Kiến thức lí luận văn học cơ bản về TRUYỆN NGẮN và cách áp dụng vào bài viết

Lí luận văn học là một nội dung nâng cao rất được các bạn quan tâm. Tuy nhiên, nếu không nắm rõ được bản chất của các phạm trù Lí luận văn học mà chỉ lưu các nhận định về rồi không biết cách áp dụng hoặc áp dụng một cách sáo rỗng thì bài viết khó có thể sâu sắc.

Trong bài viết này, Thích Văn học giới thiệu đến các bạn các KIẾN THỨC LÍ LUẬN VĂN HỌC CƠ BẢN VỀ TRUYỆN NGẮN để hiểu khái niệm cũng như đặc trưng của thể loại này. Trên cơ sở đó, bài viết còn đưa đến CÁCH ÁP DỤNG VÀO TỪNG VẤN ĐỀ CỤ THỂ khi viết bài để giúp bài viết sáng tạo và có chiều sâu hơn.

 

1. Khái niệm

Khái niệm: Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ mà nội dung thường chỉ xoay anh một tình huống chủ chốt nào đó.

Một số nhận định quan niệm về truyện ngắn:

–  “Truyện ngắn là cắt lấy một khúc của đời sống” (Tô Hoài)

– “Truyện ngắn là một truyện viết rất ngắn gọn, trong đó cái không bình thường hiện ra như một cái gì đó bình thường, và cái bình thường hiện ra như một cái gì không bình thường”. (Konstantin Paustovsky)

Áp dụng vào bài viết: Khái niệm về truyện ngắn có thể làm áp dụng vào mở bài, lập luận, đánh giá trong quá trình phân tích, chứng minh vấn đề nghị luận. Ví dụ:

– Mở bài: Quan niệm về truyện ngắn, Konstantin Paustovsky cho rằng: “Truyện ngắn là một truyện viết rất ngắn gọn, trong đó cái không bình thường hiện ra như một cái gì đó bình thường, và cái bình thường hiện ra như một cái gì đó không bình thường”. Với [truyện ngắn A] của  [tác giả B] đã truyền tải cho bạn đọc [cái bình thường trong vấn đề nghị luận C] nhưng lại mang một vẻ đẹp đầy phi thường.

– Lập luận, đánh giá, mở rộng: Quả thật, nếu nói truyện ngắn là cắt lấy một khúc của đời sống thì với  [tác phẩm A] của  [nhà văn B] đã mang đến một khúc đời sống [giá trị hiện thực trong tác phẩm A] đầy sâu sắc và đáng để chiêm nghiệm.

 

2. Tình huống truyện

Khái niệm: Tình huống truyện là một sự kiện đặc biệt trong đời sống được nhà văn sáng tạo trong tác phẩm theo hướng lạ hoá.

Vai trò:

– Là hạt nhân cấu trúc của thể loại truyện ngắn, quyết định đến sự sống còn của tác phẩm.

– Là nhân tố chi phối, bao trùm các thành tố khác: bố cục, diện mạo do tình huống truyện quyết định.

– Đối với nhà văn, tạo tình huống đặc sắc là tạo tiền đề thành công cho đứa con tinh thần.

– Là yếu tố làm nổi bật chân dung nhân vật, chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.

Phân loại: tình huống tâm trạng, tình huống hành động, tình huống nhận thức.

Áp dụng vào bài viết: Với những kiến thức lí luận văn học cơ bản về tính huống truyện, trong quá trình viết bài, tuỳ vào từng vấn đề nghị luận mà các bạn có thể vận dụng linh hoạt. Ví dụ:

–  Lập luận, đánh giá, mở rộng: Sáng tạo vốn là một yêu cầu quan trọng đối với người nghệ sĩ trong hành trình góp mật cho đời. Đặc biệt, với thể loại truyện ngắn, việc sáng tạo tình huống truyện là bước đầu thành công, quyết định đến sự sống còn của tác phẩm. Quả thật, [tình huống truyện C] đầy sáng tạo đã góp phần thể hiện giá trị tư tưởng sâu sắc cho [truyện ngắn A]. 

– Lưu ý: nắm vững kiến thức về khái niệm, vai trò và phân loại thì khi đi vào phân tích một tác phẩm truyện ngắn cụ thể, các bạn có thể bám vào những kiến thức ấy để hiểu rõ vấn đề. Ví dụ: khi phân tích nhân vật thì chú ý đến tình huống truyện để đi sâu hơn vào về tính cách nhân vật thể hiện qua tình huống truyện.

 

3. Nhân vật

– Khái niệm: là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Có tên riêng hoặc không. Bên cạnh nhân vật là con người thì nhân vật còn có thể là con vật,… Tuy nhiên, với truyện ngắn, nhân vật là con người vẫn là đối tượng phổ biến và bao trùm.

– Vai trò:

+ Khái quát được tính cách của con người, khái quát hoá cuộc sống, hiện thực được cô đọng, thu đọng lại trong cuộc sống của nhân vật.

+ Là một yếu tố hết quan trọng để truyền tải tư tưởng của tác phẩm.

+ Một yếu tố thể hiện tài năng, cá tính, phong cách của người nghệ sĩ.

+ Tạo nên tính thuyết phục cho người đọc.

– Phân loại:

+ Dựa vào vai trò, vị trí: nhân vật chính, nhân vật phụ.

+ Dựa vào đặc điểm tính cách, thể hiện lý tưởng xã hội: nhân vật chính diện, nhân vật phản diện.

+ Thể loại: nhân vật tự sự, nhân vật trữ tình, nhân vật kịch.

+ Cấu trúc hình tượng: Nhân vật chức năng, nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng.

Áp dụng vào bài viết: Nhân vật trong truyện ngắn thường xuất hiện trong đề thi với các câu lệnh như: Phân tích/cảm nhận về nhân vật A, tâm trạng, tính cách, diễn biến tâm lí nhân vật,… Vậy trên cơ sở kiến thức lí luận văn học cơ bản về nhân vật, page giới thiệu một số cách áp dụng sau:

– Lập luận, đánh giá, mở rộng: Qua [nhân vật A] mà dường như bạn đọc thấy được tính cách, số phận, hiện thực cuộc sống của một lớp người. Đúng như Tô Hoài quan niệm: “Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết trong một sáng tác”.

Mở bài với dạng đề liên quan đến phân tích nhân vật:  Bàn về nhân vật trong truyện ngắn, Bê-ông Brit cho rằng: “Các nhân vật trong tác phẩm nghệ thuật không phải đơn giản là những bản dập của những con người sống mà là hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả”. Nhân vật vốn là một yếu tố giúp nhà văn thể hiện tư tưởng, tài năng và sự sáng tạo của mình. Với  [nhân vật A] của  [tác phẩm  B] chính là một yếu tố như vậy.

| Nội dung do Thích Văn học thực hiện, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.

Xem thêm:

Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học