/NỔI BẬT về phong cách sáng tác, đề tài chính mà tác giả hướng đến.

– Phần khái quát tác phẩm: Nêu ngắn gọn thời điểm, bối cảnh sáng tác; vị trí của tác phẩm đó trong sự nghiệp văn chương của tác giả (nếu có). 

– Sau đó, chốt vấn đề nghị luận một lần nữa.

Đoạn văn tham khảo

Thơ ca là tiếng nói của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm. Và đến với những vần thơ của Bằng Việt ta đến với sự trầm lặng, sâu lắng, chất chứa nỗi niềm, suy tư khắc khoải, đầy ám ảnh của một trái tim đa sầu, đa cảm, trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Cụ thể, qua bài thơ Bếp lửa – một tác phẩm ra đời năm 1963 khi nhà thơ vẫn đang học tập ở nước ngoài. Dưới cái lạnh thấu xương của mùa đông nước Nga, ông đã gửi gắm những dòng kí ức của mình qua áng thơ ca giản dị. Đặc biệt, những vần điệu ở khổ thơ thứ ba như đôi lời tâm sự về tuổi thơ đã qua của Bằng Việt. Một tuổi thơ với những kỉ niệm đẹp đẽ mãi neo đậu trong trái tim của người cháu xa bà. (Nguồn: Thiên Hương – HS lớp Luyện viết chuyên sâu Ngữ văn 9)

 

Lưu ý khi viết đoạn văn: tổng kết nghệ thuật nổi bật

– KHÔNG liệt kê toàn bộ nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích/Tác phẩm đang phân tích.

– Nên dựa vào đặc trưng thể loại để lựa chọn những nghệ thuật tiêu biểu/nổi bật. Cụ thể: 

+ Với thơ: chú ý các yếu tố giúp thể hiện nhân vật trữ tình và cảm xúc nhân vật trữ tình,…

+ Với truyện: tình huống truyện, chi tiết nổi bật, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật,…

Đoạn văn tham khảo

Tổng kết nghệ thuật nổi bật cho đoạn thơ bàn về những kỷ niệm đẹp đẽ trong bài “Bếp lửa” – Bằng Việt: 

Bằng những lời thơ trong sáng, tự nhiên, bạn đọc đã phần nào cảm nhận được dòng hồi ức sâu lắng, dạt dào giữa bà và cháu. Đặc biệt, hình ảnh “Bếp lửa” là nhãn tự của bài thơ, hiện lên như một điểm tựa, khơi dậy những kỉ niệm sâu sắc để tác giả được nhớ, được suy ngẫm, được chiêm nghiệm. Ngoài ra, “Bếp lửa” vừa là một hình ảnh thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Hình ảnh ấy tượng trưng cho người bà, người luôn giữ lửa, tiếp lửa và truyền lửa, ngọn lửa của tình yêu thương và sức mạnh cho người cháu. Cùng với đó là những dấu chấm than, câu hỏi tu từ kết hợp với biện pháp điệp ngữ càng nhấn mạnh hơn nữa những dâng trào cảm xúc của nhân vật trữ tình. Nếu nói tiêu chuẩn vĩnh cửu thơ là tình cảm thì qua những yếu tố nghệ thuật, Bằng Việt thực sự đã mang bạn đọc đến với thế giới của tình cảm bà cháu với những dòng kí ức đẹp đẽ. (Nguồn: Thiên Hương – HS lớp Luyện viết chuyên sâu Ngữ văn 9)

 

Lưu ý khi viết đoạn văn: mở rộng, liên hệ

Khi mở rộng, liên hệ giữa các tác phẩm cần chú ý một số nội dung sau:

– Nêu sự gặp gỡ/chất riêng của các tác giả, tác phẩm. Sau đó, viết 2 – 3 câu nhận xét, đánh giá về sự gặp gỡ/chất riêng ấy.

– Nên mở rộng, liên hệ tác phẩm phù hợp, có sự gặp gỡ về hình ảnh, ý nghĩa, nhân vật, giai đoạn, cảm hứng sáng tác,… Trên cơ sở đó có thể đánh giá cái chung cũng như cái riêng của mỗi người nghệ sĩ.

Đoạn văn tham khảo

Mở rộng, liên hệ cho đoạn thơ bàn về những kỷ niệm đẹp đẽ trong bài “Bếp lửa” – Bằng Việt: 

Cũng viết về sự biết ơn, hiểu thấu cho những nhọc nhằn của người bà, nhà thơ Nguyễn Duy từng bộc bạch:

“Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế

bà mò cua xúc tép ở Đồng Quan

bà đi gánh chè xanh Ba Trại

Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn.”

(Đò lèn – Nguyễn Duy)

Ở vị trí của những người cháu nhỏ, Nguyễn Duy và Bằng Việt đều gặp gỡ nhau bởi sự trải lòng về tình yêu thương dành cho bà của mình. Thế nhưng, nét độc đáo làm nên thơ của Bằng Việt, chính là những… mà không biết tiếng thơ nào cũng “bắt” được. (Nguồn: Phúc Vân – HS lớp Luyện viết chuyên sâu Ngữ văn 9)

| Nội dung: Nuôi

Xem thêm:

Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học