Hệ thống câu hỏi nhỏ của văn bản Nói với con - Y Phương

Hệ thống câu hỏi nhỏ của văn bản Nói với con – Y Phương

Tham khảo: Trọn bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10 (có đáp án).

“Nói với con” của Y Phương cũng là một văn bản quan trọng, các bạn chú ý ôn tập kĩ nha.

 

Câu hỏi 1:

Em hiểu “người đồng mình” là gì? Cách gọi “người đồng mình” của tác giả có gì sâu sắc?

Trả lời

 – “Người đồng mình” là cách gọi thân thương, chân thành và giản dị của tác giả về người cùng quê hương, cùng bản làng với mình.

– Cách gọi “Người đồng mình” của tác giả khiến lời thơ trở nên tha thiết, trìu mến. Cách gọi ấy rất đỗi thân thương, đầy tình cảm tha thiết. “Người đồng mình” qua ý thơ là những con người đáng yêu, đáng quý.

 

Câu hỏi 2:

Theo em việc dùng từ phủ định trong dòng thơ “Không bao giờ nhỏ bé được” nhằm khẳng định điều gì? (Đề tuyển sinh vào lớp 10, TP Hà Nội – 2014)

Trả lời

Việc dùng từ phủ định trong dòng thơ “Không bao giờ nhỏ bé được” nhằm khẳng định điều mong ước lớn lao của người cha đối với con: phải sống một cuộc sống cao đẹp cho xứng đáng với tư cách con người và với quê hương, không được sống thấp hèn dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

 

Câu hỏi 3:

Cách miêu tả bước chân con “chạm tiếng nói”, “tới tiếng cười” có gì đặc biệt? Qua đó, tác giả đã thể hiện được điều gì? (Đề tuyển sinh vào lớp 10, TP Hà Nội – 2017)

Trả lời

 Cách miêu tả gợi cho ta hình ảnh một gia đình tràn đầy hạnh phúc với những “tiếng nói”, “tiếng cười”; cả ngôi nhà như rung lên trong “tiếng nói”, “tiếng cười” của cha, của mẹ. Mỗi bước con đi, mỗi tiếng con cười đều được cha mẹ đón nhận, chăm chút, mừng vui, trong tình yêu thương, trong sự nâng niu của cha mẹ. Qua đó, tác giả đã muốn ghi sâu vào tâm trí con hình ảnh gia đình hạnh phúc – cội nguồn sinh dưỡng dù nhỏ bé nhưng đầy yêu thương và luôn ở bên con.

 

Câu hỏi 4:

Mạch cảm xúc của bài thơ “Nói với con” được thể hiện như thế nào?

Trả lời

– Mượn lời nói với con, Y Phương gợi về cội nguồn sinh dưỡng mỗi con người, bộc lộ niềm tự hào về sức sống bền bỉ của quê hương mình.

– Bài thơ đi từ tình cảm gia đình mà mở rộng ra là tình cảm quê hương, từ những kỷ niệm gần gũi, thiết tha mà nâng lên thành lẽ sống. Cảm xúc, chủ đề của bài thơ được bộ lộ, dẫn dắt một cách tự nhiên, có tầm khái quát nhưng vẫn thấm thía.

Xem thêm:

  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học