Tâm sự của nhà văn Tô Hoài

Tô Hoài – trò đúc dế, tôi rành lắm!

Viết truyện về con dế vì tuổi thơ thường chơi dế mèn ở bờ sông Tô Lịch, nhưng Tô Hoài gửi gắm trong truyện đồng thoại những tư tưởng của thế hệ mình.

•Nhờ “Dế mèn…” mà tôi được phiêu lưu

Năm 17 tuổi, khi vừa mới thôi học còn đang lang thang tìm việc, tôi đã bắt đầu sáng tác, vừa làm thơ vừa viết văn xuôi. Tôi vẫn thích thơ, nhưng thấy mình viết văn xuôi hay hơn.
Con dế mèn là tác phẩm đầu tiên của tôi được nhà xuất bản Tân Dân in. Đầu tiên đó là một tuyển tập gồm khoảng 20 truyện ngắn. Ngay sau khi tác phẩm được in một thời gian, ông Vũ Đình Long, giám đốc của NXB Tân Dân, gọi tôi lên chơi và nói chuyện.

Lúc đó tôi 21 tuổi, được mời đến nói chuyện thì thấy vinh hạnh lắm, đã vậy còn được tán dương. Ông ấy bảo, bạn đọc rất thích và NXB Tân Dân đặt tôi viết thêm viết cho dài ra. Tôi sướng lắm.

Nhuận bút của Con dế mèn là 5 đồng, lúc đó một tạ gạo chỉ có 3 đồng. Lĩnh nhuận bút tôi sắm ngay bộ quần áo tây và đi dép nilông thay cho bộ quần áo dài và đôi guốc mộc.

Tôi bắt tay ngay vào việc viết tiếp Con dế mèn để thành Dế mèn phiêu lưu kí như hiện nay. Với nhuận bút 25 đồng của Dế mèn phiêu lưu kí, lại xin được thẻ nhà báo tôi cũng bắt đầu chuyến phiêu lưu đầu tiên của mình khắp Bắc – Trung – Nam rồi Việt – Miên – Lào. Vừa đi đường vừa viết báo gửi về lấy tiền nhuận bút đi tiếp.

Chính cảm hứng phiêu lưu trong tôi đã giúp tôi viết được Dế mèn phiêu lưu kí, nhưng chính nhờ Dế mèn phiêu lưu kí mà tôi được phiêu lưu một cách thực sự. Theo như tôi được biết cho đến nay tác phẩm đầu tay này của tôi đã đi du ngoạn ở 37 nước, tôi là tác giả của nó mà còn đi chưa được bằng từng đấy.

• Những trò đúc dế, đấu dế tôi rành lắm

Tôi chọn nhân vật dế mèn vì có một thực tế hết sức dữ dội, đó là tôi chơi dế mèn trên bờ sông Tô Lịch.

Lúc đó Hà Nội không như Hà Nội bây giờ. Tôi ở Nghĩa Đô lúc đó Hồ Tây, sông Tô Lịch, những cánh đồng lúa làng Bái Ân, làng Nghĩa Đô, làng Hồ, làng An Thái… còn là thiên đường của trẻ con, chúng tôi có thể chơi suốt ngày ở ngoài đấy.

Những trò đúc dế, đấu dế tôi rành lắm, đến chân tơ kẽ tóc. Toàn bộ không gian của Dế mèn phiêu lưu kí chính là ở vùng ngoại ô ấy. Tôi đã tả, kể dế mèn bằng chính những kinh nghiệm đấy.

Khi viết Dế mèn, tôi có hai cuốn sách gối đầu giường là Gulivơ du kí (Jonathan Swift) và Con chim xanh (Maurice Maeterlinck). Chính cảm hứng từ hai cuốn sách đã khơi gợi trong tôi những tò mò về thế giới bên ngoài và ước muốn được phiêu lưu. Cả hai điều này nhuần nhuyễn trong tôi. Dế mèn phiêu lưu kí không phải là chuyện đồng thoại đơn thuần, mà mang những tư tưởng của chúng tôi thời đó.

Dế mèn hôm nay được 70 tuổi, mọi người cũng hay hỏi là bí quyết để thành công? Tôi cũng thú thật là tôi cũng không hiểu. Tôi viết Dế mèn vì cái tự do tư tưởng, tự do hiểu biết của mình. Tôi hết sức yêu cái thực tế của tôi, từ tình yêu đó mà tôi có thể sáng tạo.

• 70 năm kỉ niệm cùng “Dế mèn phiêu lưu kí”

Tôi có nhiều kỉ niệm với Dế mèn phiêu lưu kí này ngoài hai kỉ niệm tôi vừa kể.
Dế mèn khi in ở Thái Lan, còn được sản xuất thành đồ chơi bằng nhựa, họ có tặng tôi. Còn ở Đức người ta in kèm sách một cuốn từ điển về dế mèn với tiểu sử khoa học của các nhân vật dế mèn, dế trũi… Còn ở Tula (Nga) có cháu bé viết thư cho tôi thắc mắc rằng “trong sách thấy có tả ‘con dế mèn răng trắng tẩy’ nhưng cháu xem sách khoa học thì dế mèn răng đen chứ không phải răng trắng”, thế là những lần in sau tôi phải sửa lại là “răng xám mờ”.

Có một may mắn, từ những bản in đầu tiên của Dế mèn phiêu lưu kí đến nay, chưa bản in nào không có minh hoạ. Bản in đầu tiên trong tủ sách Truyền bá của Tân Dân Con dế mèn và về sau là Dế mèn phiêu lưu kí do hoạ sĩ Nguyệt Hồ vẽ, về sau còn có rất nhiều bản vẽ khác của Ngô Mạnh Lân, Trương Qua và sau này là Tạ Huy Long.

Mỗi bản vẽ tôi đều có những điều tâm đắc riêng, nó đều có nhiều điều ăn ý với tôi. Cách đây không lâu anh Dương Trung Quốc có giới thiệu cho tôi một nhóm kiến trúc sư, nhà điêu khắc miền Nam họ đang có dự định là sẽ làm dế mèn bằng các chất liệu đồng, đá, gỗ… dựng trong công viên. Tôi vẫn đang chờ được nhìn thấy khu vườn tượng của dế mèn.


Bài viết được chọn lọc và trích dẫn từ bài phỏng vấn nhà văn Tô Hoài của Giáng Ngọc, đăng trên new.zing.vn ngày 27/09/2019 –
Photo: new.zing.vn

Xem thêm:

Xem thêm các bài viết được chia sẻ bởi độc giả của Thích Văn Học tại chuyên mục:https://thichvanhoc.com.vn/tai-lieu/tac-gia/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học