bài giải khuyến khích 1 thi nlvh lần 1

Bài đạt 9 điểm – Giải khuyến khích cuộc thi viết Nghị luận văn học lần 1

Đề bài: Cảm nhận về nhân vật Phương Định trong đoạn trích sau:

 Còn chúng tôi thì chạy trên cao điểm cả ban ngày.

[…]

  Đứa nào cũng leo tót lên trọng điểm, cầm xẻng xúc, nói vài câu buồn cười với một anh lái xe nào đó.”

(Trích Những ngôi sao xa xôi, Lê Minh Khuê, Ngữ văn 9, tập 2, trang 114)

 

Bài làm

    

Theo Tố Hữu “Văn học không chỉ là văn chương mà thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ chẳng là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học”. Có lẽ, “cuộc đời” thời chiến tranh, thời mưa bom lửa đạn của giặc Mỹ chính là “mảnh đất” hiện thực màu mỡ mà mỗi nhà văn, nhà thơ đang cố gắng lượm nhặt những gì tinh túy nhất, biểu diễn cái “tôi” riêng trên trang viết để đi đến “đích” của văn học. Cũng chung cái nhìn ấy, với Lê Minh Khuê, bà không chỉ khắc họa sự tàn khốc, ác liệt của chiến tranh mà còn tái hiện tinh thần dũng cảm, phẩm chất anh hùng, sự nhiệt tình, trách nhiệm cao với công việc, vẻ đẹp hồn nhiên, trẻ trung, trong sáng của những nữ thanh niên xung phong trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Tất cả những phẩm chất tốt đẹp ấy được hội tụ và hòa quyện ở cô “hoa hậu” trong lòng bom đạn, nhân vật chính của truyện – Phương Định. Đặc biệt, đoạn trích sau đã cho độc giả thấy rõ điều ấy:

 Còn chúng tôi thì chạy trên cao điểm cả ban ngày.

[…]

  Đứa nào cũng leo tót lên trọng điểm, cầm xẻng xúc, nói vài câu buồn cười với một anh lái xe nào đó.”

 

Lê Minh Khuê là một cây bút chuyên viết truyện vừa và truyện ngắn, trong đó các tác phẩm về truyện ngắn mang phong cách độc đáo và nổi bật hơn cả. Trước năm 1975, tác phẩm của bà thường xoay quanh cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ trên đường mòn Hồ Chí Minh. Cũng chính bởi điều này mà bà được mệnh danh là “vì sao sáng trên bầu trời văn học”, “cây bút nữ xuất sắc của thời đại kháng chiến chống Mỹ”. Khi viết, bà nhất quán với quan niệm “tả chân” nhìn thẳng vào thực tế để miêu tả. Truyện “Những ngôi sao xa xôi” là một trong những tác phẩm đầu tay thể hiện sâu sắc khuynh hướng sáng tác mà bà hướng đến. Truyện được ghi bút vào năm 1971, khi đó cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt. Truyện kể về cuộc sống chiến đấu của ba cô gái thanh niên xung phong thuộc tổ trinh sát mặt đường: Nho, Thao và Phương Định. Các cô sống dưới chân cao điểm với nhiệm vụ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá cần san lấp, đánh dấu vị trí các quả bom chưa nổ và cần thì phá bom. Cuộc sống tuy gian khổ nhưng họ vẫn hiện lên là những con người trẻ trung, hồn nhiên và gắn bó với nhau trong tình đồng đội.

 

Phương Định là nhân vật chính của truyện “Những ngôi sao xa xôi” và cũng là người kể chuyện. Nhà văn chọn ngôi kể qua điểm nhìn của Phương Định để miêu tả một cách trần trụi hiện thực chiến tranh. Cô và hai người đồng đội sống trong một cái hang được mệnh danh là “túi bom của địch”. Ngày ngày, người con gái Hà thành ấy đều phải đối mặt với những quả bom “nằm lạnh lùng trên một bụi cây khô, một đầu vùi xuống đất” với tâm thức: cái chết đang liền kề. Bằng sự nhanh nhẹn, mảnh mai và thông minh, cô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tránh được thiệt hại về người và của trên tuyến đường ra trận.

