Đề bài
Phân tích nhân vật anh thanh niên trong hai đoạn trích sau:
(…) Cháu lấy những con số, mỗi ngày báo về “nhà” bằng bộ đàm bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, lại một giờ sáng […] Những lúc im lặng lạnh cóng mà hừng hực như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ lại được.
Và:
Quê cháu ở Lào Cai này thôi. Năm trước, cháu tưởng cháu được đi xa lắm cơ đấy, hoá lại không […] Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn.
Bài làm
Quan niệm về truyện ngắn, Pauxtopki cho rằng: “Truyện ngắn là một truyện viết rất ngắn gọn, trong đó cái không bình thường hiện ra như một cái gì đó bình thường, và cái bình thường hiện ra như một cái gì đó không bình thường”. Với hai đoạn văn trên trích truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, Nguyễn Thành Long đã truyền tải cho bạn đọc bức chân dung nhân vật anh thanh niên gần gũi, giản dị nhưng lại mang đến một vẻ đẹp đầy phi thường. Đó là những suy nghĩ đẹp, hành động đẹp, lí tưởng sống đẹp vượt lên trên sự vất vả, khắc nghiệt của công việc, đáng để trân trọng và ngợi ca.
Trong sự nghiệp sáng tác văn chương nói chung, mỗi người nghệ sĩ đều có những chất riêng làm nên phong cách của mình. Nếu như Nam Cao hay Ngô Tất Tố mang đến những nét chữ lạnh lùng, dữ dội thì Nguyễn Thành Long lại được biết đến với thứ văn nhẹ nhàng, đầy chất thơ. Ngòi bút của ông chuyên viết về thể loại truyện văn và kí. Trong đó, truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” được sáng tác năm 1970 nhân chuyến đi thực tế Lào Cai đã trở thành một áng văn nổi bật trong hành trình đi góp mật cho đời của tác giả cũng như văn chương thời kỳ miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cụ thể là những vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật anh thanh niên được khắc họa qua đoạn trích thứ nhất khi bàn về công việc khó khăn và đoạn trích thứ hai khi ngợi ca niềm hạnh phúc cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước.
Trước hết, với đoạn văn thứ nhất, vẻ đẹp phi thường của con người bình thường ấy được thể hiện ở sự nghiêm túc, tự giác và tinh thần trách nhiệm cao. Anh là một người rất yêu nghề và nhận thức đúng đắn về ý nghĩa công việc của mình. Đó là làm khí tượng kiêm vật lý cầu. Anh phải đo nắng, đo mưa, đo chấn động mặt đất và dự báo thời tiết hằng ngày nhằm mục đích phục vụ cho sản xuất và chiến đấu. Cụ thể là ở mỗi khung giờ nhất định như “bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, một giờ sáng” anh phải lấy những con số để báo về “nhà”. Đây là những con số biết nói, phản ánh sâu sắc tính chất công việc cũng như những vất vả của anh thanh niên. Đặc biệt là một giờ sáng – khoảng thời gian vốn dành để nghỉ ngơi nhưng chính trong cái rét của mưa tuyết như trực chờ để ùa vào cứa da cứa thịt thì anh vẫn miệt mài lao động. Ở đây, nhà văn để nhân vật tự giới thiệu bằng lời của mình như một lời thủ thỉ đầy tâm tình, gần gũi. Nơi đỉnh núi Yên Sơn, dường như con người ấy quanh năm làm bạn cùng nỗi cô đơn. Lẽ vậy, khi gặp ông hoạ sĩ và cô kỹ sư, nhân vật như được trút bầu tâm sự. Từ đó, bạn đọc mới thấu tỏ hơn nữa những khó khăn, gian khổ của người làm khí tượng kiêm vật lý cầu.
Văn chương còn vốn là tấm gương phản ánh hiện thực đời sống. Và Nguyễn Thành Long với ngòi bút của mình đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn chân thực về những vất vả của anh thanh niên. Một công việc mà có lẽ ít ai biết đến. Nhưng chính bức phông nền hiện thực khắc nghiệt ấy lại làm nổi bật hơn nữa vẻ đẹp hành động cũng như phong cách sống của nhân vật. Dẫu rằng không một ai thúc giục hay kiểm tra nhưng với tinh thần trách nhiệm, ý thức cao, anh luôn chủ động hoàn thành công việc của mình. Đặc biệt, với tính khoa học của công việc khí tượng kiêm vật lý cầu nên phong cách sống của anh thanh niên cũng vì vậy mà luôn đề cao tính chính xác, nguyên tắc. Quả thật, phải yêu công việc này đến nhường nào thì con người trẻ ấy mới có thể gác lại những phồn hoa đô thị để cống hiến sức mình cho đất nước. Ở anh còn là sự nghị lực, ý chí, tâm huyết hay nói cách khác là sức mạnh tinh thần lớn lao, mạnh mẽ.
