Nhận định về nhân vật trong tác phẩm, nhà văn Tô Hoài đã viết: “Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác.” Nhân vật văn học chính là người chỉ đường, là hoá thân cho tinh thần và tiếng nói của người nghệ sĩ. Đọc xong một tác phẩm, khép lại trang sách cuối, cái đọng lại sâu nhất trong tâm hồn người đọc chính là những cảm xúc, những suy tư trăn trở về số phận, về cuộc đời của những con người được nhà văn thể hiện. Và Tô Hoài thực sự đã thành công trong việc tạo ra một nhân vật hội tụ đầy đủ các yếu tố để có thể rung lên sợi dây đồng điệu giữa người đọc và tác phẩm – nhân vật Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Chính sức sống tiềm tàng và khát vọng tự do mãnh liệt của Mị đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả mà đồng thời qua đó, chúng ta cũng có thể nhìn thấu tấm lòng nhân đạo sâu sắc của người nghệ sĩ Tô Hoài.
Nhắn đến Tô Hoài, là nhắc ngay đến một cây bút tên tuổi của nền văn học cận đại Việt Nam. Nhà báo Hà Thuý Anh đã từng nhắc đến Tô Hoài với những ca từ như thế này: “Tô Hoài là một trong những tác gia lớn nhất của thế kỷ XX. Ông là nhà văn thuộc thế hệ từ năm 1920 đổ về trước, đó là thế hệ vàng của văn chương Việt Nam hiện đại, làm nên mùa gặt ngoạn mục nhất của văn học thế kỷ XX – mùa vàng 1930 – 1945 cùng với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố. Ông cũng là người hiếm hoi nhất còn lại của thế hệ vàng son ấy.” Hơn 70 năm lao động nghệ thuật cần mẫn, Tô Hoài đã cho ra đời số lượng tác phẩm đồ sộ – hơn 150 đầu sách với nhiều thể loại: Truyện ngắn, truyện dài kỳ, bút ký, ký sự, tiểu thuyết, hồi ký,… với lối viết thông minh, hóm hỉnh nhưng cũng không kém phần khéo léo và tinh tế.
Trước 1945, ông thể hiện sức sáng tạo dồi dào của mình với hai chủ đề chính là truyện về loài vật và truyện về những cảnh đời lầm lũi nơi vùng quê nghèo ngoại thành, tiêu biểu là “Dế mèn phiêu lưu kí”, “O chuột”, “Đôi ri đá”, “Mẹ già”, “Khách nợ”,… Sau 1945, ngòi bút của ông đã vượt thoát khỏi ngôi làng ven đô ấy để hướng đến cuộc sống của nhiều lớp người, nhiều vùng đất khác nhau, ông viết về những anh hùng người dân tộc thiểu số đã hiến dâng đời mình cho Tổ quốc trong “Kim Đồng”, “Vừ A Dính”, ngoài ra, ông còn viết những tác phẩm về miền Tây Bắc như “Núi cứu quốc”, “Miền Tây”,… mà trong đó tập “Truyện Tây Bắc” là một tác phẩm xuất sắc.
“Truyện Tây Bắc” gồm ba truyện: “Cứu đất cứu mường”, “Mường Giơn” và “Vợ chồng A Phủ” được Tô Hoài viết năm 1953, ngay sau chuyến thâm nhập thực tế lên Tây Bắc của tác giả. Với tập “Truyện Tây Bắc”, Tô Hoài đã khắc họa một cách chân thật, sinh động những nỗi đau thương, tủi nhục của người dân miền núi dưới ách áp bức nặng nề của thực dân phong kiến, cũng là lần đầu tiên cuộc sống khổ cực của người dân miền núi hiện lên rõ nét trong văn chương Việt Nam lúc bấy giờ. “Truyện Tây Bắc” được tặng Giải Nhất, Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1954 – 1955.
