chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm

Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm

Đề bài:

“Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm” (Pauxtopxki). Trình bày suy nghĩ của anh, chị về ý kiến trên?

Bài làm

“Tình tự quá, thiêng liêng êm ái quá
Thơ ở đâu thong thả xuống đường mưa
Những hoa quý tỏa hương vương giả
Mây đa tình, như thi sĩ đời xưa…”

(Tình mai sau – Xuân Diệu)

Phải chăng, tự bao giờ, người ta luôn bằng lòng với quan niệm: Nghệ sĩ suốt đời săn tìm cái đẹp và chỉ đi tìm cái đẹp? Văn chương luôn bắt nguồn từ một men say, một tia chớp lóe sáng, một mạch nước ngầm âm ỉ tự bao giờ? Mỗi tác phẩm phải mở ra một hình sắc riêng, một cảm xúc riêng về cuộc sống. Say mê trong khu vườn ngôn từ, đôi khi tôi băn khoăn tự hỏi: Điều gì trước hết làm nên sức hấp dẫn của một tác phẩm? Tìm gặp ý kiến của Pauxtopxki, tôi đã có được lời giải đáp cho chính mình: “Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm”

Văn chương tự bao giờ đã làm bạn với những niềm vui và nỗi buồn của con người? Chỉ biết rằng trên hành trình kiếm tìm, vươn đến nghệ thuật, người nghệ sĩ luôn mang đến một định nghĩa, một chuẩn mực về văn chương. Văn chương là thứ bùa màu nhiệm và bí ẩn có sức cuốn hút và mê đắm lòng người. Bởi lẽ nó được kết tinh từ hàng triệu vị sao tinh tú, của vạn giọt nước trong và của nghìn viên ngọc giữa lòng cuộc sống. Nhà văn chính là người chắt chiu những vẻ đẹp tiềm ẩn, gạn đục khơi trong, đãi cát tìm vàng để sáng tạo nên tác phẩm của mình. Nhưng cái làm nên tầm vóc của nhà văn không phải là sự hoa mỹ về ngôn từ hay quy mô của tác phẩm mà chính là chi tiết – yếu tố đôi khi được coi là nhỏ nhặt, là vặt vãnh trong một tác phẩm lớn. Chi tiết nghệ thuật chính là những yếu tố nhỏ lẻ nhưng mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng của nhà văn. Chi tiết không chỉ là yếu tố cấu thành nên tác phẩm mà còn là nơi gửi gắm những quan niệm nghệ thuật về con người, về cuộc đời. Nhà văn chỉ thực sự là “người thư ký trung thành của thời đại” (H. Balzac) khi anh ta có khả năng làm sống dậy cuộc đời trên trang sách bắt đầu từ những chi tiết nhỏ. Lựa chọn chi tiết để xây dựng nên tác phẩm nghệ thuật không chỉ thể hiện được bản chát sáng tạo của người nghệ sĩ mà còn bộc lộ tài năng, tầm vóc, tư tưởng của người cầm bút. Như vậy, ý kiến của Pauxtopxki cho rằng chi tiết nghệ thuật là linh hồn của một tác phẩm, chi tiết vàng có sức biểu hiện, sức gọi và ám ảnh càng lớn thì càng góp phần nâng cao giá trị và tạo nên những “bụi vàng” óng ánh cho tác phẩm.

Một bài thơ hay, một câu thơ đặc sắc phải là nơi cất giấu được nhiều chi tiết giá trị. Trong thơ, nhờ chi tiết mà cảm xúc của nhà thơ có nơi nương náu. Đặc thù của thơ là cảm xúc và hình ảnh. Hình ảnh chính là chi tiết trong thơ: một cánh chim, một làm mây, một chiếc lá, một nhành hoa hay một tia nắng đi vào thơ không còn là sự vật vô tri nữa…

Nó là hình ảnh phản chiếu tâm trạng, cảm xúc và suy nghĩ của người cầm bút. Để từ một cảnh huống, một tâm trạng mà thấy được nỗi niềm không chỉ của cá nhân thi sĩ mà của cả một thời đại. Trong cái tận cùng của sự cô đơn, cái rợn ngợp của đất trời, như một thói quen của những con người mang trong mình nhiều tâm sự, người thi sĩ đã gửi gắm nỗi buồn của mình thông qua những chi tiết đắt giá:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”

