chan dung tac gi han mac tu

CHUYÊN MỤC CHÂN DUNG TÁC GIẢ: HÀN MẶC TỬ

“Mai sau, những cái tầm thường, mực thước sẽ biến đi và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử” – Đó là những lời của Chế Lan Viên dành tặng cho Hàn Mặc Tử và đó cũng như một tuyên ngôn rằng: thơ Hàn đặc biệt và người sẽ sống mãi.

Hàn Mặc Tử (22.9.1912 – 11.11.1940), tên thật là Nguyễn Trọng Trí, ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống theo đạo, bản thân Hàn Mặc Tử cũng chịu ảnh hưởng bởi gia đình, ông cũng là một người ngoan đạo, ảnh hưởng ấy còn đi vào trong thơ Hàn. Hàn Mặc Tử bộc lộ tài thơ từ sớm, tập thơ đầu tay của ông là thơ Đường, đã được Phan Bội Châu khen nức nở. Từ đấy, cái tên Hàn Mặc Tử dần được biết đến trên văn đàn. Trong cuộc đời Hàn Mặc Tử, cũng có nhiều bóng hồng thoáng qua đời. Tuy nhiên, có lẽ cái nghiệt ngã mà người tài từ thiên cổ vẫn mang mà như cụ Nguyễn Du nói là: “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen” thì Hàn Mặc Tử cũng chẳng tránh nổi kiếp số đớn đau. Khoảng đầu những năm 1935, gia đình Hàn Mặc Tử đã phát hiện những dấu vết của bệnh phong – một căn bệnh thuộc loại “tứ chứng nan y” bấy giờ trên người Hàn Mặc Tử, tuy nhiên, thời gian này bệnh trạng còn chưa phát lộ hẳn nên Hàn Mặc Tử chỉ nghĩ là phong ngứa bình thường. Đến giai đoạn những năm 1938-1939, bệnh tật diễn tiến mạnh hơn, vật vã trong những cơn đau, ông phải vào Bệnh viện phong Quy Hòa để chữa trị. Mang theo nỗi đau đớn về thể xác do bệnh tật mang lại, Hàn Mặc Tử còn phải chịu dày vò bởi tâm bệnh với con đường tình duyên chẳng mấy suôn sẻ. Hai nỗi đau ấy Hàn Mặc Tử gửi cả vào thơ, khiến những lời thơ của ông dường như cũng rướm máu. Vào nhà thương Quy Hòa được hai tháng, Hàn Mặc Tử nói lời chia tay với cõi đời, ông từ trần vào tháng 11 năm 1940.

Bén duyên với nghiệp cầm bút, Hàn Mặc Tử lấy nhiều bút danh khác như Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh, Mlle Phương Liên,… Ngoài ra, Hàn Mặc Tử còn được biết đến là chủ soái của trường thơ Loạn ở Bình Định bấy giờ. Ông được đánh giá là một hiện tượng thơ đầy bí ẩn và phức tạp. Hàn Mặc Tử đã để lại một sự nghiệp thơ vô cùng giá trị như: “Lệ Thanh thi tập (thơ), Gái quê (1936), Thơ Điên (hay Đau Thương, 1938), Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm Châu Duyên, Chơi giữa mùa trăng”.

Nhắc đến Hàn Mặc Tử, người đời nhớ đến một hồn thơ bí ẩn, kì lạ xếp vào hàng bậc nhất của thi ca đương thời. Nhưng, Hàn Mặc Tử cũng là một hồn thơ đặc biệt. Đặc biệt ở tài năng nghệ thuật ít ai bì kịp – “mai sau này những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến đi và còn lại cái thời kì này chút gì đáng kể. Đó là Hàn Mặc Tử”. Nhưng đặc biệt nhất là phải ở những câu thơ đầy ám ảnh của ông do bệnh tật, nỗi cô đơn đã khiến Hàn Mặc Tử sáng tạo nên một thế giới vượt qua ngoài tầm kiểm soát của lí trí thông thường mà đó là kết quả của sự dâng trào mãnh liệt về cảm xúc, của tưởng tượng, của trạng thái được đẩy lên cực điểm. Khởi đầu, Hàn Mặc Tử sáng tác thơ theo lối cổ điển nhưng về sau thì lại mang đậm khuynh hướng lãng mạn, thậm chí ông còn vượt qua được lãng mạn để chạm đến bến bờ thơ tượng trưng siêu thực.

