Kết bài bằng lí luận văn học

Kết bài bằng Lí luận văn học – cho khối THCS

Một vài cách kết bài bằng lí luận văn học đơn giản, mới mẻ và cũng không mất quá nhiều thời gian suy nghĩ!

Nếu chúng ta cứ mãi lo lắng rằng kiến thức lí luận “khó ưa” lắm, thì sẽ chẳng bao giờ chinh phục được nó cả. Hãy mở lòng để kiến thức lí luận được vận dụng thật hài hòa và không làm ta “lú lẫn” nhé các cậu!

Chức năng của văn học

1. Chức năng của văn học

Với cách này, mọi người đưa ra những giá trị của văn chương chân chính để khẳng định thêm về sức sống của nó. Không chỉ dừng lại ở vai trò phản ánh hiện thực, văn học còn nuôi dưỡng tâm hồn và giúp ta rung động một cách chân thành trước những hình tượng nhân vật điển hình, trước cách cảm, cách nghĩ của nhà văn về con người và cuộc đời.

Ví dụ:

Kết bài cho MÙA XUÂN NHO NHỎ

Trong lời gửi gắm của “Thư cho em gái”, nhà thơ Lưu Trọng Lư từng viết rằng: “Thơ không phải chỉ là thơ mà thôi. Thơ còn là “người” nữa. Anh gửi một tâm hồn. Anh gửi em một người. Một người đã sống. Một người biết sống”. Có được những lời sâu sắc này, bởi văn chương nghệ thuật muôn đời đều là câu chuyện đẹp về những con người “đã sống” và ” biết sống”. Thế nên, sống với khát vọng cống hiến và một tâm hồn yêu đời, yêu đất nước đến mãnh liệt như Thanh Hải trong Mùa xuân nho nhỏ luôn là một điều đáng quý. Sự chân thành trong cách sống, cách khao khát hiến dâng “dù ở tuổi hai mươi/dù là khi tóc bạc” của nhà thơ thực sự đã trở thành một vị thuốc vô giá dành cho tâm hồn mỗi chúng ta.

Đặc trưng thể loại

2. Đặc trưng thể loại

Các cậu vận dụng các kiến thức về đặc trưng của các thể loại văn học như: thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, … để nhấn mạnh giá trị của tác phẩm nhé!

Với lớp 9, chúng ta có thể vận dụng những đặc trưng về cốt truyện, chi tiết tiêu biểu, nhân vật (của truyện ngắn) hoặc những đặc trưng về ngôn ngữ, giọng điệu, … (trong thơ) để làm tốt kiểu kết bài này.

Ví dụ:

Kết bài cho nhân vật CỤ BƠ-MEN trong CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG

“Văn học xét đến cùng là câu chuyện của trái tim”. Đặc biệt ở truyện ngắn, những câu chuyện được xây dựng bằng trái tim giàu trắc ẩn, vị tha và tràn đầy yêu thương của tác giả luôn có sức lay động to lớn đến người đọc. Với nhân vật cụ Bơ – men trong “Chiếc là cuối cùng”, O’ Henri đã thực sự mang đến cho chúng ta cả một bức thông điệp đẹp đẽ và sâu sắc về lòng yêu thương, đức hy sinh trong cuộc sống. Và chắc hẳn, câu chuyện về chiếc là thường xuân ấy sẽ “xanh” mãi trong trái tim của người đọc chúng ta.

Phong cách nhà văn

3. Phong cách nhà văn

Với cách này, các cậu chỉ ra một vài nét sáng tạo, độc đáo trong phong cách của nhà văn/nhà thơ để khẳng định nhưng đóng góp của họ thông qua tác phẩm đang được đề cập đến trong bài viết.

Ví dụ: 

Kết bài cho NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI

Đọc truyện ngắn của Lê Minh Khuê, dù khốc liệt, gai góc đến đâu nhưng chúng ta vẫn nhận thấy trong các tác phẩm sự nữ tính, nhẹ nhàng, đầy chất thơ như chính con người tác giả. Chính vì thế, khi đến với Những ngôi sao xa xôi và câu chuyện của ba nữ thanh niên xung phong, chúng ta sẽ thực sự bị ấn tượng về vẻ đẹp của những cô gái này. Cả Nho, Thao và Phương Định đều dũng cảm, gan dạ, có tinh thần trách nhiệm với công việc và luôn yêu thương đồng đội. Với ngòi bút của Lê Minh Khuê, ở họ còn còn sáng lên vẻ đẹp như những ngôi sao xa xôi ở núi rừng Trường Sơn, dù trong gian khổ, hiểm nguy vẫn luôn lấp lánh.

Tiếp nhận văn học

4. Tiếp nhận văn học

Kết bài theo tiếp nhận văn học, là khi chúng ta đưa ra những cảm nhận và sự tin tưởng vào văn chương nghệ thuật. Văn chương luôn khơi gợi lên trong ta những cảm xúc đẹp đẽ về cuộc sống, và khiến ta suy nghĩ tích cực hơn, yêu đời và yêu người hơn.

Ví dụ: Kết bài cho nhân vật Lão Hạc

Đề bài:

Nhận định về nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao, tác giả Hoàng Thị Thương trong Vẻ đẹp con người có viết: “Tinh thần của lão Hạc mới kiên định làm sao! Như thành trì kiên cố xây bằng LÒNG TỰ TRỌNG và TÌNH THƯƠNG. Đói khổ, đớn đau không khuất phục nổi.”

Bằng hiểu biết về truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

Kết bài:

Suy ngẫm lại nhận định sâu sắc của Hoàng Thi Thương, và nhìn vào cuộc đời lão Hạc, ta lại có thêm cho mình những tin yêu vào cuộc sống. Đói khổ đến cùng cực, cô đơn nhưng lão nông già nua ấy vẫn luôn giữ được trong mình nét đẹp đẽ của lòng tự trọng và tình yêu thương con sâu sắc. Thêm yêu lão Hạc và tin tưởng vào cuộc đời, là một lần chúng ta thêm cảm ơn Nam Cao, vì đã luôn nhìn nhận về con người và cuộc đời bằng cái nhìn nhân văn nhất, và rồi ghi vào lòng độc giả chúng ta những xúc cảm thật đẹp đẽ, thiêng liêng nhất.


Tham khảo các tài liệu về Lí luận văn học tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/tai-lieu/ly-luan-van-hoc/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học