(Tự tình – Hồ Xuân Hương)

Cũng như nhiều bậc thi nhân, Hồ Xuân Hương tìm đến rượu với mong muốn mượn cơn say để quên đi thân phận cô đơn, tủi hổ, bẽ bàng, chua sót của chính mình nhưng càng buồn tủi cùng cực khi “say lại tỉnh”, men rượu không thể xoa dịu được số phận hẩm hiu, lẻ mộn của người phữn. Đi hết vòng say tỉnh của men rượu, người thi sĩ lại càng ý thức được sâu sắc hơn nỗi cô đơn của cuộc đời, nỗi buồn ngấm sâu vào tâm hồn không có gì có thể làm vơi bớt được. Chi tiết “say lại tỉnh” giống như một vòng luẩn quẩn của tình duyên khi trăng khuyết vẫn chưa một lần tròn đầy viên mãn. Thông qua những chi tiết mang giá trị cảm xúc cao, người đọc thấy được một con người chơi vơi giữa thế giới mênh mông, hoang vắng và bất lực trước nỗi cô đơn, trơ trọi của chính mình. Từ đó, người đọc thấy được nỗi buồn của thi sĩ không chỉ là nỗi buồn của đêm tàn canh vắng mà còn là nỗi đau nhức nhối, xót xa, bất lực trước thân phận lẻ mọn của chính mình.

Một câu thơ hay phải cất lên từ biển cuộc đời và bay cao từ luồng gió nghệ thuật. Nghệ thuật làm cho thơ trở nên đẹp đẽ, gieo vào lòng người đọc những cảm xúc thẩm mĩ tuyệt vời. Một nhà thơ tài năng phải là một người thợ lặn lành nghề, lặn sâu vào đại dương cuộc sống, không phải để nhặt nhạnh mảnh san hô bình thường mà để tìm kiếm những viên ngọc trai lấp lánh, những “khối tình con”kết từ máu huyết của loài trai nhẫn lại. cần cù. Chi tiết nghệ thuật không phải là thứ phơi bày ra trước mắt người nghệ sĩ mà là thứ ngọc khô cằn trong bàn tay tài hoa của anh. Một người nghệ sĩ sáng tạo sẽ biết cách khai phá được nhiều chi tiết đặc sắc, mang ấn tượng chủ thể riêng. Cảm nhận chi tiết trong thơ không chỉ là đi tìm nhãn tự, giải mã từ ngữ, cắt nghĩa hình ảnh mà cần đặt nó trong sự tương quan với các biện pháp tu từ, cách sử dụng ngôn ngữ, âm, vần, nhịp điệu để khám phá cái hay, cái đẹp của câu thơ. Ta yêu” Truyện Kiều” đâu chỉ vì “Đoạn trường tân thanh” xé ruột cất lên từ quãng đời mười lăm năm lưu lạc, truân chuyên của cánh hoa Thúy Kiều tài sắc. Người Việt Nam yêu “Truyện Kiều” vì những “ngôn từ gấm hoa” giàu sức biểu cảm, vì âm hưởng ca dao dịu dàng, man mác trong câu thơ lục bát thân thương:

“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Nếu Nguyễn Du không được mệnh danh là “bậc thầy về ngôn ngữ” thì có lẽ truyện kiều sẽ nhàm chán biết bao! Chi tiết được thể hiện thông qua ngôn ngữ, thì văn sẽ hay. Ngôn ngữ của đời thường là một loại quặng còn lẫn tạp chất. Thi sĩ làm công việc của người tình nguyện loại bỏ những tạp chất để đúc kết nên thứ kim loại hoàn hảo hơn, đủ sức óng ánh để phản chiếu tâm hồn. Có những từ là nhãn tự của thơ thì mới có những khổ thơ, bài thơ xuất thần, độc đáo. Nhà thơ làm công việc lựa chọn ngôn từ sao cho đắc ý nhất và mang được ý nghãi sâu sắc nhất. Khi miêu tả Thúy Kiều với đôi ba nét, Nguyễn Du đã dự báo trước số phận của nàng:

“Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Những sinh vật vô tri làm sao có thể “ghen”, làm sao có thể “hờn” trước nhan sắc của con người? Hay phải chăng chính Nguyễn Du đã dự báo trước cuộc đời của Thúy Kiều là mọt cánh hoa “hồng nhan bạc mệnh”? Thi sĩ của chúng ta còn viết

“Bất tri tma bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”

(Độc Tiểu Thanh ky – Nguyễn Du)

Tiếng “khấp” của đại thi hào vĩ đại Việt Nam vẫn còn vang vọng hàng bao thế kỉ, đi giữa lòng người để nói về nỗi đau cuộc đời chất chứa trong tim. Thi sĩ không sử dụng tiếng “khóc” mà lại là tiếng “khấp” tiếng nức nở trong lòng, tiếng nấc xót thương còn vương mãi không nguôi. Nguyễn Du đã để lại cho dời một “tòa lâu đài ngôn ngữ” vô giá, ngôn ngữ làm nên văn chương và văn chương có sức mạnh xoa dịu, phản kháng và tàn phá. Phải trân trọng và biết sử dụng ngôn ngữ thì mới có thể sáng tác và tạo nên những chi tiết “bụi vàng” cho tác phẩm.

Trong tác phẩm “Mấy ý nghĩ về thơ” nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết: “Hình ảnh của thơ trái lại, phải là hình ảnh thực nảy lên trong tâm hồn khi ta sống trong một cảnh huống hoặc trạng thái nào đấy. Đụng chạm với hành động hàng ngày, tâm hồn nảy lên bao nhiêu hình ảnh như những tia lửa tóe lên khi búa đập vào sắt trên đe. Người làm thơ lượm những tia lửa ấy, kết nên một bó sáng, nó là hình ảnh thơ.” Một câu thơ hay phải là câu thơ có chiều sâu về hình ảnh, tức là giàu những chi tiết thực đáng giá. Nếu Huy Cận làm thơ với một “cửa lòng đóng khép”, nếu anh không “mở hồn ra đón lấy tất cả những váng động của đời” thì làm gì có một “Tràng Giang” mà mỗi khi nhắc đến người ta đều phải thốt lên:

“Là tràng giang khổ nào cũng dập dềnh sóng nước
Là Huy Cận khổ nào cũng lặng lẽ ưu sầu”
Một “Tràng giang” được cất lên bởi một nỗi sầu mênh mang của sóng nước:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”

(Tràng giang – Huy Cận)

Huy Cận sử dụng chi tiết cành củi khô “lạc mấy dòng” mà không phải là “trôi mấy dòng” phải chăng đó cũng như tâm trạng của một kiếp người lữ thứ, luôn lạc lõng, bơ vơ bị cuốn trôi theo chiều xoáy của cuộc đời? Cái tôi cô đơn, tội nghiệp của thơ ca lãng mạn đã tìm thấy sự tương đồng của nó trong chi tiết cành củi khô “lạc mấy dòng” của nhà thơ Huy Cận. Chi tiết nghệ thuật làm cho “cái tôi” trong thơ được biểu hiện một cách khái quát. “Cái tôi” xuất hiện mà tận chiều sâu khát vọng của nó mang một ý nghĩa nhân bản sâu sắc, hơn bao giờ hết, con người có thể lắng nghe mọi cung bậc cảm xúc của lòng mình qua thơ ca. “Cái tôi” của Huy Cận buồn ảo não, ngẩn ngơ một nỗi sầu nhân thế, sầu không gian tha thiết. “Cái tôi” của Xuân Diệu sôi nổi, đắm say, rạo rực, tìm ra cái buồn trong cái vui, tìm ra cái đẹp trong sự hắt hiu tàn tạ. “Cái tôi” của Hàn Mặc Tử như điên, như tỉnh, như thực, như mơ, quằn quại, đau đớn và vật vã.