“Vợ chồng A Phủ” là truyện ngắn đặc sắc nhất trong tập “Truyện Tây Bắc”, cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn xuôi hiện đại Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Tô Hoài kể lại: “Cái kết quả lớn nhất và trước nhất của chuyến đi tám tháng ấy là đất nước và con người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều quá, tôi không thể bao giờ quên. Tôi không thể bao giờ quên được lúc vợ chồng A Phủ tiễn tôi tại dốc núi làng Tà Sùa rồi cùng vẫy tay gọi theo: “Chéo lù ! Chéo lù” (Trở lại ! Trở lại!). Có lẽ chính vì vậy mà Tô Hoài đã viết “Vợ chồng A Phủ” bằng cả tấm lòng nhân đạo và yêu thương sâu sắc của mình. Tác phẩm là bức tranh chân thực về cuộc sống và số phận nghiệt ngã của người nông dân nghèo miền núi dưới ách áp bức bóc lột tàn bạo của các thế lực phong kiến và thực dân, đồng thời lại là một bài ca về sức sống mãnh liệt và khát vọng tự do của con người. Mà ở đây, những hiện thực, những xót xa, những hy vọng, những yêu thương ấy đã hoá thân từ ngòi bút của Tô Hoài để xây nên hình tượng nhân vật Mị – nhân vật trung tâm của đoạn trích “Vợ chồng A Phủ” – với sức sống tiềm tàng mạnh mẽ ẩn sâu trong tâm hồn của một người con gái bị trói buộc bởi những gông xiềng của hủ tục lạc hậu và nạn ách bức bóc lột của bọn địa chủ phong kiến.
Mị xuất hiện lần đầu tiên ở phần đầu câu chuyện qua vài nét phác hoạ đơn sơ của Tô Hoài: “Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lý Pá Tra thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi.” Mị hiện lên với cuộc sống lầm lũi, buồn khổ, tủi nhục trong thân phận vợ của A Sử, con dâu nhà thống lý Pá Tra. Cuộc đời chát đắng của Mị bắt đầu từ khi cô bị bắt về làm dâu gạt nợ, cuộc sống tươi đẹp, tự do trước kia giờ đây chỉ còn là hồi ức giữa những giọt nước mắt lăn dài. “Tết năm ấy, tết vui chơi, trai gái đánh pao, đánh quay rồi đêm đêm rủ nhau đi chơi. Những nhà có con gái, bố mẹ không thể ngủ được vì tiếng chó sủa. Suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh vách. Trai đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị.”
Mị từng là một cô gái trẻ trung, hồn nhiên, có tài “thổi lá cũng hay như thổi sáo có biết bao nhiêu người mê”. Là cô gái chăm chỉ, hiếu thảo, giàu lòng yêu đời, đang sống trong những ngày tháng tươi đẹp của tuổi xuân, nhưng quãng thời gian ấy lại chẳng kéo dài được bao lâu, do cha mẹ Mị nợ nhà thống lí Pá Tra, không có tiền trả, Mị phải trở thành con dâu gạt nợ cho nhà thống lí. Bị bóc lột sức lao động, bị đánh, bị phạt, bị trói, Mị dần trở nên chai sạn với nỗi đau: một cô gái lúc nào cũng vậy dù quay sợi, thái cỏ ngựa,… đều cúi mặt “mặt buồn rười rượi”, không quan tâm đến thời gian “Ở cái buồng Mị nằm kín mít, có một chiếc cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.” Mị sống lầm lũi “như con rùa nuôi trong xó cửa”, “ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Cô gái trẻ trung, yêu đời của quá khứ nay đã bị thực tại nhấn chìm. Mị sống mà như đã chết, ý thức làm người vốn có của cô đã bị giai cấp phong kiến làm cho tê liệt. Dường như số phận đã cột chặt Mị vào gian nhà tăm tối của thống lý Pá Tra mặc cho cô gái trẻ có van lơn, có vẫy vùng. Ngòi bút của Tô Hoài đã rất thành công trong việc miêu tả tinh thần đang chết dần chết mòn đi từng ngày của nhân vật Mị.