Để nói về Hàn Mặc Tử thì còn phải tốn hàng ngàn trang giấy, hàng ngàn bút mực, tuy nhiên, điều muốn nói ở con người Hàn đó chính là một niềm yêu đời, yêu người tha thiết, tha thiết đến cùng cực. Thơ Mới nếu nói về tình yêu đời đắm say chẳng ai lại không nhớ đến nhà thơ mới nhất trong số những nhà thơ Mới – Xuân Diệu. Thế nhưng nhắc Xuân Diệu là nhắc về một hồn thơ lúc nào cũng dào dạt, đắm say, cuồng nhiệt nhưng khi nhớ về Hàn Mặc Tử người ta thường nhớ đến một con người phải sống trong đớn đau, trong quằn quại. Và đau thương là thế nhưng người đời đều phải công nhận rằng “cái căn cốt lành mạnh tích cực” là một tình yêu đến đau đớn hướng về cuộc đời trần thế. Hàn Mặc Tử ham mê sự sống, nhìn nó qua màu sắc dục tính nhưng không hề vẩn đục, với ông đó là cõi đời trinh khiết mà bản thân Hàn không tài nào với được. Phải, làm sao có thể khi cái căn bệnh được coi là tứ chứng nan y thuở bấy giờ là sợi dây thừng ngăn cách Hàn với đời, sống trong cô đơn, trong xa lánh, trong ruồng bỏ lại thêm những mặc cảm thân phận, trong vắng lặng chỉ có một niềm đau đáu hướng về cuộc đời, về con người. Hãy cùng xem thế giới trinh khiết mà Hàn Mặc Tử đã dụng công, dụng tâm khắc họa trong từng lời thơ:

“Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.” (Trích từ “Mùa xuân chín”)

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.” (Trích từ “Đây thôn Vĩ Dạ”)
“Mai sáng mai, trời cao rộng quá!
Gió căng hơi và nhạc lên mây.
Đôi lòng cũng ấm như xuân ấm,
Chỉ có áo xuân trắng trẻo thay…” (Trích từ “Xuân đầu tiên”)

Khi bị bệnh tật giày vò, ông tự thấy mình cách xa cuộc đời, thuộc về mỗi cõi khác, là chốn “lãnh cung” nhưng càng chia lìa, càng bị cuộc đời bỏ rơi, thi sĩ càng yêu đời thiết tha, đắm say đến đau đớn. Yêu đời nên mới thấy đời đẹp, mà càng thấy đẹp bao nhiêu, trinh khiết bao nhiêu lại càng tiếc đời, và càng tiếc đời lại càng đau khổ. Vì lẽ đó mà dễ thấy trong thơ Hàn vừa có nỗi đớn đau tuyệt vọng, lại vừa có những trong trẻo, thanh khiết thiêng liêng. Và như đã nói, Hàn Mặc Tử là một hồn thơ bí ẩn, lạ lùng, bàn luận về thơ Hàn người ta có thể nhắc đến biết bao là vấn đề, tuy nhiên, dù thế nào cũng không thể phủ định có một tình yêu đời nồng thắm, thiết tha mà thơ Hàn mang nặng, chính lẽ ấy đã khiến người thi sĩ tài hoa mà bạc mệnh này sẽ sống mãi cùng non sông gấm vóc.


Hình ảnh do Thích văn học thực hiện

Xem thêm:

Xem thêm các bài viết được chia sẻ bởi độc giả của Thích Văn Học tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/tai-lieu/tac-gia/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học