Nhận định về Tô Hoài và cách vận dụng khi viết về Vợ chồng A Phủ

Vợ chồng A Phủ Tô Hoài

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm  

       Tô Hoài là một cây bút xuất sắc  của nền văn học hiện đại Việt Nam, với những đóng góp bởi các thiên truyện hấp dẫn cùng lối viết sâu sắc, cái nhìn tinh tế về cuộc sống và khả năng đi sâu vào thế giới nội tâm của con người Giáo sư Phong Lê đã khẳng định “Tô Hoài là một trong những tác gia lớn nhất của thế kỉ 20. Ông thuộc thế hệ 20, từ năm 1920 ngược về trước. Đó là thế hệ vàng của văn chương hiện đại, làm nên mùa gặt ngoạn mục nhất của văn học thế kỉ 20 – làm nên mùa màng 1930-1945, cùng với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Xuân Diệu, Huy Cận”. Và tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” là một trong những truyện ngắn xuất sắc, đã thể hiện vị trí, tầm vóc cùng tài năng nghệ thuật của tác giả. 

2. Phân tích nhân vật Mị 

      Trên hành trình sáng tạo của mình, Tô Hoài đã có lần tâm sự: “Đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên… Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi”. Có lẽ, vì dấu ấn sâu đậm của mảnh đất Tây Bắc còn hằn in trong tâm trí của nhà văn đã trở thành động lực thôi thúc ông cầm bút sáng tác nên hình tượng nhân vật Mị – một biểu tượng của sức sống tiềm tàng mãnh liệt, một bông hoa của núi rừng Tây Bắc mà thông qua đó nhà văn khắc họa nên bức tranh hiện thực về cuộc sống khốn khổ, cùng cực của những người lao động miền núi cùng khát khao được sống, khát khao hạnh phúc và tự do của con người.  

3. Chi tiết tiếng sáo 

      Trong đêm tình mùa xuân, những nhân tố ngoại cảnh tác động tới Mị có thể kể đến như men rượu hay khung cảnh mùa xuân nơi miền núi Tây Bắc nhưng có lẽ nhân tố có tác động và ảnh hưởng lớn nhất đối với Mị không thể không nhắc tới tiếng sáo. Với tài năng nghệ thuật của mình, nhà văn Tô Hoài đã khắc họa sâu sắc, ấn tượng, tỉ mỉ chi tiết tiếng sáo. Bởi ông quan niệm rằng “Muốn viết văn, điều quan trọng nhất là chi tiết . Mà chi tiết thì không thể phịa ra được. Phải chịu khó quan sát, ghi chép, đọc và tiếp xúc càng nhiều càng tốt”. Dưới sự quan sát, đọc và tiếp xúc với bức tranh hiện thực ấy tác giả đã khắc họa tiếng sáo ở nhiều giai đoạn khác nhau tạo nên những sắc thái khác nhau nhưng suy cho cùng tiếng sáo là biểu tượng cho sự khát khao tình yêu, hạnh phúc, tiếng sáo đưa Mị theo những cuộc chơi, giúp Mị sống lại với quá khứ như một chất xúc tác quan trọng để đánh thức sức sống, sự trẻ trung yêu đời của cô Mị ngày trước. 

4. Nhận xét, đánh giá 

           Như vậy, với những đặc sắc trong bút pháp nghệ thuật của mình, Tô Hoài đã thành công khắc họa hình tượng nhân vật Mị chứa đựng những tâm tư, tình cảm, quan niệm cùng sự khám phá của mình về mảnh đất và con người Tây Bắc. Chính điều đó đã giúp nhà văn khẳng định giá trị của một người nghệ sĩ chân chính và tạo nên sức sống bền bỉ cho tác phẩm của mình. Có lẽ, vì thế mà nhà phê bình văn học Phan Anh Dũng đã khẳng định “Hơn cả một nhà văn, Tô Hoài đã, đang và sẽ luôn là người bạn đường thân thiết của độc giả thuộc mọi lứa tuổi, trên con đường đưa họ đến với thế giới động tưởng tượng thuở nhỏ, hay đến với những miền đất mới, đến với con người đời dài rộng khi đã trưởng thành.” 

Xem thêm:

Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học