Những tưởng cuộc đời Mị từ đây đã bị chôn vùi trong những gông xiềng của hủ tục lạc hậu và nạn áp bức bóc lột tàn bạo nhưng không, trong sâu thẳm tâm hồn câm lặng ấy vẫn le lói một khát khao sống, khát khao tự do luôn âm ỉ cháy chỉ chờ ngày bùng lên mãnh liệt. Sức sống tiềm tàng ẩn sâu trong nhân vật Mị được ngòi bút tài năng của Tô Hoài thể hiện qua nhiều phương diện, nhiều chi tiết thấm đẫm tinh thần nhân đạo sâu sắc. Ngòi bút của người nghệ sĩ không chỉ nhằm phơi bày sự thật đen tối mà còn đưa người đọc hướng tới ánh sáng của niềm tin, của cái thiện ở đời.
Sức sống tiềm tàng mãnh liệt ấy, trước tiên và đơn giản nhất được bộc lộ trong những phản ứng ngầm tỏ rõ việc Mị phủ định cuộc sống nơi mình đang chết dần chết mòn đi từng ngày. Khi về làm dâu nhà thống lý Pá Tra, “Có đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc” – những giọt nước mắt ấy là sự phản kháng yếu ớt của Mị đối với giai cấp cầm quyền bóc lột tàn bạo sức lao động của người dân miền núi. Cuộc sống đối với Mị giờ đây đã chẳng còn ý nghĩa khi tất cả khát vọng, niềm tin, lòng tự tôn bị chà đạp, rẻ rúng, để rồi cuối cùng Mị phải tìm đến lá ngón, chọn cái chết để giải thoát bản thân khỏi gông xiềng hủ tục. Phải chăng với cô gái trẻ, cái chết chính là lời tố cáo đanh thép nhất đối với giai cấp cầm quyền, thể hiện sự phủ nhận quyết liệt với cuộc sống “địa ngục trần gian” mà cô đang trải qua? Chi tiết này cho thấy sự phản kháng mạnh mẽ trong tâm hồn Mị, bản thân Mị tìm đến lá ngón ở đây lại là một biểu hiện rất rõ ràng của lòng khao khát hạnh phúc, cuộc sống tươi đẹp. Ngòi bút của Tô Hoài đã đào sâu vào trong tận cùng ý thức của nhân vật để khơi dậy chút ánh sáng của niềm ham sống và khát vọng tự do mãnh liệt.
Sự thức tỉnh trong ý thức của Mị được nhà văn đặt vào trong một hoàn cảnh “điển hình” – ấy là khi mùa xuân về trên miền núi cao Tây Bắc. Mùa xuân là mùa của sự sống và khát vọng, chính vì vậy mà cái không khí ngày xuân ở Hồng Ngài đã tác động mạnh mẽ vào tâm hồn vốn đang chết dần đi từng ngày của cô gái trẻ, kéo cô trở lại với cuộc đời tươi đẹp cô đáng sống, để ngọn lửa ham sống trong lòng Mị bừng lên.
“Ở Hồng Ngài người ta thành lệ cứ ăn Tết khi gặt hái vừa xong, không kể ngày, tháng nào. Ăn Tết như thế cho kịp lúc mưa xuân xuống thì đi vỡ nương mới.” Mùa xuân năm ấy ở Hồng Ngài đẹp và gợi cảm biết bao: “Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa xếp yên đầy các nhà kho. Trẻ con đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đã đốt những lều canh nương để sưởi lửa… Hồng Ngài năm ấy ăn tết giữa lúc gió thổi và cỏ ranh vàng ửng… Trong các làng Mèo, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xoè như con bướm, sặc sỡ… Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân trước nhà. Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi..”. Chính không gian rộn rã sắc màu cùng tiếng sáo tha thiết và âm thanh cuộc sống bên ngoài đã đánh thức cô Mị ngày xưa. Tiếng sáo như chạm vào nỗi nhớ, khơi dậy trong tiềm thức của cô gái trẻ những kỷ niệm khi xưa. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bồi hồi. Mị ngồi nhẩm lại bài hát của người đang thổi… Mị lẩm nhẩm lời bài hát, trong khoảnh khắc tâm hồn trở về với thanh xuân tươi đẹp, khao khát tình yêu hạnh phúc.
