Gap nguyen mau nhan vat anh thanh nien trong truyen ngan lang le sapa cua nguyen thanh long

GẶP NGUYÊN MẪU NHÂN VẬT ANH THANH NIÊN TRONG TRUYỆN NGẮN “LẶNG LẼ SA PA” CỦA NGUYỄN THÀNH LONG

Chợ Than Uyên dưới chân đồi ủy ban rộn rịp măng củ, nấm, vỏ cây mật gấu, quả hà thủ ô. Trai Mông từ Mù Cang Chải xuống bán mật ong, mua vải dệt tay chưa nhuộm rồi vào quán bến xe uống rượu. Thật bất ngờ là lại gặp ông, Lê Văn Sử, nguyên mẫu trong một truyện ngắn để đời của Nguyễn Thành Long. Ông nhà văn người Quảng này nổi tiếng nghiêm túc trong nghề cũng như đời thường, để lại kha khá ảnh hưởng cho lớp viết sau…“Lặng lẽ Sa Pa” viết năm 1970, kể bậc họa sĩ già đi xe khách gặp chàng trai khí tượng thường lăn gỗ ra đường, xe đứng lại có dịp chuyện trò. Thơm phức, tinh tươm như cảnh vật vùng cao và bản thân chàng thanh niên, lại trầm mặc, bộn bề tâm trạng ông họa sĩ, truyện lập tức nổi tiếng, đi vào giáo khoa, nhiều tuyển tập…Vài nhà văn nay ngót nghét bảy chục kể năm ấy đưa đàn em đi thực tế, gặp chàng khí tượng nọ, Nguyễn Thành Long bần thần rồi cuống lên đòi quay lại Hà Nội ngay, bỏ luôn “sứ mạng” dẫn dắt. Nếu thế cũng là bình thường, nhà văn sẵn ý tưởng gặp nguyên mẫu như mây dông phải sét, cứ phải đắm ngay cháy ngay, đợi đến lúc xong việc chung mới sờ đến niềm riêng nó ỉu ra rồi, cảm hứng tơi tả mà giọng điệu cũng rời rạc. Nhưng ông Sử kể khác:

– Năm 1970 tôi ở trạm Hoàng Liên Sơn thuộc đài Vật lí Địa cầu Sa Pa, đóng trên đèo Ủ Quây Hồ, tức “Năm con hổ quây lại”, cùng với Nguyễn Xuân Tỵ. Tỵ là “con sóc Hoàng Liên Sơn”, mình bắc bếp chưa chín nồi cơm anh ấy đã kiếm được rổ nấm. Bấy giờ xe ca Lai Châu tuần một chuyến, ông lái dẫn ông Long lên trạm lần đầu gặp Tỵ. Lần sau lên, cũng xe ca, ông Long hỏi ngay “Anh Tỵ đâu?”. Ông ấy xưng họa sĩ, có cô kĩ sư đi nhận việc, nhưng không có đoạn để quên khăn tay như một lời trao tặng đâu. Hoa không trồng, tôi dứt bông bách hợp từ vách đá tặng. Người hay lăn gỗ để tán chuyện là tôi. Tôi cũng không đun nước pha chè, nhưng luộc trứng gà tặng. Ít lâu sau nghe “đọc truyện đêm khuya” trên đài. “Ô! Sao giống mình thế!”. Vậy là có hai nguyên mẫu (gọi là “nguyên cớ” chắc cũng chả sai) cho chàng thanh niên trong truyện. Ông Tỵ sau về quê Thái Bình. Dân khí tượng Hoàng Liên Sơn “xác nhận” có một Lê Văn Sử “lặng lẽ Sa Pa”, còn người Than Uyên chỉ biết ông chọc ngoáy đồ điện ngoài chợ. Không quá bẽn lẽn, hồn nhiên, mỏng manh như nhà văn nặn, cũng thảo tính, quý người, nhưng ông Sử nghịch tinh, bản năng sinh tồn mạnh mẽ. Có khi ông bày tỏ mình “hiện đại” giống cô kĩ sư trong truyện hơn, thế chăng? Truyện viết “Lặng im chỉ chực mình ra là ào ào xô tới”, ông bảo “thèm người thực, nhưng thế mãi sống sao được. Những trạm Tam Đường 180 bậc dốc đứng, trạm Sơn La 270 bậc trông sang nhà tù cũ ông nhớ như in”… Kho chuyện mở ra, chả biết Nguyễn Thành Long sống lại nghe có thêm được mấy thiên “Lặng lẽ” nữa: “Quê tôi Bình Lục, Hà Nam, đúng làng Ngọc Lũ trống đồng. Tôi sinh 1937, thầy tướng bảo đoạn giữa đời khổ lắm. Học tiếng Pháp qua ông ngoại, không thuộc phải đấm lưng, đấm cả trưa rất hãi nên phải thuộc. Năm Cải cách mẹ lên Tây Bắc làm cấp dưỡng khí tượng, tôi vào nghề từ đấy, đi khắp các trạm và cũng leo từ sơ cấp lên đại học…”. “Lán ông Long lên ở độ cao khoảng 2.000m, có giường, bếp củi, trong thưng ni lông che gió kín mít, nên ngủ dậy lỗ mũi đen xì. Tháng có 50 đồng lương, 21 cân gạo, 6 quả pin, sổ mua dầu hỏa, đài Orionton chạy ắc quy. Ngày lên vườn máy vào 7, 13 và 19 giờ đo nhiệt độ khô – ướt – cao – thấp, độ ẩm, bốc hơi… ghi sổ, xuống tính toán rồi chuyển về đài mẹ. Gió rùng rợn, dây trên vườn hú ầm ầm, ra rừng nằm trên thảm lá mới khỏi lộng óc. Mùa đông tuyết rơi vài tấc. Cô tịch nhất là lúc hết mặt trời, không thấy khói bếp dưới bản, vặn đài thật to rồi hát theo. Nghiện thuốc lào từ đấy”. “Ăn thì khỏe kinh khủng, vì cứ đói là rét không chịu được. Tháng ba chục cân gạo dễ cũng hết. Được cái bộ đội, lái xe chơi thân, lỡ độ đường ngủ lại, rồi thịt thà cá khô đem cho. Chả tủ lạnh gì cả, trời rét không ôi thiu, với lại mình chén hết ngay. Món “tuyệt cú mèo” nhất là quả táo Mèo xanh thái ra rang với mắm tôm, nhưng ăn nhiều quá, táo bón. Cho nên trồng rau nhiều, cải xanh, cải xoong, kiếm nấm tai chuột cho mát ruột. Chả trồng hoa đâu, như anh chàng trong truyện ông Long thì lãng mạn quá. Nói không ngoa, phải ăn tạp, uống tạp, sống tạp mới trụ nổi trên đèo…”,“Làm khí tượng thì phải tỉ mỉ, đúng bài bản, quy trình học. Nhưng lắm kinh nghiệm dân gian nên theo. Đận kiến bống tha đất be tổ, ong không bay xa kiếm mật, tôi đoán gió to về, báo cho Nông trường Than Uyên huy động người gặt đêm, khỏi mất vụ…”… Văn học có ý nghĩa ở chỗ ấy, định hình nên những cột mốc trong khi thời đại cứ vật đổi sao dời…(Theo Hoàng Định, báo Hà Nội mới số 20/21-2-2012)


Xem thêm:

Tham khảo các tài liệu về Tác phẩm văn học tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/tai-lieu/tac-pham/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học