Chí Phèo say hay tỉnh?

Chí phèo say hay tỉnh - Nam cao

Có người đã cố chứng minh rằng Chí Phèo tỉnh, Chí Phèo không say! Là nói cực đoan thôi! Bởi Chí Phèo hoàn toàn tỉnh thì vô lí, Chí Phèo hoàn toàn say thì vô nghĩa. Sự độc đáo của hình tượng Chí Phèo chính là trạng thái say – tỉnh bất phân. Đó không hẳn là các mặt tách bạch của mâu thuẫn: bên ngoài – bên trong, bề mặt – bề sâu. Mà cái say – tỉnh nằm ngay ở ranh giới giữa các “bề” đó. Thế nên, lúc điên rồ nhất cũng là lúc tỉnh nhất.

Còn gì điên rồ hơn cách chửi của Chí Phèo ? Nhưng hãy xem các đối tượng bị chửi cứ dần thu hẹp lại: từ xa xôi không đâu nhất, đến đụng chạm sát sạt nhất là Trời, rồi Đời, rồi làng Vũ Đại, cuối cùng là những “đứa chết mẹ nào không chửi nhau với hắn”, sẽ thấy cái logic của một tâm lí tỉnh táo. Tỉnh táo ngay trong đau khổ cùng cực. Rồi xem tiếp cái cách Nam Cao “bào chữa” cho Chí Phèo : “Giá hắn biết hát thì có lẽ hắn không cần chửi. Khổ cho hắn và khổ cho người, hắn lại không biết hát. Thì hắn chửi…”. Đau khổ vì bị tẩy chay, bị loại khỏi thế giới người, hắn bức xúc và cần giải toả. Nếu hát được, đau khổ sẽ vợi bớt. Nhưng trời đâu phú cho Chí Phèo năng khiếu thanh nhạc! Vậy chửi là một kiểu hát của Chí Phèo chứ sao? Bài hát lộn ngược của một linh hồn méo mó và đau khổ. Vả chăng, cũng cần phân biệt cái tỉnh của một người nghiêm chỉnh, của một lương tri, khác với trạng thái tỉnh như là tan cơn say của một tên côn đồ, lưu manh.

Cuộc đời Chí Phèo có thể chia thành hai chặng lớn: trước và sau khi gặp Thị Nở. Trước khi gặp Thị Nở cũng có hai chặng nhỏ mà mốc phân định là nhà tù. Nhà tù thực dân đã biến một người lương thiện thành một tên lưu manh. Sau khi ra tù về làng, các thế lực như Bá Kiến đã làm nốt công đoạn cuối cùng của việc tha hoá Chí Phèo: biến một tên lưu manh thành một con quỉ dữ. Từ đó, Nam Cao mô tả đời hắn như một cơn say dài, mênh mông bất tận, “và có lẽ hắn chưa bao giờ tỉnh táo, để nhớ rằng có hắn ở trên đời”. Thị Nở thực sự là một bước ngoặt lớn trong đời hắn, mà trước nhất là, trong tâm lí Chí Phèo. Tuy chỉ có năm ngày ngắn ngủi, nhưng đó thực sự là một quãng đời khác: Chí được sống rồi chết như một con người.

Cũng không phải gặp thị Nở là có ngay sự thức tỉnh sâu xa. Nam Cao tỏ ra rất am hiểu cái diễn biến biện chứng của tâm lí. Ông đã miêu tả nó theo một yêu cầu hiện thực nghiêm ngặt. Quả thực, cuộc chung chạ đêm trước với Thị Nở đêm trước mới đánh thức dậy cái phần bản năng của một gã đàn ông. Và một cuộc chung đụng có lẽ cũng chỉ là được có thế. Phải đến sáng hôm sau được hưởng sự chăm sóc mộc mạc và chân thành của Thị Nở thì trong Chí Phèo mới có sự thức tỉnh cần thiết: bản chất lương thiện của một người nông dân bị vùi lấp đã trỗi dậy, lương tri đã trở về.

Nhưng lương tri trở về lại nhanh chóng đẩy bi kịch tha hóa của Chí Phèo đến hồi chót của nó.


Bài viết của thầy Chu Văn Sơn.

Xem thêm:

Giá trị nhân đạo trong Chí Phèo – Nam Cao

Tham khảo các bài văn mẫu nâng cao tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/van-mau/nang-cao/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB Thích Văn Học