Ý nghĩa của sự tôn vinh

ý nghĩa của sự tôn vinh

Chia sẻ cảm xúc sau buổi khen thưởng của thành phố Hà Nội với hành động cứu cháu bé rơi xuống từ tầng 12A chung cư, anh Mạnh cho biết: “Mọi người gọi tôi là người hùng, nhưng tôi thấy cao siêu quá, tôi chỉ muốn là người bình thường thôi. Khi mọi người hỏi về chuyện đó, tôi cũng cố né tránh. Tôi chỉ muốn tiếp tục cuộc sống bình dị hiện tại và thực hiện các dự định cùng gia đình”.

Từ những chia sẻ này, mình đã suy nghĩ rất nhiều về sự tôn vinh và ý nghĩa của nó trong đời sống hiện tại.

Chắc hẳn các bạn cũng được biết được thông tin về sự việc: khoảng 17h30 chiều 28.2, bé gái 3 tuổi treo mình lơ lửng ở tầng 12A của tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng, anh Mạnh phát hiện vụ việc đã ngay lập tức trèo lên mái tôn phía sau tòa nhà và đón đỡ được đúng lúc bé gái rơi xuống.

Điều đáng nói là, sau hành động này, khác với sự khiêm nhường của anh Mạnh – người hùng đã cứu cháu bé (gửi cháu bé lại cho bảo vệ tòa nhà rồi tiếp tục công việc của mình) thì cộng đồng mạng đã đưa ra hàng loạt những bài viết, hình ảnh, video liên quan đến sự việc để tôn vinh, ngợi ca anh. Lãnh đạo thành phố cũng ngay lập tức có những hoạt động trao thưởng cho anh Mạnh vì sự dũng cảm, gan dạ và tinh thần sẻ chia đó.

Thiết nghĩ, đây là những hoạt động ý nghĩa để công nhận việc làm của “người hùng”, giúp lan tỏa giá trị của những nghĩa cử cao đẹp trong đời sống thường ngày.

Thế nhưng, không chỉ vậy, những người ở gần thì tới chơi nhà anh Mạnh, người ở xa thì gọi điện hỏi han, chúc mừng, động viên; cộng đồng mạng chia sẻ những thông tin đời tư, những hình ảnh cá nhân của riêng anh khiến cuộc sống của anh Mạnh gặp khá nhiều những xáo trộn.

Anh Mạnh ngại ngùng: “Khi mọi người hỏi về chuyện đó, tôi cũng cố né tránh. Tôi chỉ muốn tiếp tục cuộc sống bình dị hiện tại và thực hiện các dự định cùng gia đình”.

Anh cho biết: “Tôi vẫn phải đi làm. Lịch làm việc của tôi ngày nào cũng thế, kín hết cả ngày. Có những hôm làm thông trưa nên không thể có thời gian chia sẻ với các nhà báo đâu. Từ hôm qua tới nay, rất nhiều người gọi cho tôi, anh em, bạn bè cũng có, các anh chị nhà báo nữa. Mọi người cũng nhắn tin cho tôi nhưng tôi không có thời gian để lưu số, để đọc tin, vì phải chạy ngoài đường”. Anh Mạnh rất mong nhận được sự thông cảm vì những điều đó.

Anh Mạnh làm nghề lái taxi tải chở hàng theo yêu cầu của khách kiêm chuyển phát nhanh. Và như Mạnh nói, cho dù báo chí và cộng đồng mạng đưa anh lên làm “người hùng” thì anh vẫn là một người bình thường, phải làm công việc bình thường. Anh cho biết anh không muốn nhận tiền, quà của những người ngưỡng mộ việc làm của mình gửi đến, vì anh không quá khó khăn, vẫn có thể kiếm sống bằng sức lao động. Và hơn thế, việc anh cứu cháu bé không phải để nhận được sự ca ngợi và những món quà vật chất.

Như thế, dù anh Mạnh chỉ muốn mọi người xem những việc anh làm là bình thường, nhưng những nghĩa cử, hành động tốt như anh Mạnh đã làm rất cần được lan tỏa trong xã hội. Những điều tốt đẹp nho nhỏ có thể giúp cuộc sống đẹp hơn, con người yêu thương, nhân hậu với nhau hơn. Thêm nữa, từ những chia sẻ của anh, chúng ta cũng nên nhìn nhận lại cách tôn vinh những gia trị tốt đẹp mà chúng ta đang thực hiện. Đôi khi, sự quan tâm, ngưỡng mộ của chúng ta dành cho những “người hùng” chỉ nên dừng lại ở một mức độ nhất định thì sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều.


Các thông tin trong bài về chia sẻ của anh Mạnh được trích dẫn từ nguồn báo Tuổi trẻ

Xem thêm:

Tham khảo các bài viết về Nghị Luận Xã Hội tại: https://thichvanhoc.com.vn/ky-thi-thptqg/nlxh/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học