Mùa xuân rộn rã sắc màu âm thanh ấy gợi cho Mị nhớ lại thời xa xưa. Ngày xưa, Tết Mị uống rượu. Bây giờ, Mị cũng uống rượu, “uống ừng ực từng bát”, uống như thể muốn quên đi thực tại để trở về với quá khứ tươi đẹp bị đánh cắp. Rồi Mị say. Rượu – chất men đánh thức phần đời đã mất của Mị, trong khoảnh khắc đắm mình vào men rượu, cô Mị của ngày xưa dường như đã thức giấc. Tai Mị vẳng nghe tiếng sáo vọng lại đầu làng. Đấy là tiếng sáo của tình duyên, của tuổi thanh xuân căng đầy sức sống. Mị ý thức được sự tồn tại của bản thân “thấy phơi phới trở lại”, “Mị còn trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”, với khát khao tự do, chấm dứt sự tù đày. Giờ nghe tiếng sáo ngoài đầu núi vọng lại lúc ẩn lúc hiện, trong Mị đã thức dậy điều gì đó quen thuộc, lâu nay bị lãng quên – lòng yêu đời ham sống.
Lúc say là thế nhưng khi tỉnh lại, Mị vẫn không thể chối bỏ thực tại – kiếp sống đoạ đày tại nhà tù của thống lý Pá Tra. Sự đối lập giữa một bên là hạnh phúc tuổi trẻ với một bên là kiếp sống trâu ngựa đã khiến Mị suy nghĩ đến việc kết liễu đời mình: “Nếu có nắm lá ngón trong tay, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa.” Ý nghĩ về cái chết lúc này là sự phản kháng với hoàn cảnh, nó cho thấy sự tự ý thức của Mị đối với hoàn cảnh xót xa đau khổ của bản thân. Trong khi đó tiếng sáo – biểu hiện của lòng khát khao tự do hạnh phúc – vẫn quẩn quanh trong đầu Mị, theo sát từng diễn biến tâm trạng của cô. Tiếng sáo ấy lửng lơ, tiếng sáo ấy làm Mị thiết tha bổi hổi. Mị muốn đi chơi. Mị muốn thoát ra ngoài cái ô cửa ô mờ đục, trăng trắng này biết bao!
Đến đây, từ những sôi sục trong tâm tư, Mị đã đi đến hành động. “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sang” hành động này mang nhiều ý nghĩa vì nó tượng trưng cho sự thức tỉnh trong tâm hồn của cô gái trẻ. Mị không chỉ thắp sáng căn phòng vốn âm u tăm tối mà còn tự tay thắp lên ánh lửa cho cuộc đời nô lệ của mình. Và hành động này góp phần thúc đẩy những hành động tiếp theo, Mị đã tự mình hành động như một con người tự do: Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở trong vách… Mị rút thêm cái áo.
