Cảm nhận khổ thơ 3 bài thơ “Viếng lăng Bác” – Viễn Phương

Khổ 3 bài thơ “Viếng lăng Bác” đã từng xuất hiện trong đề thi, gần đây nhất có Đề thi tuyển sinh vào 10 của Sở GD & ĐT Hà Nội năm 2020 – 2021,… Tuy nhiên với một ngữ liệu có thể xuất hiện nhiều dạng câu hỏi khác nhau. 

Các bạn tham khảo bài viết dưới đây của THCS Hồng Thái và ghi lại những cách diễn đạt hoặc những kiến thức mà mình tâm đắc nhé!

 

Bài làm

Bác Hồ – vị cha già của dân tộc, viết về Người, Viễn Phương đã gửi gắm trong khổ ba bài thơ “Viếng lăng Bác” những dòng cảm xúc chân thành xót xa, đầy nuối tiếc trước hình ảnh yên nghỉ của vị lãnh tụ vĩ đại cũng như những suy nghĩ về sự vĩnh hằng của Người.

Mang trong lòng những cảm xúc thiêng liêng, thành kính, nhà thơ ở miền Nam xa xôi ra thăm lăng Bác vào tháng 4 năm 1976. Sau chuyến đi đó, tác phẩm “Viếng lăng Bác” ra đời, thể hiện tấm lòng thành kính và niềm xúc động khôn nguôi của nhà thơ khi được thăm viếng Bác Hồ. Neo đọng lại nơi lòng bạn đọc là những tiếng lòng thương nhớ Bác như tràn ra bề mặt câu chữ của tác giả, đặc biệt là khổ thơ 3.

Bác Hồ đã ra đi từ năm 1969 nhưng tới năm 1976, nhà thơ Viễn Phương mới có dịp tới thăm Người. Chính vì thế khi được vào thăm Người, được tận mắt thấy Người nằm yên trong giấc ngủ ngàn thu, Viễn Phương đã không khỏi xúc động:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”

Bác đã đi xa nhưng với nhà thơ, Bác chỉ đang trong “giấc ngủ bình yên” sau những tháng năm dài vất vả lo lắng cho dân tộc Việt Nam. Không gian và thời gian đều như ngưng đọng lại vào giờ phút ấy. Những ngọn đèn tỏa chiếu ánh sáng ấm áp như ánh trăng “sáng dịu hiền” bao bọc chung quanh Người. Viễn Phương đã có sự liên tưởng thú vị như thế là bởi vì cả cuộc đời của Bác, vầng trăng luôn là tri kỉ của Người, từ lúc bị tù đày ở Trung Quốc, đến khi trở lại chiến khu Việt Bắc:

“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”

(Vọng nguyệt)

Hay:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”

(Cảnh khuya)

Lặng lẽ ngắm nhìn Bác trong giấc ngủ, trong lòng Viễn Phương chợt dâng lên một niềm xúc động mãnh liệt:

“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”

Tác giả đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ “trời xanh” nhằm khẳng định sự vĩ đại và nhấn mạnh sự trường tồn, vĩnh cửu của Người. Song cấu trúc “Vẫn biết… mà sao…” đã thể hiện nghịch lí, sự đối lập trong tâm trạng của tác giả. Đó là sự xúc động nghẹn ngào, là niềm tiếc thương vô hạn của người con miền Nam đối với Bác. Nhà thơ biết rằng sinh lão bệnh tử là quy luật của tự nhiên và chẳng ai có thể thoát khỏi được quy luật ấy. Bác đã hóa thành “trời xanh” trên cao để sống mãi cùng dân tộc. Dẫu biết thế nhưng ông vẫn vô cùng đau xót trước sự ra đi của Người. Đó là sự mất mát to lớn đối với cả dân tộc Việt Nam ta.

Với những vần thơ hàm súc, trang nghiêm, tha thiết, giàu cảm xúc, hai khổ thơ thứ hai và thứ ba của bài thơ “Viếng lăng Bác”, đã bộc lộ cảm xúc chân thành, sâu sắc của một người con phương Nam tới thăm lăng Bác Hồ. Đó cũng là tình cảm chân thành, tha thiết mà tất cả những người con Việt Nam đối với vị cha già kính yêu của dân tộc.

Thơ ca quả thật là tiếng lòng muôn điệu. Thơ mà không có cảm xúc cũng chỉ là những câu chữ cứng đơ trên trang giấy. Đến với những vần thơ của Viễn Phương, bạn đọc không khỏi nghẹn ngào trước cái “nhói tim” của tác giả khi phải rời xa lăng Bác. Đúng như nhận định: . “Bài thơ là một nén hương thơm mà Viễn Phương thành kính dâng lên Bác Hồ kính yêu.”

Xem thêm:

  • Tham khảo bộ tài liệu ôn thi vào lớp 10: Tài liệu
  • Tham khảo các bài văn mẫu tại chuyên mục: Văn Mẫu
  • Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học