Trong cái xã hội Vũ Đại đó, vẫn tồn tại một nhân vật mà người đọc chỉ coi như “dân ngụ cư” sống nhờ, sống gá vào bên lề dòng chảy của mạch truyện. ấy là Tự Lãng – một thầy cúng kiêm hoạn lợn! Có phải lão chỉ như một kẻ dạt vào câu chuyện, chẳng có địa vị nào đối với tư tưởng tác phẩm? Lão chỉ sống một “đời thừa”? Nhất định không. Bỏ rơi Tự Lãng vào quên lãng thật oan ức cho lão. Chúng ta hay nói đến Nam Thọ, Binh Chức như những tiền thân “trực hệ” của Chí Phèo, mà quên rằng: Tự Lãng cũng là một tiền thân khác của Chí. Chẳng phải thế sao? Trong Chí Phèo, thấy có cả Binh Chức, Năm Thọ lẫn Tự Lãng – cả tên đầu bò lẫn kẻ đau khổ. Thực ra trong cái làng Vũ Đại của nghệ thuật Nam Cao, Tự Lãng gần với lão Hạc hơn, xét về loại hình. Cả hai đều bị dồn đẩy vào một tuổi già cô độc, trơ trọi, khốn cùng. Nhưng trước sau, lão Hạc vẫn là lão Hạc. Còn Tự Lãng đã đầu hàng số phận và dường như đã đặt những bước đầu tiên vào con đường tha hoá. Cột mốc đầu tiên của con đường ấy là rượu. Lúc này, rượu hãy còn là người bạn câm lặng nhưng tin cậy duy nhất. Chỉ có rượu biết cảm thông, chia sẻ đau khổ cùng lão. Về điểm này, có thể xem Tự Lãng là hình ảnh của Chí Phèo ở cái bước đau khổ đang xui khiến Chí tìm đến rượu – nghĩa là cái bước tiền tha hoá, đúng hơn, chớm tha hoá. Thế nên, rượu đã giúp Chí Phèo nhận ra ở Tự Lãng một tri kỉ. Đối với Chí Phèo, tất cả những kẻ uống rượu đều là bạn, “đều hay hay”.
Phải nói rằng, trang mô tả cuộc đối ẩm của đôi tri kỉ cuồng này xứng đáng thuộc vào những trang độc đáo nhất mà văn chương có thể viết về rượu. Đó là khúc hoan ca ngộ nghĩnh và kì dị dành cho những tửu đồ. Rượu đã giúp Chí quên đi một việc ác để làm điều thiện cho lão Tự. Rượu cũng biến một kẻ hoạn lợn thành một triết nhân vừa ngọng nghịu vừa sắc sảo của chủ nghĩa hư vô. Bên dưới bầu trời đầy trăng của của làng Vũ Đại có hai kẻ đang ngụp lặn trong rượu, trong trăng, cũng là hai kẻ vật vã trong đời. Hai nạn nhân khác nhau : một kẻ là nạn nhân của số phận, một kẻ là nạn nhân của xã hội. Từ tương phản này, có thể thấy những ý nghĩa riêng của hình tượng Tự Lãng. Trên cái cây tư tưởng của tác phẩm, Tự Lãng và Chí Phèo là hai nhánh vừa song song vừa kế tiếp. ở Tự Lãng, khát vọng sống đã tắt. “Ai chết cũng thành cái mả”, “cái mả tất”, ấy là triết lí về sự vô nghĩa của kiếp người. Không thiết sống, lão đã tự đầu độc mình bằng rượu và triết lí hư vô để chết mòn. Nghĩa là đã tuyệt vọng một cách hoàn toàn tỉnh táo. Còn ở Chí Phèo, khát vọng sống chưa tắt hẳn. Sau khi đã tỉnh, thì phần người trong Chí quyết không thể chết chìm trong rượu. Tự Lãng hỏi “Người ta đứng lên bằng cái gì?”, đâu phải lời ngớ ngẩn của rượu. Đó thực sự là một triết – lí – líu lưỡi của một kẻ tỉnh đời. Bị ném vào giữa đau khổ, lão đang muốn tìm cách đứng lên đấy chứ, nhưng lão đã bị rượu đánh gục. Còn Chí Phèo, sau khi đã tỉnh ngộ, thì rượu cũng bất lực, không làm hắn tê liệt u tối được nữa. Chí Phèo sẽ ném vào cái xã hội ấy triết lí ghê gớm của mình: “Ai cho tao lương thiện? Làm sao có thể mất được những vết mảnh chai trên mặt này?”. Vậy đấy, cả Tự Lãng và Chí Phèo đều là vấn đề quyền làm người. Họ đều thèm được sống, sống có ý nghĩa. Nhưng các thế lực cả bên dưới và bên trên cái gầm trời Vũ Đại đó đã chà đạp và cướp đi quyền sống của họ. Họ phải chết, mỗi người một cách. Thế nên, Tự Lãng đâu phải nhân vật hài kịch. Lão là bi kịch. Lão là tiếng nói phụ hoạ với Chí Phèo, giúp Nam Cao phê phán gay gắt hoàn cảnh Vũ Đại.
Bài viết của thầy Chu Văn Sơn.
Xem thêm:
- Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
- Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
- Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
- Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học
Giá trị nhân đạo trong Chí Phèo – Nam Cao