ông Hai cứ múa tay lên mà khoe nhà ông bị giặc đốt, đốt nhẵn

Cảm nhận về chi tiết “Ông Hai cứ múa tay lên mà khoe nhà ông bị giặc đốt, đốt nhẵn”

Bàn về truyện ngắn, chi tiết vốn là một yếu tố nghệ thuật làm nên hạt bụi vàng cho tác phẩm. Có thể nói, đây cũng là một trong những vấn đề nghị luận văn học rất đáng để quan tâm. Ví dụ như trở thành ý câu hỏi phụ,…

Dưới đây là đề và bài viết cho một CHI TIẾT QUAN TRỌNG trong tác phẩm LÀNG của KIM LÂN. Các bạn cùng tham khảo nhé!

 

Đề bài: Cảm nhận của em về chi tiết kể việc “ông Hai cứ múa tay lên mà khoe nhà ông bị giặc đốt, đốt nhẵn” trong tác phẩm Làng của Kim Lân.

Bài làm

Nhà văn hào vĩ đại người Nga Maksim Gorki đã từng quan niệm rằng: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Theo đó, chi tiết có vai trò quan trọng trong việc tạo nên tầm vóc của người nghệ sĩ. Và đến với tác phẩm Làng, đặc biệt là việc “ông Hai cứ múa tay lên mà khoe nhà ông bị giặc đốt, đốt nhẵn” – một chi tiết tưởng chừng như vô lý nhưng lại chuyên chở những giá trị tư tưởng sâu sắc giúp tạo nên tầm vóc của nhà văn Kim Lân. Đó là lòng yêu nước, là tinh thần của người nông dân thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

Khác với tiểu thuyết thì truyện ngắn chính là cách cưa lấy một khúc của đời sống. Ở đây, bằng ngòi bút mang phong cách bình dị mà tinh tế, sâu sắc, Kim Lân đã dành cả đời “cưa lấy một khúc” ấn tượng của đời sống người nông dân nghèo khổ, của văn hoá thôn quê để mang đến cho bạn đọc bao thế hệ những tác phẩm đầy tính nhân văn. Tiêu biểu, có thể kể đến truyện ngắn Làng được viết vào thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp với bao khó khăn, gian khổ. Năm 1948, truyện được in trên tạp chí Văn nghệ và để lại dấu ấn lớn ở văn đàn lúc bấy giờ. Nổi bật là chi tiết kể về việc “ông Hai cứ múa tay lên mà khoe nhà ông bị đốt nhẵn”… đã phần nào giúp bạn đọc cảm nhận về đời sống tâm hồn đáng quý của người nông dân yêu làng, yêu nước.

Trong truyện ngắn, chi tiết là một yếu tố nghệ thuật mà theo từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa rằng: “Yếu tố quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là những chi tiết cô đúc và lối hành văn mang nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết”. Cái “cô đúc” ở đây chính là sự ngắn gọn, súc tích nhưng mang sức chứa lớn về nội dung và ý nghĩa của những tình tiết nhỏ. Đầu tiên, có thể kể đến không gian và thời gian được gợi ra từ chi tiết cô đúc miêu tả ông Hai khi làng bị cháy, nhà bị cháy. Đó là làng Chợ Dầu. Về phạm vi nói chung thì làng vốn là quê hương, là nơi gắn bó biết bao kỷ niệm của con người. Kim Lân đã lấy “Làng” để làm tựa đề cho tác phẩm của mình nhằm hướng tới mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực rộng lớn của hình ảnh làng và con người nói chung trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp. Cụ thể, cái chung ấy là cái chung của hoàn cảnh, của tình yêu quê hương, đất nước, của những con người chân chất, giản dị. 

Về vai trò của làng, đây vốn là quê hương mà mỗi người chỉ có một. Ấy vậy, khi làng cháy, ông Hai lại được miêu tả với sự sung sướng, tự hào reo lên “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn”. Đi đến đâu, ông cũng bô bô, múa tay lên mà khoe với mọi người là nhà mình bị đốt, làng mình bị đốt. Theo lẽ thường, nhà vốn là một tài sản mà con người ta dành cả đời để tích góp. Mất đi ngôi nhà chính là mất đi mái ấm, mất đi của cải có giá trị vô cùng to lớn. Nhưng dường như rất vô lý khi ông Hai được miêu tả với niềm vui mừng và hạnh phúc, phấn khởi. Đây chính là yếu tố đã góp phần làm nên sự hấp dẫn, lôi cuốn cho truyện ngắn Làng của Kim Lân. Nếu nói chi tiết tạo nên tầm vóc của nhà văn thì với Kim Lân, ông đã tạo nên cho mình một tầm vóc riêng – phi lý nhưng lại rất có lý. 

Chi tiết còn có vai trò quan trọng trong việc làm nên hạt bụi vàng cho tác phẩm. Cụ thể, chỉ với việc kể về chi tiết ông Hai khoe với mọi người làng bị đốt nhẵn mà đã thể hiện sâu sắc dòng tâm trạng, tâm lý của nhân vật. Mặc dù ông Hai có vẻ đau xót khi thứ vô giá về vật chất không còn nhưng hơn tất cả là niềm vui, niềm sung sướng đến tột độ khi làng của ông không theo giặc. Đây là những dòng cảm xúc chân thật, để lại nhiều suy nghĩ và băn khoăn cho bạn đọc. Bởi lẽ, trước khi đến với chi tiết giàu cảm xúc này, tác giả đã đưa bạn đọc đi qua những cung bậc tâm trạng khác nhau của nhân vật. Con người ấy đã từng trằn trọc không ngủ được khi nghe những lời bàn tán đầy xót xa “làng chợ Dầu tinh thần thế cơ mà”. Ông đã từng bủn rủn tay chân và tưởng chừng như chết lặng khi nghe tin đồn làng theo giặc. Chính vì vậy, đến với chi tiết ông đã không ngừng đi khoe, reo múa trong hạnh phúc khi làng bị cháy đã tạo nên nhiều giá trị cho tác phẩm. Ấy là minh chứng cho làng chợ Dầu vẫn theo kháng chiến, theo cách mạng, vẫn anh dũng kiên cường đứng dậy chống thực dân Pháp.

Không những vậy, nhà văn Kim Lân còn rất tài tình khi chỉ với những ngôn từ kể về việc làng bị đốt của ông Hai đã khắc hoạ thành công phẩm chất của một lớp người. Đó là tình yêu làng, yêu quê hương, đất nước. Con người ấy vẫn luôn theo dõi quê hương, tự hào về tinh thần chống giặc của nơi chôn rau cắt rốn. Nhưng lại rồi thất vọng, đau xót khi nghe đồn làng theo giặc. Tất đã đều minh chứng cho một trái tim nồng nàn tình yêu quê hương, đất nước. Làng Dầu, ông Hai, hay là những người nông dân nói chung lúc bấy giờ đều hừng hực một tinh thần chiến đấu chống giặc Pháp. Trước những bom đạn của kẻ thù, những con người ấy vẫn luôn mạnh mẽ, trung thành với sự nghiệp đấu tranh. Lẽ vậy, khi nghe tin làng bị đốt, ông Hai từ một người chết lặng bỗng vui mừng, múa lên trong sự sung sướng tột độ. Chi tiết này một lần nữa đã khẳng định phẩm chất đáng quý của nhân vật, của những người nông dân giàu lòng yêu nước lúc bấy giờ.

Hơn nữa, bên cạnh việc truyền tải những ẩn ý, chiều sâu của tác phẩm thì chi tiết ông Hai kể làng bị đốt còn là một sáng tạo nghệ thuật của Kim Lân. Việc một người luôn nhớ về làng, tự hào về làng và rồi lại đau đớn nghe đồn làng theo giặc lại đột nhiên hạnh phúc, vui sướng khi làng bị đốt khiến bạn đọc không khỏi băn khoăn. Có thể nói, chi tiết này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của tình huống truyện. Đây còn là một yếu tố giàu sức gợi kết hợp với những ngôn từ giản dị mang đến cái nhìn chân thật nhật về cảm xúc, về nhân vật, về một lớp người yêu nước.

Bùi Việt Thắng cũng đã từng nói: “Một chi tiết đắt giá ngoài ý nghĩa là một chi tiết chân thực cần còn đặt tới ý nghĩa tượng trưng, hàm chứa một cách nhìn, một cách đánh giá và năng lực của nhà văn về cuộc sống của con người”. Chi tiết kể về việc ông Hai vui mừng khi làng bị cháy chính là một sự hàm chứa cách nhìn của Kim Lân về tình yêu quê hương, đất nước của con người thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp. Từ đó, bạn đọc có thể nhìn thấy những khúc đời sống trong tâm hồn và hiện thực của xã hội. Đặc biệt là đánh giá được tài năng của người nghệ sĩ. Kim Lân quả thật là người nghệ sĩ tài hoa của làng quê Việt Nam.

| Nội dung: Nuôi

Xem thêm:

  • Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học