1. “Mỗi người chỉ có một số kiếp và một cõi sống và chính điều đó làm cho lòng ta run lên vì căm giận. trong tác phẩm của mình những nhà văn giỏi bao giờ cũng có một chút muối rắc đâu đó trên từng trang viết. Muối xát lòng người đọc một thì xát lòng người viết ra nó mười lần.”
2. “Tôi nghĩ có lẽ sức truyền cảm cô đúc trong các con chữ ở những nhà văn lương thiện chính là sự ráo riết ý nghĩa ở từng con chữ ấy. Đây chính là cái đẹp vì từ lâu người ta đã coi cái Đẹp là sự sống và sự giản dị là điều kiện thiết yếu của nó.”
3. “Nhà văn trước sau gì vẫn phải – và chỉ là người đi tìm Đạo mà thôi. Anh ta dại dột chạy tế lên trước để vén tấm màn vô thức lên cho mọi người cảm thấy, trông thấy rồi sau đó để họ về nhà, họ ngẫm nghĩ và ý thức để sống cuộc đời của họ sao cho có Đạo.”
4. “Công việc của nhà văn bắt đầu từ đâu? Tôi nghĩ rằng phải bắt đầu từ việc nghiên cứu bạn đọc, đúng hơn là phải nghiên cứu tâm lý dân tộc trong cả một khoảng thời gian dài. Trên cơ sở đó nhà văn dọn ra món ăn tinh thần cho cả thời đại mình. Lúc ấy tác phẩm của anh mới là một tác phẩm xứng đáng. Tính chất hợp thời của một nhà văn đáng kể ở chỗ này.”
5. “Văn học nước ta mới hình thành chưa được 100 năm. Đã đến lúc văn học phải bước những bước chính xác trên hành trình gian khổ của nó. Chính xác cũng là một trong những điều kiện thiết yếu của cái đẹp.”
6. “Đối tượng của văn học là con người. Văn học là khoa học về con người. Tôi không tin những nhà văn không có lý lẽ xác đáng về con người có thể viết hay được.”
7. “Cách đây hai trăm năm, Diderot đã chỉ rõ: “Cái thật, cái tốt và cái đẹp khăng khít với nhau”. Tư tưởng đó đúng với mọi giá trị hàng hóa, trong đó có văn chương.”
8. “Những nhà văn thiên tài hầu hết phải trải qua những tình huống hết sức oái oăm trong số phận của mình. Những khát khao đều phải trả giá. Những khát khao của cá nhân nhà văn phù hợp với khát khao của nhân loại thì nhà văn sẽ làm lễ đăng quang cùng nhân loại. Ngược lại những khao khát của cá nhân nhà văn bệnh hoạn thì bệnh hoạn sẽ làm ma hậu hĩ cho anh.”
9. “Tôi viết bài này với đức tin văn học có ích thật sự và mang lại niềm vui thật sự cho con người. Tôi cũng giữ đức tin văn học là một sự nghiệp cao cả.”
10. “Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì?
Rồi sông đãi hết
Anh hùng còn chi?…”
Xem thêm:
Tham khảo các tài liệu về Lí luận văn học tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/tai-lieu/ly-luan-van-hoc/
Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học