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

(Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử)

Không tìm thấy sự hòa hợp ở cõi thực, thi sĩ tìm niềm an uier trong cõi mộng nhưng mộng đẹp cũng chỉ là hư ảo. Trong giây phút xúc động không nói lên lời, Hàn Mặc Tử viết thơ, đưa những trong trẻo, ngây thơ của ánh mắt năm ấy nhìn mình qua khung cửa. Những đau thương bao ngày còn để lại, không vồn vã, không băn khoăn. Giữa những yêu thương ấy, người thi sĩ họ Hàn kia có đau lòng không? Có đau lòng không khi hình ảnh của người con gái ấy giờ đây như lẫn vào sương khói mông lung và hư ảo? Chi tiết “áo em trắng” đã làm cho câu thơ thêm sự cô đơn, một khung cnarh xứ Huế hiện lên mờ mịt, hư ảo, thi nhân như sống trong ảo giác, không phải nhìn bằng mắt thường mà là bằng đôi mắt tâm tư của thi sĩ. Chi tiết “áo em trắng” không chỉ gợi ra một vẻ đẹp rất riêng của xứ Huế mộng mơ, một vùng đất nhiều sương giăng lãng bãng, những tà áo dài trắng của nữ sinh duyên dáng một thời mà dường như với Hàn Mặc Tử, bóng người con gái ấy cứ xa mãi và cuối cùng chỉ còn đọng lại trong tiềm ức. Chỉ cần một chi tiết nghệ thuật nhỏ nhưng nó đã làm cho bài thơ thể hiện rõ một “cái tôi” đau thương và khát khao tình đời, tình người. Trước sau vẫn là là biểu hiện của một tâm hồn yêu đời đến đau thương và tuyệt vọng…

Bàn về tương quan giữa chi tiết và tổng thể, có ý kiến cho rằng: “Chi tiết nghệ thuật đơn thuần là ánh nắng, chói lọi trong giây lát trước mọi ngươi, mà chi tiết nghệ thuật còn là sắc xanh của buổi chiều tà, đọng lại trong lòng người để rồi cứ vấn vương trăn trở”. Câu nói đó đã khẳng định thực tế, chi tiết luôn tác động mạnh mẽ đến nhận thức con người.

“Trong tác phẩm văn chương, chi tiết có thể nhỏ về quy mô, tầm vóc nhưng nó chứa đựng tư tưởng lớn, tình cảm lớn. Không nhà văn vĩ đại nào nào không tập trung xây dựng hình tượng nghệ thuật từ những chi tiết nhỏ, đặc sắc. Thực tế cho thấy, chỉ bằng những chi tiết cô đúc, tiêu biểu, kết hợp với lối hành văn đầy ẩn ý, nhiều nhà văn đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc bằng những hình tượng nghệ thuật độc đáo, giàu sức biểu cảm.

Trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, hình ảnh Liên và An ngồi nhìn bầu trời đêm với “ngàn sao ganh nhau lấp lánh” không phải là một chi tiết vu vơ. Thạch Lam xây dựng sự tương quan giữa ánh sáng và bóng tối xuyên suốt trong tác phẩm của mình. Bóng tối nơi phố huyện gợi lên bóng tối ấy hiện lên qua đôi mắt của Liên “ngập dần vào cái buồn của một buổi chiều quê”, qua hình ảnh bà cụ Thi với tiếng cười khuất dần trong đêm tối. Đó còn là bóng tối hiện lên qua hình ảnh mẹ con chị Tý với cái chõng nước và ngọn đèn dầu leo lét. Giữa cái bống tối dày dặc của không gian, của cuộc đời thì một tia sáng nhỏ nhoi cũng trở nên quý giá hơn ai. Cái hay độc đáo trong nghệ thuật thể hiện của Thạch Lam là nhà văn đã dùng ánh sáng để miêu tả bóng tối. Trên trời, ánh sáng xuất hiện với sự lấp lánh của những ngôi sao và những con đom đóm lập lòe. Ở con phố huyện nghèo, ánh sáng hiện lên với ngọn đèn của mẹ con chị Tý, bếp lửa của bác Siêu, những hột sáng lọt ra từ khe cửa của ngôi nhà, Thạch Lam tập trung miêu tả hình tượng bóng tối và ánh sáng xuyên suốt trong tác phẩm của mình đó không phải là một chi tiết vu vơ. Đằng sau nó chứa đựng niềm khao khát rất lớn của hai đứa trẻ, niềm khát khao hướng đến một bầu trời khác, nguồn sáng khác mà không phải là cuộc sống lụi tàn trong vô vọng như ở phố huyện…