Nhưng giữa lúc lòng ham sống của Mị trỗi dậy mạnh mẽ thì ngay sau đó nó lại bị vùi dập phũ phàng không thương tiếc: A Sử bước vào, thản nhiên, lầm lì, trói đứng Mị vào cây cột nhà như trói cả khát vọng và ước mơ của cô gái trẻ vào bóng đêm thăm thẳm của sự tuyệt vọng, hiện thực nghiệt ngã lại trở về với Mị. Nhưng A Sử chỉ trói được thể xác Mị, không trói được tinh thần Mị, cô vẫn sống trong những tiếng sáo thổn thức ngoài kia “Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi.”, đến nỗi Mị vùng bước đi, để rồi nỗi đau thể xác trên những vòng dây nói cho cô biết rằng cô đang bị trói, bị trói chặt cuộc đời bằng những gông xiềng của hủ tục lạc hậu và sự đàn áp bóc lột của giai cấp thống trị. Không còn tiếng sáo gọi bạn tình, chỉ còn tiếng chân ngựa đạp vào vách, thực tại nghiệt ngã đã bóp chết những khát khao trong lòng Mị.
Cuộc trỗi dậy tinh thần của Mị như một đợt sóng ngầm lặng lẽ nhưng mãnh liệt. Nó sẽ tuôn trào thành những đợt sóng mới, mạnh mẽ hơn lúc nào hết, bằng chứng là hành động cởi dây trói cho A Phủ đã đặt bút viết lên một chương mới cho cuộc đời Mị, mở ra những tháng ngày tươi đẹp sau này, thể hiện rõ nét nhất sức sống tiềm tàng ẩn sâu trong tâm hồn người con gái Tây Bắc. Sau cuộc nổi loạn không thành ở đêm tình mùa xuân, Mị tiếp tục rơi vào trạng thái tê liệt, cô lại trở về là cái xác không hồn. Nhưng với sự xuất hiện của A Phủ, cùng sự việc A Phủ bị trói đứng chờ chết đã thức tỉnh trong Mị tình yêu thương và khao khao sống.
A Phủ vì để mất một con bò mà bị bắt trói đứng nhiều đêm liền. Trước tình cảnh đó, ban đầu Mị dửng dưng, vô cảm, cô vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay “nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi”. Nào đâu Mị phải là người nhẫn tâm, chẳng qua khi ấy nỗi đau đã ngấm vào tâm thức Mị, khiến trái tim cả cô gần như tê liệt sức sống. Tội ác trong nhà tù thống lý Pá Tra vẫn diễn ra hằng ngày, việc A Phủ bị trói đứng cũng chỉ như phác thêm một nét chì lên bức hoạ tăm tối mà thôi. Trước những người cùng cảnh ngộ, Mị chẳng còn đủ nước mắt để xót thương. Lúc ấy, chỉ còn Mị với ngọn lửa vô tri vô giác ngoài kia.
Nhưng đến một đêm, Mị trở dậy thổi lửa sưởi, chính nhờ ngọn lửa, đêm ấy, Mị trông sang A Phủ và nhìn thấy một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống má đã xám đen lại. Dòng nước mắt ấy khiến Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải đứng trói thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không lau đi được. Rồi Mị xót xa cho A Phủ như xót xa cho chính bản thân mình. Mị thương cho A Phủ không đáng phải chết. Dòng nước mắt ấy đã tưới tắm cho trái tim khô cằn của Mị, đã đánh thức đời sống ý thức và tình cảm trong con người cô gái trẻ. Cùng với lòng thương cảm là sự căm phẫn, khi Mị đã nhận ra sự độc ác của gia đình thống lí, đây chính là bước đầu tiên nhóm lên trong Mị ý thức phản kháng, vùng lên đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác. Mị đã đi từ trạng thái vô cảm sang trạng thái đồng cảm, lòng thương người đã âm thầm mạnh mẽ lớn lên trong Mị, đưa Mị đến một quyết định táo bạo: cắt dây cởi trói cho A Phủ: “Mị lấy con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây”. Những hành động bất ngờ, quyết liệt cho thấy Mị đã cắt đứt sợi dây trói hữu hình đang giam cầm A Phủ để giải cứu cho đồng loại, đồng thời cũng cắt đứt sợi dây vô hình của thần quyền hủ tục để giải phóng cho chính mình. Nếu như đêm tình mùa xuân gắn với khát vọng hạnh phúc, thì đêm đông cứu A Phủ lại gắn liền với khát vọng tự do trong Mị – một con người tưởng như đã bị nô lệ hóa hoàn toàn. Sức sống bấy lâu nay bị đè nén tưởng đã tắt lịm đi, nay bỗng bật dậy trào dâng mạnh mẽ. Ý nghĩ cứu A Phủ đã mạnh hơn cả nỗi lo sợ cho chính mình. Mặc dù đây là hành động tự phát nhưng là kết quả của một quá trình, nó minh chứng sức sống tiềm tàng, âm ỉ không ngừng trong con người Mị.