 

Mở đầu đoạn trích, ta thấy Phương Định hiện lên là một cô gái dũng cảm, kiên cường, không ngại hi sinh gian khổ. Như đã đề cập ở trên, cuộc đời cô gắn liền với mưa bom, đạn lửa rình rập và thần chết luôn xuất hiện bất cứ lúc nào. Đó là một tên “không thích đùa”. Hắn luôn chờ thời cơ cô chạy trên cao điểm cả ngày mà ra tay. Những lời miêu tả mộc mạc, đầy chân thật của Lê Minh Khuê đã khiến người đọc rùng mình mà sợ hãi về sự tàn khốc của chiến tranh. Có thể nói, cái “mùi” của chiến tranh thật nồng nặc, nó gây ra biết bao tổn thất và thiếu thốn cả tâm hồn và thể chất cho con người. Nếu trong “Những ngôi sao xa xôi” sự ác liệt thể hiện ở “đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần” thì trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật không khí chiến trường thể hiện ở việc tiếp xúc với thiên nhiên khi xe không có kính của những người lính lái xe:

“Không có kính, ừ thì có bụi

Bụi phun tóc trắng như người già

…..

Không có kính, ừ thì ướt áo

Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời”

    Những người lính lái xe Trường Sơn sẵn sàng đối đầu với khó khăn “bụi phun”, “mưa xối” để quyết chí cho miền Nam trong tim. Họ nguyện hi sinh thân mình để đất nước được độc lập, tự do. Những điều kiện khắc nghiệt này sẽ không thể làm lay chuyển được tinh thần dũng cảm, yêu nước nồng nàn của những người lính và Phương Định cũng vậy. Cô tâm sự “Tôi bây giờ còn một vết thương chưa lành miệng ở đùi” nhưng cô vẫn quyết không vào viện quân y. Nhà văn dùng từ “tất nhiên” để nói về sự từ chối dứt khoát của cô gái. Điều đó càng khiến độc giả thấy được sự nhiệt tình, một lòng thủy chung với công việc. Dường như cô đã coi công việc này như một phần đời sống của mình. Chắc có lẽ bởi cô phá bom một ngày đến năm lần “Ngày nào ít: ba lần”. Bom mìn dội khắp nơi và có thể nổ bất cứ lúc nào nhưng người con gái ấy vẫn nói với giọng bình thản, pha chút ngang tàng, không hề run sợ. Cô và những người đồng đội vẫn quyết:

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước 

Mà lòng phơi phới dậy tương lai”

 (Theo chân Bác – Tố Hữu)

Đúng vậy, họ rời chốn đô thị phồn hoa, để tiếp nối truyền thống yêu nước với ước mong góp sức trẻ của mình để Tổ quốc sạch bóng quân thù. Trước những thách thức ấy cô vẫn nói “Việc nào cũng có cái thú của nó” mặc dù thần kinh vẫn căng như chão, tim vẫn đập bất chấp cả nhịp điệu”. Về hình ảnh cô thanh niên xung phong, ta còn bắt gặp nhân vật Nguyệt trong truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Cô cũng mang cho mình tinh thần dũng cảm, ý chí sắt thép. Khi bị thương, cô cũng chẳng hề bận tâm “Anh cứ yên tâm, vết thương chỉ sướt da thôi. Từ giờ đến sáng em có thể đi lên đến tận trời được”. Các nữ thanh niên trong mỗi tác phẩm văn học đều sẽ được phác họa, tô vẽ bằng những chất liệu, kiểu loại, ngôn từ, văn phong riêng nhưng tựu trung lại chúng đều là ngợi ca về vẻ đẹp phẩm chất anh hùng của họ. Chỉ với vài câu văn ngắn gọn, ngôi kể phù hợp, Lê Minh Khuê đã cho Phương Định tự kể về công việc và sự dũng cảm của mình một cách thật tự nhiên. Cũng ca ngợi về tinh thần của những thanh niên xung phong nói chung, nhà thơ “ Thanh Thảo” từng ghi:

“ Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi 

Thì còn chi Tổ quốc”