Trong tác phẩm văn học, nếu thiếu đi chi tiết, nhà văn sẽ không thể đúc kết nên tác phẩm. Và không có một tác phẩm lớn nào mà chi tiết lại nhạt nhẽo, nông cạn, thiếu sức sống. Trong tiếp nhận văn học, càng không xem nhẹ chi tiết. Mỗi người nghệ sĩ đều có cánh khai thác chi tiết riêng biệt. Nếu Thạch Lam đi tìm và khám phá chi tiết trong cái đẹp đời thường, Vũ Trọng Phụng mổ xẻ một hiện thực cực đoan, Nguyễn Tuân khao khát cái đẹp trong một thời quá vãng thì Nam Cao lại thể hiện và xây dựng chi tiết bằng ngòi bút tỉnh táo và đúng mực. Xuất phát từ hiện đại về con người, hướng tới vẻ đẹp nhân văn đích thực của con người. Truyện ngắn và truyện dài của Nam Cao mạnh dạn đi vào tận cùng các cực đối lập trong nhân tính, tâm hồn của con người. Khi cùng viết về đề tài người nông dân, nhưng ở hai văn khác nhau, hại góc độ khác nhau lại sinh ra những nhân vật và giá trị thẩm mũ khác nhau. Đọc “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, người đọc tiếp cận với một khoảng không gian ngột ngạt, oi bức, nỗi khổ đè nặng trên đôi vai gầy yếu, nỗi đau xé lòng của Dậu dường như đã trở thành nỗi đau tột cùng. Bên cạnh đó, còn có một hình ảnh Chí Phèo, một hình ảnh của sự khốn cùng về người nông dân trong xã hội cũ. Với ngòi bút sắc lạnh nhưng ấm áp tình người, Nam Cao đã thổi hồn cho nhân vật của mình bước ra khỏi trang văn, đến với hiện tại và trở thành một điển hình của nghệ thuật. Viết về cái bi nhưng Nam Cao cũng muốn tô sáng cái đẹp, nếu nhà văn không thương lấy nhân vật của mình thì có lẽ cuộc đời của Chí sẽ không có sự xuất hiện của Thị. Nam Cao xây dựng nên một nhân vật Thị Nở trong tác phẩm của mình đã thể hiện được ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Khi cả làng Vũ Đại không chấp nhận Chí là một con người thì Thị lại chính là người dang rộng vòng tay để đón lấy Chí. Một người đàn bà xấu xí, dở hơi kỳ diệu thay thay lại là một nguồn sáng duy nhất chiếu rọi vào chốn tối tăm nơi tâm hồn Chí để thức tỉnh, để gợi dậy bản tính người nơi Chí, để thắp sáng một trái tim đã ngủ mê qua ngày tháng bị vùi dập, hắt hủi. Nhân Vật Thị Nở được ví như một vị thiên sứ, vị thiên sứ này không có đôi cánh thiên thần nhưng có một đôi tay đầy ắp tình người. Thiên sứ ấy như một ngọn gió, một ngọn lửa thổi vào tâm hồn Chí; nếu là gió, gió sẽ thổi bay lớp tro tàn đang vây quanh Chí; nếu là lửa, lửa sẽ đốt cháy lớp vỏ quỷ dữ để trả lại Chí hình hài một con người… Ngòi bút của Nam Cao bao giờ cũng mạnh mẽ, bao giờ cũng dứt khoát và lạnh lùng, nhưng mấy ai biết được rằng bên trong sự lạnh lùng, dứt khoát ấy vẫn là một tình yêu thương tha thiết đối với nhân vật của mình? Nam Cao xây dựng chi tiết “bát cháo hành” đâu phải là một chi tiết vu vơ, nhà văn phát hiện trong chiều sâu của nhân vật là bản tính tốt đẹp, chỉ cần một chút tình thương chạm khẽ là nó có thể sống dậy mạnh mẽ, tha thiết… “Bát cháo hành” khiến hắn cảm thấy xúc động bởi vì lần đầu tiên hắn được một người đàn bà nấu cho. Hương cháo là hương của cuộc đời, hương của tình yêu mà trước giờ chưa ai cho hắn cả. Hình ảnh “bát cháo hành” là một chi tiết nghệ thuật đặt giá mà Nam Cao xây dựng thành công trong tác phẩm của mình. Bởi lẽ, đằng sau một chi tiết nhỏ nhặt ấy lại chính là sự vị tha và yêu thương tha thiết của nhà văn trước những bản tính tốt đẹp nơi Chí nói riêng và người nông dân bần cùng trong xã hội cũ nói chung.

Như vậy, chi tiết nghệ thuật phải gắn với quan niệm nghệ thuật và quan niệm nhân sinh của nhà văn. Đối với người đọc khi nhận biết được các chi tiết đắt giá trong tác tác phẩm, chúng ta có thể làm sáng tỏ được ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật, tư tưởng chủ đề của tác phẩm và hiểu rõ ý đồ sáng tạo của nhà văn. Trong truyện nhờ chi tiết mà cốt truyện được triển khai và phát triển đầy đặn, thông qua chi tiết mà cảnh trí, tình huống, tính cách, tâm trạng, hình dáng, số phận của nhân vật được khắc họa và bộc lộ đầy đủ. Nhiều chi tiết trở thành những điểm sáng thẩm mĩ của tác phẩm, có vị trị không thể thiếu trong sự phát triển của cốt truyện, gắn liền với những bước ngoặt trong cuộc đời, số phận nhân vật. Thiếu chi tiết là sự đặc tả, thiếu tính cụ thể, truyện sẽ trở nên hời hợt, thiếu sức hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu quá nhiều chi tiết thì truyện sẽ rối rắm, rườm rà, giảm giá trị thẩm mĩ của tác phẩm. Chi tiết gánh trọng trách truyền tải đến người đọc những thông điệp mà nhà văn gửi gắm, những cách nhìn và quan niệm sâu sa về con người và cuộc đời của người nghệ sĩ. Nói người đọc, cảm nhận chi tiết nghệ thuật là mở ra những cánh cửa đầu tiên để đi vào thế giới nghệ thuật của một tác phẩm văn học. Nhà văn sẽ không thể làm nên tên tuổi của tác phẩm tự những chi tiết nghệ thuật nhỏ nhất bởi chân lý trong sáng tạo nghệ thuật luôn là: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”.

Tóm lại, Pauxtopxki đã đưa ra một quan niệm đúng đắn trong nghệ thuật sáng tác. Dù là thơ hay văn xuôi, đều cần phải xây cát từ chi tiết. Theo quy điển hình hóa của nhân vật, qua một giọt sương để thấy cả bầu trời. Nghệ sĩ lớn là người có khả năng chưng cất cả đại dương vào trong giọt nước, để vũ trụ vào trong một sương. Tầm cỡ của nhà văn là khi viết về những vấn đề những cái không đâu, vặt vãnh nhưng khơi gợi được những vấn đề lớn liên quan đến số phận con người, nhân loại nhờ chi tiết. Xin mượn câu nói của nhà phê bình Nguyễn Thanh Tú để đúc kết lại vấn đề rằng: “Nếu một tác phẩm được ví như bóng đèn điện thì các chi tiết được ví như những sợi dây tóc phát sáng. Tác phẩm chỉ có thể sống được nếu nó được xây dựng nên những chi tiết đắt giá”.


Bài viết của Ngọc Ly.

Xem thêm:

Tham khảo các tài liệu về Lí luận văn học tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/tai-lieu/ly-luan-van-hoc/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học