Khi cởi trói cho A Phủ xong, Mị đứng lặng trong bóng tối. Mị thì thào lên một tiếng “đi ngay” rồi Mị nghẹn lại. Lòng cô rối bời với trăm câu hỏi: Vụt chạy theo A Phủ hay ở đây chờ chết? Nhưng cuối cùng, khát khao hạnh phúc tự do đã thôi thúc Mị phải sống, rồi Mị vụt chạy theo A Phủ. Trời tối lắm nhưng Mị vẫn băng đi. Bước chân của Mị như đạp đổ uy quyền, thần quyền của bọn lãnh chúa phong kiến đương thời đã đè nặng tâm hồn Mị suốt bao nhiêu năm qua, là bước chân của sức sống tiềm tàng mãnh liệt ẩn sâu trong tâm hồn người con gái Tây Bắc. “A Phủ. Cho tôi đi! Ở đây thì chết mất”. Đó là tiếng nói của một trái tim từng bị trói chặt trong gông cùm xiềng xích của lễ giáo phong kiến, nay vượt thoát ra ngoài bằng lòng yêu tự do và tinh thần quả cảm. Rõ ràng, trong đêm mùa đông này, sức sống tiềm tàng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Chính nó đã giúp Mị vượt lên trên số phận đen tối của mình.
Thực chất, quá trình Mị cắt dây trói và chạy theo A Phủ là một quá trình tự nhận thức: Nhận thức tại xã hội tàn bạo, lạnh lùng. Mị cứu A Phủ bởi cô thấy sự bất công, phi lí sắp giết chết một con người vô tội và nhận thức “người” cũng là để qua đó nhận thức, soi sáng “mình” cho nên, có thể nói, Mị cắt dây trói cứu A Phủ, cũng là Mị đã tự cắt dây trói buộc cô với nhà thống lí Pá Tra. Sức sống tiềm tàng của Mị thể hiện rõ nét và đậm nhất trong chi tiết này.
Tô Hoài có nghệ thuật miêu tả tâm lý tinh tế và phát triển tính cách nhân vật hợp lý. Nhà văn ít tả hành động mà chủ yếu khắc họa nội tâm. Các xung đột cũng thầm kín diễn ra, âm thầm mà mạnh mẽ. Đặc biệt là ở nhân vật Mị. Ngoài ra, nghệ thuật tả cảnh đặc sắc cũng góp phần tạo nên thành công trong tác phẩm. Cảnh thiên nhiên thơ mộng của núi rừng Tây Bắc được miêu tả bằng ngôn ngữ giàu chất thơ và chất tạo hình (cảnh mùa xuân về trên núi Hồng Ngài). Đời sống lao động và văn hóa của người miền núi với những nét sinh hoạt phong tục riêng, sinh động. Tô Hoài đã vượt qua được những hạn chế của một số tác phẩm đầu, ông không còn chỉ đứng ngoài quan sát mà đã hoà nhập vào thế giới của nhân vật để đồng cảm, để thấu hiểu, để yêu thương.