Nếu như ở đoạn văn thứ nhất tác giả mang đến những ngợi ca về hình ảnh con người lao động trách nhiệm thì với đoạn văn thứ hai là sự trân trọng niềm vui, niềm hạnh phúc vinh quang của con người khi được cống hiến. Trước hiện thực khắc nghiệt phải thức khuya dậy sớm, con người ấy vẫn chia sẻ những lao động hằng ngày của mình với sự hóm hỉnh, đáng yêu. Cụ thể là chi tiết bố anh thắng “một – không” khi được ra tiền tuyến. Con người ấy vốn đã từng xung phong vào hàng ngũ chiến đấu nơi chiến trường. Quả thật sâu bên trong nhân vật anh thanh niên là một con người dũng cảm và có khát vọng cống hiến mãnh liệt. Dẫu rằng không trực tiếp cầm súng mác nhưng ở hiện tại, anh cũng đang phải chiến đấu một mình trên một chiến trường cũng đầy khắc nghiệt, khó khăn. Đặc biệt, việc “phát hiện đám mây khô” của anh đã giúp cho không quân Việt Nam hạ gục máy bay phản lực Mỹ trên cầu Hàm Rồng. Anh kể lại những câu chuyện trong niềm hạnh phúc vỡ oà.
Không chỉ là người có lí tưởng sống cao đẹp mà anh thanh niên còn được biết đến với vẻ đẹp khiêm nhường, thái độ sống cao đẹp. Khi nhìn thấy ông hoạ sĩ vẽ mình, anh liền giới thiệu những người khác đáng vẽ hơn. Anh luôn tự ý thức những công việc của mình chỉ góp một phần cho sự nghiệp chung của đất nước. Anh quả thật là tấm gương của thế hệ trẻ sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Có một câu nói của Peter Marshall rất đáng để suy ngẫm: “Thước đo của cuộc đời không phải thời gian, mà là cống hiến.” Sự cống hiến, hi sinh là một giá trị cốt lõi và cần thiết trong cuộc sống cũng như Bác Hồ từng quan niệm : “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để phần ai”. Với nhân vật anh thanh niên chính là đại diện cho thế hệ trẻ – những người luôn lao động hăng say, sẵn sàng cống hiến cho sự phát triển của dân tộc. Đây chính là điểm gặp gỡ giữa hai đoạn văn.
Nếu nói truyện ngắn là cưa lấy một khúc của đời sống thì Nguyễn Thành Long đã cưa lấy một khúc của bối cảnh miền Bắc lúc bấy giờ với mong muốn đưa đến cho bạn đọc bao thế hệ về hình ảnh con người lao động thầm lặng. Để truyền tải được những giá trị tư tưởng ấy, nhà văn đã sử dụng những ngôn từ giản dị, gần gũi, vui tươi. Chẳng hạn như là những lời thoại tự nhiên của anh thanh niên: “Ơ?,Bác vẽ cháu đấy ư?….. Cùng với lớp ngôn ngữ như lời thơ nhẹ nhàng là tài năng trong nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật. Những lời thoại của anh thanh niên đều thể hiện rõ vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất đáng quý, đáng trân trọng. Đó là trách nhiệm, chịu khó, nhiệt huyết,… Đặc biệt, qua cách đặt tên nhân vật là “anh thanh niên”, tác giả còn gửi gắm biết bao giá trị tư tưởng. Không phải là một cái tên cụ thể, anh thanh niên chính là đại diện cho những con người lao động hăng say, lặng lẽ cống hiến cho sự phát triển của đất nước lúc bấy giờ.
Có thể nói, truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” như “mặt cắt giữa một thân cây cổ thụ: Chỉ liếc qua những đường vân trên cái khoanh gỗ tròn tròn kia, dù sau trăm năm vẫn thấy cả cuộc đời của thảo mộc”. Đó là một cuộc đời, một con người âm thầm hi sinh, âm thầm cống hiến. Để rồi, từ hình ảnh anh thanh niên lặng lẽ chốn Yên Sơn, con người ta biết đến một lớp người xung phong cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước. Ở họ vẫn giản dị và bình tâm, tuy không ai nhớ mặt, đặt tên nhưng đã góp phần làm nên dáng dấp, sức sống của dân tộc.
| Nội dung: Nuôi
Xem thêm:
- Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
- Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
- Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
- Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học