Nối liền mạch cảm xúc đó, ta thấy rằng Phương Định còn là một người có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Mỗi khi phá bom xong cô luôn phải “quay lại nhìn cảnh đoạn đường một lần nữa”. Cô muốn chắc chắn rằng con đường huyết mạch này vẫn an toàn rồi mới “thở phào”. Lê Minh Khuê chỉ dùng một câu văn để nói về phẩm chất này nhưng cũng đủ để độc giả cảm nhận được cô như gắn liền với công việc này. Cái cách cô làm việc thật đáng để ta nể phục. Chắc hẳn cô ý thức được tầm quan trọng của con đường này. Bởi đây chính là con đường duy nhất nối liền hai miền Nam Bắc. Nếu trên con đường chỉ cần một quả bom còn sót lại, hay đường bị đánh lở loét trở nên gồ ghề thì những người đồng đội của cô sẽ không thể chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Vì vậy mà Phương Định hứa với bản thân dù có phải chết, cô vẫn quyết không để tuyến đường giao thông bị đứt mạch. Phẩm chất này lại khiến chúng ta nhớ đến anh thanh niên của tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” được nhà văn Nguyễn Thành Long viết. Anh thanh niên được giới thiệu phải làm công tác khí tượng một mình trên đỉnh Yên Sơn. Dù không có ai giám sát nhưng anh chưa bao giờ bỏ bê công việc. Anh từng nói: “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?” ; “công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”. Phương Định, anh thanh niên và tất cả những con người không nhớ mặt đặt tên ngoài kia đang nỗ lực, cố gắng từng ngày để làm nên một mùa xuân cho đất nước.

 

Không những vậy, nhà văn đã đưa độc giả đến với chi tiết Phương Định quay trở lại hang với một tâm hồn trẻ trung, hồn nhiên, yêu đời. Có thể nói chi tiết này chính là “hạt bụi vàng” mà nhà văn đã xây dựng cho tác phẩm của mình. Giữa muôn vàn hiểm nguy, khó khăn trên cao điểm cô đanh thép, gan dạ bao nhiêu thì giờ đây khi vào trong hang cô lại vui tươi, ngây thơ bấy nhiêu. Vào hang cô như “sà ngay vào một thế giới khác”. Cái mát lạnh của không khí trong hang khiến toàn thân cô bỗng chốc “rung lên”. Lời văn giản dị đậm chất nữ tính khiến cho những gì gọi là tàn khốc, ác liệt của chiến tranh không còn mà thay vào đó là một sự bình yên đến lạ thường. Lê Minh Khuê từng tâm sự: “Tôi muốn người đọc đọc được tác phẩm của mình thấy được trong cái hiện thực trần trụi vẫn có hơi hướng lãng mạn. Và đâu đó vẫn tồn tại những tính cách nguyên thủy nhất, để con người không bị đẩy lùi về phía bóng tối”. Chính vì thế mà bà luôn dùng hiện thực thô ráp, trần trụi làm phông nền để biểu diễn tâm hồn lãng mạn của con người. Phương Định cũng không ngoại lệ. Cô hiện lên thật trẻ trung với cách giới thiệu là một cô gái “khá”. Trong hang, cô “ngửa cổ uống nước”, “nước suối pha đường”. Xong cô lại nằm dài trên nền ẩm, “nghe ca nhạc từ cái đài bán dẫn nhỏ mà lúc nào cũng có pin đầy đủ”. Nhà văn quả thật rất tài tình khi miêu tả được sự biến đổi tâm lý của cô. Dường như chỉ khi hoàn thành xong nhiệm vụ cô mới có thể nghĩ đến việc nghỉ ngơi. Sự lạc quan, yêu đời, những mơ mộng của cô không một bom đạn nào có thể hủy diệt nổi. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào sự ngây thơ, trong sáng ấy vẫn sáng ngời nơi cô – một cô gái thanh niên tuổi đôi mươi.