Như vậy, có thể nói, nhân vật Mị là kết tinh đặc sắc nhất của ngòi bút Tô Hoài khi viết về cuộc sống và con người miền núi Tây Bắc – một cô gái sống dưới ách áp bức bóc lột nặng nề nhưng luôn mang trong mình một sức sống mạnh mẽ. Phẩm chất phi thường của người con gái Tây Bắc ấy hiện lên quá đỗi xúc động trong từng trang giấy thấm đẫm tinh thần nhân đạo của người nghệ sĩ Tô Hoài.
Chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm văn học rất phong phú và đa dạng: Đó là biểu hiện của lòng yêu nước thương nòi, lên án tố cáo các thế lực tàn bạo chà đạp lên con người. Đồng thời, khẳng định đề cao phẩm chất, tài năng, những khát vọng chính như khát vọng về quyền sống, quyền hạnh phúc, công lý và chính nghĩa, đề cao đạo lý tốt đẹp giữa người với người.
Giáo sư Đặng Thai Mai đã khẳng định: “Tinh thần nhân đạo trong văn học trước hết là tình yêu thương con người.” Giá trị nhân đạo trong “Vợ chồng A Phủ” trước hết được thể hiện ở phương diện tố cáo những thế lực độc ác. Đó là thế lực phong kiến miền núi lợi dụng cường quyền đàn áp bóc lột sức lao động của người dân, đẩy họ vào bước đường cùng, vào bóng tối không lối thoát. Chính chúng đã đẩy một cô gái trẻ trung, yêu đời vào trạng thái vô cảm, tê liệt tinh thần mà vẫn tiếp tục dửng dưng đày đoạ. Những việc làm tàn bạo ấy không chỉ hành hạ về mặt thể xác mà nó còn bào mòn tinh thần con người đi từng ngày.
Bên cạnh đó, Tô Hoài còn thể hiện giá trị nhân đạo ở chỗ, ông thương cảm những số phận bất hạnh như Mị và A Phủ, cảm thông và thấu hiểu những tâm tư tình cảm, tâm trạng của những con người khốn khổ. Để rồi qua đó nhà phát hiện ra sức sống tiềm tàng trong họ và phẩm chất tốt đẹp của họ. Khi nói về cuộc sống khổ đau, tăm tối của Mị, những diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân và trong đêm mùa đông cứu A Phủ, ẩn sâu trong ngòi bút Tô Hoài là sự bênh vực và cảm thông sâu sắc. Viết về nỗi khổ đau, bất hạnh, ngòi bút nhà văn như có nước mắt, ông đã gieo vào lòng người đọc một niềm thương cảm sâu xa trước số phận tủi nhục của con người.
Nhưng tinh thần nhân đạo của tác phẩm, sâu sắc nhất là sự trân trọng khát vọng tự do, hạnh phúc và phẩm chất tốt đẹp của người dân cùng khổ. Ngòi bút Tô Hoài từng bước rọi sâu khám phá thế giới nội tâm nhân vật, ông hiểu tâm tư, nỗi niềm và khát vọng của họ, đồng tình với tinh thần phản kháng, đấu tranh và đồng thời vạch ra cho nhân vật con đường giải phóng. Qua việc mêu tả tâm lí nhân vật hết sức tinh tế, Tô Hoài đã thành công cho thấy vẻ đẹp đáng trân trọng của tâm hồn, khát vọng sống mãnh liệt khuất lấp sau những hình hài câm lặng và cam chịu của những người dân nghèo vùng núi, đặc biệt là người phụ nữ. Sức sống tiềm tàng mạnh mẽ của Mị như một viên kim cương toả sáng giữa núi rừng Tây Bắc. Nhà văn đã kêu gọi con người dũng cảm đấu tranh cho sự sống, cho quyền con người chân chính bằng ngòi bút tài hoa của mình.
Đó chính là tinh thần nhân đạo cao cả mà người nghệ sĩ Tô Hoài đã thể hiện qua việc miêu tả sức sống tiềm tảng ẩn sâu trong nhân vật Mị.
Xem thêm:
- Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
- Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
- Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
- Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học
Sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài