nếu cá tính nhà văn mờ nhạt, không tạo được tiếng nói riêng

HSG: Bài viết tham khảo cho đề học sinh giỏi Tỉnh lớp 9 năm 2023 – 2024 của Sở GD & ĐT Hà Tĩnh

Đề bài: “Nếu cá tính nhà văn mờ nhạt, không tạo ra được tiếng nói riêng, giọng điệu riêng thì đó là một sự tự sát trong văn học”.

(Lí luận văn học, Phương Lựu – Chủ biên, NXB Giáo dục, 2002, tr.204)

Từ nội dung của ý kiến trên, em hãy viết bài văn nghị luận với chủ đề: Cá tính sáng tạo và tầm vóc của nhà văn.

Bài làm

Nam Cao đã từng quan niệm: “Văn chương không cần những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có…” Quá trình sáng tác văn chương là một quá trình lao động sáng tạo mà như Nam Cao đã đề cập ấy chính là sự đào sâu, tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ. Nhắc đến văn chương là nhắc đến sự coi trọng cái riêng, không trộn lẫn của người nghệ sĩ. Bàn về vấn đề này, có ý kiến cho rằng: “Nếu cá tính nhà văn mờ nhạt, không tạo ra được tiếng nói riêng, giọng điệu riêng thì đó là một sự tự sát trong văn học”.

 

Văn học là hình thái ý thức xã hội, là loại hình sáng tạo nghệ thuật bằng ngôn từ mà chủ thể của quá trình sáng tạo ấy chính là nhà văn. “Nhà văn” là người thai nghén nên những kiệt tác nghệ thuật của loại hình văn chương, là người nghệ sĩ nói chung. Mỗi nhà văn là một cá tính tức là mỗi nhà văn có nét riêng, nét độc đáo, là yếu tố để phân biệt nhà văn này với nhà văn khác. Và “Tiếng nói riêng, giọng điệu riêng” ở đây có thể hiểu là dấu ấn riêng, là phong cách sáng tác của người nghệ sĩ. Nếu như người nghệ sĩ mà không có chất riêng, không có sự sáng tạo, lặp lại người khác hay là lặp lại chính mình thì đó chính là cái chết trong văn chương và sẽ đối diện với quy luật đào thải khắc nghiệt. Như vậy, ý kiến trên đã nhấn mạnh đến vai trò của cá tính sáng tạo, khẳng định tư chất quan trọng của người nghệ sĩ. Đó là sự coi trọng sáng tạo, coi trong dấu ấn riêng trong mỗi đứa con tinh thần của người lao động nghệ thuật nói chung và lao động văn chương nói riêng.

 

Lịch sử văn học vốn trân trọng sự sáng tạo. Ép -tu -sen-cô đã từng nói: “Tự tử với đời nghệ sĩ không phải là phát súng hay sợi dây thừng mà chính là khi ngồi vào bàn viết, không đem đến một cái gì đó mới mẻ.” Bản chất của nghệ thuật là không lặp lại, không dung chứa những gì viết lại lần hai. Đọc một ý thơ ở tác phẩm này, và tìm thấy ở trăm ngàn tác phẩm khác – đó là cái chết đau đớn và oái oăm nhất của số phận thi nhân, là sự tứ sát của nghệ thuật, nếu không muốn nói là báo tử khi chưa kịp làm giấy khai sinh. Để kiến tạo nên những giá trị đơn nhất, đơn chiếc, không lặp lại thì cá tính sáng tạo có lẽ là yếu tố xứng đáng được ca tụng hàng đầu, là yếu tố định hình tư chất và phong cách người nghệ sĩ. Ngay từ việc phản ánh hiện thực, văn chương đã nói không với sự sao chép, nguyên xi mà luôn đề cao những lăng kính chủ quan khám phá mới mẻ của những người nghệ sĩ. Điều này đã tạo nên sự đa dạng và phong phú cho kho tàng văn chương nói chung. Ví như cùng viết về đề tài mùa thu, bạn đọc dường như tĩnh lặng với tác giả Nguyễn Khuyến trong chiếc ao thu lạnh lẽo bên chiếc thuyền câu bé tẻo teo trong thi phẩm “Câu cá mùa thu”. Hay là bài thơ với tựa đề “Thu”, Xuân Diệu lại mang đến cho bạn đọc “dáng thu xa” với “gió thầm, mây lặng, mới tạnh mưa trưa, chiều đã tà, rồi lại hoa cúc vàng” làm nao lòng biết bao bạn đọc. Cũng viết về mùa thu, Hữu Thỉnh với bài “Sang thu” đã gửi gắm trong những vần thơ những cảm nhận tinh tế về khoảnh khắc giao mùa làm rung động tâm hồn tác giả. Suy cho cùng, với đề tài mùa thu – một đề tài khá quen thuộc và có biết bao ngòi bút khắc hoạ nhưng với yêu cầu sáng tạo văn chương thì mỗi người nghệ sĩ đều có những cách khám phá, truyền tải khác nhau.

 

Không những vậy, sáng tác văn học còn là hoạt động mang tính cá thể. Để sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị, nhà văn phải “cô đơn”, phải dấn thân để sáng tạo. Dẫu tình cảm, suy tư, triết lý trong phẩm có phổ quát bao nhiêu, thì bao giờ nó cũng mang đậm hơi thở nồng nàn của tác giả. Người nghệ sĩ khi chắp bút nên một tác phẩm văn học, bao giờ cũng đứng trên một lập trường tư tưởng nhất định, từ đó, chi phối cách nhìn, cách cảm, cách viết. Nếu các ngành khoa học loại bỏ “cái tôi” trong những công trình nghiên cứu thì văn học lại lấy “cái tôi” làm điểm tựa cho sự sống. Có lẽ cũng chính vì lẽ đó, mà văn chương chỉ dung nạp những người biết “đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có” (Nam Cao). Với văn chương, cái tôi hay nói cách khác là lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ chính là một yếu tố đặc trưng, riêng biệt. Văn chương mà không có cái tôi thì đó là một tiếng nói mờ nhạt. Trong phong trào thơ Mới, chính là một sự dấn thân cái tôi cá nhân của những người nghệ sĩ. Hoài Thanh đã từng nhận xét rằng: “Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thư rộng lớn như Thế Lữ. mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng trúng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên…. và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”. Đó là những cái tôi dấn thân, vượt qua những quy phạm của văn chương để sáng tạo, để mang đến cho người đọc nhiều góc nhìn đời tư và còn để cho nhà văn có thể thoải mái thể hiện cá tính, giọng điệu riêng của mình.

 

Đến với văn học nghệ thuật, có lẽ không ai là không cầu một vị trí vững chãi trên văn đàn, nhu cầu được khẳng định mình. Nhà văn không thể ở mãi trong một mô típ, mô hình khi đã không còn ý nghĩa, nó sẽ mục ruỗng tinh thần người viết và kể cả người tiếp nhận. Phải liên tục “vong thân” để tìm kiếm những giá trị mới, đó là lương tâm của sáng tạo. Tức là nhà văn sở hữu cho mình một nét chân dung tâm hồn trong quá trình đối thoại với độc giả.

 

Với một người nghệ sĩ chân chính có tầm vóc thì để sáng tác nghệ thuật bao giờ cũng tìm đến những gì mình đã từng trải, từng thấu. Nhưng cái kinh nghiệm sống ấy bao giờ cũng là cái riêng tư, là độc bản, là duy nhất. Đó là những ẩn ức trào lộng trong lồng ngực, những ám ảnh ấu thơ, những thể nghiệm “được tạo ra từ công động kinh của tâm hồn, là cú đại địa chấn được dòn những biến cố, những kỉ niệm, có khi là từ những nỗi đau quặn lòng” (Pushkin). Hàn Mặc Tử trải qua căn bệnh phong quái ác, F.Kafka đau đáu với sự bất an và nỗi cô đơn, sự mất cân bằng trong tâm trí; Dostoevsky bị kế án từ hình và sống trong nỗi đau của bệnh tật; hay kể cả H. Hemingway cũng phải vật lộn với căn bệnh trầm cảm, chứng nghiện rượu và những trắc trở trong suốt những mối quan hệ của cuộc đời mình… Tất thảy những điều đó, hẳn nhiên, khiến đôi mắt của nhà văn bao giờ cũng mang một chất riêng, một giọng điệu riêng, không trộn lẫn. Hay là nhà văn Lê Minh Khuê, cô đã viết tác phẩm bằng chính thể nghiệm của mình. Nhà văn Lê Minh Khuê tâm sự về truyện ngắn của mình rằng: “Tôi đã chứng kiến cuộc sống của những cô gái thanh niên xung phong trong thời chống Mỹ”. Có lẽ với tâm thế của một người chứng kiến toàn bộ những khó khăn, khắc nghiệt nơi chiến trường nên trang văn của bà thấm đượm chất hiện thực về hoàn cảnh sống và chiến đấu của ba nữ xung phong Thao, Nho và Phương Định. Những cô gái làm công việc trinh sát mặt đường đều có xuất thân từ Hà Nội, dẫu rằng họ mang những nét cá tính riêng biệt nhưng lại có sự gặp gỡ về tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Vì vậy mà khi có người hỏi tác giả: “Tại sao chứng kiến cuộc sống của những cô gái thanh niên xung phong mà nhà văn lại cảm thấy nhớ Hà Nội?”. Tác giả trả lời rằng: “Tôi cũng giống như bao nhiêu cô gái khác đã trở thành một thanh niên xung phong để góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào cuộc chiến tranh giữ nước thần kỳ của dân tộc”. Có lẽ vì là một người có những điểm gặp gỡ với các nhân vật nên trong các nhân vật nói chung và Phương Định nói riêng đều hiện lên rất thật, rất Hà Nội với một tinh thần sẵn sàng góp sức mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cũng viết về những người lính trên tuyến đường Trường Sơn huyết mạch, Phạm Tiến Duật với trải nghiệm của một người lính lái xe lại mang đến cho độc giả một cái nhìn mới về những con người quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Họ lạc quan, họ hóm hỉnh, tinh nghịch và giàu tinh thần đồng đội. Ở những con người ấy luôn sục sôi ý chí, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của mình.

 

Đối với những người nghệ sĩ có tầm vóc thì không bao giờ lặp lại người khác và lặp lại chính bản thân mình. Họ luôn biết cách tạo nên phong cách sáng tác giúp khẳng định bản ngã, khẳng định chỗ đứng của mình trên diễn đàn văn chương. Văn chương mà không sáng tạo, người nghệ sĩ mà không có cái tôi thì suy cùng cũng chỉ là những ngôn từ tầm thường, không có giá trị, không để lại dấu ấn sâu trong lòng bạn đọc. Minh chứng cho một nhà văn không lặp lại người khác và lặp lại chính bản thân mình đó chính là nhà thơ Huy Cận. Trước cách mạng tháng Tám, ông được biết đến với hồn thơ sầu ảo não qua bài Tràng Giang. 

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng.”

(Trích Tràng Giang – Huy Cận)

Thơ ca là sự bộc lộ cảm xúc một cách trực tiếp. Ngay trong những vần thơ, bạn đọc có thể cảm nhận được những suy tư trĩu nặng nơi tâm hồn “sầu trăm ngả”. “Điệp điệp” rồi lại “song song”, dẫu là sóng gợn hay con thuyền thì phía sau lớp ngôn ngữ ấy vẫn nén lại trong tiếng “buồn”, tiếng “sầu”. Để rồi, từ không gian rộng lớn và lạnh lẽo nơi biển khơi, sự xơ xác, lụi tàn của “củi một cành khô”, trái tim thi sĩ như bị đẩy vào hư không. Mỗi vần thơ, mỗi câu chữ cuối cùng cũng hướng về một tâm hồn nhiều mảnh vỡ, buồn bã và lẻ loi. Con người ấy dường như không tìm được sự tri âm, đồng điệu mà “xuôi, lạc, trăm ngả”. Có lẽ vì vậy mà khi nhận xét về cái tôi cá nhân lúc bấy giờ, Hoài Thanh mới gọi Huy Cận là điển hình cho sự “ảo não”. Cũng là hình ảnh con thuyền nhưng đến với bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” không còn nỗi buồn lẻ loi, cô đơn mà thay vào đó là một sức sống mới. Đó là sức sống của thiên nhiên đất nước buổi hoàng hôn tráng lệ:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then đêm sập cửa 

Ngay từ những vần thơ đầu tiên, Huy Cận đã mang đến cho bạn đọc một âm hưởng khoẻ khoắn của bài ca lao động. Biện pháp so sánh “mặt trời như hòn lửa” được sử dụng đầy thi vị và độc đáo đến lạ thường. Nếu nói thơ là hoạ thì quả thật thi sĩ đã mang đến một bức tranh tuyệt mỹ của cảnh hoàng hôn trên biển. Ánh đỏ của mặt trời chiều như nhuộm cả một vùng mây nước rồi ngụp lặn nơi biển khơi rộng lớn. Thiên thiên giờ đây như ngôi nhà của vũ trụ được nhân hóa qua động từ “cài then”. Cảnh vật như chìm vào giấc ngủ. Không còn là hình ảnh “khói hoàng hôn nhớ nhà” ảo não, hoàng hôn trong thơ Huy Cận sau cách mạng tháng Tám là một sức sống âm ỉ, mạnh mẽ và tươi mới.

 

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Hiến Lê từng viết: “Nhà văn có thể không cần tiền, cũng không cần vàng, nhưng nhất định là phải cần độc giả.” Độc giả chính là người đồng sáng tạo của nhà văn, là người quyết định đến sức sống của tác phẩm. Người đọc đến với văn chương để thoả mãn thị hiếu thẩm mĩ của mình và muôn đời luôn đòi hỏi cái mới, cái lạ. Đó là lẽ cố nhiên. Nếu nhà văn chỉ cày xới trên những mảnh đất đã “sáo mòn và cằn nghĩa”, văn chương ra đời sẽ chỉ là những “Ký sinh trùng” trên tác phẩm người khác, sẽ chỉ là những hạt cát vô tận giữa đại dương mênh mông, chết yểu khi chưa được ra đời.

 

Cũng bàn thêm, tuy đề cao cá tính của người nghệ sĩ trong hoạt động sáng tạo, ta cũng cần chấp nhận một sự thật rằng, không phải bất cứ ai cũng có khả năng tạo cho mình được một “dấu triện riêng”. Chỉ những người được tôi luyện nên một nhân sinh quan, giá trị quan, thế giới quan khác biệt mới có khả năng ghi được tên tuổi mình trên văn đàn như một cá thể riêng biệt không lặp lại. Tức là yếu tố thiên bẩm, “sống đã rồi hãy viết của người nghệ sĩ”. Sáng tạo phải là những sáng tạo độc đáo của người nghệ sĩ chân chính chứ không phải là sự kì lạ sáo rỗng, không có tính đối thoại. Hơn nữa, điều tạo nên tầm vóc, khẳng định tài năng của một nhà văn không phải chỉ là yếu tố sáng tạo làm nên một nhà văn chân chính hay là một tác phẩm hay. Bên cạnh khả năng sáng tạo, nhà văn còn cần trí tưởng tượng phong phú, tâm hồn nhạy cảm với cuộc đời,… Và cá tính ấy luôn có sự vận động theo thời đại, xã hội đương thời. Một nhà văn không thể lặp lại mình hay người khác để tạo nên cá tính riêng nhưng cá tính ấy bao giờ cũng phải in dấu ấn của tinh thần dân tộc, thời đại. Ví như những sáng tác về hình ảnh người lính như “Đồng chí” của Chính Hữu, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê dẫu rằng mang đến sự khắc hoạ hình ảnh những người lính khác nhau nhưng đều thuộc về nền thơ ca kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Trong hành trình lao động nghệ thuật, mỗi một cá tính của một nhà văn là một cá thể riêng biệt không lặp lại ai và lao động nghệ thuật là lao động cá thể. Nhưng thực tế văn học đã ghi nhận những trường hợp ngoại lệ, khi những văn nghệ sĩ đó, những người cùng chung chí hướng và quan niệm sáng tác tập hợp thành một tập thể để sáng tạo văn chương như Tự lực văn đoàn. Đặc biệt là sáng tạo nhưng không đồng nghĩa là phá vỡ những giá trị truyền thống mà trên cơ sở kế thừa để phát triển. Có một thời văn học triệt tiêu cái tôi của người nghệ sĩ, để cất lên tiếng nói chung của thời chiến, nơi tình yêu đất nước, tinh thần kháng chiến, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh được đặt lên hàng đầu. Tất cả những tình cảm uỷ mị, cá nhân hay tình cảm đôi lứa bị khước từ như “Màu hoa sim tím” (Hữu Loan). 

 

Ý kiến đã mang lại cách nhìn đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của yếu tố sáng tạo trong quá trình lao động nghệ thuật nói chung và trong văn chương nói riêng. Quả thật, sẽ không là gì cả nếu như người nghệ sĩ không có cá tính, giọng điệu riêng, tiếng nói riêng. Như vậy, tầm vóc của nhà văn được biểu hiện qua cá tính sáng tạo, giọng điệu riêng, tiếng nói riêng. Nhưng cái riêng ấy phải được truyền tải bằng hình thức nghệ thuật tương ứng, những phương thức, phương tiện nghệ thuật đặc thù. Chỉ khi đó, nhà văn mới tạo nên một chỉnh thể hoàn hảo, tác phẩm nghệ thuật khi ấy mới có giá trị và khẳng định được tầm vóc lớn lao. Từ đó đặt ra yêu cầu đối với nhà văn là để có được cá tính sáng tạo cũng như khẳng định được tầm vóc của mình, đòi hỏi nhà văn phải có trải nghiệm, vốn sống phong phú, giàu bản lĩnh, sự khổ luyện,… để có thể tạo nên giọng điệu riêng, tiếng nói riêng. Đồng thời phải nhìn nhận bằng toàn bộ trái tim và tâm huyết của mình, phát hiện ra vẻ đẹp của con người và cuộc sống. Và yêu cầu đối với độc giả là khi đến với văn chương cần bao dung, thấu hiểu nhưng cũng cần có sự tỉnh táo, đủ nhận thức, vốn sống phong phú để có thể thẩm mã tác phẩm ở nhiều chiều kích khác nhau, phát hiện những nét riêng trong ngòi bút của người nghệ sĩ, hướng đến đồng sáng tạo với tác giả. Trong thời đại của khoa học công nghệ, khi robot cũng biết làm thơ, viết văn; liệu sáng tạo văn chương có còn là công việc độc quyền của người nghệ sĩ? Điều này đã đặt ra thách thức lớn đối với nhà văn trong quá trình lao động nghệ thuật. Tuy nhiên, những gì robot mang lại là cảm xúc hữu hạn, còn những gì nhà văn lại mang đến thứ cảm xúc vô hạn và vượt qua sự băng hoại của thời gian. Đó là những thể nghiệm từ thực tiễn đời sống, những gì từng trải, từng thấu; đúc kết nên thành những áng văn có ý nghĩa muôn đời, muôn thế hệ, bồi đắp giá trị nhân bản con người.

 

Theo Lê Đạt: 

“Mỗi công dân có một dạng vân tay

Mỗi nhà thơ có một dạng vân chữ

Không trộn lẫn.”

Quá trình lao động nghệ thuật là một quá trình lao tâm khổ trí, đòi hỏi tài năng và sự sáng tạo như một dạng “vân chữ” của người nghệ sĩ. Tựu trung lại, làm người thì không nên có cái tôi nhưng làm văn chương thì nên có cái tôi, một cái tôi không trộn lẫn, không lặp lại.

Bài viết có sự tham khảo chỉnh sửa từ nguồn “The Pea Organization – Tổ chuyên môn Ngữ văn”

Xem thêm:

  • Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học