 

Bằng cách kể chuyện tự nhiên, hóm hỉnh, giọng điệu trần thuật phong phú, linh hoạt , kết hợp với khả năng miêu tả tâm lý nhân vật tài tình của nhà văn, đoạn trích đã giúp độc giả hiểu thêm về nữ thanh niên xung phong Phương Định và phẩm chất, tâm hồn của người con gái ấy. Cô không chỉ dũng cảm, có tinh thần trách nhiệm mà còn vô cùng hồn nhiên, vô tư, trong sáng. Cách đặt ngôi kể phù hợp cũng góp phần làm đời sống của Phương Định trở nên rõ ràng, gần gũi và thực tế hơn. Hình ảnh của cô khiến chúng ta nhớ đến ý thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ trong “ Khoảng trời hố bom” có viết:

“Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng

Những vì sao ngời chói lung linh”

 

Đoạn trích nói riêng và cả tác phẩm nói chung như là lời gửi gắm của Lê Minh Khuê đến các thế hệ sau này. Đầu tiên bà muốn nói giới tính không quyết định số phận, tinh thần và nội lực của mỗi người sẽ làm điều đó. Dù chúng ta có là nam giới hay nữ giới, nếu chúng ta có nhu cầu,chúng ta vẫn có thể đóng góp cho cuộc đời bằng rất nhiều cách khác nhau, giống như Phương Định, Nho, Thao. Thời đại ngày nay cũng thế, mỗi người sẽ có cách thức, sự định hướng tốt đẹp để có thể phát triển bản thân, sống cho chính mình và cho xã hội. Tiếp theo đó, bà muốn con người dù trong bất cứ khi nào cũng không được thay đổi cái bản chất tốt đẹp của chúng ta. Hãy sống là chính mình, nghe những lời khuyên từ mọi người và điều chỉnh bản thân để trở nên hoàn thiện hơn. Cuối cùng, những thế hệ như chúng ta cần phải liên tục nhớ về nguồn cội, nhìn lại những gì đã qua để tiếp thêm sức mạnh vững bước trong hiện tại và tương lai. Tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, tinh thần tự hào dân tộc vẫn luôn ẩn dấu trong mỗi người và được truyền sang nhiều thế hệ và cho đến tận ngày hôm nay. Chúng ta cần nhìn lại quá khứ để thêm trân trọng hòa bình, độc lập mà ông cha đã đổ máu  làm nên và ý thức, phấn đấu hơn nữa để đất nước ngày một giàu mạnh.

 

Tạ Duy Anh cũng đã từng chiêm nghiệm: “Lê Minh Khuê là một tay bút lão luyện,tay nghề cao khi khiến người đọc không nhận ra đâu là hư cấu và đời thật”. Và với trích đoạn trên thuộc “Những ngôi sao xa xôi” bà cũng không ngần ngại “thọc tay” vào những góc cạnh dữ dằn của đời thực để vẽ nên phẩm chất anh hùng của Phương Định. Cô mang trong mình sự kiên cường, dũng cảm, hết mình với công việc và sự trong sáng, yêu đời, lạc quan. Cô đã đại diện cho thế hệ trẻ dám hi sinh để “dấn thân” vào cuộc hành trình đầy gian khổ của dân tộc. Phải chăng chính những năm tháng chống Mỹ đã khiến Lê Minh Khuê trở thành người “thư ký trung thành của thời đại” anh hùng ấy. Kháng chiến đã thắng lợi nhưng mỗi lần lật lại trang sách của cây bút “lão luyện” ấy người đọc lại không khỏi ngậm ngùi trước sự đau thương, mất mát của chiến tranh và vẻ đẹp tỏa sáng của những cô gái tuổi xuân mang ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

 

Bài viết của bạn Phạm Thị Ngọc Ánh, bài viết đã được team Thích Văn học biên tập lại

 

Nhận xét chung

– Ưu điểm:

+ Bài viết đảm bảo bố cục 3 phần, diễn đạt sáng tạo, có kĩ năng viết bài. 

+ Nội dung phân tích tốt, rõ ý, có liên hệ, mở rộng phù hợp,có ý nghĩa hình tượng nhân vật sâu sắc. 

+ Bài viết thể hiện được sự chỉn chu của người viết.

– Một số vấn đề cần lưu ý: 

+ Bài viết sẽ tốt hơn nữa nếu em có thể nâng cấp bài viết của mình bằng lí luận văn học. 

+ Vẫn còn một số lỗi chính tả.

+ Lưu ý “thi phẩm” là tác phẩm thơ chứ không phải tác phẩm nói chung. Phân tích về truyện nhưng em lại sử dụng rất nhiều từ thế như “thi sĩ, thi phẩm”.

Xem thêm: